Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
05:32 (GMT +7)

Lời nói thẳng trước nghị trường

VNTN - Khi dân chúng bức xúc biểu tình mà không có đại biểu Quốc hội hay đại biểu dân cử nào ra tiếp xúc với thực tiễn đó để nắm bắt nguyện vọng, tuyên truyền hướng dẫn dân thì sau này Quốc hội làm Luật Biểu tình, chắc chắn chỉ có thể dựa vào thực tiễn theo con mắt của những cơ quan bảo vệ pháp luật và sản phẩm sẽ là Luật Chống biểu tình, không phải là luật về một trong những quyền cơ bản của con người.

Đây là một đoạn trong phát biểu của đại biểu - nhà sử học Dương Trung Quốc (Đồng Nai) trước Quốc hội, sáng 3/11, trong phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước cùng theo dõi.

Dù chủ yếu mới chỉ là tham luận, trình bày các nội dung được chuẩn bị sẵn, nhưng nghị trường ba ngày "mổ xẻ" về ngân sách, kinh tế - xã hội (từ 1-3/11) đã không ít những lời nói thẳng. Và ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc là một trong số đó.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc 

Theo đại biểu Dương Trung Quốc thì báo cáo của Chính phủ trước mỗi kỳ họp Quốc hội là một văn kiện quan trọng, mang tính chính thức, được trình bày định kỳ trên diễn đàn Quốc hội. Cũng chính là báo cáo với quốc dân đồng bào và được các đại biểu của nhân dân thẩm định.

Nhìn trên góc độ nghề nghiệp của mình, sau này những người chép sử phải coi đây là một hệ văn kiện quan trọng, tựa như những trang biên niên sử, ghi chép lại một đoạn khúc của thực tiễn lịch sử đương đại. Do vậy, nó phải được đề cập đến những vấn đề rất cụ thể mà người dân đang quan tâm, cần giải đáp. Với tần số nửa năm một lần bản báo cáo tuy cũng phải đề cập tới những vấn đề vĩ mô, những vấn đề liên quan đến những mục tiêu dài hạn. Nhưng những vấn đề nóng bỏng, nảy sinh từ thực tiễn và đang tác động vào đời sống của đất nước hay nhân dân phải là những ưu tiên hàng đầu. Phải coi mục tiêu ngắn hạn là nội dung chính của mỗi bản báo cáo để tạo ra sự nhận thức chung và những chuyển biến tích cực có thể kiểm chứng được sau mỗi kỳ họp, đại biểu Dương Trung Quốc phân tích.

Sau đó, ông nêu ví dụ, trong thời gian vừa qua, liên quan đến thời gian của hai kỳ họp đầu tiên Quốc hội Khóa 14 có hiện tượng chưa từng xảy ra là liên tiếp 4 chiếc máy bay thuộc loại hiện đại của nhiều chủng loại khác nhau gặp nạn.

"Rủi ro là điều khó tránh và việc mất mát về nhân lực, những cán bộ phi công dày công đào tạo hy sinh trong khi làm nhiệm vụ là điều vô cùng đau xót, phải chăng vì thế ít ai nỡ nhắc tới. Nhưng 4 chiếc máy bay hiện đại là một tài sản rất lớn, bị hư hại, nếu so sánh với ngân sách của các địa phương hay hiệu quả của ngành kinh tế mà Báo cáo Chính phủ không hề đề cập tới là không chấp nhận được", nhà sử học thẳng thắn.

Không những thiệt hại về người, vị đại biểu đoàn Đồng Nai còn cho rằng tai nạn máy bay nói trên còn là một bằng chứng điển hình về thất thoát tài sản rất lớn. Liên quan đến sự thất thoát ấy còn có trách nhiệm của những ai đã được Nhà nước và nhân dân giao phó. Người dân có quyền đặt câu hỏi về trình độ đào tạo, huấn luyện, điều hành tác chiến, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng chức năng, trong khi phần lớn những phát hiện và khắc phục lại chủ yếu vẫn là người dân sử dụng những phương tiện rất thô sơ tham gia cứu hộ. Sự né tránh cung cấp thông tin còn mang đến những hệ quả tiêu cực, khi trên mạng vô tình hay hữu ý lan truyền những cách nhìn nhận không đúng sự thật, xuyên tạc gây hại đối với lòng tin của người dân, vẫn là những lời nói thẳng từ vị đại biểu có "thâm niên" 4 nhiệm kỳ được dân bầu vào Quốc hội.

Vẫn là né tránh cung cấp thông tin, đại biểu Dương Trung Quốc nêu, tương tự vụ Formosa để lại những hậu quả nặng nề, tác động vào nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là người dân trực tiếp bị ảnh hưởng, phản ứng của dân là tất nhiên và luôn cần sự ủng hộ của Nhà nước. Thể hiện phản ứng có thể có những cách chưa phù hợp với quan điểm của Nhà nước nhưng không phải vì thế mà quy kết tất cả đều là xấu và đôi khi thổi phồng tác động của những thế lực ta gọi là xấu.

Ông nhấn mạnh, mới đây, những gì diễn ra liên quan đến cuộc huy động đông đảo người biểu tình, về căn bản là ôn hòa, lên án Formosa ở Hà Tĩnh. Việc bảo vệ trật tự của các cơ quan chức năng  là cần thiết, việc điều tra và xử lý những kẻ xấu là cần thiết nhưng vì sao tất cả các cơ quan báo chí đều im lặng như nó chưa từng xảy ra, trong khi bằng những phương tiện rất phổ thông, ai cũng có thể tiếp cận được trên trang mạng, ta gọi là ngoài luồng và các cơ quan truyền thông nước ngoài.

"Lẽ ra chúng ta phải kịp thời phản ánh, tuyên truyền, phân tích theo chiều hướng tích cực để định hướng cho sự bức xúc của bà con thì chúng ta tựa như vùi đầu xuống cát và đó cũng là khoảng trống để các cách nhìn nhận khác nhau làm mưa, làm gió, làm phân tán lòng người. Và buộc những người đọc bản báo cáo chính thống sau này phải đặt ra câu hỏi về tính minh bạch của Chính phủ", đại biểu nhấn mạnh.

Trong bối cảnh trước đó, nhiều đại biểu nhắc đến những công trình đắp chiếu làm thất thoát tài sản của nhân dân có thể định lượng được hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đồng, đại biểu đặt câu hỏi: "Nhưng chúng ta nghĩ gì về những công trình còn nguy hại hơn như Formosa sẽ đeo đẳng nỗi lo phải đối phó đủ 70 năm thuê đất?".

Có cử tri nhắc nhở chúng tôi rằng với một nhiệm kỳ 5 năm, các vị hãy có trách nhiệm với tương lai lâu dài, đừng đặt tương lai của con cháu chúng ta lên lưng hổ để đâm lao phải chạy theo lao, nhà sử học phát biểu.

Vấn đề tiếp theo được vị đại biểu cao niên đặt ra là dấu ấn của Quốc hội trong Báo cáo của Chính phủ ở đâu?

Ông nói: Đặc trưng thể chế chính trị của chúng ta là chưa chấp nhận nguyên lý tam quyền phân lập mà ba quyền đó chỉ là sự phân công để phối hợp hành động trong một mục tiêu chung. Do vậy, Quốc hội nào, Chính phủ nấy là điều dễ hiểu. Một Quốc hội kém năng lực thỏa hiệp thì sẽ có một Chính phủ kém chất lượng và dễ lạm quyền. Do vậy, không thể không nhìn nhận vai trò Quốc hội trong những thành bại của Chính phủ.

Và, điều khiến ông băn khoăn là hầu như không khi nào báo cáo Chính phủ đề cập đến tác động cả tích cực và tiêu cực của Quốc hội khi thực thi quyền năng và trách nhiệm của mình. Rõ ràng nếu chất lượng lập pháp của Quốc hội kém thì năng lực quản lý của Chính phủ bị ảnh hưởng, nếu Quốc hội giám sát lỏng lẻo thì hành pháp sẽ nảy sinh tiêu cực. Báo cáo của Chính phủ thường lựa chọn cách ứng xử khôn ngoan là tỏ ra rất khiêm nhường trước Quốc hội như cơ quan quyền lực cao nhất và luôn kêu gọi Quốc hội tăng cường giám sát. Nhưng trong thực tế Quốc hội hình như vẫn đứng ngoài những quyết định của Chính phủ. Cho nên khi hành pháp có sai lầm dường như Quốc hội và rộng hơn là các tổ chức đại biểu dân cử luôn thể hiện sự vô can của mình.

Chắc chắn công tác lập pháp và giám sát của Quốc hội góp phần vào những sai phạm, hạn chế hiệu quả hoạt động của Chính phủ, nợ công chồng chất, tài sản hư hao, tham nhũng không kiểm soát là trách nhiệm của Chính phủ nhưng cũng có một phần của Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc thêm một lần nói thẳng, rất thẳng như xưa nay ông vẫn nói.

Trúc Bạch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy