Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
11:19 (GMT +7)

Lý thuyết Thông tin trong Truyện Kiều

Một trong những lý thuyết có ảnh hưởng lớn tới văn học hiện đại là Lý thuyết Thông tin. Lý thuyết Thông tin (communications) hướng vào xem xét hình thức liên lạc phổ biến của con người - Ngôn ngữ. Tác phẩm văn học là văn bản ghi lại ngôn ngữ bằng ký tự, do đó tác phẩm văn học chịu sự chi phối của Lý thuyết Thông tin, trong đó có Entropy (Khoảng không xác định) của ngôn ngữ lại là ưu thế cho nhà văn sáng tạo nên tác phẩm (văn bản) và cho người đọc (công chúng) đồng sáng tạo tác phẩm.

                                    -1689045939.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Lý thuyết Thông tin ra đời năm 1948 với công trình khoa học của Claude E. Shannon: A Mathematical Theory of Communication (Tạp chí Bell System Technical Jurnal, số tháng 7 và tháng 10). Từ đó lý thuyết này được các nhà nghiên cứu văn học hiện đại sử dụng như một phương pháp nghiên cứu tiên tiến, đưa đến kết quả to lớn, đáng tin cậy của nhà văn trong quá trình sáng tác và với người đọc trong quá trình tiếp nhận, thưởng thức tác phẩm văn học.

Ở đây chúng ta không đi sâu vào Lý thuyết Thông tin mà chỉ thừa nhận một số đặc trưng của lý thuyết này. Trong đó có Truyền thông là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm… liên tục giữa hai hoặc nhiều người.

Truyền thông gồm những yếu tố cơ bản như: 

Nguồn: Là nơi bắt đầu hay khởi xướng cho mọi thông tin lan truyền.

Nội dung: Là thông tin hay thông điệp để có thể sản xuất ra những tác phẩm có ý nghĩa như những câu chuyện, bài viết, video và hình ảnh…

Kênh truyền tải: Thông qua các hình thức như truyền hình, phát thanh, báo chí, truyền miệng… để truyền tải thông tin đến công chúng.

Người nhận: Là đối tượng tiếp nhận thông tin.

Phản hồi: Là những thông tin, ý kiến của người tiếp nhận thông tin phản hồi lại.

 Nhiễu: Là những thông tin bị sai lệch trong quá trình lan truyền (tức là Entropy).

Nhìn vào những yếu tố này ta thấy Lý thuyết Thông tin có yếu tố Nguồn, Nội dung và Người nhận là quan trọng nhất. Với tác phẩm văn học thì có thêm Entropy. Nguồn phát ra thông tin càng khách quan, độc lập, trung thực bao nhiêu thì Nội dung (tin) càng đúng đắn bấy nhiêu. Nội dung (tin) phát ra được càng nhiều nguồn kiểm chứng càng bảo đảm tính khách quan và trung thực bấy nhiêu. Nguồn kiểm chứng bao gồm thời gian, tần số, vị trí phát nội dung tin càng nhiều càng bảo đảm độ tin cậy bởi tính khách quan và trung thực… Thật ngạc nhiên là những vấn đề trên đây trong văn học thế giới đã có một thiên tài thực hiện xuất sắc từ đầu thế kỷ XIX. Người ấy là Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều.

Truyện Kiều được viết bằng 3.254 câu thơ lục bát kể lại nhân vật chính là Thúy Kiều ở nhiều góc nhìn khác nhau trên một chân dung cụ thể được nhiều nguồn phát ra:

Nhân vật Thúy Kiều là ai? Dung nhan và tuổi tác, tình cảm và tâm hồn, đạo đức ra sao? Có quan hệ như thế nào với những nhân vật khác trong tác phẩm - là những ai, bao giờ, quan hệ đó ra sao, trong hoàn cảnh nào…? Hoàn cảnh thiên nhiên và xã hội nào đã tác động lên cuộc đời nàng ra sao?... đã được nhiều nhân vật kể lại.         

Nhân vật thứ nhất là Đạm Tiên. Nhân vật thứ 2 và 3 là vãi Giác Duyên và đạo cô Tam Hợp. Nhân vật thứ 4 là Hoạn Thư. Nhân vật thứ 5 là Vương Ông. Nhân vật thứ 6 là lại già họ Đô. Nhân vật thứ 7 là Thúc Sinh. Nhân vật thứ 8 là người dân Hàng Châu (Xem “Phương pháp kể chuyện của Nguyễn Du trong Truyện Kiều – một tín hiệu của văn học hiện đại”, Lê Đình Cúc, Báo Văn nghệ Thái Nguyên điện tử, 7/8/2020). 

I. Thúy Kiều được kể trong nhiều chiều của thời gian (Times)

Truyện Kiều ra đời trước năm 1820 (năm Nguyễn Du mất, chưa xác định được bản thảo gốc). Nội dung câu chuyện được Nguyễn Du kể: “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh” (1522 - 1566), trước đó khoảng 300 năm.

Vương Ông kể về Thúy Kiều thời gian nàng phải bán mình chuộc cha, lìa xa gia đình mới qua 6 tháng, khi Kim Trọng mãn tang chú từ Liêu Dương trở về. Lại già họ Đô kể về Thúy Kiều bị bán vào lầu xanh trước đó 10 năm. Thúc Sinh kể 5 năm tiếp đó, từ khi nàng gặp Từ Hải. Cả 4 người kể chuyện về Thúy Kiều là thời quá khứ (past time). Họ sử dụng phương pháp Hồi tưởng để cùng Đồng hiện với người nghe.

Những người kể khác - Hoạn Thư, vãi Giác Duyên sử dụng thời hiện tại (present time). Ma Đạm Tiên, Tam Hợp đạo cô sử dụng thời tương lai (future time) cùng đồng hiện.

Thúy Kiều được nhiều người kể ở nhiều địa phương khác nhau: Bắc Kinh, Lâm Tri, lầu Ngưng Bích, Châu Thai, Chiêu ẩn am, Vô Tích, Hàng Châu, sông Tiền Đường, ở quê nhà Vương Ông…

Thành phần tham gia kể chuyện về Thúy Kiều rất đa dạng, có đủ đàn ông, đàn bà, người già như Vương Ông; người trẻ như Hoạn Thư, Thúc Sinh; ma quỷ như Đạm Tiên; người thực hành tôn giáo như vãi Giác Duyên, Tam Hợp đạo cô; dân thường như dân Hàng Châu; quan nha như Họ Đô; trí thức như Thúc Sinh…

Trong số đó với Thúy Kiều có người thân thích máu mủ như Vương Ông (cha), Thúc Sinh (người tình và chồng), gần gũi như vãi Giác Duyên,  người xa lạ như  Đạo cô Tam Hợp, Lại già họ Đô, dân Hàng Châu; người “cùng hội cùng thuyền” là Đạm Tiên, người đối địch là Hoạn Thư…

Tất cả những người kể chuyện Thúy Kiều - nhân vật chính của tác phẩm đều thống nhất Thúy Kiều là người tàì sắc vẹn toàn, giàu lòng nhân ái, tình nghĩa thủy chung.

II.  Nhiều nguồn thông tin về số phận của Thúy Kiều

Với chủ trương sử dụng một trong những phương pháp của Lý thuyết Thông tin là cung cấp cho người nghe một nội dung (một sự kiện, một vấn đề) lặp đi lặp lại nhiều lần để thuyết phục người nghe (tiếp nhận). Đó là khi nói đến số phận của Thúy Kiều - người con gái tài hoa, giàu lòng nhân ái nhưng bị xã hội chà đạp, dày xéo.

Nguồn tin thứ nhất về số phận của Thúy Kiều lần đầu được thầy tướng sỹ nói đến là khi nàng mới tuổi 15, vừa gặp và đang sống những ngày hạnh phúc bên người yêu là Kim Trọng. ở buổi tối trao duyên ấy, khi Thúy Kiều "Tay tiên gió táp mưa sa" đề thơ cho tranh vẽ của Kim Trọng nàng đã nói cho ta biết:

“Nhớ từ năm hãy thơ ngây,

Có người tướng sỹ đoán ngay một lời.

 “Anh hoa phát tiết ra ngoài.

Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa””.

Thế là người đọc đã biết số phận của Thúy Kiều: Tài hoa và bạc mệnh.

Nguồn tin thứ hai về số phận của Thúy Kiều là do ma Đạm Tiên cung cấp. Ngay hôm chị em Thúy Kiều đi chơi hội Đạp thanh thắp hương cho "nấm mồ vô chủ" và gặp ma Đạm Tiên, tối về Thúy Kiều mơ thấy Đạm Tiên hiện về cám ơn và thông báo cho nàng biết:

“Mà xem trong sổ đoạn trường có tên

Âu đành quả kiếp nhân duyên

Cũng người một hội, một thuyền đâu xa".

Thúy Kiều có tên trong sổ đoạn trường, là những người có số phận éo le, cay đắng. Là nhân quả của kiếp trước, cùng hội cùng thuyền với Đạm Tiên, mà Đạm Tiên thì:

“Phận hồng nhan có mỏng manh,

Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương".

Nghĩa là cuộc đời tài hoa nhưng mệnh yểu. Đến nỗi Thúy Kiều đã hoảng hốt nói với cha mẹ: "Cứ trong mộng triệu mà suy/ Phận con thôi có ra gì mai sau".

Nguồn tin thứ ba về số kiếp của Thúy Kiều là do Đạo nhân phát ra. Khi Hoạn Thư biết chồng nàng là Thúc Sinh yêu và lấy Thúy Kiều làm vợ đã nhờ mẹ đến đốt nhà và bắt Thúy Kiều từ Lâm Tri về đánh ghen. Thúc Sinh tưởng rằng Thúy Kiều đã chết cháy, nên lập bàn thờ, được Đạo nhân nói rõ:

"Người này nặng kiếp oan gia,

Còn nhiều nợ lắm, sao đà thác cho".

Dù trông thấy bộ xương cốt (do bọn Ưng Khuyển nhặt trên sông bỏ vào nhà) mà ai cũng tưởng là của Thúy Kiều nhưng Đạo nhân nói nàng còn sống, chỉ mắc nạn to, một năm nữa mới biết tin. Đúng năm sau Thúc Sinh về quê thăm vợ mới gặp Thúy Kiều (giáp mặt chiền chiền) ở đó nhưng vì sợ vợ anh ta không dám nhận mặt Thúy Kiều.

Nguồn tin thứ tư nói về số phận của Thúy Kiều là bà Tam hợp đạo cô. Sau khi Thúy Kiều báo ân báo oán, vãi Giác Duyên "Đeo bầu quẩy níp rộng đường vân du" đã gặp bà Tam hợp đạo cô và được bà nói về số phận của Thúy Kiều như sau:

"Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan

Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.

......................................

Ma đưa lối quỷ đưa đường,

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

Hết nạn nọ đến nạn kia,

Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần."

Hai lần vào thanh lâu của Tú Bà và Bạc Bà, một lần trốn ở Chiêu ẩn am, và một lần vào Quan âm các nhà Hoạn Thư. Thúy Kiều phải mặc trang phục màu xanh (thanh y) của người giúp việc nhà chùa. Nàng bị Sở Khanh lừa gạt đi trốn theo hắn mà bị Tú Bà bắt lại và bị đánh đập tàn nhẫn. Rồi: 

"Trong vòng giáo dựng gươm trần,

Kề răng hùm sói, gửi thân tôi đòi."

Thúy Kiều và Từ Hải bị quân đội của Hồ Tôn Hiến bao vây và Từ Hải bị lừa, đầu hàng và bị giết.

"Giữa dòng nước dẫy, sóng dồi

Trước hàm rồng cá, gieo mồi thủy tinh ".

Từ Hải chết, Thúy Kiều bị Hồ Tôn Hiến ép gả cho viên thổ quan, nàng phải gieo mình xuồng sông Tiền Đường tự tử.                       

III. Nhiều nhân chứng cho một sự kiện

Sự kiện lớn nhất và sẽ có tác động đến cuộc đời của Thúy Kiều là cuộc gặp gỡ giữa Thúy Kiều và ma Đạm Tiên.

Buổi đi chơi hội Đạp thanh của chị em Thúy Kiều đã vãn thì họ trông thấy "Sè sè nắm đất ven đường/ Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh" là mộ của Đạm Tiên. Họ là 3 người: Thúy Kiều, Thúy Vân và Vương Quan. Thúy Kiều thương xót số phận của Đạm Tiên, nàng thắp hương cho người dưới mộ, rồi rút trâm cài tóc làm thơ tặng Đạm Tiên "Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần". Vương Quan và Thúy Vân giục giã Thúy Kiều về bởi "ở đây âm khí nặng nề/ Bóng chiều đã ngả dặm về còn xa". Thúy Kiều còn dùng dằng thì:

"Một lời nói chửa kịp thưa

Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay.

Ào ào đổ lộc rung cây,

Ở trong dường có hương bay ít nhiều.

Dè chừng ngọn gió lần theo,

Dấu giày từng bước in rêu rành rành"

ấy là buổi chiều tối, một trận gió cuốn cờ ào đến, làm đổ cả cây cối, có mùi hương lẫn trong đó (vì Đạm Tiên là ca nhi, là con gái). Theo ngọn gió là dấu giày in từng bước trên rêu. Rõ ràng là ma thì mới như vậy. Cả ba người trông thấy mồ Đạm Tiên và cả ba người trông thấy ma xuất hiện.

Phiên tòa báo ân báo oán - sự kiện làm thay đổi cuộc đời Thúy Kiều được Nguyễn Du viết cẩn thận, nói lên mong ước của ông về pháp lý xã hội. Trước phiên tòa Từ Hải đã cho quân đội đi truy nã tội phạm. "Ba quân chỉ ngọn cờ đào/ Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri" và mời những ân nhân của Thúy Kiều. Ta thấy ở phiên tòa có những người chứng kiến là "Ba quân đông mặt pháp trường", là "Mụ Quản gia, vãi Giác duyên", Thúc Sinh… bên kia là tội phạm Hoạn Thư, Bạc Hạnh, Bạc Bà, Ưng, Khuyển, Sở Khanh, Mã Giám sinh. Rất đông người chứng giám.

Những sự kiện khác, tùy tính chất và hoàn cảnh xảy ra mà Nguyễn Du cho ít nhất là hai nhân chứng.

Ví dụ: Khi Hoạn Thư nghe dư luận chồng có vợ lẽ, Nguyễn Du viết:

Tuần sau bỗng thấy hai người,

Mách tin ý cũng ra bài tâng công.

Hai người chứ không phải một người mách tin. Hoạn Thư chịu đựng cơn “ngứa ghẻ hờn ghen” trong đau khổ. Để giữ thể diện và hạnh phúc gia đình, để giữ kín âm mưu về sau của mình mà “Vội vàng xuống lệnh ra uy/ Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng”. Lại hai đứa (hai người).

Rồi khi Hoạn bà cho gia nhân đi thuyền đến Lâm Tri đốt nhà, bắt Thúy Kiều về hành hạ ông cũng viết: Khuyển, Ưng lại chọn một bầy côn quang. Nghĩa là trong bầy gia nhân tay sai, Hoạn bà chọn 2 thằng Khuyển và Ưng. 

Khi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, ông cũng viết: “Khuyển, Ưng đã đắt mưu gian” cũng lại là 2 tên. Sau này khi Thúy Kiều báo ân báo oán, xử tội chết “Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh” cũng là 2 tên Khuyển, Ưng. Ngay cả khi Thúy Kiều tự tử ở sông Tiền Đường, vãi Giác Duyên nhớ lời Đạo cô Tam Hợp chờ vớt xác nàng, tiền thuê trả cả năm, cũng có 2 người chứng giám: “Thuê năm, ngư phủ hai người,/ Đóng thuyền chực bến, kết chài đăng sông”. Lý thuyết Thông tin cho rằng những thông tin được nhiều người biết, trông thấy, chứng kiến bao giờ cũng trung thực và khách quan, đáng tin cậy hơn. Nguyễn Du đã áp dụng triệt để Lý thuyết Thông tin và thành công.

IV. Entropy trong Truyện Kiều

Với những thủ pháp Nghịch dị của văn học hiện đại và hậu hiện đại, Nguyễn Du để lại cho người đọc những tiếp nhận mờ ảo, không xác định của ngôn ngữ rất lớn - đó chính là những Entropy của Lý thuyết Thông tin. Những câu hỏi đòi hỏi người đọc những suy nghĩ tìm tòi vô tận. Ngay lời giới thiệu tác phẩm cũng đã là nghịch lý. Một tuyệt tác như vậy mà ông viết, không chỉ là khiêm tốn mà còn là hạ thấp, xem thường:

 “Lời quê góp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh.”

Trong đó thể hiện nghịch cảnh:

"Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,

Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng"

Phẳng lặng gì mà gia đình Vương ông bị vu oan, bị đánh đập: "Rường cao rút ngược dây oan", bị cướp phá, quan lại "Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham", nạn hối lộ phổ biến, công khai: "Có ba trăm lạng việc này mới xong". Phổ biến là nạn buôn người, không chỉ là Tú Bà với Mã Giám sinh ở Bắc Kinh mà Bạc Hạnh, Bạc Bà ở Châu Thai lộng hành.

Phẳng lặng gì mà mẹ con nhà Hoạn Thư nuôi cả "bầy côn quang" đi bắt người, đốt nhà rồi bắt người về Vô Tích làm nô tỳ, tra tấn đánh đập dã man mà không có ai can thiệp. Xã hội loạn lạc điêu linh, nổi bật là "giặc" Từ Hải nổi dậy suốt 5 năm, chiếm cứ "năm tòa cõi nam", “nghênh ngang một cõi biên thùy” mà không ai làm gì được:

 “Triều đình riêng một góc trời

Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà”

Về mặt ngôn ngữ văn bản, rất lạ nhiều chỗ tưởng như bất ổn.

Khi Nguyễn Du viết về Kim Trọng :

 “Nền phú hậu, bậc tài danh

Văn chương nết đất, thông minh tính trời”

Nghĩa là gia đình Kim Trọng giàu có (phú hậu), chàng là người có tài, có danh nhưng văn chương chỉ là nhờ phát mồ mả (nết đất) mà có, thông minh chỉ là nhờ trời cho (tính trời) mà thôi.  Buổi tối Thúy Kiều gặp Kim Trọng ở nhà Ngô Việt thương gia mà Kim Trọng thuê, nàng đã nhận xét:

Nàng rằng: "Trộm liếc dung quang

Chẳng sân ngọc bội, cũng phường Kim môn".

Rồi cũng chính Nguyễn Du viết về chữ phường nhiều lần, tất cả để chỉ: " …bọn người làm những việc xấu hay có thói xấu như nhau"(1):

Mạt cưa, mướp đắng đôi bên một phường. (câu 812)

Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh. (câu 1376)

Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng. (câu 1730)

Cũng phường bán thịt cũng tay buôn người. (câu 2140)

Cũng thần mày trắng cũng phường lầu xanh. (câu 2148)

Vậy Kim Trọng là người thế nào? Có phải là "Phong tư tài mạo tuyệt vời" không? Chưa nói là trong Truyện Kiều có vô số những danh từ, điển tích, điển cố nhà thơ tài hoa sử dụng làm cho người đọc lắm khi hoảng hồn. Ví dụ: "Xắn tay mở khóa động đào/ Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên thai". Động đào, Thiên thai là nơi tiên ở cơ mà. Kim Trọng là đàn ông và đâu có phải là tiên (2).

Cái lạ là tất cả những yếu tố trên đây của Lý thuyết Thông tin đã được Nguyễn Du thực hành trước đây 200 năm với Truyện Kiều.         

                                                                                 
Chú thích:

(1) Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Nxb. Văn hóa - Thông tin

(2) Xem thêm Ngô Quốc Quýnh…Thử tìm hiểu tâm sự Nguyễn Du qua Truyện Kiều, Nxb. Giáo dục Việt Nam, H.2010.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy