Luật Về hội: Hơn 20 năm vẫn băn khoăn hồi kết
VNTN - Bắt đầu được xới xáo từ những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay, sau hơn 20 năm, Luật Về hội cũng chưa thể chắc chắn sẽ được thông qua vào kỳ họp cuối năm nay theo đúng chương trình đã được Quốc hội quyết định.
Các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách, trong ngày cả ngày 8 và sáng 9/9 vừa qua đã họp tại Hà Nội để thảo luận nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng chuẩn bị hai dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới.
Hai phần ba thời gian đó được dành cho dự án Luật Về hội - một dự án luật được nhắc đi nhắc lại tạị nghị trường là rất khó, phức tạp và nhạy cảm. Đây cũng là dự án luật đã được các tổ chức quốc tế dành nhiều sự quan tâm với nhận định là sẽ thổi luồng sinh khí mới vào xã hội Việt Nam
Trong một số diễn đàn lớn, các tổ chức phi chính phủ đã kiến nghị là Luật Về hội cần cho phép công dân thành lập hội theo hướng đăng ký chứ không nặng về thủ tục phê duyệt, sẽ thúc đẩy tinh thần hiệp hội và trách nhiệm cộng đồng.
Thảo luận về dự án luật này ở cuối nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13, nhiều vị đại biểu cũng cho rằng dự thảo luật vẫn mang nặng tư tưởng quản lý nhà nước với thủ tục đăng ký thành lập hội mất 60 ngày làm việc, tức là gấp 20 lần thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Được nhận xét là đã tiếp thu khá nhiều các góp ý của đại biểu Quốc hội, song dự thảo luật mới nhất vẫn chứa đựng vô số băn khoăn của các vị đại diện cho dân.
Theo phạm vi điều chỉnh, Luật Về hội không áp dụng đối với các tổ chức chính trị - xã hội nhưng áp dụng đối với tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Việc áp dụng đối với tổ chức phi chính phủ nước ngoài, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương là không ổn, nên điều chỉnh ở pháp lệnh. Một số ý kiến khác cho rằng luật này chỉ tập trung điều chỉnh về hội, nếu có mở quyền về hội cho người nước ngoài thì cần điều chỉnh ở văn bản khác.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng với cán bộ, công chức nếu chỉ hạn chế quyền lập hội mà vẫn được tham gia hội thì trong nhiều trường hợp là hoà cả làng.
Sau phạm vi điều chỉnh, phần giải thích từ ngữ cũng gây rất nhiều tranh cãi. Dự thảo luật nêu rõ, Hội bao gồm hội không đăng ký và hội có đăng ký. Hội không đăng ký là tổ chức do công dân Việt Nam thỏa thuận thành lập, không đăng ký thành lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không có tư cách pháp nhân. Còn hội có đăng ký là tổ chức do công dân, pháp nhân Việt Nam thành lập, đăng ký thành lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có tư cách pháp nhân.
Tuy nhiên, khái niệm về hội cũng như quy định về “hội không đăng ký” và “hội có đăng ký” theo nhiều vị đại biểu là chưa rõ ràng. Một số vị đại biểu đề nghị cần quy định rõ loại hội như thế nào thì cần phải đăng ký. Vì trên thực tế có một số hội không đăng ký nhưng rất đông người, hoạt động phức tạp.
Quy định xuyên suốt của dự thảo luật điều chỉnh hội có đăng ký. Trong khi hội không đăng ký mới là lớn và có nhiều vấn đề cần giải quyết, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhận xét.
Ngoài các nội dung trên, hạn chế quyền của công chức như thế nào, có cần quy định ngay trong luật hay không cũng là vấn đề được tập trung bàn thảo.
Theo điều 7 của dự thảo, đối với hội có đăng ký, cán bộ, công chức không được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động hội, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền phân công.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải có giới hạn quyền của công chức để đảm bảo khách quan trong hoạt động công vụ, đại diện ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết trên thực tế có tình trạng một số quan chức cứ sắp nghỉ hưu thì thành lập một hội nào đó, đôi khi chỉ mang tính chất cá nhân. Vì thế, cơ quan soạn thảo luật đã từng có ý định quy định một số chức danh sau 5 năm nghỉ hưu mới được sáng lập, điều hành hội.
Đồng tình là cán bộ, công chức không được thoải mái như công dân bình thường trong quyền lập hội. Song, theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương thì không cho sáng lập nhưng mà cho tham gia hội thoải mái thì trong nhiều trường hợp cũng bằng hoà. Khi mà cán bộ công chức ở các bộ tham gia vào chính các hội có liên quan đến các lĩnh vực bộ đó quản lý.
Quy định về chính sách đối với hội luôn là vấn đề rất đau đầu với mỗi lần xem xét dự án Luật Về hội.
Cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo khẳng định, ở dự thảo mới nhất thì chủ trương của Đảng đã được thể chế hoá đầy đủ, đồng thời bảo đảm thống nhất với luật ngân sách, cũng bảo đảm sự bình đẳng giữa các hội, tránh cơ chế xin - cho.
Cụ thể, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội nêu rõ: "Tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật". Luật cũng quy định: Nhà nước hỗ trợ và tạo điều kiện hoạt động khi hội thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao. Việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội có nguồn từ ngân sách nhà nước cấp để hỗ trợ nhiệm vụ được nhà nước giao phải thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Chỉ có 7 chương, 43 điều, so với nhiều đạo luật khác thì dự thảo Luật Về hội rất ngắn. Nhưng, với những vấn đề được đặt ra tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách này thì có lẽ những tranh luận về dự án luật sẽ còn kéo dài. Theo một số vị đại biểu, nếu thực sự quá khó thì chưa nên trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ hai tới đây mà nên nghiên cứu, hoàn thiện thêm.
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...