“Lửa thiêng”, một tiểu thuyết có giá trị lịch sử
Thời kì trước Cách mạng, trong kháng chiến, nước ta đã từng có nhiều nhà văn viết rất thành công về đề tài lịch sử. Thời kì 1932 - 1945 đã từng nổi lên những tên tuổi như Nguyễn Huy Tưởng với Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô; Trương Tửu với Tráng sĩ Bồ Đề; Đái Đức Tuấn với Kho vàng Sầm Sơn… Rầm rộ nhất có lẽ là vào thời kì Đổi mới với sự xuất hiện của nhiều tác giả cùng những tác phẩm đồ sộ, có tiếng vang trên văn đàn, như Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn; Hoàng Quốc Hải với bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần; Nguyễn Quang Thân với Hội thề; Ngô Văn Phú với Gươm thần vạn kiếp, Cờ lau dựng nước; Nguyễn Mộng Giác với Sông Côn mùa lũ… Có thể nói đó là những cuốn sách hoặc những vở kịch lớn sống mãi trong lòng người đọc.
Thái Nguyên trong các triều đại phong kiến, nói chung là một vùng đất heo hút, hoang vu, cách trở nhưng không phải không ẩn tàng những sự kiện lịch sử lớn, thậm chí vô cùng quan trọng, có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong tiến trình lịch sử của đất nước. Ví như Phò mã lang Dương Tự Minh, dân tộc Tày, là người đức độ, có tài thao lược, được vua Lý phong làm Thủ lĩnh phủ Phú Lương, đã có công lớn trong việc phù giúp triều Lý giữ vững biên cương quốc gia Đại Việt những năm 20 - 40 thế kỉ XII; như Lưu Nhân Chú, một danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, người xã Vân Yên, huyện Đại Từ. Đầu thế kỉ XX có cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo; rồi trong Cách mạng Tháng Tám, trong Kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, nhiều vùng đất Thái Nguyên nằm trong ATK trung ương, đã làm nên biết bao kì tích lịch sử huy hoàng…
Tuy vậy, nhưng kiểm lại, ở Thái Nguyên đã có bao nhiêu tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử do chính các nhà văn Thái Nguyên viết ra? Câu trả lời là rất nghèo nàn và phiến diện.
Nhìn chung các tác phẩm về đề tài lịch sử ở Thái Nguyên thường có xu hướng nghiêng về thời kỳ phong kiến. Các tác phẩm viết về lịch sử cách mạng, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của các tác giả Thái Nguyên chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay: 2 cuốn mang tính tư liệu của nhà văn Ma Trường Nguyên, 1 cuốn viết về cuộc đấu tranh vào thời kỳ tiền khởi nghĩa ở mỏ than Phấn Mễ của nhà văn Phan Thái, hai cuốn về Đại đội TNXP 915. Như vậy để thấy rằng, dù sinh sống và lớn lên, thậm chí gần suốt cuộc đời ngay trên mảnh đất khá màu mỡ về đề tài lịch sử cách mạng và kháng chiến nhưng các nhà văn Thái Nguyên lại không mấy mặn mà với đề tài này.
Chính vì vậy, cuốn tiểu thuyết "Lửa Thiêng" viết về thời kì trước Cách mạng thành công ở mảnh đất Tiên Phong, Phổ Yên (một tên gọi khác là vùng ATK 2) của nhà văn Phan Thức ra mắt vào những năm tháng này, nhất là đúng dịp kỉ niệm 80 năm thành lập ATK 2 (1943 - 2023), đã trở thành một hiện tượng quý hiếm.
"Lửa thiêng" là cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn Phan Thức. Cuốn thứ nhất cũng là một tiểu thuyết lịch sử về Tiến sĩ - Thượng thư Đỗ Cận, một danh nhân của đất Phổ Yên, ở thế kỉ XV. Với tiểu thuyết "Lửa thiêng" lần này, ngòi bút của Phan Thức đã hướng về đề tài cách mạng của các chiến sĩ thời kì tiền khởi nghĩa vùng đất Tiên Thù năm xưa (Tiên Phong ngày nay) thuộc đất Phổ Yên, cũng là vùng đất mà nhà văn Phan Thức đã gắn bó gần 50 năm qua.
Trong sáng tác văn học, viết về lịch sử là một trong những đề tài khó khăn vào bậc nhất đối với người cầm bút. Lại càng khó khăn hơn ở các đề tài lịch sử về cách mạng, kháng chiến vốn rất gần với hiện tại. Một số chứng nhân lịch sử hiện đang sống, cùng với những câu chuyện, những sự kiện lịch sử tuy đã là quá khứ nhưng hầu như vẫn đang tồn tại trong trí nhớ của người đương thời. Điều này sẽ là một thử thách lớn đối với người cầm bút. Tuy nhiên, với "Lửa thiêng", nhà văn Phan Thức đã biết cách vượt qua những thử thách nói trên một cách khá ngoạn mục để đưa cuốn tiểu thuyết đến thành công.
Cuốn tiểu thuyết không quá dài, phân bố thành 17 chương, gọn gàng trong 230 trang sách nhưng đã phản ánh được một cách chân thực, sinh động một thời kì hoạt động bí mật vô cùng hào hứng và sôi nổi, kể từ khi xây dựng ATK 2 đến khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công của những chiến sĩ cách mạng kiên cường và nhân dân vùng ATK 2 - trong đó có những tên tuổi lớn mà sau này đã trở thành những lãnh tụ của đất nước.
Bằng bút pháp truyền thống, phản ảnh, diễn giải một cách chân thực, có phần mộc mạc, đồng thời kết hợp với kĩ thuật hư cấu vừa đủ, nhà văn Phan Thức, trước hết đã cho bạn đọc có được những nhận thức khá đầy đủ về phong trào cách mạng trên đất Tiên Phong. Từ ngòi bút của tác giả, các gương mặt của từng chiến sĩ cách mạng, của từng nhân vật lịch sử đã được tái tạo một cách sinh động, để lại những dấu ấn đẹp trong lòng bạn đọc.
Một trong những cái khó khi viết về các nhân vật lịch sử là dễ sa vào tô hồng, biến các nhân vật lịch sử thành những khuôn vàng thước ngọc. Nhà văn Phan Thức đã ít nhiều tránh được điều này. Các nhân vật chính trong tiểu thuyết như Hải Long, Duy Phương, Hoàng Quốc Việt và đặc biệt là Tổng Bí thư Trường Chinh, trước hết, sự hiện hữu của họ trong tác phẩm là những con người bình thường, giản dị với đầy đủ mọi phẩm chất thuộc về con người. Bên cạnh một trí tuệ phi phàm, tinh thần cách mạng cháy bỏng còn là những tâm lí buồn, vui, yêu ghét, khổ đau, phẫn nộ… trong cuộc sống thường ngày như muôn vạn người lao động trong nhà máy, ruộng đồng…
Nhân vật Hải Long, một nhân vật lịch sử có thật, bằng chứng là hiện nay các con cháu của cụ Hải Long vẫn đang sinh sống, công tác tại thành phố Phổ Yên hoặc ngay trên đất Tiên Phong. Nhân vật Hải Long có hoàn cảnh kinh tế khá giả, bề ngoài làm việc cho chính quyền tay sai, nhưng do có lòng ái quốc, thương dân nên được giác ngộ và đã trở thành một cán bộ lãnh đạo quan trọng của phong trào cách mạng. Đây là một trong những nhân vật có thật đã được Phan Thức chú tâm xây dựng và đã có sự thành công nhờ sự điều phối khá nhuần nhuyễn giữa cái thật và cái hư cấu. Vì vậy, dù nhân vật Hải Long xuất hiện suốt dọc cuốn sách nhưng không gây cho độc giả sự nhàm chán.
Ngoài ra, các nhân vật lịch sử khác như Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Hoàng Quốc Việt, ông giáo Thẩm, ông Nho Hân (người treo cờ trên đồi Thông Hạc), bà Hoàng Thị Úc (tức Tuỳ) cơ sở in báo Cờ giải phóng, bà Lưu Thị Phận, cơ sở được Đảng tổ chức hội nghị phổ biến Nghị quyết Trung ương VIII, ông Hoàng Văn Khoan, ông Nguyễn Ích Giáp tham gia cùng đồng chí Hải Long thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Phổ Yên, tại gò Cái Bá… cũng được nhà văn mô tả một cách khá chân thực và thuyết phục.
Nhìn chung, hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử ít nhiều có khác biệt với tiểu thuyết nói chung, nhất là đối với các đề tài gần với hiện tại. Để không làm lệch lạc lịch sử, đồng thời không sa vào sự trần trụi, khô khan là một việc khó khăn, đặc biệt là với các nhân vật chính diện. Trong việc khắc họa nhân vật, nhà văn Phan Thức đã có những xử lí thích hợp.
Người đọc nhận thấy càng về những chương cuối càng có sự hấp dẫn người đọc. Các chương "Vượt sông thoát hiểm", "Tổng Bí thư Trường Chinh thăm đền thờ Lý Nam Đế", "Tiêu diệt đội Vinh", "Đánh đồn Chã"… là những chương khá sinh động. Ở những chương này, các nhân vật lịch sử đều là những nhân vật có thật, được hư cấu thêm một số chi tiết, nhưng không hề có sự gượng ép.
Riêng chương IX: “Tổng Bí thư Trường Chinh thăm đền thờ Vua Lý Nam Đế” là một chương hoàn toàn sáng tạo của tác giả nhưng đã hòa vào những tình tiết có thật một cách vô cùng hợp lý nên đã tăng thêm giá trị của cuốn sách. Nó không những phản ảnh được truyền thống tiếp nối hào hùng của dân tộc ta đánh giặc ngoại xâm giải phóng dân tộc, đồng thời cũng khắc sâu thêm bản chất rất đáng kính trọng của đồng chí Trường Chinh nói riêng, lãnh tụ của Đảng ta nói chung luôn biết trân trọng và phát huy thành quả quá khứ để tạo ra sức mạnh trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm. Điều này phù hợp với ý kiến của nhà văn Sương Nguyệt Minh, người từng có tiểu thuyết lịch sử đoạt giải cao của Hội Nhà văn Việt Nam: “Nhà văn không phải người sao chép lịch sử, tái hiện lịch sử như nó từng xảy ra mà chỉ mượn nhân vật, bối cảnh để lý giải một vấn đề lịch sử...”.
Trong "Lửa thiêng", các nhân vật phản diện như An Cúp, Bát Tô Ly, Đội Vinh, Đội Be… cũng đều là những nhân vật có thật, được tác giả khắc họa bằng những tính cách tuy cùng giống nhau ở sự tàn ác nhưng mỗi tên đều có những tính cách riêng.
Đây là đoạn văn miêu tả tên An Cúp: "Hắn có bộ râu quai nón rậm. An Cúp mang cả vợ con sang Việt Nam ở. An Cúp nói tiếng Việt khá sõi. Khi giao dịch với người Việt hắn không phải qua thông ngôn mà trực tiếp nói chuyện. Khi bắt được người nghi là cộng sản, sau khi đồn trưởng và bọn lính người Việt hỏi cung, tra tấn không có kết quả, An Cúp trực tiếp hỏi cung và tra tấn. Hắn là người có võ nên những đòn tra tấn của hắn vô cùng dã man. Những người bị An Cúp tra tấn sau đó phát bệnh mà chết hoặc tàn tật suốt đời".
Nhân vật Bát Tô Ly lại có những đặc điểm khác: "Đôi mắt Bát Tô Ly bị xếch, đôi lông mày rậm, đôi môi dày thâm. Trong ăn uống, Bát Tô Ly khoái khẩu với hai món lợn sữa hầm và chó đắp đất thui. Hắn thường xuyên cho lính vào một số làng xóm quanh vùng. Phát hiện nhà nào có đàn lợn sắp đẻ hoặc có chó, lính phải bắt mang về. Lợn sữa cho hầm với hạt sen và thuốc Bắc. Còn chó thì sau khi làm lông, mổ lấy hết nội tạng ra xong đem trát đất đắp kín cho lên lò nướng. Tuần nào Bát Tô Ly cũng ăn vài bữa như thế. Đòn roi của Bát Tô Ly với người bị bắt dã man hơn cả An Cúp".
Còn với Đội Vinh là tên ác ôn người Việt, Phan Thức lại có lối tả có sự tương phản giữa hình thức bên ngoài và tâm địa bên trong, đó cũng là một thuộc tính khá phổ biến của bọn tay sai: "Đội Vinh cao gần một mét tám, đẹp trai. Lúc bình thường ăn nói dễ nghe. Đội Vinh luôn tỏ ra một con người am hiểu nhiều lĩnh vực". Việc chọn vợ của hắn cũng khác đời. Tuy hắn có dáng bên ngoài để nhiều cô gái mê mẩn nhưng khi chọn vợ hắn lại không chọn người đẹp, con nhà giàu vì sợ đời binh nghiệp khó quản lí, dễ bị vợ cho cắm sừng. Hắn đã kết hôn với một cô gái nhan sắc bình thường nhưng nết na, rồi giấu biến vợ về quê, ra khỏi tầm mắt của bọn lính tráng trong đồn. Một điều khá lạ nữa là đội Vinh rất thích thăm thú đền, chùa với lòng thành tâm tuyệt đối…
Vậy nhưng tâm địa của hắn thì đáng sợ làm sao, nó đối lập hẳn với vẻ bề ngoài bóng bảy, giả từ tâm của hắn: "Những người bị bắt về đồn, đội Vinh cho lính hoặc tự tay tra tấn bằng nhiều hình thức dã man mà hắn được nghe hoặc được đồng bọn truyền lại. Thấp nhất là dùng dây da đánh, giội nước lạnh vào ban đêm mùa đông, hơ lửa trong phòng giam ngày oi bức. Cao hơn thì hắn cho lính dùng búa đập vào mắt cá chân và xương bánh chè, đốt miệng người bị bắt khi không khai báo. Cực hình của hắn là dùng dùi sắt nung đỏ xuyên qua bắp chân, giội nước sôi vào từng bộ phận con người, lấy kìm rút móng chân, móng tay…".
Tiểu thuyết “Lửa thiêng” còn có sự thành công, là bằng những hình tượng văn học tác giả đã đem đến cho bạn đọc những nhận thức và sự đánh giá xác đáng về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong giai đoạn tiền khởi nghĩa. Từ cuốn sách, có thể rút ra hai bài học:
Một là, sự thành công của Đảng ta trong đường lối lấy dân làm gốc. Trong bất kỳ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, Đảng ta đều đặt vấn đề tin vào dân, dựa vào dân, giác ngộ nhân dân để tạo nên sức mạnh tự nguyện của nhân dân thực hiện thành công các đường lối, chủ trương của Đảng.
Bài học thứ hai, chỉ ra sự sáng tạo của Đảng ta đã vận dụng đúng đắn các chủ trương phù hợp với thực tế. Việc xây dựng ATK 2 là hoàn toàn phù hợp với thời điểm đó, đã tạo ra một vùng trung chuyển giữa ATK 1 (vùng ven sông Hồng) với căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai. Chính vì vậy, ATK 2 đã góp phần tích cực vào cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Tiểu thuyết “Lửa thiêng” của nhà văn Phan Thức đã góp phần làm rõ hơn hai nội dung trên.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều cuốn sách văn học viết về đề tài lịch sử, tiểu thuyết "Lửa thiêng" vẫn khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót thường mắc phải như ít nhiều còn có sự khô cứng, dập khuôn hoặc đôi khi vẫn lệ thuộc vào sử liệu… Nhưng nhìn chung đây là một cuốn tiểu thuyết có giá trị lịch sử nhất định, là một bức tranh khá toàn cảnh về một vùng đất cách mạng bí mật, sôi nổi một thời. Nó giúp cho bạn đọc hôm nay và mai sau, đặc biệt là các bạn đọc trẻ hiểu được tinh thần quật khởi, quả cảm của các chiến sĩ cách mạng kiên trinh và nhân dân trên vùng đất Tiên Thù nói riêng, Phổ Yên nói chung. Đó là những vấn đề tạo nên thành công của cuốn tiểu thuyết.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...