Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
07:13 (GMT +7)

Lý luận phê bình sân khấu: Đỏ mắt tìm người giỏi nghề

Là con đẻ của nghệ thuật sân khấu, nhưng lý luận phê bình sân khấu lại không nhận được sự “chăm bẵm” đầy đủ để có thể phát triển khỏe mạnh, song hành cùng đời sống sân khấu mà ngược lại, sự thưa vắng đội ngũ những người làm lý luận đã khiến cho lý luận phê bình chỉ có thể đứng ngoài đời sống sân khấu. Khen, chê được chăng hay chớ, khiến cho nền sân khấu còm cõi, khuyết tật, thiếu hoàn thiện.

Khắc phục tính hàn lâm trong phê bình sân khấu

Đông đảo các văn nghệ sĩ thủ đô tới Hội thảo
Đông đảo các văn nghệ sĩ Thủ đô tới Hội thảo

Làm thế nào để có được một đội ngũ làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình sân khấu vừa tinh vừa mang tính quần chúng. Không hàn lâm, viện dẫn lý thuyết cao siêu trong phê bình sân khấu… vốn là những câu hỏi trở đi trở lại tại các diễn đàn văn học, nghệ thuật nói chung, chuyên ngành nói riêng. Nhưng câu trả lời thì vẫn còn là một ẩn số khi nhiều người cho rằng, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo chuyên sâu và có chế độ thỏa đáng đối với đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình văn học nghệ thuật nói chung, lĩnh vực sân khấu nói riêng. Ngoài ra, cần tăng cường tập huấn cho đội ngũ người làm lý luận phê bình hiện có để họ nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị và độ nhạy trong thẩm định tác phẩm từ đó định hướng dư luận xã hội… Tuy nhiên, thực tế, những đầu việc nói trên không phải không được triển khai mà ngược lại, những khóa đào tạo kiến thức, tập huấn kỹ năng viết nghiên cứu lý luận phê bình nói chung, từng lĩnh vực ngành nói riêng đã được triển khai từ cấp trung ương đến địa phương. Nhưng dù là vậy, lý luận phê bình vẫn không thể khởi sắc, thậm chí tình trạng phê bình hàn lâm, viện dẫn lý thuyết cao siêu vẫn diễn ra khiến người đọc không còn mặn mà với lý luận phê bình nói chung, lĩnh vực sân khấu nói riêng.

Theo PGS.TS Trần Trí Trắc - Chủ tịch Hội VHNT thành phố Hà Nội với những đóng góp tâm huyết tại Hội thảo
Theo PGS.TS Trần Trí Trắc - Chủ tịch Hội VHNT Thành phố Hà Nội với những đóng góp tâm huyết tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp của lý luận, phê bình sân khấu hôm nay” 

Theo PGS.TS Trần Trí Trắc - Chủ tịch Hội VHNT Thành phố Hà Nội, cho biết, “mảng lý luận, phê bình sân khấu hiện nay ngày càng thưa vắng người giỏi nghề, thiếu tính phản biện và thường không được lòng các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật. Hiện đời sống sân khấu đang tồn tại hai lực lượng làm công tác phê bình, một là những người làm công tác phê bình và một là các phóng viên báo đài theo dõi lĩnh vực nghệ thuật.

Thông thường người được đào tạo lý luận, phê bình sân khấu phải kinh qua thực tiễn sân khấu trên dưới 10 năm, bước vào làm nghề cũng ngót nghét 40 tuổi, nhưng quá trình làm nghề lại chưa được coi trọng (phóng viên, đội ngũ phê bình sân khấu). Nhà báo khi viết về sân khấu thường chú trọng bề nổi, ít người am hiểu chuyên sân về lĩnh vực sân khấu (từng chuyên ngành cụ thể), do đó, sự khen, chê đôi khi còn cảm tính, thậm chí thiếu tinh thần phản biện. Dẫn đến, các ý kiến thường “phê” không đến nơi đến chốn, “bình” không thấu đáo. Nhiều người có tâm lý thương cảm, nể nang đơn vị sân khấu, đạo diễn, diễn viên, thành phần sáng tạo hoặc tâm lý “dĩ hòa vi quý” nên chỉ phê bình theo tỷ lệ “bảy khen, ba góp ý”, dẫn đến hoạt động lý luận, phê bình không hiệu quả, thậm chí làm sai lệch, ảnh hưởng tới chất lượng sáng tạo sân khấu…

Chúng ta đã từng có đội ngũ lý luận, phê bình sân khấu phát huy được vai trò rực rỡ khi nền sân khấu cách mạng nước ta ở thời điểm phát triển mạnh mẽ. Nhưng hiện nay, nguồn nhân lực cũ được đào tạo tại Liên Xô trước đây, Trung Quốc, và các trường đại học trong nước, đã mai một, hoặc nếu được bổ sung thì một phần trong số họ cũng chưa thực sự sống chết với nghề, do một số lý do đã nói ở trên và một phần thù lao trả cho mỗi bài viết lý luận phê bình còn ở mức thấp nên dẫn đến tình trạng, nhiều người phô diễn (lý thuyết) hiểu biết của mình trong lĩnh vực phê bình mà không đi trực diện vào tác phẩm, khiến cho người đọc, chủ thể sở hữu tác phẩm hoang mang, mất phương hướng. Tính hàn lâm khiến cho lý luận phê bình trở nên kém hấp dẫn và thực sự mất chỗ đứng trong đời sống nghệ thuật.

Nỗ lực lấp khoảng trống

Mới đây, hội thảo “Thực trạng và giải pháp của lý luận, phê bình sân khấu hôm nay” được Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức đã xới xáo nhiều vấn đề của lý luận phê bình sân khấu. Đồng thời, hội thảo cũng đưa ra được nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động lý luận, phê bình sân khấu hiện nay, như nâng cao nhận thức của cấp quản lý, đơn vị nghệ thuật về vai trò của lý luận, phê bình sân khấu, từ đó phối hợp, phát huy năng lực của họ trong việc tác động, thúc đẩy sáng tác hiệu quả; tăng cường chất lượng đào tạo nghệ thuật và lý luận, phê bình nghệ thuật; nâng chế độ nhuận bút cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng có chất lượng, có tác động tích cực cho tác phẩm sân khấu…

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền đóng góp ý kiến tại sự kiện
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Tuy nhiên, những cuộc “bút chiến”  thực sự trong đời sống sân khấu, vẫn còn ở thì tương lai. Bởi chỉ khi người làm công tác lý luận phê bình có được tinh thần phản biện đến cùng và trên tinh thần xây dựng của những người có chuyên môn thì đời sống sân khấu sẽ có những điểm sáng, và có những tác phẩm đỉnh cao. Nói như TS Trần Thị Minh Thu (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam): Lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam hiện nay vừa yếu, trống vắng, vừa có dấu hiệu lệch hướng. Có rất ít công trình, bài viết, chuyên luận phê bình thật sự sắc bén, có chiều sâu, có giá trị định hướng cho sáng tạo của văn nghệ sĩ. Đội ngũ phê bình chuyên nghiệp bị lép vế, không có “đất dụng võ”... TS Trần Thị Minh Thu cũng cho rằng, nhiệm vụ quan trọng là phải xây dựng được đội ngũ các nhà lý luận, phê bình sân khấu có chuyên môn; cần có chính sách cử người có năng lực đi đào tạo ở nước ngoài; có cơ chế đặc thù khuyến khích người theo học ngành lý luận, phê bình; nâng cao nguồn kinh phí dành cho các công trình nghiên cứu, điều chỉnh mức lương, mức nhuận bút để tạo động lực cống hiến cho các nhà lý luận, phê bình; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao ý thức công dân, trách nhiệm và đạo đức làm nghề đối với đội ngũ lý luận, phê bình...

Cũng có chung quan điểm với TS Trần Thị Minh Thu, nhà viết kịch Lê Quý Hiền, cũng chỉ ra rằng, bản thân các đơn vị sân khấu, các hội đồng nghệ thuật cần có những nhà hoạt động sân khấu rành về lý luận, phê bình để giúp ê-kíp sáng tạo bảo đảm được tính thống nhất của vở diễn về thể tài, sự phát triển hành động kịch và nhấn được thông điệp của tác phẩm...

Quan điểm và những định hướng trong phát triển văn hóa, văn nghệ nói chung, từng lĩnh vực ngành nói riêng đã được cụ thể hóa đến từng đơn vị nghệ thuật. Và thực tế, đời sống văn hóa nghệ thuật đã có những bước tiến vượt bậc, Tuy nhiên,  “đất” dành cho lý luận, phê bình sân khấu  mang tính chuyên ngành nói chung, trên báo đài nói riêng không nhiều. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của lý luận phê bình đã giảm sút, thậm chí mất đi tính định hướng vốn là thế mạnh của lý luận phê bình. Để giành lại thị phần vốn có và phát triển mạnh mẽ trong tương lai, lý luận phê bình cần nỗ lực định vị lại những giá trị vốn có là dẫn dắt, khẳng định giá trị và định hướng sáng tác, định hướng tiếp nhận của công chúng.

Bên cạnh đó, lý luận phê bình cũng cần thích nghi với kênh xuất bản mới - mạng xã hội. Đây là cánh cửa để lý luận phê bình lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội. Tuy nhiên “cánh cửa” mới này đòi hỏi người viết lý luận phê bình bản lĩnh và một tâm thế đại chúng hóa. Nói như nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng quan điểm, bản thân lý luận, phê bình cũng phải thay đổi, không thể chỉ mãi bó hẹp trong những dạng thức cũ, là những bài viết viện dẫn hết lý luận cao siêu nọ đến trường phái kia. “Những cái ấy rất hay vì tính hàn lâm, nhưng để công chúng hiểu được, người làm lý luận phải tìm cách đại chúng hóa, nhằm mục đích đưa tới gần công chúng hơn nữa”. Đây phải chăng là một gợi ý để người làm công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng điều chỉnh và xác lập hướng đi mới cho mình trên môi trường số. Từ đó kiến tạo nên đội ngũ viết lý luận phê bình có tài, có tâm và bản lĩnh nhằm khắc phục triệt để sự thiếu và yếu trong lực lượng viết lý luận phê bình. Đây cũng là kỳ vọng để sân khấu nói riêng, nghệ thuật nói chung không phải đỏ mắt kiếm tìm người giỏi nghề.

Hà An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy