Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
15:25 (GMT +7)

Lên núi xem nông dân nuôi gà “chạy bộ” kiếm tiền tỷ

Tản bộ cùng những “tỷ phú chân đất” trên những đỉnh núi nghe họ kể chuyện nuôi gà làm giàu mà thấy lòng khoan khái. “Cái khó ló cái khôn”, từ vùng quê nghèo miền núi ít đất canh tác, người dân Lâu Thượng (Võ Nhai) đã tận dụng những quả núi làm chỗ chăn nuôi lý tưởng. Những chú gà ta lò cứ thế ăn căng diều ngô, rồi thỏa sức tung hoành với thiên nhiên. Thịt gà “chạy bộ” Lâu Thượng nức tiếng thơm ngon. Từ nuôi gà, nhiều hộ đã thành triệu phú, góp phần làm thay đổi diện mạo một vùng quê. 

Đam mê nuôi gà

Tới xóm Cây Hồng hỏi về anh Hoàng Văn Hải thì ai cũng biết, anh Hải nuôi gà không chỉ để thoát nghèo, phát triển kinh tế mà còn là niềm đam mê. “Hải “gà” chứ gì? Chú ấy nuôi gà, ở mãi trên đỉnh núi kìa”, mọi người bảo tôi như thế.

Quang cảnh Lâu Thượng nhìn từ đập Cây Hồng
Quang cảnh Lâu Thượng nhìn từ đập Cây Hồng

Xuất phát là một nông dân với đủ nghề như: làm máy gặt, lái xe tắc tơ, trồng rừng… công việc vất vả cũng chẳng mấy khấm khá. Thấy một số người dân trong xã nuôi gà ta thả dưới tán rừng anh Hải mạnh dạn làm theo. Gần ba năm chăn nuôi, hiện trang trại gà của anh nổi tiếng trong xã Lâu Thượng. Mới 49 tuổi, nhưng cơ ngơi nhà anh thật bề thế với: nhà to, đất rộng, làm cả đường lên đỉnh núi… Đàn gà của bố con anh nuôi đông đúc, lúc nào cũng có hàng chục nghìn gà trưởng thành, sẵn sàng cung cấp ra thị trường. Vụ gần nhất anh mới xuất 4.000 con, thu về kha khá. Chỉ chiếc xe bán tải anh nói nhẹ như lông hồng: Ba đàn gà là sắm được. Có nó thì lên đỉnh chăm sóc gà mới đỡ vất! Đường núi dốc lắm, không quen không đi được đâu. Để xe máy ở đây, tôi chở lên.

Và cứ thế, theo con những con dốc tức ngực anh chở chúng tôi lên núi. Những ngọn núi đất ở Cây Hồng được phủ xanh bởi bạt ngàn cây keo. Nắng sớm lung linh nhảy nhót dưới tán rừng, vừa đi anh Hải vừa hào hứng: Trước đây làm gì có đường lên thế này, xe tắc tơ đi còn khó. Lúc nuôi gà có lãi tôi mới đầu tư làm đường để tiện đi lại, thương lái cũng đỡ ngại khi đến lấy gà. Cũng tốn hàng trăm triệu tiền thuê máy xúc, máy ủi đấy!

Một khu chăn nuôi gà của gia đình anh Hải nhìn từ trên cao
Một khu chăn nuôi gà của gia đình anh Hải nhìn từ xa

Chỉ một loáng chúng tôi đã có mặt trên đỉnh núi, nơi anh Hải vừa mới xây ngôi nhà nhỏ để gia đình tiện chăm nom khu chuồng trại. Gió mát rười rượi, mây thấp thoáng trên đầu, xung quanh, tiếng gà gáy gọi bình minh cứ râm ran dưới những tán lá. Cảm giác thật lạ lùng, vừa hoang dã cheo leo nhưng lại ấm áp như đang ở giữa một ngôi làng thuần nông trù phú. Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng La Mạ đẹp như tranh. Đập Cây Hồng nước xanh biếc, điểm tô cùng những ngôi nhà mái thái đang đua nhau mọc lên.

Thấy khách ngạc nhiên, vợ anh Hải vừa nướng gà vừa mau mắn: Chán thành phố cứ lên đây nướng gà với anh chị. Nhà chẳng có gì ngoài gà. Chỉ buồn là hơi vắng vẻ thôi. Tôi đùa: Hai vợ chồng cứ quấn nhau trên núi thế này lại sướng chị nhỉ? Chị cười rạng rỡ. Sướng gì hả chú! Mở mắt ra là chăn gà. Làm lấy công thôi. Nhưng được cái có đồng ra đồng vào cũng vui.

Chị nói nhỏ: Leo núi quen rồi, thành nghiện đấy, chị thấy thoải mái như tập thể dục thôi. Được nhất là cả gia đình cùng chung sức. Anh Hải từ ngày chăn con gà cũng “ngoan” ra nhiều. Đỡ tụ tập rượu chè, khỏe ra, tháo vát, tu chí hơn hẳn. Thằng con thì chị đầu tư cho đi làm đủ thứ, rồi đi công ty… cuối cùng phải quay về làm gà cùng bố. Giờ khu chuồng trại nó nuôi gà bên cạnh cũng ngang của bố mẹ. Lên đây không khí trong lành, lại có vắc xin đầy đủ, chăn con gà cũng không vất vả lắm đâu…

Những chú gà ta lò ăn no được thỏa sức tung hoành trên núi
Những chú gà ta lò đã căng diều, thỏa sức tung hoành trên núi

Dạo một vòng khu chuồng nghe anh Hải giới thiệu từng khu một chúng tôi càng cảm phục ý chí, sự sáng tạo và quyết tâm vươn lên của những người dân vùng sơn cước. Tất cả đều nương theo tự nhiên. Môi trường trên núi thì vô cùng lý tưởng với chăn gà hữu cơ nhưng nước uống, đường đi lại khó khăn. Để có nguồn nước lý tưởng anh Hải đã dùng hệ thống máy bơm đẩy nước dưới khe lên. Đảm bảo gà được thông thoáng sạch sẽ, các khu chuồng trại đều bố trí nằm rải rác quanh những quả núi, muốn vậy anh Hải phải bỏ tiền san ủi những đường vòng quanh trên núi dài tới 17km để tiện di chuyển tới các khu chuồng. Hệ thống chuồng trại đều tận dụng nguồn cây que sẵn có chẳng hề tốn kém. Cách vệ sinh mặt chuồng mới đặc biệt. Anh gọi cho người dân dưới chân núi mang trấu lên, tự rải xuống nền, rồi thu lấy phân bón lúa, tiện cả đôi đường. Nhờ thế chuồng trại của anh luôn sạch sẽ.

Giống gà ta lò được anh Hải chọn nuôi là giống gà đồi đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, huyện Phú Bình, vừa chóng lớn khỏe mạnh, thịt lại thơm ngon. Làm gà thu được tiền tỷ, Hải còn khuyên rủ một số người trong xã cùng làm, như anh Nguyễn Hữu Thảo, xóm Làng Áng cũng đang chăn thả hàng nghìn con gà trên núi…

Mát mặt nhờ gà

Rời mô hình nuôi gà hữu cơ của gia đình anh Hải chúng tôi lại tìm tới đỉnh Mạ Cao, xóm Làng Hang, thăm mô hình nuôi gà thả núi của anh Toàn Văn Hiếu (51 tuổi). Anh Hiếu là một trong những người đầu tiên mạnh dạn đem gà ta lò về đất Lâu Thượng. Anh Hiếu bảo, vốn đi làm thuê nhiều nơi, thấy con gà ở vùng Võ Nhai thịt rất thơm ngon, lại dễ nuôi nên năm 2020 anh đã mạnh dạn đầu tư mua đất rừng để chăn gà trên đỉnh núi. Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ địa phương là ngô hạt, kết hợp với một phần cám công nghiệp, ban đầu anh nuôi 1.000 - 2.000 con. Những lứa đầu đã thắng lớn, các lứa tiếp theo, anh nuôi 4.000 con, rồi dần tăng đàn. Hiện khu chăn thả của anh luôn ổn định với gần 5.000 gà thịt chăn thả dưới tán rừng keo, trên diện tích gần 4ha.

Anh Hiếu cùng những chú gà trên đỉnh núi Mạ Cao
Anh Hiếu cùng những chú gà trên đỉnh núi Mạ Cao

Gà đi đến đâu, keo lên xanh đến đấy, lại chẳng phải tốn công phát dọn rừng. Hiện nguồn thu chính của anh là chăn nuôi gà. Chưa kể tiền bán trứng, tiền bán rừng, 4 tháng xuất bán một lứa gà - khoảng 4.000 con, anh Hải thu về gần trăm triệu tiền lãi. Để tiện cho việc đi lại chăm sóc gà anh bỏ luôn 300 triệu làm con đường bê tông từ dưới chân núi lên khu chăn thả.

Từ tiền bán gà hai vợ chồng anh đã nuôi các con ăn học trưởng thành, xây được ngôi nhà rộng hơn 100m2, mua sắm nhiều tiện nghi, xây dựng cho mình nền tảng kinh tế vững chãi. Nói về chăn gà anh Hải khẳng định: Gấp nhiều lần trồng lúa, cũng hơn gấp đôi trồng rừng.

Tuy chăn gà núi dễ và thu nhập ổn định nhưng Hải cũng khuyến cáo, không phải ai cũng làm được. Anh bảo, cả trang trại quy mô nhỏ và quy mô lớn hiện toàn xã đã có gần 20 hộ chăn gà trên núi. Tuy đầu ra vẫn ổn định, nhưng hiện con gà ta lò Lâu Thượng giá bán không còn được cao như lúc ban đầu. Anh chỉ lo giá thị trường vẫn lúc lên lúc xuống, những hộ ít vốn, chưa có kinh nghiệm, lại đầu tư mạnh vào gà rất dễ gặp rủi ro.

Kinh nghiệm chăn gà thả núi

Trải qua nhiều thăng trầm với nghề nuôi gà, anh Hải Anh Hải chỉ cần nghe tiếng gáy của đàn gà là biết chúng yếu hay khỏe để có phương pháp điều chỉnh chế độ ăn uống chăn thả phù hợp. Anh cho biết: Nuôi gà không khó nhưng cần phải hiểu chúng, gần chúng, coi chúng như người bạn thân thiết, đó là một trong những “bí quyết” của người chăn gà núi.

Nuôi gà ngoài tiêm vắc xin phòng bệnh thì điều cần nhất là điều kiện chăn thả sạch sẽ thoáng mát. Chuồng trại có thể sơ sài nhưng không được chật chội, nguồn nước uống cũng luôn cần được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Hơn nữa con gà ngoài thức ăn, còn rất cần cây cỏ ngoài thiên nhiên, chính đó là nguồn thuốc đề kháng cực quý để chúng phòng chống dịch bệnh. Mật độ thả gà càng thưa thì càng có nhiều cây cỏ, có không gian rộng để vận động, đảm bảo sức khỏe. Gà thả núi ở Lâu Thượng không nuôi theo kiểu tập trung, mà hệ thống chuồng trại được phân bố đều dưới các tán rừng nên gà rất ít bệnh và chất lượng thịt thơm ngon bán được giá cao. Bình quân, tỷ lệ nuôi sống đạt từ 90 - 95%, cân nặng của gà trung bình đạt 2,5 - 3 kg/con gà trống và 2kg/con gà mái. Giá hiện bán buôn cho thương lái tại chuồng là 75.000đ/ 1kg. Còn với trống gà thiến thì giá cao gấp đôi như vậy.

Một đàn gà trống thiến béo mượt nuôi trên núi ở Lâu Thượng
Một đàn gà trống thiến béo mượt nuôi trên núi ở Lâu Thượng

Gà thả núi thể lực rất khỏe, vì vậy đến khoảng thời gian chúng sắp chịu trống (gà mái) hoặc phủ mái (gà trống)  thì phải theo dõi và tách đàn trống mái cho phù hợp, nếu không chúng sẽ “hiếp” nhau (trống “hiếp” mái và trống “hiếp” trống), chết vô số…

Lâu Thượng là xã miền núi điều kiện tương đối khó khăn và có tới 63,7% đồng bào là người dân tộc thiểu số. Những năm gần đây nhờ đa dạng hóa trong phát triển nông nghiệp đời sống người dân trong xã ngày một cải thiện. Thịt gà ta lò của Lâu Thượng hiện đang đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của thị trường về các loại gà ngon, sạch. Nhờ nuôi gà, các hộ đều có thu nhập ổn định, một số hộ trở nên giàu có.

Sáng nào Anh Nguyễn Hữu Thảo, xóm Làng Áng cũng bỏ ra gần hai tiếng chăm sóc đàn gà
Sáng nào anh Nguyễn Hữu Thảo, xóm Làng Áng cũng bỏ ra gần hai tiếng chăm sóc đàn gà

Tôi đem tâm sự ấy chia sẻ với anh Trịnh Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Lâu Thượng. Anh cho biết: Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy việc phát triển nuôi gà thả núi của các hộ gia đình trong xã rất hiệu quả. Mô hình nuôi gà thả núi có chi phí đầu tư không quá cao, rất phù hợp và có thể thực hiện được tại nhiều gia đình ở trong xã. Hơn nữa diện tích rừng sản xuất trên địa bàn hiện khá rộng, vừa tận dụng trồng rừng vừa thả gà, rất hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi còn e ngại vì nguồn tiêu thụ thịt gà hiện vẫn còn rất bấp bênh. Để phát triển quy mô lớn hơn, trong tương lai xã đang nghiên cứu và tuyên truyền để các hộ nuôi gà tập trung thành lập nhóm, hoặc Hợp tác xã chăn nuôi, để cùng liên kết, từ đó sẽ áp dụng tốt hơn các tiến bộ kỹ thuật hiện đại, hình thành những chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Anh khẳng định, làm được như vậy thì chắc chắn chúng tôi sẽ xây dựng được thương hiệu gà núi Lâu Thượng, từ đó sẽ ổn định thị trường đầu ra, mở ra một hướng mới cho phát triển kinh tế hộ gia đình.

Thoắt đã quá trưa. Tạm biệt các "đại gia chăn gà" chúng tôi xuống núi. Nắng chếch trên vòm lá. Trong những bụi rậm, thỉnh thoảng những âm thanh cục tác nhảy ổ, cùng những tiếng gáy khẳng định chủ quyền cứ vang ngân, xao xác cả khu rừng. Tôi bỗng nhớ đến những câu thơ từng được học thời niên thiếu “Tiếng gà trưa/ Ổ rơm hồng những trứng/ Này con gà mái mơ/ Khắp mình hoa đốm trắng/ Này con gà mái vàng/ Lông óng như màu nắng”… và hình dung vùng quê nghèo Lâu Thượng tương lai sẽ đổi thay.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Một cuộc cách mạng chưa từng có

Xem tin nổi bật 9 giờ trước

VĂN NGHỆ TUỔI HOA SỐ 21

Văn nghệ Tuổi hoa 1 ngày trước

Đặc sắc múa dân gian của người Cao Lan

Cuộc sống quanh ta 1 ngày trước

Từ triền núi cao hai mùa na kết trái

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Loay hoay xế chiều

Câu chuyện văn hóa 2 ngày trước