Luật Đất đai sửa đổi cần thêm “phút bù giờ”
VNTN- Hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai, một đạo luật đặc biệt quan trọng tác động tới mọi gia đình, được cử tri và nhân dân rất mong đợi. Song, với quan điểm chất lượng của Dự án Luật phải được đặt lên hàng đầu, công việc hệ trọng này vẫn cần thêm những “phút bù giờ” để hoàn thiện.
Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu
Ngày 20/11 Quốc hội Khóa XV bước vào đợt họp thứ hai của Kỳ họp thứ sáu.
Theo nghị trình, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Luật Đất đai sửa đổi vào sáng 29/11, trước khi bế mạc Kỳ họp.
Trước đó, Quốc hội đã dành cả ngày 3/11 ở đợt họp thứ nhất thảo luận tại Hội trường về dự án luật này với 49 lượt đại biểu phát biểu ý kiến, 16 đại biểu tranh luận và 17 đại biểu gửi ý kiến góp ý bằng văn bản.
Sau đó, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra) đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Đến ngày 14/11/2023, các ý kiến ĐBQH đã được tiếp thu, giải trình cơ bản một bước và ngày 16/11 Dự thảo mới nhất được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến tại phiên họp giữa hai đợt họp của Quốc hội.
Tại đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường ngày 3/11/2023, các quy định tại dự thảo Luật đã được tiếp tục hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, ý kiến ĐBQH về nhiều nội dung chính sách lớn có nhiều ý kiến hoặc cách thiết kế chính sách khác nhau còn chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.
Tổng hợp ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường cho thấy, có 5/22 ý kiến đề nghị thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 6; trong khi đó, 6/22 ý kiến nhận định rõ tính chất cần thiết sớm thông qua dự thảo Luật nhưng phải bảo đảm chất lượng, 11/22 ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng, dành thêm thời gian tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật một cách thấu đáo nhất, cân nhắc cẩn trọng việc thông qua dự án Luật khi còn quá nhiều ý kiến khác trong trong dự thảo Luật, vì vậy, đề nghị chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp này.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc thông qua dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Mặc dù vậy, quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ dự thảo Luật còn cần thêm thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của dự án Luật.
“Với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của dự án Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Các dự thảo Nghị định và văn bản hướng dẫn Luật cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành, nhất là một số nội dung mới về giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất... cần có quy định chi tiết để chính sách của Luật đi vào cuộc sống”, theo lời ông Thanh.
Từ thực tế trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp thứ sáu. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với các cơ quan tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật. Sau kỳ họp thứ sáu, sẽ báo cáo một số nội dung của dự thảo Luật xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền để có định hướng tiếp tục hoàn thiện các nội dung chính sách lớn, phức tạp cũng như tổng thể dự thảo Luật, đề nghị Chính phủ cho ý kiến chính thức về dự thảo Luật sau khi được hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và gửi Ủy ban Pháp luật thực hiện rà soát để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật theo quy định, bảo đảm chất lượng trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về thời điểm thông qua, UBTVQH và Chính phủ nhất trí chuyển sang kỳ họp gần nhất, chưa thông qua tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói sau khi nghe ông Thanh báo cáo.
Thu hẹp tối đa những vấn đề khác biệt
Theo dự thảo mới nhất thì vẫn còn 14 nội dung còn có 2 phương án do chưa thống nhất được phương án tối ưu.
Điều hành thảo luận tại UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ yêu cầu cần thu hẹp tối đa những vấn đề khác biệt, gút lại những vấn đề một phương án để trình Quốc hội, với những vấn đề còn nhiều phương án thì tập trung lập luận ưu điểm, nhược điểm, làm sáng tỏ quan điểm từ đó đề xuất lựa chọn một phương án.
Sau thảo luận, nhiều nội dung đã được thu gọn, chỉ còn một phương án.
Chẳng hạn, quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Điều 28, Đảng đoàn Quốc hội thống nhất với Chính phủ, các cơ quan được xin ý kiến đều đồng tình phương án 1.
Đó là, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự.
Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm, phương án được chọn là ĐVSNCL khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê.
Về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp, phương án được chọn là cho phép các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời nhưng quy hoạch cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch thấp hơn. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu chưa thực hiện hết đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
Bước đổi mới rất mạnh mẽ
Về quyền nghĩa vụ của người Việt Nam định cư nước ngoài thì thống nhất với phương án 1, tức là người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà còn có quốc tịch Việt Nam, tức là vẫn là công dân Việt Nam thì có đầy đủ quyền, nghĩa vụ về đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một bước đổi mới rất mạnh mẽ và nếu chúng ta thực hiện được như thế này thì cũng là một bước để thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 36 về thu hút sự đóng góp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, về cả kiều hối, cả đầu tư để tham gia đóng góp cho phát triển đất nước thì cũng rất tốt.
(Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng)
Một trong những vấn đề được Chủ tịch Quốc hội tập trung phân tích là quy định phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng (Điều 159), Dự thảo vẫn tiếp tục thiết kế 2 phương án.
Phương án 1: Quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất, nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp, đây là phương án được Chính phủ đề xuất.
Phương án 2: Quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp để bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ áp dụng.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn phương án 2.
Cũng đồng tình với đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là vấn đề khó nhất của Dự thảo luật.
Ông phân tích, “không quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp thì bên dưới lại sợ sai, không dám làm đâu, phải quy định trong Luật để bảo vệ cán bộ.
“Nếu có nhiều phương pháp định giá thì ít nhất phải quy định là được chọn một phương pháp, nhưng chọn thêm phương pháp thứ hai so sánh thêm thì ở dưới người ta mới làm được, mới bảo vệ được cán bộ. Bây giờ 4 phương pháp cứ nói tù mù như thế mà Nghị định của Chính phủ không phải là luật thì cũng chỉ đưa ra hướng dẫn thôi, cuối cùng các cơ quan lại bảo tại sao ông tính phương pháp này, phương pháp kia cao hơn, cho nên càng công khai, minh bạch càng tốt. Không có lý do gì mà không quy định nội dung này tại luật cả, mà bây giờ vẫn còn thời gian để chúng ta quy định chuyện này. Các đồng chí thấy khó ở chỗ chưa quy định nổi hay là không muốn quy định? Ít nhất cũng phải nói điều kiện áp dụng thế nào, nguyên tắc lựa chọn như thế nào cho từng phương pháp…”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Nếu không luật hóa trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp, mà lại để tận 4 phương pháp thì cơ quan kiểm toán, thanh tra lại hỏi sao anh không chọn phương pháp kia, mà lại chọn phương pháp này, nếu phương pháp khác “cao hơn chỉ 1 đồng cũng chết”, ông Huệ lưu ý thêm.
Nhấn mạnh lại đây là vấn đề quan trọng nhất, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Dự thảo trình Quốc hội tới đây chỉ còn 1 phương án thôi. Nếu Chính phủ đồng ý phương án 2 thì tốt, không thì vẫn trình phương án 2 và nói rõ quan điểm của Chính phủ để đại biểu Quốc hội đưa ra quyết định cuối cùng./.
Minh bạch hơn về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liệt kê 31 trường hợp và có khoản 32 quy định “Trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn”. Nhưng Dự thảo vẫn có 5 khoản đó là khoản 9, khoản 10, khoản 15, khoản 18, khoản 20 quy định theo hướng là có điều quét, sẽ làm vô hiệu hóa khoản 32. Cụ thể khoản 9 là xây dựng công trình tôn giáo nhưng có khoản quét là các công trình tôn giáo hợp pháp khác. Khoản 10 xây dựng công trình tín ngưỡng bao gồm đình, đền, am, miếu và “các công trình tín ngưỡng hợp pháp khác” cũng là một khoản quét. Khoản 15 quy định các cơ sở nuôi dạy người tâm thần, người nghiện ma túy và “cơ sở trợ giúp xã hội khác”…Như vậy ngoài quy định mở ở khoản 32 mà vẫn còn để 5 khoản có quy định về khoản quét thì tạo nên sự không minh bạch và vô hiệu hóa khoản 32.
(Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga)
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...