Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
19:16 (GMT +7)

“Linh thần hoá Thánh” trong truyền thuyết dân gian của người Việt

Trong truyền thuyết dân gian của người Việt, khái niệm “linh thần” còn dùng để khái quát sự hiển linh của các vị tổ nghề, các vị có công khai khẩn vùng đất mới, các anh hùng dân tộc phù trợ cuộc sống yên bình và bảo vệ an nguy cho người dân đất Việt từ ngàn xưa đến nay.  Sự hiển linh của các vị thần hóa thánh có khả năng trừ gian diệt ác, trấn yểm ma quỷ, tà thần... được biểu hiện hoặc ở dạng trực tiếp “hữu hình” qua mô tả hình dáng hoặc ở dạng gián tiếp được lưu truyền trong truyện kể, truyền tụng của dân gian.

Tản Viên Sơn thánh được lựa chọn đứng đầu trong bốn vị Thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt
Tản Viên Sơn thánh được lựa chọn đứng đầu trong bốn vị Thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt

Nhân vật truyền thuyết “hóa thân” từ các linh thần đời trước tiếp tục “hóa Thánh”

Truyện “Sự tích sáu vị thần tướng thời Hùng Duệ Vương đánh giặc Nam Chiếu và giặc Thục” kể rằng: Người mẹ lên núi Bàn Thạch hái thuốc bị quái vật đầu gà thân rắn quấn lấy thân mình, bà sợ hãi ngất đi. Rồi mơ thấy một đại thần tướng, thân người đầu gà xưng hiệu “Thiên Bồng” vâng mệnh trời xin làm con. Người mẹ thụ thai sinh được một con trai thân người đầu gà, trong lòng bàn tay có in dấu bốn chữ “Thiên Bồng chi ấn”. Sinh thời, ông là tướng tài của vua Hùng Vương thứ 16 (Vũ Vương hoàng đế). Ông có công giúp vua đánh giặc Ô Mộc Nam Bạch Hổ Động và giặc Nam Chiếu. Sau khi đánh tan quân giặc, ông lên đỉnh núi quê nội ở trang Bồng Sơn, huyện Tống Sơn ngồi hồi lâu rồi bay lên trời. Về sau, Tản Viên Sơn Thánh cùng các tướng phụng mệnh Hùng Duệ Vương đánh giặc Thục, có làm lễ mật đảo “Thiên Bồng đại vương” xin được âm phù hộ quốc và được toàn thắng.

Truyện “Sự tích anh em Trù công và Thuận nương giúp Bà Trưng đánh đuổi Tô Định” kể: Bà mẹ chiêm bao lên vườn bàn đào của Tây Vương Mẫu bắt được hai bông hoa đào, huệ. Nhân đấy mà có thai sinh ra anh em Trù công, Thuận nương. Hai anh em có mối thù cha mẹ bị giết với Thái thú Tô Định, đã trốn đến chùa làng Tử Tế, giả làm tăng ni đạo sĩ, chiêu binh mã, theo Hai Bà Trưng trả đền nợ nước thù nhà. Thắng giặc, Bà Trưng lên ngôi vua. Sau ba năm, giặc kéo tới báo thù, Bà Trưng bại trận tự tử, hai anh em không thể bảo toàn được lực lượng nên tự sát theo. Sau khi “hóa”, hai ngài rất linh thiêng hiển hách, nhân dân nhớ ơn phụng thờ làm thần Thành hoàng làng. Các triều đại sau này cầu mưa được mưa, cầu nắng được nắng.

Bài vị “Thuận nương”, được thờ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội
Bài vị “Thuận nương”, được thờ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội

Truyện “Sự tích Chỉnh Nương và Chu Chương” kể rằng: Cha mẹ của Chỉnh Nương và Chu Chương nằm mơ gặp Phật Quan Âm thế tôn dắt tới cho hai đứa trẻ. Nhân đấy bà mẹ mang thai sinh ra hai ngài. Lớn lên, chị gái Chỉnh Nương, quốc sắc thiên hương được vua Lý Anh Tông lấy làm Đệ tam Cung phi, em trai Chu Chương, văn chương võ nghệ song toàn, vua mến tài mời vào triều cho làm quan. Đất nước có giặc Chiêm Thành, Chu Chương thống lĩnh ba quân, phò vua Lý Anh Tông dấy binh đánh thắng giặc. Sau khi giặc tan, đất nước thanh bình, Chu Chương đi chu du thiên hạ. Sau khi qua đời, triều đình phong cả hai chị em là “Thượng đẳng Phúc thần”. Về sau, hai ngài lại hiển linh cứu giúp nhân gian.

Truyện “Nàng công chúa đời Trần” kể rằng: Bà mẹ của Ngọc nương tắm gội ở hồ, bị con rắn trắng phủ quanh thân thể, dãi nước thơm khắp người, trong lòng chuyển động mà có mang 12 tháng sinh ra nàng Ngọc. Tuổi mười tám, nàng Ngọc là người con gái yểu điệu có đủ công dung ngôn hạnh, nết na hiền hòa, lại ưa nước mang tinh khí của thủy đế Long Vương, cha mẹ nàng hết mực yêu mến. Một buổi trưa nọ, nàng đang ngắm cảnh ở lầu cung Khát, bỗng trời đất tối sầm, mây mưa mù mịt, nước sông dâng cao, chợt hiện rắn trắng, rẽ nước thành luồng, đón nàng trở lại thủy cung rồi biến mất.

Từ khi ngài “hóa”, nhân dân lập miếu thờ “ngài” để được an bình yên ổn, hưởng phúc thái bình. Vua Trần Anh Tông đi đánh giặc Nguyên, khi qua miếu thiêng thờ ngài, đêm về vua mộng thấy một mỹ nhân xiêm y toàn sắc trắng, đứng trước mặt tự xưng là con của Long Vương Thủy phủ, xin theo âm phù vua đánh giặc. Vua đánh trận, đang khi giao chiến, thấy rồng, rắn, cá, ba ba nổi đầy trên mặt sông. Quân Nguyên thấy vậy tự nhiên chạy tháo lui về nước, từ đó giặc tan.

Nhân vật truyền thuyết được “hóa thân” từ các linh thần đời trước “hóa Thánh” và tiếp tục âm phù cho đời sau

Truyện “Sự tích Thiên Đá và Đường Lô đánh giặc Ân” kể rằng: Có một đêm bà mẹ linh thần Đường Lô nằm mơ đi dạo chơi tới cửa miếu nghe văng vẳng có tiếng người ngâm thơ báo điềm có thổ thần vâng mệnh Thiên đình giáng sinh làm con mà có thai sinh ra ngài. Còn cha mẹ linh thần Thiên Đá thấy điềm, bàn đá trong vườn nhà bị vỡ làm hai mảnh, bên trong cũng đề mấy dòng thơ dự báo điềm sinh con thánh mà có thai sinh ra ngài. Trưởng thành hai ngài phò vua Hùng Huy Vương đánh giặc Ân. Hai vị được sự trợ giúp của thiên thần Phù Đổng nên chỉ trong một trận đánh lớn giặc Ân đã tan tác ngay.

Còn truyện “Sự tích Quan Ải đại vương thời Đinh Tiên Hoàng” kể về người anh hùng tên Quan Ải, được sinh ra từ giấc mộng thấy nuốt râu rồng mà thụ thai của bà mẹ. Khi đất nước đối đầu với giặc Ngô, Quan Ải đại vương đã trở thành dũng tướng xông pha giết giặc cứu nước. Người anh hùng của truyền thuyết có cốt thần tiên ấy khi ra trận gặp lúc lâm nguy ngay lập tức được ba vị tự xưng là Bản cảnh Thành hoàng xin theo âm phù trợ giúp và được toàn thắng.

Tương tự, truyện “Sự tích Lý Bí” kể rằng: Bà mẹ của Lý Bí chiêm bao thấy mình bay lên núi cưỡi rồng vàng, nhổ râu rồng đem về nhà mà có mang sinh ra ngài. Lúc bấy giờ, đất nước đối đầu với giặc Lương, Lý Bí cùng Triệu Quang Phục ra sức đánh đuổi chúng. Không may Lý Bí mắc bệnh rồi mất. Triệu Quang Phục thay ông tiếp tục sự nghiệp cứu nước. Khi Triệu Quang Phục đóng quân ở đầm Dạ Trạch, ngài đã được thần nhân Lý Bí cho chiếc móng rồng, cắm lên mũ đâu mâu nên đánh đâu thắng đó.

Đền thờ vua Lý Nam Đế (Lý Bí) xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ
Đền thờ vua Lý Nam Đế (Lý Bí) xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ

Nhân vật truyền thuyết nhận được sự phù giúp của linh thần trong lúc đánh giặc, trở thành linh thần sau khi “hóa Thánh”

Có thể kể ra đây một loạt truyện có yếu tố hiển linh phù giúp của linh thần và trở thành linh thần sau khi “hóa Thánh” như truyện: “Sự tích hai anh em sinh đôi Cao Sơn - Quý Minh”, truyện “Sự tích Thục nương và công chúa Mỵ Châu”, Truyện “Bà Hiển Nhân”, Truyện “Nguyễn Trung Trực”...

Truyện “Bà Hiển Nhân” kể: “Khi Lê Lợi kéo quân vào Nghệ An, vương mộng thấy thần nói rằng: “Xin được cho một người thiếp, thì nguyện xin giúp đỡ đánh giặc thành công”. Bà Trần Thị Ngọc Trần (Hiển Nhân) tự nguyện hiến sinh, thuyền vua bình an khi đánh giặc trở về. Sau khi “hóa”, bà linh ứng phù hộ cho xóm làng được an khang thịnh vượng. Ở truyện này, mặc dù yếu tố hiển linh phò trợ vua Lê đánh giặc là có điều kiện, song vẫn có thể xem đây là một trong những dẫn chứng sinh động của kiểu truyện thuộc biến thể “Linh thần hóa Thánh”.

Truyện “Nguyễn Trung Trực” kể: Một đêm, Nguyễn Trung Trực một mình một ngựa đột nhập đồn Kiên Giang, hạ sát bảy tám chục tên giặc Pháp. Bọn Pháp sống sót tỉnh dậy, đuổi theo, ra tới bờ biển thì thấy ông ngồi trên mình ngựa lướt sóng như bay về phía Hòn Tre. Chúng bắn theo, nhưng kỳ lạ thay, đạn vừa ra khỏi nòng liền quay ngược lại, xuyên thẳng vào ngực chúng, giặc kinh hồn hoảng vía không dám đuổi theo.  

Sau này dân gian còn truyền rằng ở chỗ Nguyễn Trung Trực tử tiết, đêm đêm vẫn vang lên tiến kèn thúc quân, tiếng gươm giáo khua, tiếng quân sĩ hò reo, bọn Pháp quanh đó, không bao giờ có được giấc ngủ yên lành. Oai linh của người anh hùng Nguyễn Trung Trực sau khi “hóa Thánh” trong truyện kể ra đời ở giai đoạn muộn này, tuy không có chức năng phò trợ người đời sau như trong các truyền thuyết ra đời ở giai đoạn trước đó nhưng rõ ràng sức mạnh và khả năng uy hiếp kẻ thù là có thật.

Tượng Nguyễn Trung Trực, tại Công viên trung tâm thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Tượng Nguyễn Trung Trực đặt tại Công viên trung tâm thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Linh thần đời trước “hóa thân” vào nhân vật truyền thuyết, sau khi lập công lại tiếp tục “hóa Thánh” để hiển linh âm phù cho đời sau

Truyền thuyết “Sự tích Niệm Hưng đánh Thục” thời Hùng Vương kể: “Bà mẹ Niệm Hưng nằm mơ thấy nuốt một con rết trắng rồi tự nhiên có thai sinh ra ngài. Về sau, có chiếu nhà vua sai ngài đi dẹp giặc, ngay đêm hôm ấy, ngài nằm mơ thấy có một người mặc áo đỏ, thân thể dị kì, hình dung cổ quái từ dưới nước đi lên, tự xưng là con giai vua Lạc Long Quân xin đi âm phù và có ước cùng ngài rằng: Nếu sau này dẹp giặc được thành công thì cho cùng phối hưởng.

Khi ngài đem quân đến núi Sóc Sơn, bị quân Thục vây hãm trong 15 ngày, quân gia đói khát. Ngài sai quân đào giếng, giếng không có nước, Ngài ngửa mặt lên trời khấn thần âm phù, rồi bỗng nhiên thấy bốn bề mây kéo đế tối tăm, mù mịt, mưa xuống thật to. Ngài phá được giặc Thục, quân giặc thua tháo chạy. Sau khi “hóa”, ngài linh thiêng hiển ứng.

Sau này đến đời vua Đinh Tiên Hoàng, khi chùa bị giặc vây, vua sai sứ cầu bách thần, Ngài và vị thần linh đều âm phù giải vây. Đời vua Lê Đại Hành đánh Hầu Nhân Bảo nhà Tống, Vua sai quan đến làng Lỗ Khê vào đình cầu thần âm phù, quả nhiên đánh được giặc, giết được Hầu Nhân Bảo.

Lễ rước thành hoàng Điện Hưng (Niệm Hưng) về Đình làng Lỗ Khê (năm 2022), tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội
Lễ rước thành hoàng Điện Hưng (Niệm Hưng) về Đình làng Lỗ Khê (năm 2022), tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội

Truyền thuyết “Sự tích Triệu Việt Vương và Cảo nương” kể rằng: bà mẹ của Triệu Quang Phục nằm mơ thấy điềm bụng sinh ra hoa sen mà có thai đẻ ra ngài. Về sau, ngài đem quân chống giặc Lương có làm lễ trời đất được Chử Tiên hiển linh cho cái vuốt rồng. Sau khi ngài “hóa”, các đời vua về sau đều cho là thiêng lạ.

Đến đời vua Thái Tổ nhà Lý đi đánh giặc ở Minh Châu khi đi qua bể Đại Nha đến sông Biện Loan gặp giời đất mù mịt, vua Thái Tổ đốt hương khấn trời tự trách, phút chốc có một đám mây trắng nổi lên mặt bể, có tiếng quát to lên rằng: “Ta là Long Vương Thủy Tinh là anh em với vua Hùng Vương, ngày trước thác sinh vào nhà họ Triệu, tên hiệu là Việt Vương, ta vì thương con gái và con rể, cho nên vạ sinh ở trong nhà, đến nỗi phải thua chạy. Thượng đế cho ta trấn trị ở bể này. Nay vua đã qua ở chốn này, thì ta cũng thuận giúp”.

Truyền thuyết “Vũ Thành” thời Lý kể: Bà mẹ Vũ Thành ngủ mơ thấy thần nhân xuất hiện và cho biết bà sẽ có thai. Về sau, Vũ Thành được thần linh sông núi cho kiếm thần, kiếm thần phát ra tiếng nổ lớn. Vũ Thành mộng thấy một ông lão da đỏ, áo hồng, chống gậy đến ban cho một chữ “thiệt”. Vũ Thành dẫn quân đi đánh giặc Nguyên, trước lúc lên đường, chợt thấy con ngựa trắng chạy thẳng đến trước mặt ngài. Vũ Thành đeo kiếm thần và khấn: “Nếu trời phú đức giúp ta thì xin cho con ngựa quỳ xuống, tất sự việc thành công”, dứt lời, bạch mã quỳ xuống đón ông. Trong trận đánh thứ mười, vì kiếm thần bị tráo, ông bị giặc chém ngả đầu, ông vội vàng nhặt đầu chắp vào cổ rồi cưỡi ngựa chạy thẳng một mạch về đất Lam Sơn.

Như vậy, truyền thuyết “Linh thần hoá Thánh” là nơi lưu giữ khá bền vững quan niệm của nhân dân về sức mạnh của người anh hùng, người có công đối với cộng đồng, với dân tộc. Đó là sức mạnh tổng thể của nhiều thế hệ tích tụ qua nhiều đời, có khả năng chuyển hóa vào người đời sau thông qua nhân vật truyền thuyết của người anh hùng dân tộc. Truyền thuyết “Linh thần hoá Thánh” phản ánh khá rõ quan niệm về tồn tại thế giới, cõi trần thế, cõi thiêng và kiếp sống nhân sinh. Truyền thuyết “Linh thần hoá Thánh” còn chứng minh  dân tộc Việt có đời sống tâm linh phong phú, đa dạng và phát triển bền vững qua các thời đại. Chính đời sống tâm linh ấy đã chi phối quan niệm về nguồn gốc, vai trò và sự xuất hiện của linh thần trong truyền thuyết Việt Nam.

Việt Anh

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy