Lời ngỏ về địa danh “Quan Triều”
Tôi là Hồ Xuân Sỹ, 97 tuổi, tổ 10 phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên. Tôi sinh ở Nghệ An, nhưng phần lớn thời gian tôi sống và làm việc tại Thái Nguyên. Tôi đã có dịp được nghiên cứu về những địa danh của tỉnh Thái Nguyên như: Đền Đuổm - Danh tướng Dương Tự Minh, Quan Triều, Bến Tượng, Gia Sàng, đền Xương Rồng, Tích Lương...
Tôi thấy, khi đặt tên cho đơn vị, doanh nghiệp… người ta thường hay gắn liền với tên của địa phương mình. Ví dụ: Nhà máy Cán thép Gia Sàng, kho gạo Tích Lương; hay các nhà máy xi măng: Cao Ngạn, La Hiên, Quang Sơn... Tên các địa danh nhiều khi lại gắn với tên các danh nhân, danh tướng, những người có công với nước. Việc làm này nhằm lưu truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Tuy nhiên, ở TP. Thái Nguyên, ngay trên đường Quan Triều, cạnh đền thờ Quan Triều lại có “Ga Quán Triều”. Một số biển chỉ đường về hướng phường Quan Triều lại ghi là Quán Triều. Theo tôi biết, tên gọi đúng phải là Quan Triều. “Quán Triều” là do người dân gọi chệch dần đi, qua nhiều thế hệ nên trở thành một tên gọi khác và không đúng với tên gọi ban đầu.
Sở dĩ vùng đất này có tên “Quan Triều” là vì ngày xưa, nơi đây là quê của Dương Tự Minh. Ông là người dân tộc Tày, thủ lĩnh phủ Phú Lương dưới triều Lý, là người đức độ, có tài thao lược, được nhà Lý hai lần gả công chúa (Diên Bình và Thiều Dung). Sau khi ông mất, được người dân dựng đền thờ ở nhiều nơi, đúng như câu phương ngôn “Thượng Đu Đuổm, hạ Lục Đầu” (từ vùng trên: Đu, Đuổm cho đến vùng dưới: sông Lục Đầu). Để tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân đã đặt tên cho vùng đất này là Quan Triều, gắn liền với điển tích về Dương Tự Minh.
Điều đáng nói là, ngay trên địa bàn phường Quan Triều ngày nay, vẫn tồn tại cả hai cách đặt tên nêu trên khiến người dân băn khoăn không hiểu tên nào đúng. Chẳng những thế, các biển tên, biển chỉ dẫn, biển quảng cáo ghi tên “Quán Triều” vẫn hiện hữu khắp nơi. Chẳng hạn, trên quốc lộ 3, có một biển quảng cáo khổ lớn chăng ngang đường với dòng chữ “Thành phố Thái Nguyên/ Thành phố Anh hùng/ Xi măng Quán Triều”. Hay biển hiệu của nhà ga đường sắt cũng ghi rõ “Ga Quán Triều” , mặc dù tên ga được đặt theo địa danh nơi đặt nhà ga.
Tên riêng của một đơn vị (như “Xi Măng Quán Triều”) thì họ có thể giữ nguyên, vì đó là quyền của họ. Nhưng khi quảng cáo ở ngoài đường thì cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc về vị trí đặt quảng cáo, tránh gây nhầm lẫn về địa danh cho người tham gia giao thông khi đi qua.
Do không có sự nhất quán trong việc đặt tên/ xưng tên địa danh nên vừa qua nhiều công dân phường Quan Triều đã gặp sự cố trong việc làm căn cước công dân, mà đến nay chưa khắc phục được. Trên báo chí, thậm chí trong sử sách, việc nhầm lẫn tên gọi này cũng không phải là hiếm, từ đó đã gây giảm hiệu quả của công tác tuyên truyền.
Vậy tôi xin kính đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND thành phố Thái Nguyên, các sở, ban, ngành chức năng, các đơn vị có liên quan chỉ đạo việc đặt tên/ gọi tên “Quan Triều” cho đảm bảo thống nhất. Trước mắt, tôi đề xuất:
1. Không đặt biển quảng cáo “Xi măng Quán Triều” kích thước lớn, ngang quốc lộ 3 như hiện nay. (Ảnh dưới).
2. Sửa lại tên nhà ga Quán Triều thành tên Ga Quan Triều cho đúng với địa danh hành chính, nơi xây dựng nhà ga (phường Quan Triều).
3. Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên cần kiểm tra và sửa lại chữ Quán Triều thành Quan Triều trên các biển chỉ đường.
Đây là một vài ý kiến của tôi. Rất mong được các cơ quan, đơn vị quan tâm, xem xét để góp phần làm cho Đất và Người Thái Nguyên anh hùng ngày một thêm rạng rỡ.
Hồ Xuân Sỹ (TP. Thái Nguyên).
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...