Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
08:43 (GMT +7)

Lời nguyền – Truyện ngắn. Nông Văn Kim

VNTN - Thế là ông đã ra đi được ba ngày, cảm giác mất mát, buồn thương vẫn bao trùm lên cả nhà, cả họ. Xen lẫn nỗi đau của người thân là sự tự an ủi: âu cũng là sự giải thoát dành cho ông. Căn bệnh hiểm nghèo đã làm ông đau đớn quằn quại gần năm trời. Phút cuối, bà thốt lên trong nước mắt: “Vậy là hết đau rồi ông ơi…”. Ông trên đó, với một mớ tóc xoăn xòa xuống vầng trán rộng, với ánh nhìn bao dung, nhưng vẫn hằn rõ một nỗi niềm đau đáu của ông với đời. Làn khói hương vảng vất, cuộn lại tạo nên những vòng xoắn ốc, dường như dùng dằng, lưu luyến trước khi hòa vào khoảng không vô tận. Gác bên tấm bài vị ghi những dòng chữ Nho, là một cây gậy cuộn vải trắng, một chiếc mũ rơm, sự đơn chiếc ấy càng làm bà xót xa cho ông, cho mình.

Bà biết những tâm sự của ông, là điều ông không bao giờ nói ra… Bốn mươi năm làm bạn với ông, trong con mắt họ hàng, bạn bè, gia đình, ông là tấm gương mẫu mực. Năm một chín bảy hai, đang làm cán bộ kỹ thuật nông nghiệp tại một trại giống thì ông được gọi nhập ngũ trong đợt tổng động viên. Năm năm sau, trở ra Bắc, về lại cơ quan cũ, ông được nắm giữ chức vụ Phó giám đốc rồi Giám đốc sở Nông nghiệp cho đến ngày về hưu. Với cái chung, ông bà cảm thấy đã mãn nguyện, nhưng cái tổ ấm bé nhỏ của ông bà đã để lại nhiều tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm. Sau đứa con gái duy nhất sinh năm một chín bảy mươi, bà đã trở nên vô sinh dù khi ông trở về, bà vẫn trong tuổi sinh đẻ. Bà chạnh nhớ đến giọt máu lưu lạc của ông năm xưa, nếu như…

Một chiếc Ford Everest tiến đến và đỗ lại nơi ngõ rẽ. Bước xuống xe là người đàn ông mặc quân phục, dẫu đã có tuổi nhưng vẫn giữ được phong thái đĩnh đạc, chắc là một quân nhân có hàm cấp, theo sau là người lái xe còn trẻ, mũ tai bèo trùm đầu, hai tay lễ mễ xách túi quà và hương hoa. Mọi người nhận ra, xe mang biển của một tỉnh miền xuôi. Người khách có tuổi, chắp tay, nhỏ nhẹ:

- Xin lỗi gia đình, chúng tôi đến tìm ân nhân nhưng đã quá muộn, xin được thắp nén hương rồi thưa chuyện với gia đình. Chú ruột người quá cố, nắm tay ông:

- Nghĩa tử là nghĩa tận, dẫu muộn nhưng còn chúng tôi đây, vả lại vong linh người đã khuất sẽ ngậm cười vì nghĩa cử ân tình của ông và cháu. Ông thắp hương, nghỉ ngơi rồi chúng ta hãy nói chuyện.

Gần như cả nhà đã quây quần lại nghe ông khách giãi bày.

Cách đây hơn bốn mươi năm, tôi đang học năm cuối trường Đại học Giao thông thì được gọi nhập ngũ. Hôm ấy, tôi về phép thăm nhà sau sáu tháng huấn luyện để vào Nam nhận nhiệm vụ mới. Xuống ga Hàng Xanh đã hai mươi ba giờ, không còn phương tiện nào về nhà, tôi chặc lưỡi, mười bốn cây số bõ bèn gì, cứ cuốc bộ về, đến nhà còn chưa sáng mà. Cách nhà tám cây số, dưới ánh trăng bàng bạc thấp thoáng một bóng trắng. Đến gần, hóa ra là một người phụ nữ. Chiếc xe đạp dựng nghiêng vào gốc cây phi lao, người phụ nữ đội nón, gục đầu, ngồi ôm lấy chiếc túi căng phồng. Tôi cất tiếng:

- Chị ơi. Người đó vẫn ngồi bất động, tôi phải gọi lấn thứ hai, chị ta mới ngẩng đầu lên, dưới vành nón chỉ nhìn thấy được từ đôi môi xuống đến cằm.

- Chị đi đâu mà đêm hôm ngồi đây? Chị ta lên tiếng với giọng lạnh lùng:

- Cám ơn anh, tôi đi đằng này, anh để yên tôi nhờ một chút. Một ý nghĩ cảnh giác vụt lên trong tâm trí tôi: “thân gái dặm đường, vào giờ này mà còn ngồi đây, hoặc là người ngay cũng cần được giúp đỡ, hoặc là kẻ gian, thậm chí là gián điệp, biệt kích không thể bỏ qua được”. Tôi từ tốn:

- Nói chị thông cảm, tôi là bộ đội đang đi công tác gặp người phụ nữ trong hoàn cảnh đêm hôm như thế này không thể bàng quan được. Ngược lại nếu chị là kẻ gian thì chị không gặp may rồi! Đến đây, chắc là phần hai của câu nói đã chạm nọc người phụ nữ, chị ta vụt đứng dậy, bỏ nón:

- Anh thấy tôi giống một ả biệt kích lắm sao! Tôi chột dạ, dưới trăng là một cô gái trẻ. Tôi bật cười, tìm lời làm lành:

- Ôi, anh xin lỗi đã nhìn nhầm, lại có lời xúc phạm, anh sẽ đền thỏa đáng nếu có thể. Giọng người con gái đã dịu xuống:

- Cám ơn anh đã quan tâm. Anh cũng về đâu trong đêm khuya khoắt vậy. Hóa ra tôi và cô ta, nhà chỉ cách nhau hai mươi cây số, cô ta tin cậy đưa tôi xem thẻ sinh viên, giấy giới thiệu đi thực tập, mới biết được tên cô ta là Hồng, đổi lại, tôi cũng đưa giấy nghỉ phép về thăm nhà mười ngày. Có điều con đường hai người đi chỉ còn một cây số nữa phải chia làm hai ngả. Khi tôi giục Hồng lên đường thì cô cứ chùng chình. Giục đến lần thứ ba, Hồng bỗng buột miệng “Em biết về đâu nữa hả anh”. Tôi chột dạ “Hay Hồng có gì uẩn khúc trong lòng”. Lấy giọng điệu của một người anh:

- Có gì khó khăn em cứ nói hết đi để nhẹ lòng, vả lại ở trên đời này không có việc gì là không có lối thoát tối ưu nhất. Hồng đã bộc bạch hoàn cảnh của mình trong tiếng nấc nghẹn. Tôi thực sự bất ngờ và xúc động khi biết hoàn cảnh bi đát của Hồng. Có điều, cô ấy nhận phần lỗi về mình không hề nói một điều gì oán trách về người đã gây ra hậu quả. Chính điều này đã gieo vào lòng tôi mối thiện cảm “Người con gái này có tính trung thực và quả cảm, biểu hiện của một nhân cách lớn”. Cô gái chợt hỏi, với vẻ tin cậy:

- Bây giờ em phải làm thế nào hả anh? Lọn tóc xõa xuống che gần hết nửa khuôn mặt nhợt nhạt. Dưới trăng, vẫn hiện rõ một gương mặt đẹp. Không hiểu sao, lúc ấy, tôi lại đưa ra một quyết định hệ trọng trong đời mình một cách nhanh chóng đến vậy:

- Anh có cách, nhưng liệu em có chấp nhận được không? Cô gái ngước nhìn:

- Anh cứ nói đi! Vì tin ở anh, em đã kể hết mọi điều về mình rồi.

- Em có thể nhận làm… vợ anh!

- Hả! cô gái giật mình thốt lên, xoay người ra xa, đối mặt, nhìn vào người đối thoại:

- Không được, anh có nợ nần gì em đâu, không thể để anh hy sinh thế được. Tôi bật cười, lấy điệu bộ thân mật:

- Ngốc ạ! Một là anh chưa có vợ, ngay cả người yêu còn chưa có. Hai là bố mẹ anh đang giục anh về cưới vợ, ngay bây giờ, cũng chưa biết cưới ai… Có thể cuộc gặp gỡ này là do Trời sắp đặt… Còn chuyện đứa con trong bụng, dễ ợt! Cô gái rụt rè vẻ ngờ vực:

- Theo anh, em sẽ phá thai đi!

- Bậy nào, đấy là con của chúng ta. Cô gái thốt lên:

- Nhưng…!

Tôi quả quyết:

- Không nhưng gì hết, chỉ có anh biết, em biết, đất biết, trời biết mà đất trời đã ưng rồi mới xui cho anh gặp em giờ phút này.

- Anh ơi! Thà mình em mang tiếng xấu, có thể cạo đầu, bôi vôi, trôi sông. Em không bao giờ làm kẻ đồng lõa dối lừa bố mẹ anh!

- Em nên hiểu, anh chỉ còn mười ngày phép, rồi anh đi vào chiến trường… chưa biết ngày về, không để lại cái gì mới là có lỗi với bố mẹ… hãy nghe anh đi. Cô gái lặng đi, hai tay ôm mặt, chắc nghĩ lung lắm. Tôi đưa ra đòn quyết định:

- Hay em nghĩ, sợ anh không có ngày về, con em sẽ trở hành mồ côi? Nên anh cũng không ép em chấp thuận chuyện này!

Cô gái bỗng khum bàn tay, úp chụp vào mồm tôi:

- Khô...ô...ông! Rồi gục vào lòng tôi thổn thức, để yên cho cô ta nức nở, nước mắt lã chã ướt đầm cả cánh tay mình. Nói rõ mấy việc cần phải xử sự khi ra mắt người nhà, cô gái “Dạ...dạ...” trong tiếng nấc nghẹn.

Thế là chúng tôi chất đồ, buộc lên trên chiếc xe của Hồng, đưa nhau về nhà. Cả nhà mừng vui xen lẫn ngỡ ngàng, dành cho hai chúng tôi những ánh mắt tò mò. Tôi và Hồng quì xuống dưới chân bố mẹ xin nhận lỗi đã yêu nhau mà chưa thông qua gia đình. Mẹ mắng:

-  Bậy nào! Chúng mày có lỗi, nhưng cháu tao không có lỗi, sao bắt nó phải quì theo! Đứng cả lên ngay đi.

Việc tiếp theo là hai đứa cùng đại diện họ hàng sang nhà Hồng tạ lỗi. Lên xã làm giấy kết hôn, lấy giấy giới thiệu về trường Đại học Nông nghiệp. Lãnh đạo nhà trường nghe hai chúng tôi trình bày, nhận lỗi đã vi phạm cuộc vận động ba khoan (khoan yêu, khoan cưới, khoan sinh con), xin phép được tạm nghỉ một năm để sinh con. Trưởng phòng tổ chức là một thương binh cụt chân, nắm chặt tay tôi:

- Tôi cũng là một người lính, trong thâm tâm luôn ủng hộ việc cho ra đời một thế hệ kế tiếp người cầm súng. Chỉ thương những người vợ vất vả ở hậu phương vừa sản xuất chi viện cho tiền tuyến, vừa nuôi con chờ chồng. Nhà trường sẽ làm giấy bảo lưu cho chị Hồng nghỉ sinh con, sang năm sẽ thi tốt nghiệp.

Bà buột miệng:

- Thế ư, vậy là kết thúc có hậu, mừng cho cô ấy. Cả nhà không ai để ý đến, khuôn mặt bà quả phụ bỗng dại đi, đờ đẫn chìm trong làn khói sương của dĩ vãng. Chỉ có ông khách tinh ý nhận ra, ông hiểu bà đang khớp nối các sự kiện vào câu chuyện của ông. Hơn bốn mươi năm rồi, so với đời người là dài, mấy thăng trầm khó mà đong đếm được.

Bà nhớ như in, ngày đó. Ở trại giống gia súc Đức Tân, ông làm trại phó phụ trách kỹ thuật. Nói cho oai, thực ra là làm cái việc phối giống cho lợn, giống Đại bạch và Yorkshire thì lấy tinh qua hình nộm con nái bằng gỗ, giống Móng Cái thì thả lợn nái vào cho nhảy trực tiếp….Những người đàn ông và đàn bà làm nghề này là tiêu đề của những câu chuyện tiếu lâm thực thực, hư hư, người ta kể, có lần một cô xã viên trẻ, góa chồng, sau những lần kích mục cảnh lợn phối đã rú lên, ngã vật xuống đất, chân tay giẫy đành đạch, Hợp tác xã phải chuyển cô gái sang tổ làm rau màu. Nghe được, bà cũng có cảm giác bất an, nhưng bà rất tin ở ông, ông không có cái thói trăng hoa ấy. Thế mà, tai họa lại ập xuống cái tổ ấm bé nhỏ của ông. Ông vò đầu bứt tai, trong tuyệt vọng kể về những phút lỗi lầm của mình, sẵn sàng chịu mọi sự trừng phạt của mẹ con và gia đình. Nhưng ông chưa tìm ra cách gì để giải thoát cho người con gái. Cái buổi chiều định mệnh ấy, ba sinh viên khoa chăn nuôi thực tập, hai sinh viên nghỉ đi thăm bạn, còn lại mỗi cô tên Hồng, tóc dài chấm gót, mắt sáng, môi đỏ, ngực bồ câu. Hôm đó, hết giờ mọi người đã ra về, trại chỉ còn Hồng với ông, đang cho phối nốt con nái Móng Cái ở đội mới đưa lên… Hai con vật quấn lấy nhau, con đực thở “hồng hộc… hồng hộc” sùi bọt mép, con nái rên lên những tiếng “hưh…hưh…hưh...” đầy viên mãn… Chợt những tia đỏ vằn lên mắt rồi loang ra, làm khuôn mặt cô gái đỏ rần. Cô gái đã ôm ghì lấy ông, chiếc áo blu trắng rơi xuống đất.

Hơn hai tháng sau, Hồng thú nhận có thai với ông, xin một mình nhận mọi hậu quả, tính chuyện bỏ thực tập về quê, để hậu quả không liên lụy đến ông. Bà đã đưa theo đứa con gái mới hai tuổi lên với ông. Trong căn phòng nhỏ, ba người đối mặt. Hồng quì dưới đất xin thú nhận tội lỗi, xin bà hãy im lặng để tránh liên lụy đến ông….vì trại giống đang rất cần ông, nếu ông bị đình chỉ công tác, trại giống sẽ tan nát vì chỉ có ông mới thuần phục được mấy con đực ngoại nom rất hung dữ…Tự nhiên mọi giận dữ, thù hận vốn có của người phụ nữ trước hạnh phúc gia đình bị xâm hại dần phôi phai trong ý nghĩ của bà, thay vào đó là ý thức trách nhiệm trước một cảnh đời bất hạnh, trong đó lỗi một phần do chồng mình. Trong nước mắt, bà quả quyết:

- Tôi cũng có trách nhiệm trong chuyện này, tôi đồng ý với yêu cầu của cô. Cô còn trẻ, hai mẹ con còn phải sống, nhưng, không thể để cô ra đi trong cảnh hai bàn tay trắng như thế này được. Hiện tôi không còn tiền, chỉ có chiếc xe đạp Vĩnh Cửu vừa được phân phối là tài sản duy nhất, đáng giá, tôi viết ngay giấy chuyển nhượng, anh lên xã đóng dấu là xong. Còn những ngày tiếp theo chắc là rất khó khăn, thành bại phụ thuộc vào bản lĩnh của cô. Điều cuối cùng, để giữ cho hạnh phúc lâu dài của gia đình tôi, để cô còn lấy chồng, giữ hạnh phúc cho gia đình mình, chúng ta, ba người hãy cùng thề với một lời nguyền… Cả ba người, như những đứa trẻ thời chăn trâu cùng giơ tay đọc lời thề nguyền.

Hết kỳ nghỉ phép, tôi vào Nam, công tác ở đoàn 559. Lăn lộn khắp các tuyến đường máu lửa. Gần một năm sau, nhận được thư nhà, tôi đã có một thằng con trai. Năm 1976, trở ra Bắc. Hồng khi đó đã là trưởng phòng nông nghiệp huyện. Không có niềm vui nào lớn hơn khi gia đình đoàn tụ, kỳ nghỉ phép đầu tiên, chiều chiều tôi đèo con đi đón vợ tại cơ quan hơn tám cây số về nhà. Ông bà như khỏe ra, khoe: “Dạo này ông, bà như bớt đi được mấy tuổi, hãy đẻ thêm mấy đứa nữa đi, chúng tao còn hộ nuôi được”. Hồng mang thai, nhưng đứa trẻ đẻ ra không đủ hình hài một con người, thoi thóp nửa ngày rồi ra đi. Lần thứ hai cũng chỉ là một cục thịt bất động. Chúng tôi đưa nhau đi khám tận bệnh viện phụ sản Hà Nội, làm hết tất cả các xét nghiệm liên quan. Vị bác sĩ già gọi tôi vào phòng trực:

- Đồng chí là quân nhân, từng vào sinh ra tử, đủ bản lĩnh để đối mặt với sự thật. Tổn thất vừa rồi là do đồng chí đã bị nhiễm chất độc da cam từ thuốc diệt cỏ mà Mỹ rải xuống chiến trường. Tôi lặng người đi, hồi lâu mới lấy lại bình tĩnh:

- Xin bác sĩ hãy cho tôi một lời khuyên!

- Đồng chí hãy lo giữ gìn sức khỏe cho bản thân, hãy thường xuyên đi khám bệnh định kỳ… Đồng chí đã có đứa con nào chưa?

- Tôi đã có một thằng con trai từ trước khi đi chiến trường. Vị bác sĩ nở nụ cười:

- Vậy là may rồi, hãy chăm chút cho cháu và chị. Không nên để thụ thai nữa, kẻo ảnh hưởng sức khỏe và tâm lý.

Một tháng sau, tôi mới nói với vợ về chuyện này, Hồng khóc nấc lên, không thốt lên được lời nào. Hai chúng tôi thống nhất giữ kín chuyện này với cha mẹ cả hai bên, kể cả chuyện về đứa con trai.

Do sức khỏe, tôi được nghỉ hưu sớm với quân hàm thượng tá. Đúng lúc vợ tôi được đề bạt làm giám đốc sở nông nghiệp tỉnh. Tôi vừa mua, vừa đổi được gần hec ta đất gần nhà, lập vườn, xây chuồng, đào ao.

Với kiến thức, sự đam mê của Hồng, với sự trông nom chu đáo của tôi và cha mẹ, khu trại của tôi như bà con nói vui: “là một vườn cảnh”. Thằng con trai và đám bạn của nó hễ được nghỉ là đưa nhau đến chơi, chúng cùng nhổ cỏ, trèo cây thu hái quả, kéo lưới bắt cá, rồi ăn uống, đàn hát. Chiều hè, ông nằm võng đu đưa dưới tán cây nhãn lồng, cháu ngồi câu, cả hai reo lên khi con cá vít oằn chiếc cần câu xuống mặt nước. Mẹ cháu dành mọi sự quan tâm đến tôi và ông bà, đi đâu, nghe đâu có thuốc quí là Hồng tìm mua bằng được.

Các thành viên trong nhà thực sự  sống vì nhau. Nhưng, cũng chính trong năm tháng yên ấm ấy, đã nhen nhóm lên trong lòng cảm giác bất an, nỗi bất an đó lớn dần lên, nỗi lòng một kẻ được tận hưởng thành quả của rơi mà mình nhặt được. Tôi quyết định phải tìm bằng được cha đẻ của thằng con, ông hiện sống ra sao, như là con nợ tìm đến chủ nợ để tri ân. Sau thời gian đắn đo, tôi mới nói với Hồng điều này, câu chuyện lại diễn ra như tình huống hai đứa gặp nhau lần đầu dưới gốc phi lao năm xưa. Cuối cùng Hồng cũng chấp nhận với điều kiện để con lớn lên đủ chững chạc sẽ nói hết với nó.

Cha mẹ lần lượt qua đời do tuổi già, ông bà ra đi trong thanh thản. Con tôi lớn lên vào học trường Đại học nông nghiệp theo nghề của mẹ. Tốt nghiệp loại ưu, nhận công tác tại sở nông nghiệp. Con dâu làm giáo viên, cháu trai đã được sáu tuổi.

Hồng nghỉ hưu, lại được bầu làm phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh. Tôi tạo mọi điều kiện tâm lý để Hồng tiếp tục công tác, cống hiến. Nhưng, tai họa đã ập xuống gia đình. Trong chuyến đi công tác vào Nam tham quan mô hình kinh tế, xe đã gặp tai nạn thảm khốc vợ tôi và người lái xe tử vong, hai người ngồi sau bị thương nặng. Thi hài được đưa về nhà. Khi tôi lục tìm, gói ghém quần áo, tư trang của Hồng thì phát hiện một gói nhỏ chằng buộc rất kỹ, mở ra, tim tôi như ngừng đập, đó là di chúc của Hồng: “Nếu chẳng may, em có mệnh hệ nào, không chờ được đến ngày đủ điều kiện để nói điều bí mật với con. Thì, theo thông tin ghi ở đây, anh có thể tìm được người cha đẻ của con mà anh ao ước gặp mặt. Xin lỗi anh, em đã giấu anh về một lời nguyền khi chia tay, em đã nhận một lời thề trước mặt anh chị ấy “sẽ không bao giờ gặp mặt nhau”. Bây giờ em đã không có mặt trên đời này, lời thề tự nó đã không còn hiệu lực, anh và con có thể tìm gặp anh chị ấy được rồi. Em để theo đây một kỷ vật để làm tin, khi nhìn thấy họ sẽ nhận ra em”. Tôi chắc không gượng nổi vì cú sốc ấy nếu không có thằng con trai, con dâu và cháu nội luôn ở bên cạnh.

Sau ngày giỗ đầu của mẹ nó, tôi đã nói hết mọi điều với con. Bàng hoàng giây lâu, nó bỗng xụp xuống ôm lấy chân tôi, òa khóc như đứa trẻ:

- Không! Bố là bố đẻ của con, con chỉ có bố thôi! Tôi cũng không cầm được nước mắt, cố giảng giải mọi điều với nó. Thật sự phát hoảng vì sau đấy tâm tính nó khác hẳn, luôn chìm đắm trong trầm mặc, đăm chiêu. Cũng phải một tháng sau nó mới lấy lại được sự thăng bằng, bố con lên kế hoạch, xin nghỉ phép năm, thu xếp chuyến lên đây. Tôi cũng gần bảy mươi tuổi rồi, thân lại mang lắm bệnh, nói hết được những điều này trong lòng mới lấy được sự thanh thản. Có điều đã quá muộn.

Lặng đi giây lát, quả phụ thốt lên:

- Vậy thằng con trai của chúng ta hiện đang ở đâu?

 Ông khách đứng dậy, bước ra cửa, đến bên chiếc xe. Vừa qua mọi người mải nghe chuyện ông khách, không để ý đến người lái xe đã trở lại ngồi trên xe từ khi nào. Người lái xe tay mang một túi nhỏ bước vào nhà, cúi đầu chào mọi người. Bà bủn rủn cả chân tay “Nó giống ông nhà như in”.

Như một cái máy, người trai trẻ lấy ra một vật mỏng hình chữ nhật, tay run run bóc lớp giấy bọc. Hóa ra là một miếng tôn tráng men trắng, trên đó có những ký tự “EL 209”. Bà bỗng thốt lên:

- Trời! chiếc biển xe đạp, đúng là con rồi. Bà bỗng ôm lấy chàng trai trẻ, luồn những ngón tay vào mái tóc đen nhánh, xoăn tít, đôi mắt đang trào lệ của nó, nghẹn ngào:

- Sao tìm về muộn thế con ơi!

Trên kia, chìm trong màn khói hương nghi ngút, hình ông mờ mờ, ảo ảo, mọi người bỗng thấy, hình như trên môi ông nở ra nụ cười

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 16 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước