TÁC PHẨM TỪ TRẠI SÁNG TÁC VĂN HỌC TRẺ NĂM 2023
Luôn chăm chút những chồi xanh
Với mong muốn khơi nguồn cảm hứng sáng tác văn học, nâng cao những tri thức, kỹ năng sáng tác văn chương, qua đó giúp phát triển trí tưởng tượng, hoàn thiện năng lực ngôn ngữ, nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng cho các cây bút trẻ trong tỉnh, từ nhiều năm qua Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức các Trại sáng tác cho người trẻ và người lớn viết cho trẻ. Năm nay, từ ngày 13/8 đến 27/8, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Trại sáng tác văn học trẻ năm 2023. Trại tiếp tục được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
So với trại viết những năm trước - dành cho cả thiếu nhi và người lớn viết về thiếu nhi - thì đối tượng mà Trại viết năm nay lựa chọn là các cây-bút-trẻ từ 15 đến 30 tuổi. Với sự tập trung này, Ban Tổ chức muốn dành sự quan tâm, chăm lo bồi đắp sâu hơn cho một lứa những người-viết-trẻ đang dần được hình thành - đó là những bạn trẻ đã gắn bó thân thiết và có những kết quả ban đầu khả quan từ những mùa trại trước. Đồng thời đây cũng là cơ hội để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố mới triển vọng trong độ tuổi từ 15 - 30. Đây là một điểm mới, một bước tiến trong việc chú trọng nâng cao chất lượng học viên tham dự Trại.
Trại đã thu hút được 17 thành viên chính thức - là các bạn trẻ trong tỉnh, từ 15 đến 22 tuổi, có năng khiếu sáng tác văn chương khá rõ nét. Cùng với đó là 30 em học sinh tham dự Trại viết trực tuyến tại điểm cầu trường THCS Hoàng Ngân (huyện Định Hóa) và các trại viên dự thính khác đến từ một số tỉnh thành trong cả nước.
Trong 15 ngày diễn ra Trại viết, các trại viên đã được tham gia 3 hoạt động tiêu biểu là học tập, trao đổi những vấn đề liên quan đến công việc sáng tác, đi thực tế sáng tác và thực hành sáng tác.
Ngày 13 và 14/8, hoạt động học tập, trao đổi những vấn đề liên quan đến công việc sáng tác được diễn ra. Tại đây, các trại viên đã được gặp gỡ, lắng nghe, giao lưu, trò chuyện với các nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Tống Ngọc Hân, nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ và nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh. Những cuộc trao đổi vô cùng quý báu về kinh nghiệm sáng tác, về kĩ năng quan sát, sáng tạo; những nhận xét, góp ý bản thảo vô cùng kỹ lưỡng mang tính chất khích lệ ngọn lửa đam mê văn chương, đã mang đến cho trại viên nhiều kiến thức nền tảng, hệ thống, bổ ích; truyền cảm hứng, khai mở mạnh mẽ cho các bạn trẻ trên con đường khám phá, chinh phục văn chương.
Ngày 15/8, các trại viên tiếp tục được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc cũng như thu nhận thêm nhiều tri thức bổ ích về văn hóa, lịch sử dân tộc qua hoạt động thực tế sáng tác tại hai địa điểm ý nghĩa là Đền Gióng và Việt phủ Thành Chương (Sóc Sơn, Hà Nội). Mặc dù chỉ gói gọn trong một ngày, nhưng các trại viên đã dung nạp được nhiều kiến thức mà trong sách vở không có. Trại viên Nguyễn Việt Hằng (học sinh lớp 12A2, trường THPT Bình Yên, huyện Định Hóa) đã chia sẻ: “Em đã nghe và đọc nhiều về Đức Thánh Gióng nhưng khi được đến tận nơi, đứng tại không gian này, ngắm nhìn hiện vật, nghe đầy đủ và trọn vẹn sự tích, em mới cảm nhận được vì sao Thánh Gióng lại là biểu tượng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Đồng thời, em cũng phần nào cảm nhận được niềm khao khát độc lập tự do cũng như sự dũng cảm chiến đấu chống quân xâm lược đầu tiên của tiền nhân”.
Còn trại viên Chu Hà Linh (học sinh lớp 10A5, trường THPT Sông Công) thì lại hồ hởi khi được khám phá Việt phủ Thành Chương – một công trình văn hóa được xem là “bảo tàng” kiến trúc mang đậm dấu ấn hoài cổ. Hà Linh cho biết: “Em thật sự ấn tượng với Việt phủ Thành Chương vì nơi đây khoác lên mình một nét kiến trúc rất xưa. Em đã phát hiện ra rất nhiều điều thú vị, mới mẻ mà trước đây em chưa từng biết đến. Nhờ vậy mà vốn hiểu biết của em được mở rộng đáng kể và cảm hứng sáng tạo trong em đang tuôn trào mạnh mẽ”.
Một trại viên dự thính – bạn Nguyễn Anh Đức, giáo viên Vật lí tại Ninh Bình cũng bày tỏ: “Mặc dù không phải người Thái Nguyên nhưng em vẫn may mắn được BTC cho tham dự trại lần thứ 2, bản thân rất ấn tượng. Có thể ví nghề viết cũng như nghề hát. Ca sĩ cần có chất giọng, màu giọng riêng gọi là tài năng, nhưng cũng cần tôi luyện kĩ thuật tốt, phong cách biểu diễn tài tình thì mới thành công. Người viết cũng vậy, ngoài năng khiếu cũng rất cần kĩ thuật viết để truyền tải cảm xúc và thông điệp đến với độc giả. Trại sáng tác Thái Nguyên trong những năm qua đã làm công việc bồi dưỡng kĩ thuật viết để những “hạt mầm” được nảy nở và tạo môi trường cho chúng vươn lên mạnh mẽ”.
Sau khi được nghe các nhà văn trao đổi và truyền bá kinh nghiệm sáng tác, được đi thực tế để tạo nguồn cảm hứng sáng tạo, từ ngày 16/8 đến ngày 23/8 các trại viên thực hành sáng tác tại nhà. Bằng sự nỗ lực của người viết cộng với sự khích lệ của các cô chú, gần 100 tác phẩm văn xuôi và thơ đã được ra đời và gửi đến Ban Tổ chức. Những sáng tác này được các giảng viên rất nâng niu. Mặc dù không phải tất cả đã trọn vẹn, có thể đó mới chỉ là một ý tưởng, một góc nhìn, một chi tiết thú vị… nhưng đã làm nên điểm sáng cho tác phẩm. Và chính sự nâng niu đó của các giảng viên sẽ là những nấc thang tiếp theo để các em bước tiếp trên hành trình đầy nhọc nhằn với con chữ này. Trại đã có những cây bút trẻ có triển vọng, bộc lộ rõ năng khiếu văn chương, như bạn Nguyễn Minh Phương, Chu Hà Linh, Trần Hương Giang, Thùy Linh, Ma Thị Phấn, Ngô Thị Thanh Tân…
Nhà văn Tống Ngọc Hân không giấu nổi cảm xúc: “Trại sáng tác trẻ của Thái Nguyên đã được duy trì nhiều năm nay, nhưng đối với nền văn học trẻ của cả vùng văn chương phía Bắc thì Trại giống như một hiện tượng độc đáo. Ít có địa phương nào dám đầu tư thời gian, công sức và cả tiền bạc vào thế hệ tương lai của văn chương như Thái Nguyên. Các anh chị lãnh đạo Hội đã làm tất cả những việc ấy bằng niềm tin. Tin rằng từ những trại sáng tác như thế này, trong số mấy chục bạn thanh thiếu niên yêu văn học nghệ thuật, sẽ có những bạn thật sự có duyên và điều kiện theo đuổi công việc sáng tác vốn không hề dễ dàng bao giờ. Đặt cược vào thế hệ trẻ chỉ bằng niềm tin thôi, nhưng cái cách mà các anh chị chăm lo, dìu dắt và khơi dậy cho các cây bút trẻ thì khiến không chỉ người trong cuộc cảm động mà còn khiến những người làm văn nghệ chuyên nghiệp khâm phục. Là một người được vinh dự mời đến trao đổi đôi điều về truyện ngắn với trại viên trẻ, tôi cũng nhận thấy có một thứ cứ lớn dần lên trong tâm thức mình, ấy là niềm tin vào thế hệ trẻ. Tôi tin văn học trẻ Thái Nguyên sẽ có những bước đi vững vàng, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của thế hệ đi trước”.
Là người đồng hành với nhiều trại viết của Hội, chị Thanh Tâm – thành viên Ban tổ chức cho biết: So với trại viết những năm trước - dành cho cả thiếu nhi và người lớn viết về thiếu nhi - thì đối tượng mà Trại viết năm nay lựa chọn là các cây-bút-trẻ. Với sự tập trung này, Ban Tổ chức muốn dành sự quan tâm, chăm lo bồi đắp sâu hơn cho một lứa những người-viết-trẻ đang dần được hình thành - đó là những bạn trẻ đã gắn bó thân thiết và có những kết quả ban đầu khả quan từ những mùa trại trước. Đồng thời đây cũng là cơ hội để phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố mới triển vọng trong độ tuổi từ 15 - 30. Đây là một điểm mới, một bước tiến trong việc chú trọng nâng cao chất lượng học viên tham dự Trại. Và các trại viên dự Trại năm nay đã cho thấy sự lựa chọn đối tượng ấy của Ban tổ chức là đích đáng. 17 bạn trại viên được tuyển chọn với những bản thảo chững chạc, ổn định; những cảm xúc sáng trong; cùng thái độ tham dự nghiêm túc, tôn trọng… đã khiến chúng tôi bắt đầu nghĩ về tương lai không xa của sự xuất hiện một thế hệ những người viết trẻ Thái Nguyên tài năng, giàu nội lực và cá tính. Nghĩ về các bạn ấy, chúng tôi thực sự cảm mến và trân trọng!
Đồng hành, chăm lo đến những người viết trẻ là một trong những hoạt động chuyên môn luôn được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên chú trọng và thực hiện rất hiệu quả trong nhiều năm qua. Và thành công của Trại sáng tác văn học trẻ năm 2023 tiếp tục là một minh chứng cho những nỗ lực chăm chút chồi xanh ấy.
L. Minh - M. Khuê
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...