Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
11:07 (GMT +7)

Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm…

Tôi cứ bị ấn tượng mãi câu ca ấy trong bài hát “Khúc hát sông quê” của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, phổ thơ Lê Huy Mậu… Mỗi ca từ vang lên tôi như thấy hiện ra khung cảnh làng quê mình. Trong đó, hình ảnh những sợi rơm, cây rơm, con đường quê đầy rơm vàng cùng kỷ niệm ấu thơ cứ lần lượt như một thước phim chầm chậm hiện về.

Như một sự ngẫu nhiên, khi bài hát “Khúc hát sông quê” văng vẳng trên loa nhà văn hóa xóm cũng là lúc tôi nhận được những hình ảnh tuyệt đẹp về cánh đồng làng Úc Kỳ (Phú Bình) do nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Khắc Thiện gửi. Những hình ảnh rất đỗi quen thuộc nhìn qua góc máy của nghệ sĩ sao mà đẹp, mà yêu đến thế. Làng quê bé nhỏ thân thương của tôi hiện dần qua từng góc máy. Đây, cánh đồng vàng óng nhìn từ trên cao, xa xa là dòng sông Cầu êm đềm uốn lượn. Và kia, nhìn dáng ai như dáng mẹ, dáng chị đang chở lúa, chở rơm về nhà,…

Nhiều người biết đến quê tôi với đặc sản gạo nếp Thầu dầu và tương nếp - thứ nước chấm làm say lòng người. Nhưng ít ai biết rằng rơm, rạ của cây lúa nếp Thầu Dầu còn được người dân nâng niu làm nhiều việc hữu ích khác.

Nhà tôi có 8 sào ruộng thì vào vụ Mùa thường dành hơn nửa diện tích để cấy lúa nếp Thầu Dầu. Mẹ tôi bảo: Lúa nếp Thầu Dầu không chỉ cho hạt mẩy, thơm dẻo để làm xôi, làm bánh, làm tương nếp ngon ngọt, thơm lựng mà rơm lúa còn được dùng để tết chổi, sưởi ấm những đêm đông… Vì thế, những ruộng lúa nếp Thầu Dầu bao giờ cũng được người dân chăm sóc “đặc biệt”.

Nhiều gia đình ở nông thôn vẫn giữ được những cây rơm trong vườn

Bà nội tôi kể: Vào mùa gặt, những hàng lúa được gặt xếp hàng thẳng tắp. Rạ được khum tại ruộng cho mau khô rồi bó lại mang về nhà để lợp mái nhà. Rơm thì được cắt ngang vừa thân cây lúa, bó lại thành từng nắm nhỏ phẳng phiu. Sau khi những nắm lúa gồng mình bứt những hạt thóc mẩy căng khỏi thân theo vòng quay của máy tuốt, rơm được giũ lại một lần nữa cho rơi lá lúa còn sót lại rồi bó vào, đem phơi thành hàng, cất giữ cẩn thận để làm chổi rơm. Ngày xưa, khi còn gian khó, chỉ với cây tre cùng rơm, rạ và đất bùn đã có thể làm nên ngôi nhà hoàn chỉnh. Tuy không được bền chắc lắm, song ở những ngôi nhà này lại rất mát mẻ vào mùa hè, ấm ấp vào mùa đông. Trong kháng chiến chống giặc Mỹ, những chiếc mũ rơm đã giúp chống lại những mảnh bom, đạn của giặc. Khi dân ta còn nghèo, rơm cũng trở thành những chiếc nệm ấm êm để cho nhiều gia đình nghèo chống lại những mùa đông giá rét. Nước tro rơm nếp được dùng làm món bánh tro mềm dẻo vàng óng như mật… Rơm rạ còn được dùng làm vật liệu che phủ cho cây để vừa giữ ẩm vừa giữ ấm vào ngày lạnh, làm mát vào ngày nắng nóng; dùng lót ổ cho gia súc, gia cầm.

Ngày nay, mặc dù có máy gặt thay thế, giải phóng sức lao động nhưng nhiều hộ dân quê tôi vẫn giữ thói quen cắt lúa bằng tay để rơm không bị nát. So với rơm tẻ thì rơm lúa nếp Thầu Dầu có vị thơm đặc trưng, qua máy tuốt, rơm vẫn giữ được màu vàng óng. Sau khi được phơi khô, rơm được người dân cẩn thận cất lên chỗ cao ráo, thường là gác chuồng trâu, chuồng lợn, tránh mưa dột vào. Có những năm lúa bị đổ do mưa bão, rơm không làm được chổi nhưng vẫn được người dân cắt gọn mang về trộn lẫn với rơm lúa tẻ để “đánh” thành cây rơm ở góc vườn. Làng quê tôi trước đây, hầu như nhà nào cũng đánh một cây rơm to chủ yếu làm thức ăn cho trâu bò và chất đốt khi cần. Tôi còn nhớ lúc còn nhỏ luôn được lên đỉnh ngọn rơm để dẫm đi dẫm lại cho lèn chắc cây rơm. Những bó rơm nhỏ được đưa lên cao, tôi rướn người ra đón lấy rồi rắc đều vòng quanh tạo thành cây rơm sao cho cân đối và đẹp mắt. Mỗi cây rơm sau khi “đánh” xong được be đậy kín ở chóp cây rồi đội lên một chiếc nón mê. Khâu này rất quan trọng vì nếu để mưa lọt vào chóp cây rơm thì rơm sẽ nhanh bị hỏng. Vì vậy, sau khi “đánh” cây rơm xong, bố tôi thường bao giờ cũng kiểm tra cẩn thận lần cuối, vì đó là nguồn thức ăn chính cho mấy con bò trong mùa đông giá rét.

Cây rơm gắn liền với tuổi thơ chúng tôi, nói một cách hoa văn, đó là nơi khởi nguồn của rất nhiều kỷ niệm. Chiều tối đi chăn bò về tôi lại ra cây rơm rút một bó thật to cho bò nhai trong đêm. Theo thời gian, cây rơm “gầy” dần và được thay thế khi vào vụ mới. Cây rơm cũng là nơi ưa thích của mấy chị gà mái gửi những ổ trứng vàng vào đấy. Có đợt không tìm thấy con gà mái hoa mơ đâu, tôi trèo lên đỉnh ngọn rơm thì vớ được ổ trứng hơn chục quả nằm lăn lóc, gọn gàng trong chiếc ổ kín đáo, ấm êm. Dưới gốc rơm mùa nồm ẩm, chỉ cần đi vòng quanh gốc cũng đủ kiếm được một bữa nấm rơm ngon ngọt, đến giờ nghĩ lại vẫn thấy thòm thèm.

Những ngày tháng Mười, con đường làng quê tôi trải đầy rơm vàng vấn vít hương lúa mới. Buổi tối, dưới ánh trăng, bọn trẻ rủ nhau chơi trốn tìm bên những ụ rơm xếp ven đường, hay đơn giản ngồi tụm năm tụm ba tán phét, cắn chắt những hạt thóc nếp Thầu Dầu được rang thơm lựng. Khi gió mùa Đông Bắc tràn về, bà tôi thường chọn những nắm rơm thật sạch sẽ, cất giữ cẩn thận rồi lót xuống dưới chiếu, nằm nghe sột soạt mà ấm áp vô cùng. Hồi còn bé, anh chị em tôi thường tranh nhau ngủ với bà nội chỉ vì bà có chiếc giường đặc biệt ấy. Mùi trầu bà nhai, mùi rơm mới thơm nồng ấm áp ru chúng tôi vào giấc ngủ một cách ngon lành.

Rơm có trong đời sống thường ngày của người dân quê tôi như một thứ không thể thiếu. Dây rơm được dùng để gói mớ rau, mớ bí, dùng thay lạt gói bánh tẻ, bánh khoai, bánh rợm. Một nắm rơm nhỏ vo lại để cọ kì các vật dụng trong nhà. Ngày hè, bọn trẻ chúng tôi cho trâu ra sông đầm bao giờ cũng cầm theo một nắm rơm để cọ kỳ lưng trâu. Rơm dùng để tết thành những con vật ngỗ nghĩnh làm trò chơi cho lũ trẻ quê. Rơm nếp còn được người dân quê tôi lựa chọn vào những việc linh thiêng như dịp cuối năm, nhiều nhà thay tro trong bát hương thờ tự thường lựa chọn những nắm rơm vàng khô nhất đốt cẩn thận lấy tro để cho vào bát hương. Trong nồi bánh chưng cuối năm bao giờ cũng có nắm rơm để mồi lửa. Những nồi cơm được đun bằng rơm, vằn trong bếp tro bao giờ cũng thơm ngon đến tận cháy. Rơm còn được người dân quê tôi đem đậy mưa đậy nắng cho rau mới trồng. Ra Giêng, vào vụ cấy, nhà nào cũng cầm nắm rơm to ra đồng để buộc mạ. Rơm nếp mềm, dẻo, dai nên bó mạ không bị đứt và làm tổn thương cây mạ.

Đặc biệt, rơm tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng những khi nhàn rỗi. Trẻ con như chúng tôi thì ngồi tuốt rơm (lấy lõi rơm ra khỏi thân lúa). Những lõi rơm vàng óng được tuốt ra để các bà, các mẹ sẽ cẩn thận, tỉ mỉ tết thành những chiếc chổi rơm. Con gái làng tôi hầu như ai cũng biết tết chổi rơm. Nhìn chiếc chổi là có thể biết ai khéo léo, ai vụng về, bà tôi vẫn thường bảo như thế mỗi khi dạy các chị tôi tết chổi. Bây giờ, có nhiều loại chổi tiện lợi hơn nhiều nhưng ở làng tôi vẫn còn một vài gia đình giữ được nghề làm chổi rơm. Vào mùa gặt lúa nếp Thầu Dầu, họ lại đi thu mua rơm nếp về tích trữ để làm chổi bán quanh năm.

Rơm quê tôi gắn bó với người dân bao đời như thế. Ngày nay, xã hội có nhều đổi thay nhưng rơm quê vẫn được người dân trân quý như một vật dụng quen thuộc không thể thiếu của làng. Rơm theo chân người và có mặt trong mọi công việc thường nhật của người dân. Rơm thơm thảo, bền bỉ như người quê. Thân rơm khi đã dâng hết vị ngọt ngon nuôi dưỡng mùa màng sẽ trở về trong đời sống người nông dân bằng dáng vẻ xơ xác, gầy gò. Tuy thế, ẩn sâu trong mỗi sợi rơm vàng là mùi vị của sự no ấm, chân chất, bình dị, quê mùa. Chẳng những thế mà bao nhiêu năm rồi, căn bếp của bà, của mẹ vẫn ấm nồng ngọn lửa trong những ngày rét mướt. Và trong những chập chờn thương nhớ của những đứa con xa quê, một bếp lửa ấm nồng mùi rơm rạ vẫn luôn hiện lên cùng bao kỷ niệm thân thương về một thời xưa cũ…

Dương Văn Mưu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước