Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
15:03 (GMT +7)

Lễ hội “Khu già già” của đồng bào dân tộc Hà Nhì

“Khu già già” là lễ hội cầu mùa lâu đời và lớn nhất của người Hà Nhì đen, hoạt động văn hóa này mang tính tâm linh quan trọng, thể hiện ý thức tôn trọng và lòng biết ơn thần linh, trời đất, tổ tiên. Để góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận lễ hội “Khu già già” là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ cúng ở lán thờ khu rừng cấm trong lễ hội “Khu già già”
Lễ cúng ở lán thờ khu rừng cấm trong lễ hội “Khu già già”

Hàng năm, vào ngày Thìn đầu tiên của tháng 6 âm lịch, khi cây lúa đã bám chắc vào đất, căng tràn sức sống để đổ đòng, đồng bào dân tộc Hà Nhì (nhóm Hà Nhì đen) lại tổ chức lễ hội “Khu già già”, lễ hội chung của cả làng - chung một cộng đồng để cầu mùa màng bội thu.

Dân tộc Hà Nhì chịu nhiều ảnh hưởng của tín ngưỡng nguyên thủy “vạn vật hữu linh”. Trong sản xuất nông nghiệp họ tin rằng có thần linh che chở, phù hộ tạo điều kiện cho các loại cây nông nghiệp cùng gia súc phát triển. Lễ hội chính là dịp để tưởng niệm, tri ân tới thần linh liên quan đến sự được - mất của mùa màng, cảm tạ đã gìn giữ cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cầu mong vụ mùa suôn sẻ. Với ý nghĩa sâu xa đó, nên mỗi khi làng tổ chức lễ hội “Khu già già”, người Hà Nhì đều dừng mọi công việc, tìm về làng, sum họp với cộng đồng chung sức trong những ngày vui đó.

Theo đúng trình tự thời gian và mang đầy đủ các giá trị văn hóa truyền thống, trước ngày Tết, Trưởng thôn, 2 thầy cúng và đại diện các hộ gia đình họp bàn thống nhất số tiền đóng góp mua sắm lễ vật, thành lập ban tổ chức và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong cộng đồng.

Trước lễ hội một tuần, hai ông “Khư dù” (người tìm trâu) phải mang được trâu cúng về chăm sóc cẩn thận. Trâu chọn làm vật hiến tế phải là trâu đực 4 - 5 năm tuổi, béo tốt, màu đen bóng khỏe mạnh. Theo tục lệ, con trâu đó hàng ngày thường ăn cỏ ở đồi núi nào thì cả bản sẽ đến cắt cỏ gianh về lợp lán cúng ở núi đồi đó, và trâu phải được mua ở bản khác.

Những người cao tuổi dân tộc Hà Nhì vẫn kể cho con cháu mình nghe câu chuyện: Xưa kia, khi mới khai thiên lập địa, vào mỗi dịp cây trồng chuẩn bị đơm trái, mỗi bản người Hà Nhì lại tổ chức lễ hội cầu cho con người sức khỏe dồi dào, làm ăn giàu có, lúa gạo đầy bồ, ai cũng ấm no. Để có được những điều đó, mỗi bản phải mang một người ra để hiến tế cảm tạ cho trời đất, thần linh. Năm đó, đến lượt gia đình chỉ có hai vợ chồng và người con nhỏ. Tất cả đều rất đau lòng, thương xót cho bản thân và gia đình mình mà không biết làm thế nào.

Bấy giờ người con nhỏ lên tiếng xin mẹ may cho một bộ quần áo trắng. Từ mờ sáng hôm hiến tế, khi sương còn chưa tan, mặt trời chưa mọc, người con nhỏ trong bộ quần áo trắng, đội mũ trắng đi cà kheo lên khu rừng cấm, nó trèo lên cây mà hô rằng: “Ta là thần linh, từ bây giờ trở đi bản ơi không phải hiến người nữa, hãy mổ trâu cúng tế thần linh. Nhớ từ giờ chỉ mổ trâu thôi”. Trong buổi sáng tĩnh lặng, tiếng cậu bé vang vọng, dân bản đều nghe thấy tiếng, khi trời sáng ra họ rủ nhau ra khu vực nơi tiếng nói phát ra nhưng thấy không một bóng người, không một dấu chân để lại để lại. Người trong bản đồn nhau rằng chỉ có thể là người trời về nghỉ trên mái lán, trên cây đu đã nhắc nhở, cho họ cơ hội sống. Và từ đó, theo lệ sẽ bắt đầu giết trâu làm vật hiến tế. Trâu cũng trở thành con vật thiêng, biểu trưng cho sức mạnh, gắn bó với cuộc đời người Hà Nhì. Cho dù no, đói, cuộc sống đầy đủ, hay khốn khó, con trâu vẫn là người bạn trên những dẻo núi cao.

Người Hà Nhì thường ở những bản nhỏ, lấy 4 khu rừng cấm thờ thần rừng, chia theo 4 hướng Đông Tây Nam Bắc theo địa thế làm mốc phân chia ranh giới. Trong đó khu rừng phía Nam “A gờ la do”, đồng bào quan niệm là khu rừng đặc biệt, sự xanh tốt ở nơi đây là sự đảm bảo an toàn cho cả bản. Khu rừng dựng lán thờ làm nơi sinh hoạt cộng đồng và bãi đất rộng làm khu vui chơi cho bà con trong các dịp lễ, và cũng là nơi bà con tổ chức lễ “Khu già già”.

Lán thờ được dựng đơn giản gồm 3 gian, xung quanh ghép ván gỗ, mái lán lợp cỏ gianh dày với quan niệm đây không chỉ là nơi dừng nghỉ chân của thần linh, mà cỏ gianh còn là thức ăn của ngựa khi đưa thần linh, tổ tiên của gia đình về tham dự lễ hội, mọi thứ phải đủ đầy để làm thần linh vui lòng. Lán thờ có vai trò quan trọng, đây là nơi đón thần tiên về dự và chứng kiến lễ hội, đồng thời là địa điểm chia thịt trâu và tổ chức bữa ăn chung gắn kết toàn thể các thành viên trong cộng đồng. Vì thế việc dựng lán, lợp mái là quan trọng nhất và được làm đầu tiên.

Sớm ngày Thìn, dưới sự chỉ đạo của hai ông thầy cúng, các hộ gia đình cử đại diện là nam giới đi cắt cỏ gianh: 1 bó (loại to) hoặc 3 bó (loại nhỏ) để lợp lán thờ. Khác với đồng bào dưới xuôi sử dụng cỏ gianh lợp mái thường lợp gốc ở trên ngọn ở dưới thì đồng bào Hà Nhì làm ngược lại, gốc cỏ gianh quay xuống dưới, ngọn quay lên trên, bởi đồng bào tin vạn vật đều có nguồn có cội, phải có gốc mới có ngọn. Điều này cũng là nhắc nhở con cháu phải nhớ đến công lao ông bà, tổ tiên. Trước đây mái lợp hoàn toàn bằng cỏ gianh, nay đồng bào sử dụng mái tôn hoặc mái Fibro ximăng thay thế, nhưng vẫn duy trì tục lệ nộp và lợp một lớp mái cỏ gianh lên phía trên.

Nam giới bản người Hà Nhì đã gọi nhau lên nương lấy cỏ gianh về lợp lán cúng thần
Nam giới bản người Hà Nhì  gọi nhau lên nương lấy cỏ gianh về lợp lán cúng thần

Sáng ngày Tỵ, hai ông “Khư dù” dẫn đầu đoàn dắt trâu đến khu lán thờ, trâu được buộc vào cột đu “A quý”. Ông “Khư dù” dùng cỏ gianh buộc quanh mõm trâu cúng. Theo quan niệm của người Hà Nhì đen nếu để trâu kêu to năm đó sẽ bị mất mùa lúa, hoa màu bị sâu, bọ phá hoại. Ông Khư dù thay mặt dân làng, làm lễ quỳ lạy cảm tạ ơn nghĩa của con trâu rồi tiến hành nghi lễ hiến trâu.

Dân làng giết trâu cúng, đem chia đều thịt cho các hộ gia đình trong thôn (trong thôn có bao nhiêu hộ thì có bấy nhiêu phần), chỉ có 4 người có phần hơn chút là: 4 chân trâu được chia đều cho hai ông “Khư dù” năm nay và hai ông “Khư dù” năm kế tiếp. Bên cạnh đó: Đầu trâu, 3 dẻ sườn được mang chia cho hai ông “Khư dù” năm nay mang về chế biến các món ăn mời mọi người tham gia giết trâu đến ăn tại gia đình vào trưa ngày hôm sau. Việc chia đều, không có phần biếu là thể hiện sự dân chủ cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Hà Nhì đen.

Đồng bào mổ trâu cúng thần vào sáng ngày Tỵ
Đồng bào mổ trâu cúng thần vào sáng ngày Tỵ

Lễ cúng trong lễ “Khu già già” gồm: Cúng cơm cho tổ tiên, cúng cảm tạ người dắt ngựa cho tổ tiên, và lễ cúng quan trọng nhất là cúng cột đu.

Nghi lễ cúng tổ tiên: Thực hiện liên tục trong 2 ngày kể từ ngày mổ trâu hiến tế (chiều ngày Tỵ), mỗi ngày cúng 2 lần vào bữa trưa và bữa tối.

Lễ vật cúng trên bàn thờ tổ tiên là 1 mâm gỗ vuông trên đó đặt: một bát rượu nếp ủ, một bát nước chè gừng, một bát thịt trâu, một bát bánh dày, một đôi đũa. Tất cả các món ăn đều do người chủ nhà và vợ trực tiếp chế biến, nếu người vợ ốm hay đã mất thì người con gái lớn phải thay mẹ nấu hoặc người con dâu cả phải làm. Khi cúng tổ tiên, ông chủ nhà trong trang phục truyền thống quỳ lạy 3 lần trước bàn thờ - là lời tâm niệm thành kính cảm ơn tổ tiên. Lúc này, từng thành viên trong gia đình dừng mọi công việc, lần lượt quỳ lạy trước gia tiên. Nghi thức kết thúc, gia chủ mang thức ăn trên ban thờ chia vào hòn đá thiêng đặt tại bếp chính của gia đình và phần còn lại mang chia cho mọi người để lấy lộc.

Cộng đồng tổ chức ăn mừng sau lễ cúng thần linh tại lán thờ
Cộng đồng tổ chức ăn mừng sau lễ cúng thần linh tại lán thờ

Nghi lễ cúng cảm tạ người hầu dắt ngựa cho tổ tiên: là một mâm cúng ngoài cửa do nữ chủ nhà lên lễ, gồm: Một phần thịt, bánh giầy, rượu, nước chè gừng cho vào 4 bát đặt bên cạnh cửa ra. Mâm cúng để cảm ơn người đã chăm chút chu đáo cho tổ tiên gia đình mình đi tới nơi về tới chốn, vui hội cùng con cháu.

Ngày Ngọ - ngày lễ chính: Sáng sớm thanh niên trai tráng theo thầy cúng phụ vào rừng phía tây của thôn, để xin phép thần rừng chặt cây về làm các trò chơi trong ngày hội, tập trung chủ yếu vào trò cột đu và đu dây là hai trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào Hà Nhì đen trong lễ “Khô già già”.

Trò cột đu “A quý” là trò chơi sử dụng một 1 thân gỗ chắc và thẳng, chôn xuống đất. Chọn một cây dài chắc khỏe làm thân đu, ở giữa đục một lỗ hình bầu dục, sao cho lỗ này ôm khít đầu cột đu, khi đặt thân dài vào cột đu sao cho cân đều hai bên. Nó gần như trò bập bênh của dân tộc Kinh nhưng lại có thể quay tròn.

Trò đu dây “A gừ”, đồng bào Hà Nhì đen tận dụng những cành chắc chắn của cây to để buộc dây hoặc sử dụng thang chống đỡ các cây rồi dựng cột đu dây. Dây rừng buộc vào cành cây, hai đầu còn lại buông thõng xuống. Dùng 1 thanh gỗ dài khoảng 120cm để cố định hai đầu dây và làm chỗ đặt chân lên khi thực hiện chơi đu.

Đu dây “A gừ”, đu càng lên cao thì những điều mong ước của dân bản sẽ được các thần linh chứng dám, phù hộ cho dân bản làm ăn gặp nhiều may mắn
Đu dây “A gừ”, đu càng lên cao thì những điều mong ước của dân bản sẽ được các thần linh chứng dám, phù hộ cho dân bản làm ăn gặp nhiều may mắn

Khi các trò chơi được hoàn tất, mọi người tập trung về nhà hai ông “Khư dù” cùng nhau ăn, uống các món ăn được chế biến từ đầu trâu. Buổi chiều, các gia đình làm cơm cúng gia tiên và cùng nhau dùng cơm tại nhà trước khi đại diện các gia đình rước mâm lễ về khu lán thờ thực hiện nghi thức tế thần.

Quan niệm của người Hà Nhì đen là cái gì, vật gì, con gì cũng có đôi có cặp, nên lễ vật trên mâm cúng thường là số chẵn 6 - 8 - 10 món tùy từng gia đình, gồm: thịt trâu, trứng rán, các loại rau muối chua, giá đỗ, bí đỏ, hoa quả, ống tre đựng rượu... Riêng mâm của hai ông thầy cúng phải đủ 12 món (không thể thiếu một quả trứng được bọc trong gói xôi). Các món ăn mang tế thần là sản vật do đồng bào tự trồng với ý niệm báo cáo thu hoạch mùa vừa qua, mang nhiều sản vật mang dâng lên tổ tiên.

Các mâm lễ bày thành hàng trước cột đu “A quý”. Thầy cúng chính bày 2 ghế nhỏ, 2 đôi đũa, 2 cái bát, 2 gói xôi, 1 ống nước gừng và 1 ống rượu. Lần lượt các gia đình mang đồ ăn, rượu để vào trước cột đu. Thầy cúng thực hiện nghi lễ thông báo cho các thần biết dân bản đã mở hội và mời các thần cưỡi ngựa xuống cùng uống rượu, ăn thịt, cùng vui chơi với dân làng. Các hộ gia đình hành lễ tế thần cũng không quên bày tỏ niềm thiết tha mong ước: cầu cho cuộc sống ấm no, lúa ngô sai hạt, hoa màu tươi tốt, làm việc gì cũng mang lại của cải...

Tế thần tại cột đu “A quý” kết thúc, mọi người bê mâm cúng vào lán nhường chỗ cho thầy cúng làm phép quay đu: Ông thầy chính cầm mảnh gỗ được đẽo ra từ thân đu làm lễ quét ma ra khỏi thân đu. Mỗi thầy ngồi một đầu cần đu quay theo chiều ngược kim đồng hồ, quay tất cả 9 vòng để cầu may cho người chơi, cho dân bản. Họ vừa quay vừa hô vang nhằm đuổi hết ma xấu, ma ác làm hại dân bản.

Sau phần lễ tại trò đu dây “A gừ”, hai thầy cúng cử một thanh niên nam đứng lên bàn đu - đu liên tiếp 9 lần để đuổi mọi điều xấu, mọi rủi ro ra khỏi đu dây và cầu mong thần đu dây phù hộ cho dân bản. Theo tập tục của đồng bào Hà Nhì đen, đàn bà con gái không được đặt chân đến các khu rừng cấm của bản. Khi phần lễ kết thúc, mọi người không phân biệt tuổi tác giới tính đều được mời đến tham gia trò chơi và uống rượu với dân bản.

Phía trong lán thờ: Mâm lễ của hai ông thầy được xếp ở giữa phía trong - vị trí trang trọng nhất, mâm của các gia đình được xếp lần lượt từ trong ra ngoài, tính theo độ tuổi từ già đến trẻ. Thầy cúng chính là người làm lý (phát động) đầu tiên. Người làm lý đứng ở gần cửa lán thờ, quỳ lạy bày tỏ thành ý tôn trọng, nói lời cảm ơn những người hơn tuổi mình. Mọi người cùng đứng dậy nâng chén chúc tụng nhau làm ăn may mắn, dồi dào sức khoẻ. Sau đó thầy phụ, đại diện các gia đình tham gia làm lý một lần. Mọi người ăn uống, hát hò, và thay nhau ra chơi đu để lấy may, đồng bào vui chơi nhảy múa cho đến khuya khi ngày Thân bắt đầu.

Ông Lý A Vù - một người cao tuổi của thôn Kin Chu Phìn (tỉnh Lào Cai) cho biết: Tuy lễ hội kết thúc, nhưng các trò chơi vẫn được giữ lại đến ngày thứ 6 sau đó người trong bản ra hạ bập bênh xuống, báo thần linh kết thúc lễ hội. Sau một tháng, mỗi gia đình sẽ cầm theo một đoạn than củi đang cháy dở, một que gai, một cành cây ngải dại, một con dao mang từ nhà ra cổng làng vứt - để làm lý với ý nghĩa đuổi con ma xấu, vứt cái rủi ro ra khỏi thôn. Sau đó họ quay trở lại mang dao chặt lên bập bênh, phá cây đu rồi quay trở lại cuộc sống hàng ngày, chờ đón mùa lễ hội sang năm.

Kim Thoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy