Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
03:44 (GMT +7)

Luật Đất đai, nhà ở có hiệu lực sớm: Người dân chờ, doanh nghiệp đợi

Biết là cả người dân và doanh nghiệp đều mong chờ các luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm, song nhiều đại biểu Quốc hội vẫn yêu cầu những đánh giá tác động kỹ càng hơn.

Quang cảnh phiên họp ngày 21/6/2024
Quang cảnh phiên họp ngày 21/6/2024

 

Nhân dân đang rất mong chờ

Quốc hội Khóa XV đang hoàn tất những công việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7, trong đó có việc chuẩn bị bấm nút quyết định để 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản, là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định.

Từ hồ sơ trình Quốc hội cho đến báo cáo tiếp thu, giải trình, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường đều thuyết phục Quốc hội rằng điều chỉnh hiệu lực thi hành của các luật trên có rất nhiều tác động tích cực với nền kinh tế.

Theo Chính phủ, việc cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn sẽ khắc phục tồn tại trong định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư - vốn là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm. Việc này cũng tạo hành lang pháp lý, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội. Về phía doanh nghiệp, người dân, họ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi, ông Khánh nêu rõ.

 “Tôi hoàn toàn ủng hộ. Nếu đã rõ rồi thì phải làm, mà làm sớm tốt hơn là làm chậm. Bởi vì, dân trông lắm rồi, doanh nghiệp đợi lắm rồi, những người làm lãnh đạo, quản lý cũng rất mong các luật có hiệu lực sớm. Doanh nghiệp mà chậm một ngày là lãng phí nguồn lực rất lớn. Cho nên làm sớm là tốt. Nếu để đến 1/1/2025 thì đúng là quá chậm”, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh) nêu ý kiến.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) thì nếu chỉ đọc những nội dung được Chính phủ trình, nhất là phụ lục thống kê những điểm có lợi cho người dân và doanh nghiệp, thì không có lý do gì để không ủng hộ việc các luật có hiệu lực sớm. “Nhất là từ thực tiễn điều hành ở địa phương, chúng tôi lại càng mong muốn các luật này sớm đi vào cuộc sống. Bởi vì, các luật hiện hành có sự chồng chéo, mâu thuẫn, cách hiểu, cách thực hiện còn quá nhiều bất cập. Nhiều cán bộ nhà nước vi phạm pháp luật, vướng vào vòng lao lý cũng có một phần nguyên nhân từ sự bất cập từ đó. Nhiều cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm cũng có lý do từ bất cập đó. Cho nên các luật có hiệu lực sớm ngày nào thì tình trạng trên sẽ được cải thiện sớm ngày đó”, đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng
Đại biểu Hà Sỹ Đồng

Cũng phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nói, từ khi Luật Đất đai được thông qua đến nay, dư luận các địa phương, người dân, doanh nghiệp rất mong muốn luật có hiệu lực sớm. Bởi vì trong Luật Đất đai rất nhiều chính sách có lợi cho người dân, khơi dậy nguồn lực của đất đai và sự phát triển của doanh nghiệp, của đất nước.

Dẫn một số chính sách điển hình, ông Khánh nêu quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân trong Luật Đất đai rất cụ thể, rất đầy đủ với tinh thần thực hiện chỉ đạo của Trung ương là nơi ở mới phải bằng và hơn nơi ở cũ. Luật đã cụ thể hóa yêu cầu đó và còn đưa ra quy định, nếu như tái định cư ở đô thị phải đạt tiêu chí của đô thị, ở nông thôn phải đạt tiêu chí của nông thôn mới, đầy đủ cả hạ tầng cả văn hóa, cả kỹ thuật và hạ tầng xã hội

Bây giờ người dân đang rất mong chờ việc được cấp quyền sử dụng đất mà không tranh chấp, không vi phạm pháp luật từ 1/7/2014 trở về trước, làm sớm được ngày nào thì tốt cho dân ngày đó, Bộ trưởng Khánh nêu ví dụ tiếp theo.

Bộ trưởng cũng nêu thực tế nhiều địa phương đều xin Quốc hội thí điểm việc phân cấp, phân quyền. Việc chuyển đất lúa, chuyển đất rừng, trước đây 10ha, 20ha phải lên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ quyết định, bây giờ phân cấp chuyển về địa phương.

Luật giao nhiệm vụ cho địa phương thì chỉ cần phân cấp, thủ tục hành chính sẽ rút ngắn rất nhiều trong quá trình địa phương tự quyết định việc này. Như vậy, sẽ thu hút được các dự án đầu tư, giải quyết được nhanh các dự án đầu tư và khơi dậy nguồn lực, ông Khánh tiếp tục nêu sự cần thiết để Luật Đất đai có hiệu lực sớm.

Đại biểu vẫn còn lo ngại

Thảo luận tại tổ và hội trường, đều nhất trí về chủ trương điều chỉnh hiệu lực của các luật, song các vị đại biểu còn nhiều lo ngại.

“Có lẽ chưa bao giờ có dự án luật ngắn như thế này, có mấy trăm chữ nhưng sẽ tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội và cũng tạo ra tương đối nhiều sự băn khoăn. Khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày tờ trình thì thấy bừng bừng khí thế, nhưng mà khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo thẩm tra thì lại thấy đầy băn khoăn, đầy âu lo”, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) bày tỏ.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh giải trình
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh giải trình

Tại báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế cho rằng cần phân tích, so sánh chi phí, lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đánh giá kỹ lưỡng những tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế - xã hội để làm rõ tính tối ưu của việc điều chỉnh hiệu lực của các luật sớm hơn so với việc giữ nguyên hiệu lực thi hành, nhất là ảnh hưởng, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, phản ứng, tâm lý của xã hội.

Đối với văn bản quy định chi tiết do cơ quan trung ương ban hành, cơ quan thẩm tra nêu rõ, đến ngày 18/6/2024, mới chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành. 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa được ban hành.

Những lo ngại của cơ quan thẩm tra, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, cần được quan tâm đầy đủ, nhất là là nhận diện, đánh giá đầy đủ ảnh hưởng, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt sự phản ứng, tâm lý của xã hội.

Vị đại biểu Quảng Trị lấy ví dụ, Ủy ban Kinh tế quan ngại một số quy định có hiệu lực sớm hơn 5 tháng gây khó khăn cho các đối tượng do yêu cầu quản lý cao hơn, điều kiện thi hành chặt chẽ hơn. Tại báo cáo giải trình ngày 20/6, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng Luật Nhà ở năm 2023 đã quy định rất chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các loại hình nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở (hay còn gọi là chung cư mini) với mục tiêu để bán, cho thuê, cho thuê mua. Theo đó, yêu cầu phải lập dự án xây dựng nhà ở hoặc phải đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu về đầu tư xây dựng. Quy định này để khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở không đảm bảo yêu cầu trong đầu tư xây dựng, dẫn đến tình trạng cháy nổ như xảy ra thời gian vừa qua, do đó, việc quy định hiệu lực sớm của Luật Nhà ở sẽ khắc phục được các vấn đề của thực tiễn xảy ra trong thời gian vừa qua.

Địa phương mong chờ Luật Đất đai có hiệu lực sớm

Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng là một luật sửa nhiều luật, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ở địa phương, như Thái Nguyên thì các sở, ban, ngành luôn luôn mong chờ Luật Đất đai có hiệu lực sớm, sẽ góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rất nhiều. Đây là nội dung mới được Quốc hội thống nhất xem xét bổ sung vào chương trình kỳ họp lần này và sẽ thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Thái Nguyên)

 “Lập luận này rất đúng, nhưng tôi cho rằng việc đáp ứng các yêu cầu mới về đầu tư xây dựng cũng phải có lộ trình, và các nhà đầu tư đã chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu này từ 1/1 năm sau. Và đây cũng chỉ là một nội dung có thể tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh. Vì thế, tôi đề nghị, với tất cả những điều khoản có yêu cầu quản lý cao hơn, điều kiện thi hành chặt chẽ hơn thì khuyến khích đối tượng chịu sự tác động thực hiện từ 1/8 năm nay, còn hiệu lực để áp dụng chế tài xử lý vẫn là từ 1/1 năm sau”, ông Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.

Về điều kiện đảm bảo, tại tờ trình thì Chính phủ khẳng định có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

“Tất nhiên, đây được coi là điểm tựa để các đại biểu bấm nút thông qua việc có hiệu lực sớm. Điều tôi băn khoăn là tiến độ ban hành các văn bản đó phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của các bộ ngành”.

Sau nhận xét trên, ông Hà Sỹ Đồng dẫn chứng, khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai thì vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp có ý kiến mong muốn được tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất cho nhà ở thương mại.

"Chính phủ đã tính đến Đề án Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác và tôi được biết nội dung này đã được đưa vào Kế hoạch Triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024".

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định đây là việc có lợi cho nước, cho dân, từ tháng 2 năm nay đã khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án này, với phương án tốt nhất là được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này và có hiệu lực thi hành cùng với Luật Đất đai.

“Thế nhưng, đến giờ này đề án cũng chưa được trình Quốc hội. Một số cử tri có nói với tôi rằng, nếu việc thí điểm này cũng được thực hiện từ 1/8 thì việc các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm có tác động tích cực hơn rất nhiều, tôi cho rằng ý này cũng không phải không có lý.

Nêu ví dụ này, tôi muốn nói rằng, dù là Quốc hội, Chính phủ hay các bộ, ngành, cái gì đã nói được thì cần phải làm được”, vị đại biểu miền Trung thẳng thắn.

Quốc hội không thể giao khoán hoàn toàn trách nhiệm cho Chính phủ

Tại kỳ họp này Quốc hội thảo luận rất nhiều về vấn đề sợ trách nhiệm, sợ sai của cán bộ, công chức, viên chức. Một khi Quốc hội ấn nút thông qua, bất cứ vấn đề nào chúng ta đều phải chịu phần lớn trách nhiệm trước Đảng, đất nước và Nhân dân. Không có đủ cơ sở và điều kiện minh chứng cho thấy luật này có hiệu lực sớm sẽ có lợi ích, hiệu quả lớn hơn là thiệt hại thì chắc hẳn mỗi đại biểu Quốc hội sẽ rất băn khoăn, lo lắng việc mình quyết định có ảnh hưởng gì cho sự phát triển của đất nước, của người dân, của doanh nghiệp hay không và tôi cho rằng Quốc hội cũng không thể nào giao khoán hoàn toàn trách nhiệm này thuộc về Chính phủ. Vì vậy, thận trọng, có đủ điều kiện và căn cứ vững chắc sẽ giúp cho Quốc hội quyết định vấn đề này một cách chính xác và hiệu quả hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc, giải trình những băn khoăn của đại biểu bằng văn bản và bổ sung nội dung đại biểu yêu cầu, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội.

Theo nghị trình, sáng 29/6 Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy