Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
12:01 (GMT +7)

Linh hồn của làng chè

VNTN - 1. Đã ở cái tuổi “tri thiên mệnh”, nếm trải bao mùi vị cuộc đời theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vậy mà tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nghe chị nói đến mùi lửa.

- Lửa mà cũng có mùi sao? Tôi nghi hoặc và có phần chế diễu.

- Có chứ. Chị khẳng định chắc nịch khiến tôi tin. Nhìn vào mắt chị, tôi lại càng tin. Người phụ nữ cũng ở tuổi “tri thiên mệnh” như tôi, ngón tay “điểm chỉ” đất chè ấy tên là Tạ Thị Hoàn ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương thành phố Thái Nguyên.

Tôi thật có duyên khi gặp chị trong ngày hội của xã Tân Cương. Hôm ấy dường như người làng chè có mặt hết ở nơi này. Người kéo co, người tung còn, người múa lân, đẩy gậy, chơi bóng chuyền, ít nhất thì cũng làm khán giả cổ vũ cho xóm mình.Tíu tít nhất là chỗ tôi đang nghiêng ngó. Mỗi xóm một khoảnh đất với mẹt chè tươi, củi, bếp, chảo gang. Chị đẩy củi, anh đảo chè, bá xoa búp... Không thể thiếu một bộ bàn ghế, vài bộ ấm chén, phích nước sôi, mấy bác cao niên chỉ có mỗi việc co chân ngồi uống nước trà, nói  câu chuyện bao đồng mà thôi. Tất cả như nhuyễn vào nhau mà làm nên một không khí huyền ảo lạ lùng. Tôi ngó nghiêng hết chỗ này đến chỗ kia, đặt ra nhiều câu hỏi ngây ngô và “nhặt” được hai chữ “mùi lửa” ấn tượng.

- Chị có biết vì sao mẻ chè kia có màu xanh đen không? Chắc chắn vì chưa đun nước sôi ngâm chảo từ đêm qua - Chị Hoàn vừa hỏi vừa trả lời. Chảo gang giờ chả mấy khi dùng, nên phải đánh rửa kỹ, cho lên bếp luộc cho nó “thôi” hết chất han ra.

- Chè mới sao pha ngon phải biết chị nhỉ? Tôi vốc lên tay những cánh chè nóng ròn nức hương cốm hỏi chị Hoàn.

- Không không, ngon nhất là để qua một vài ngày, hết mùi lửa mới pha, chứ còn chè mới là không nên uống ngay.

- Ý chị vừa nói là mùi khói?

- Không, mùi lửa chứ. Mùi lửa nó thế nào ư, khó diễn tả lắm nhưng chúng tôi ngửi thấy đấy.

Những người phụ nữ đứng quanh nghe câu chuyện của chúng tôi đều gật gù xác nhận: Có chứ, có mùi lửa chứ. Chúng tôi ngửi thấy rõ lắm.

2. Cả buổi chiều ở nhà chị Màu, chị em tôi chỉ đận đà nói chuyện chè. Chị Màu tròn 50 tuổi, có 8 con. Sinh ra ở Gò Pháo, lấy chồng ở Hồng Thái 1 từ năm 16 tuổi. Từ lô đất bố mẹ cắt cho vợ chồng trẻ làm của hồi môn, những rạch chè đầu tiên được ươm. Cứ thế, cứ thế, người cần mẫn chăm chè, chè chắt chiu nuôi người, mấy chục năm, người già đi mà chè vẫn non tơ. Chị thành bà nội, bà ngoại, các con cháu lại tiếp nối vòng quay đời chè.

Ấm trà đầu tiên chị Màu pha mời tôi là chè móc câu.

Thời các cụ, được uống loại chè này là “đỉnh sang” rồi. Tôi bỗng nhớ đến nhạc sĩ Tuấn Long, ông là người sành trà và viết nhiều về trà. Ông kể cách ngắm trăng, bình thơ tao nhã của các bậc “đức cao vọng trọng” xưa. Trong các cuộc cao đàm khoát luận ấy, không thể thiếu ấm trà móc câu nóng hổi, “cánh chè cong xoắn như hình móc câu, nhón dúm chè cho vào xuyến phát tiếng kêu lanh canh, ấy là chè tuyệt hảo”.

Đưa chén trà lướt qua mũi hít hà mùi thơm nhẹ của cốm, gật gù ngắm màu nước xanh phớt vàng “chuẩn” Tân Cương, tôi nhấp một ngụm nhỏ ngậm lại cho lan tỏa, thấm cái vị chát nhẹ trong vòm miệng. Ngon thật là ngon.

Nhưng loại chè móc câu như thế này chỉ là chè hạng ba thôi. Chè tôm nõn đang ở vị trí “á hậu” của làng.

Dẫn tôi ra vườn, chị Màu “thị phạm” cho tôi xem cách hái để làm ra “hoa hậu” là chè đinh. Này nhé, chỉ ngắt cái “túp” ngọn bé tí xíu như mầm đinh này. Có khách đặt mua chè đinh mừng đấy mà lo đấy. Vì chỉ có chè lai hoặc chè trung du thì làm chè đinh mới ngon, mà chỉ của vườn nhà mình mới tự tin hái sao cho khách. 20 người hái nhanh tay 1 ngày chưa chắc đủ ra 1 cân chè đinh. Khi sao phải cẩn trọng, nhẹ nhàng lắm những cánh chè mỏng mảnh yểu điệu mới chịu khô ròn, xoăn lại mà không gẫy vụn. Nhưng tiền nào của ấy thật, ấm chè đinh chị Màu mời tôi chế thêm nước sôi mấy lượt vẫn đậm chất trà vương giả.

Bí ẩn làng chè chưa hết khi chị Màu mở hai cái chén úp vào nhau, cẩn thận chắt ra thứ nước vàng nhẹ.

- Đố chị đây là trà gì? Chị Màu thử thách khứu giác của tôi.

Tôi hít hà chén trà, reo lên: Trà sen.

Thái Nguyên thì chưa nhiều, nhưng Hà Nội bây giờ rộ lên uống chè ướp hoa sen. Một bông sen bọc một dúm chè Thái thật ngon, đủ để pha một ấm trà. Lại nhớ buổi tối nọ, cả nhà tôi dập dềnh trong túp lều lợp lá cọ giữa Tây Hồ, ngắm lá sen vẫy ràn rạt xung quanh, ăn gà tần hạt sen, nộm ngó sen, mở đóa hoa sen ra lấy nhúm chè đã thấm “hồn sen” pha uống dưới ánh trăng vằng vặc, chép miệng ngộ ra một điều người Hà Nội thật khôn ngoan trong ẩm thực.

Chờ tôi dịu cơn hứng khởi do hương sen mang lại, chị Màu bảo:

-Không phải trà ướp hoa sen đâu, giống chè keo của Đài Loan đấy. Hương của nó hệt mùi sen nên nhiều người thích.

Không biết giống chè thời thượng này có “soán ngôi hoa hậu” chè đinh không?. Nhưng tôi chắc một điều vùng chè Tân Cương luôn đón nhận cái mới, cần mẫn mang đôi tay truyền thống, cái mũi nhạy cảm để làm ra thứ chè đậm chất Tân Cương.

Nhìn chị Màu xoay xoay chén trà nóng trong lòng bàn tay, khum các ngón tay thô mộc che cho hồn chè không tan loãng, từ từ đưa chén trà lên mũi tận hưởng tinh túy của đất trời, tôi tin chắc lửa thật sự có mùi.

Ở Tân Cương này, người giữ hồng ngọn lửa sao chè là phụ nữ.

Họ ngửi thấy mùi của lửa.

Họ là linh hồn của làng chè.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 19 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước