Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
17:59 (GMT +7)

Lửa thiêng - Tiểu thuyết của Phan Thức

LTS: Tổng Tiên Thù xưa (nay thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) cùng với xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên và tổng Hoàng Vân (huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) là vùng An toàn khu 2 (ATK 2) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp do Đảng ta thành lập. ATK 2 là căn cứ hoạt động bí mật, nằm ngay trong lòng địch. Là vùng trung chuyển giữa ATK 1 (ven sông Hồng, với căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai). ATK 2 đã được các đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và một số đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng về hoạt động, tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, góp phần quan trọng vào cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Trong quá trình các đồng chí lãnh đạo của Đảng về hoạt động tại ATK 2, đã được nhân dân nuôi dưỡng, chở che, bảo vệ an toàn tuyệt đối.

Tiến tới kỷ niệm 80 năm thành lập ATK 2 (1943 - 2023), tác giả Phan Thức (hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên) đã căn cứ vào các cứ liệu lịch sử, xây dựng nên cuốn tiểu thuyết lịch sử “Lửa thiêng”. Nội dung, vùng đất và con người được đề cập trong cuốn tiểu thuyết là có thật, tại vùng tổng Tiên Thù xưa.

“Lửa thiêng” gồm 17 chương (sẽ được ra mắt bạn đọc trong quý III/ 2023). Khái quát những nét cơ bản từ khi xây dựng ATK 2 cho đến khi Cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên xin trân trọng giới thiệu chương thứ XIV của cuốn tiểu thuyết với bạn đọc.

Chương XIV - Thành lập Ủy ban Khởi nghĩa

Nghe tin đồn Chã bị tấn công, tỉnh trưởng Cung Đình Vận mặt đỏ gay gắt, hai hàng lông mày như dựng đứng lên. Hắn mím chặt môi, để lại vết răng thô trên đôi môi như vết dao chém dở. Cung Đình Vận ra lệnh:

Hãy bố trí một trăm lính khố xanh, tao sẽ trực tiếp chỉ huy xuống dẹp bọn này. Không để cho cộng sản xưng hùng, xưng bá được.

Cung Đình Vận dự định sẽ cho lính lùng sục khắp vùng Tiên Thù và từ đồn Chã lên đồn Hà Châu.

                                    1-1693105670.jpg
Minh họa: Lê Quang Thái

Từ sáng sớm, chúng đã kéo vào làng Yên Trung. Đoán được ý định của chúng, nhân dân đã được cán bộ cách mạng thông báo, nên mọi nhà đều đóng cổng không cho chúng vào. Cung Đình Vận càng tức giận:

- Bọn này gớm nhỉ, sao biết hôm nay ta cho lính về mà đều đóng cổng không cho vào?

Cung Đình Vận khoát tay, ra lệnh cho bọn lính đi sang thôn Xuân Trù.

- Chúng mày cứ phá cổng mà vào. Thấy đứa nào có ý định chống lại, thì gô cổ lại đem lên tỉnh giam. Của cải của chúng thu lại đem đi hết, đó đều là những thứ chúng nó thu từ đồn điền Chã đem về đấy.

Hơn một trăm lính hung hăng, chúng dùng xà beng, búa chim… đập phá cổng nhà dân. Chúng đi đến đâu, tiếng người kêu, tiếng khóc của nhân dân cộng với tiếng hô hoán của bọn lính làm vang động cả một vùng. Từ Xuân Trù chúng lại kéo sang thôn Nguyễn Hậu, thôn Thù Lâm để đập phá, càn quét.

Đến buổi chiều, chúng đã bắt năm mươi người về giam tại nhà lao của tỉnh. Chúng bắt đem theo bốn mươi con trâu bò của nhân dân.

Năm mươi người bị bắt về chúng chia ra nhiều phòng để tra tấn, hỏi cung:

- Bọn giặc cỏ cộng sản ở đâu đã xui chúng mày phá kho thóc lấy nhiều thứ trong đồn, trong đồn điền Chã về chia cho nhau?

Mỗi lần hỏi, là một lần chúng dùng dùi cui tra tấn. Nhưng mọi người đều lắc đầu:

- Không biết, chúng tôi không tham gia phá kho thóc, không lấy gì ở đồn Chã và đồn điền Chã cả.

Tra tấn, hỏi cung không được. Hơn mười ngày sau, chúng phải cho số đông về nhà. Còn hơn chục người chúng tiếp tục giam giữ tại nhà lao.

***

Bọn địch vừa rút đi, Trần Mạnh Hùng, người được Xứ ủy giao nhiệm vụ, khẩn trương triệu tập cuộc họp gồm các cán bộ cốt cán tại nhà ông Phó hội Phương, là một người được giác ngộ theo cách mạng.

Trần Mạnh Hùng nói:

- Kẻ địch càn quét, nhưng cơ sở cách mạng vẫn giữ vững. Nhân dân càng căm thù địch. Thời cơ đã có nhiều thuận lợi cho cách mạng. Khu giải phóng Việt Bắc đã được thành lập gồm sáu tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên của chúng ta. ATK 2 của chúng ta đã góp phần là cầu nối giao thông thuộc sự chỉ đạo của Khu giải phóng. Đã tạo được con đường liên lạc từ tổng Tiên Thù lên Bắc Sơn, Võ Nhai và Cao Bằng; Đường qua Đại Từ lên Định Hoá, Sơn Dương, Tuyên Quang, đảm bảo việc đưa đón cán bộ an toàn, bí mật lâu nay.

Trần Mạnh Hùng giọng nói đầy niềm tin:

Tình hình cách mạng ngày càng thay đổi nhanh chóng, nhân dân quanh vùng tổng Tiên Thù và các vùng khác đều sục sôi khí thế. Vừa qua theo chỉ đạo ở trên, ngay từ tháng sáu (1945) Ủy ban khởi nghĩa của các làng đã được thành lập. Để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền, thay thế cho chính quyền cũ.

Càng nói, Trần Mạnh Hùng càng thể hiện tinh thần phấn khởi:

Ủy ban khởi nghĩa ở các làng, ngoài số cán bộ cốt cán của ta xây dựng lâu nay, còn có một số chức sắc của chính quyền cũ đã được ta giác ngộ, tự nguyện tham gia. Các vị đó tham gia Ủy ban là kết quả thực hiện chủ trương tranh thủ kỳ hào của Đảng ta. Mặt khác các vị đã ý thức được nguyên nhân đời sống lầm than, cơ cực đều do phong kiến, thực dân gây ra. Nên các vị đó đã tích cực tham gia phong trào cách mạng, tham gia Ủy ban khởi nghĩa kỳ này. Ở các làng còn có các cụ phụ lão. Được các cụ, các bà, các chị và các vị chức sắc của chính quyền cũ tham gia, sẽ thuận lợi trong việc động viên được nhiều người tham gia, khi tiến hành khởi nghĩa.

Trần Mạnh Hùng nói tiếp:

Theo chỉ đạo của cấp trên, hôm nay tại cuộc họp này, chúng ta sẽ cử ra ủy ban khởi nghĩa của tổng Tiên Thù, để thực hiện các chỉ thị của cấp trên và hướng dẫn Ủy ban khởi nghĩa của các làng cùng thực hiện.

Một vị cán bộ của Xứ ủy Bắc Kỳ được cử về tăng cường cho tổng Tiên Thù, đứng dậy:

- Qua theo dõi hoạt động và theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tôi thấy nên cử đồng chí Trần Mạnh Hùng là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, đồng chí Hoàng Quốc Bảo là Phó Chủ tịch, đồng chí Tạ Trung Hiền làm thư ký Ủy ban.

Sau vài ý kiến bàn bạc, tham gia. Mọi người đều giơ tay:

Chúng tôi tán thành ý kiến của đồng chí cán bộ Xứ ủy…

***

Tin tức dồn dập từ các tờ báo và tin truyền nội bộ đưa về: Lực lượng đồng minh đã tiêu diệt hoàn toàn phát xít Đức (tháng 5/1945). Hồng quân Liên Xô với lực lượng hùng hậu bắt đầu tiến công phát xít Nhật. Ngày mồng 8 tháng Tám (1945), Liên Xô tuyên chiến với Nhật và tấn công đội quân Quan Đông của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc.

Ngày 14 tháng 8 (1945), Nhật đầu hàng Liên Xô và đồng minh không điều kiện. Trưa ngày 15 tháng 8 (1945), Nhật Hoàng đã lên đài tuyên bố đầu hàng.

Trước bối cảnh đó, quân Nhật ở Đông Dương rệu rã, không còn ý chí. Chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim và lũ tay sai của Nhật rơi vào trạng thái hoang mang cực độ. Không còn khả năng điều hành công việc.

Cao trào kháng chiến cứu nước do Đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo, ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng đã lan ra miền xuôi, miền ngược, trong Nam, ngoài Bắc… Lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng được hợp nhất thành Việt Nam Giải phóng quân.

Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ủy ban đã phát ra “Quân lệnh số 1”. Chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc.

***

Sáng 17 tháng 8 (1945), cả khu rừng quanh đình Tân Trào trời mùa thu trong xanh, không một gợn mây. Cây lá như reo vui đón chào một sự kiện lớn của đất nước: Đại hội quốc dân.

Mấy ngày trước, ngôi đình cổ thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã được bí mật quét dọn sạch sẽ, bảo vệ nghiêm ngặt. Ngôi đền mọi ngày là nơi thờ cúng, tổ chức các sự kiện quan trọng của bà con các dân tộc.

Trên sáu mươi đại biểu từ Bắc, Trung, Nam. Có cả đại biểu về từ nước ngoài. Đại biểu đại diện cho các dân tộc, tôn giáo, đảng phái… Nét mặt người nào cũng thể hiện nghiêm trang, nhưng đầy trách nhiệm. Ông Nguyễn Ái Quốc chủ trì đại hội. Đại hội đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh. Nhất trí thông qua mười chính sách của Việt Minh:

1 - Giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập. 2 – Vũ trang nhân dân. Phát triển quân giải phóng Việt Nam. 3 – Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tuỳ từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo. 4 – Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra, đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ. 5 – Ban bố những quyền của dân: Nhân quyền; tài quyền (quyền sở hữu); dân quyền: Quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại, dân tộc bình quyền, nam nữ bình đẳng). 6 – Chia lại ruộng công cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn nhân. 7 -  Ban bố Luật lao động: Ngày làm việc 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm. 8 – Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở quốc gia ngân hàng. 9 – Xây dựng nền quốc dân giáo dục, chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp. Kiến thiết nền văn hoá mới. 10 – Thân thiện và giao hảo với các nước đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc, để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ.

Tại đại hội nhất trí quyết định thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do ông Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội quy định quốc kỳ là lá cờ đỏ, sao vàng năm cánh. Quốc ca là bài “Tiến quân ca” của nhà nước Việt Nam.

***

Huyện đường Phổ Yên, những ngày trước người ra vào tấp nập. Những bóng dáng áo dài the, khăn xếp đi lại không chỉ là các quan “lớn”, quan “bé” làm trong huyện đường, mà còn có nhiều ông Lý, ông Chánh… từ các tổng, các xã có việc lên hầu quan. Bọn lính cơ đi lại lăng xăng, quát tháo thị uy người dân có việc lên “bẩm báo” với quan. Còn có cả một số người dân quần áo rách rưới, tơi tả, tóc tai rũ rượi. Thậm chí có người còn có vết tím bầm, vết máu trên mặt, hai tay bị trói giật về phía sau, bị bọn lính cơ lôi kéo và nhốt trong các phòng giam, chờ ngày xét xử. Đó là những người dân, chúng cho là phạm tội “trốn sưu”, “trốn thuế”, những người hoạt động bí mật, theo chúng là có âm mưu chống phá “nhà nước”… tất cả những hình ảnh đó hôm nay vắng tanh tại huyện đường.

Tri huyện Đồng Mạnh Tư nét mặt lo lắng, đi lại trong mấy gian nhà trống, không có một bóng người. Chỉ còn lại những câu đối, bàn ghế sơn son thếp vàng dấu hiệu một thời vàng son…vẫn như xưa. Đồng Mạnh Tư bỗng gọi to:

- Chúng mày đâu? Chúng mày đâu?

Mọi khi, lúc cần chỉ có một tiếng gọi là bọn “quan” làm ở gần, bọn lính cơ “Dạ” vang, rồi lục tục kéo đến: “Quan có việc gì ạ”. Hôm nay, gọi đến lần thứ hai, mà không có một tiếng trả lời, hay bóng dáng của ai đến. Tiếng gọi của Đồng Mạnh Tư nhanh chóng tan loãng giữa mấy gian nhà trống, đã trở thành lạnh lẽo, hoang vu.

                                    2-1693105669.jpg
Minh họa: Lê Quang Thái

Có tiếng bước chân ngoài cửa. Đồng Mạnh Tư nhìn ra, Đội Sát trong bộ quần áo nhà binh đi đến, cúi gập người chào Đồng Mạnh Tư:

- Dạ, quan lớn có việc gì ạ?

Thái độ khác hẳn với mọi ngày, chủ, tớ phân minh, Đồng Mạnh Tư chỉ chiếc ghế rồi nói nhỏ nhưng nghe rõ:

- Ông Đội ngồi vào ghế này.

Đội Sát bất ngờ trước cử chỉ của tri huyện:

- Dạ, có việc gì quan lớn cứ dạy bảo.

Đồng Mạnh Tư nhìn Đội Sát lo lắng:

- Tình hình thế nào mà gần trưa rồi, huyện đường vắng vẻ thế này?

Đội Sát thưa:

- Thưa quan lớn, mấy ngày hôm nay tình hình gay go lắm. Bọn giặc cỏ Cộng sản xúi giục dân chúng nổi dậy ở nhiều nơi. Từ các xã, các tổng chúng đã lập ra cái gọi là “Uỷ ban dân tộc giải phóng”. Nhiều công chức đã bỏ việc do sợ liên luỵ đến bản thân. Một số người trước đây làm việc cho ta, nhưng thực tế là người của Cộng sản mà ta không biết. Bây giờ họ đã về với Cộng sản rồi. Binh lính không còn tinh thần, ở các đồn Chã, Sơn Cốt, nhiều lính đã chạy theo Cộng sản. Một số sợ hãi bỏ về nhà.

Đội Sát nhìn Đồng Mạnh Tư nét mặt đầy lo lắng, nói tiếp:

- Thưa quan lớn, từ sáng đến giờ ít người đến làm việc là do vậy.

Đội Sát thở dài:

- Sắp tới tình hình chắc sẽ còn xấu hơn.

Đội Sát đi rồi, Đồng Mạnh Tư gục đầu xuống bàn rồi lại từ từ ngẩng lên. Đôi mắt thất thần. Hắn nghĩ đến gia phong nhà hắn, bố hắn vốn là một địa chủ khét tiếng trong vùng, lại có mối quan hệ rất mật thiết với Pháp, nên càng có thanh thế. Đến đời hắn được học hành tử tế, hắn lại sáng dạ, nên học xong ở trường trong tổng, hắn thi đỗ và về Hà Nội học. Học xong hắn được bổ nhiệm làm Tri huyện. Vốn là người sáng dạ, nên hắn khi làm quan biết lúc nhu, lúc cương, nhất là với quan trên, với dân chúng. Đồng Mạnh Tư có tiếng là viên quan được lòng trên, lại được lòng dân chúng.

Không ai biết được những thủ đoạn làm giàu của hắn. Vàng bạc trong kho, hắn nhẩm tính phải vài đời cũng không dùng hết được. Hắn đặc biệt mê gái, vốn là người ăn nói có duyên, nhiều khi còn thể hiện là người nho nhã thích thơ văn. Hai bà vợ đầu đều thuộc gia thế “Môn đăng hộ đối”, có bố làm quan, nhà giàu có. Riêng bà vợ thứ ba lại có hoàn cảnh khác. Bố của bà chỉ là ông giáo dạy chữ nho trong làng, bà mẹ có gánh hàng xén ngoài chợ. Ông bà cố gắng cũng chỉ lo được cuộc sống đạm bạc. Là con gái thứ trong nhà, bà nổi tiếng đẹp gái. Vất vả lo toan cuộc sống cùng bố mẹ, nhưng trời phú cho bà một nước da trắng hồng, đôi mắt đen, hàng mi cong, đôi môi lúc nào cũng như bôi son. Cái dáng của bà thì chọn trong vạn người may ra mới có người giống bà: Thắt đáy lưng ong, mái tóc đen dài đến khoeo, lúc nào cũng được búi hoặc vấn gọn gàng. Bấy nhiêu điều trời phú cho bà chưa hết, bà được bố dạy cho chữ nho. Bà có thể tự dịch nghĩa những câu đối khó, bà còn biết làm thơ. Nhiều lúc được cha bà cho ngồi cùng để xướng hoạ thơ.

Lấy được bà, Đồng Mạnh Tư nghĩ trời đã ban cho mình một báu vật. Hắn làm cho bà một ngôi nhà riêng trong huyện đường. Khi đi làm về, hay ngày nghỉ hắn đều ở với bà ở ngôi nhà đó. Có lúc cao hứng, hắn còn nói chuyện thơ ca với bà. Hắn thực sự phục bà vốn hiểu biết về các áng văn chương kim cổ. Bà cả, bà hai hắn làm nhà cho ở dưới quê. Hắn bảo để có điều kiện chăm sóc bố mẹ già.

Là Tri huyện, được quan trên giao cho cai quản cả một vùng đất đai rộng lớn. Bổng lộc nhiều, nhưng cũng không ít khó khăn. Lại rơi vào lúc thời thế có nhiều biến động. Mấy năm gần đây, Đồng Mạnh Tư nhận thấy trong dân chúng đã có nhiều thay đổi, người dân không cam chịu nghèo đói, khổ sở như trước. Họ đã bí mật liên kết với nhau, dưới sự tổ chức của cán bộ cách mạng, tạo thành những làn sóng ngầm, mỗi lúc thêm mạnh mẽ. Những ngày gần đây những làn sóng ngầm ấy đã mạnh mẽ hơn và đã trở thành công khai, đang dồn dập phát triển ở các tổng, các xã. Là người có học, hắn hiểu được điều gì sẽ đến với hắn, mà chắc chắn không còn xa nữa. Nét mặt từ chỗ lo âu, chuyển sang giận dữ. Đồng Mạnh Tư nắm tay rồi vung lên đập mạnh xuống bàn:

- Thế là hết!

Bút nghiên và mấy thứ để trên bàn bật lên, rồi rơi lổng chổng xuống nền nhà.

Đồng Mạnh Tư hai tay giữ chặt lấy đầu, rồi gục xuống bàn, đầy thất vọng.

Trích tiểu thuyết Lửa thiêng của Phan Thức

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Lời mẹ ru

Thơ 1 giờ trước

Đón bạn về quê

Thơ 6 giờ trước

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 11 giờ trước

Gieo mầm cho sự sống

Xem tin nổi bật 21 giờ trước

Ba Đình nắng lên

Thơ 22 giờ trước