Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
22:05 (GMT +7)

Luật Đất đai sửa đổi: Về đích, khơi thông nguồn lực quan trọng của đất nước

VNTN- Với 87,63% đại biểu tán thành tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm của Quốc hội vừa qua, Luật Đất đai (sửa đổi) đã về đích sau bốn kỳ họp của Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) của Quốc hội.
Quang cảnh phiên họp thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) của Quốc hội.

Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tất cả ý kiến đại biểu Quốc hội đã được tiếp thu, giải trình

Nếu đúng nghị trình thì Luật Đất đai (sửa đổi) đã về đích từ Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội (tháng 11/2023). Nhưng khi đó, Dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu, việc rà soát, hoàn thiện toàn diện dự thảo Luật cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật.

Sau đó, các cơ quan có liên quan, nhất là Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã làm việc xuyên Tết Dương lịch, phòng làm việc sáng đèn đến đêm là chuyện bình thường, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.

Báo cáo trước khi đại biểu Quốc hội bấm nút tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khái quát: “Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; được trình Quốc hội tại 4 kỳ họp, 2 hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong đó có 1 phiên cho ý kiến về Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân) và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân. Quốc hội xem xét dự thảo Luật tại Kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến ĐBQH đã được tiếp thu, giải trình, không còn ĐBQH nào phát biểu thêm. Điều đó cho thấy tinh thần cẩn trọng của Quốc hội và các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận, việc hoàn thiện các nội dung cụ thể và các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và thực hiện theo đúng quan điểm đã xác định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, vì vậy, chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự đồng thuận, thống nhất cao, nhất là những vấn đề đã có quyết sách của Trung ương; những vấn đề chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan đã thống nhất cao về dự thảo Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua, ông Vũ Hồng Thanh báo cáo Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu Luật Đất đai (sửa đổi)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu Luật Đất đai (sửa đổi)

Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo đúng Hiến pháp năm 2013, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, mà trực tiếp là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội thì đây là thành quả của quá trình phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, từ sớm, từ xa, với nỗ lực và quyết tâm rất cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; huy động mọi nguồn lực với tinh thần thực sự cầu thị, lắng nghe, dân chủ; tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và Nhân dân cả nước; là bài học kinh nghiệm quý về đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, quyết liệt hành động để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp cũng như các quyết sách khác của Quốc hội.

“Thật cần thiết” mới thu hồi đất

Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sau gồm 16 chương và 260 điều, trong đó điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm.

Ở Luật Đất đai năm 2013, điều 62 quy định Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong 3 trường hợp: Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất; Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất; Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất. Ở trường hợp thứ hai và thứ ba có kể tên một số loại dự án cụ thể.

Còn theo quy định của Điều 79 Luật Đất đai (sửa đổi) thì Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.

Theo đó, 31 trường hợp được liệt kê cụ thể, như để xây dựng công trình giao thông; thủy lợi; cấp nước; xử lý chất thải; năng lượng, chiếu sáng công cộng; dầu khí; hạ tầng bưu chính, viễn thông; chợ dân sinh, chợ đầu mối; tín ngưỡng, tôn giáo; khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng; trụ sở cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trụ sở hoặc văn phòng đại diện của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

Các trường hợp tiếp theo là thu hồi đất để xây dựng cơ sở văn hóa, di tích lịch sử; cơ sở y tế, dịch vụ xã hội; giáo dục, đào tạo; cơ sở thể dục, thể thao; khoa học và công nghệ; ngoại giao; xử lý môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, khí tượng, thủy văn, đăng kiểm, kiểm dịch động vật, thực vật; dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu công nghệ cao; khu sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung; hoạt động lấn biển; khai thác khoáng sản; dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông.

Tỷ lệ biểu quyết phản ánh độ khó của Luật

Trong 477 đại biểu tham gia biểu quyết có 20 vị không tán thành và 25 người không biểu quyết, so với khi thông qua các đạo luật khác thì các con số này là khá cao. Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường giải thích, trong lĩnh vực đất đai thì quan hệ cũng rất phức tạp, Nhà nước, người dân, doanh nghiệp có những xung đột lợi ích với nhau, “ông đền bù muốn giá thấp người dân muốn giá cao”. Đại biểu cũng sẽ bị chi phối theo ý đó, khi thấy chưa hài lòng thì đại biểu không đồng tình cũng là bình thường. Nhưng nguyên tắc của Quốc hội là quyết định theo đa số, đa số thống nhất thì luật được thông qua. Tỷ lệ tán thành đối với luật này phản ánh đúng độ khó của luật  nhưng cũng cho thấy sự làm việc kỹ lưỡng, cẩn trọng của Quốc hội.

 

Nhà nước cũng có thể thu hồi đất cho dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, dự án khu dân cư nông thôn; nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác, sử dụng công trình ngầm; dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư.

Đáng chú ý, khoản 32 quy định: Trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất của Điều này.

Ban hành bảng giá đất hàng năm

Tài chính đất đai cũng là nội dung có nhiều điểm mới ở lần sửa đổi này. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, bảng giá đất được quy định 5 năm một lần và phải điều chỉnh, bổ sung đối với trường hợp có biến động về giá đất thị trường.

 Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì trên thực tế, rất ít trường hợp thực hiện điều chỉnh bảng giá đất trong quá trình áp dụng, dẫn đến bảng giá đất không phản ánh đúng giá đất thực tế trên thị trường. Thể chế hóa Nghị quyết số 18/NQ-TW và trên cơ sở thống nhất giữa các cơ quan, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất.

 Luật cũng quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1 tháng 1 của năm tiếp theo hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế.

Để bảo đảm chất lượng bảng giá đất, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần nâng cao hơn nữa năng lực trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai để trực tiếp phục vụ cho công tác quản lý và sử dụng đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ chỉ đạo trong quá trình thực hiện Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp

Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành thì việc xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm cũng phải thực hiện điều tra, khảo sát giá đất thị trường. Việc quy định việc ban hành bảng giá đất hàng năm, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất theo Luật Đất đai (sửa đổi) để bảo đảm giá đất ban hành theo nguyên tắc thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW, đồng thời cũng thay thế quy định hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm hiện nay, theo giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhanh chóng đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống

Đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực, chuẩn bị ngay các điều kiện bảo đảm, ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể để nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống. Khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành các văn bản quy định chi tiết; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; loại bỏ khâu trung gian, thực hiện phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiểm soát quyền lực; giải quyết hiệu quả trên thực tế những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất, thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản nói chung.

(Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ)

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy