Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
01:35 (GMT +7)

Làng nghề Thái Nguyên: Đa dạng mô hình trong phát triển

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta minh chứng cho một chân lí bất biến: “Có làng mới có nước, lòng dân an làm nên thế nước”. Trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp mang tính đột phá chăm lo phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nhiều làng nghề hình thành không chỉ tạo cơ hội cho người nông dân làm giàu chính đáng từ chính đồng đất họ đang sống, mà còn làm thay đổi diện mạo nông thôn, tập quán canh tác và thu hút được các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp.


Làng nghề – hướng đi mới của làng quê

Chưa có những khái niệm chính thống về làng nghề, bởi nhiều học giả thường đi sâu nghiên cứu về làng nghề truyền thống. Tựu trung đều cho rằng làng nghề là một đơn vị hành chính cổ xưa của những người cùng nghề, sinh hoạt có tổ chức, kỉ cương, tập quán riêng theo nghĩa rộng. Cơ sở của các làng nghề truyền thống là sự phối hợp cùng nhau phát triển kinh tế và mang những nét khác biệt theo bản sắc của từng dân tộc.

Cùng với sự phát triển của đất nước, làng quê Thái Nguyên cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ và thay da đổi thịt từng ngày. Những kết quả gặt hái từ phong trào xây dựng nông thôn mới làm cho bộ mặt nông thôn, dù ở các vùng sâu vùng xa của tỉnh khởi sắc.

Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương, các làng nghề đóng vai trò quan trọng, bởi đây là nơi sinh sống và có những mối quan hệ gắn bó. Ngoài hương ước của làng còn những quy tắc ứng xử “bất thành văn” khác. Từ thực tiễn các làng quê Thái Nguyên hiện nay, theo tôi cách nhìn nhận về làng nghề cần có những thay đổi, mục đích không phải để hoàn thiện khái niệm mà có những chủ trương, chính sách và biện pháp phù hợp tạo điều kiện phát triển các làng nghề.

Nếu như trước đây nhiều người chỉ biết tiếng một số làng nghề trồng chè ở Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (thành phố Thái Nguyên), Trại Cài (Đồng Hỷ), Tức Tranh, Vô Tranh (Phú Lương), La Bằng (Đại Từ); làng nghề đồ gỗ Phương Độ; tương nếp Úc Kỳ (Phú Bình) thì giờ đây khó có thể thống kê đầy đủ các làng nghề sản xuất nhiều loại hàng hóa cung cấp cho thị trường như miến dong, đậu phụ, bún, phở, hoa, cây cảnh…

Một gia đình sản xuất tương nếp tại làng nghề Tương Úc Kỳ

Phát huy lợi thế đất đai, khí hậu thổ nhưỡng và thương hiệu “Thái Nguyên đệ nhất danh trà”, nhiều địa phương chọn cây chè là loại cây chủ lực và tổ chức vận động nhân dân trồng đại trà. Vì vậy số lượng làng nghề trồng chè của tỉnh khá lớn. Đơn cử như tại huyện Phú Lương: Toàn huyện có 44 làng nghề thì có tới 43 làng nghề trồng chè, chỉ còn một làng nghề khác là Bánh chưng Bờ Đậu.

Hiện nay cây chè đã thay thế một số loại cây trồng khác và phủ xanh nhiều diện tích đất vườn đồi từng trồng hoa màu của các huyện thành thị. Chè không còn là cây “xóa đói giảm nghèo” mà đã trở thành cây “làm giàu” của bà con nông dân. Sau một thời gian gia tăng diện tích trồng chè và tăng trưởng mạnh về sản lượng, một số địa phương đã có những điều chỉnh cần thiết, trong đó đặc biệt quan tâm chất lượng để nâng cao giá trị chè thương phẩm.

Một trong những xã có diện tích trồng chè lớn nhất huyện Đồng Hỷ và là địa phương tất cả các xóm đều xây dựng được làng nghề trồng chè là xã Văn Hán. Tổng diện tích toàn xã là 6.609ha, thì đã có tới 1.000ha chè, với sản lượng chè búp tươi trên 11.000 tấn/năm. Toàn xã có 2.564 hộ gia đình thì có trên 2.000 hộ tham gia trồng chè. Xã có 17 làng nghề trồng chè, 6 hợp tác xã trồng và chế biến chè. Khi thực hiện chủ trương sáp nhập còn 14 xóm, cả 17 làng nghề vẫn được giữ.

Các làng nghề đều làm chè theo tiêu chuẩn chè sạch, an toàn và được xã khuyến khích tận dụng những diện tích đất đồi, khe lạch, đất bãi bỏ trống để trồng chè; tổ chức cho người dân đi tham quan học tập một số mô hình trồng, chăm sóc, chế biến chè có hiệu quả cao, khuyến khích người dân chuyển đổi từ trồng bằng hạt sang trồng bằng cành.

Bên cạnh cây chè và trồng rừng, các làng nghề ở Văn Hán mở rộng diện tích trồng bưởi thay thế các loại cây ăn quả khác, xây dựng vùng xen canh trồng bưởi trên các nương chè. Hợp tác xã chuyên về cây bưởi quy mô toàn xã cũng đã được thành lập và đưa vào trồng các giống bưởi đỏ, bưởi Hoàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh diện tích trên 100ha.

Ông Nguyễn Văn Hùng mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Bưởi Văn Hán liên kết với các làng nghề chè truyền thống

Tới thăm các làng nghề Phả Lý, La Củm, Hòa Khê 1, Thịnh Lâm… tôi như được đắm mình trong những nương chè xanh mướt, nhiều nương chè xen dưới bóng mát của các rặng bưởi trĩu quả đang được người dân chăm sóc cẩn thận. Mô hình sản xuất chè theo phương thức hộ gia đình, hợp tác xã và làng nghề hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân bón, quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm làm thay đổi hẳn cách nghĩ cách làm của người nông dân.

Không có diện tích đất tự nhiên lớn, Khe Mo chỉ có 3.016ha. Thời điểm hiện tại diện tích chè kinh doanh khoảng 400ha. Đến nay tất cả các xóm đều trồng và chế biến chè, nhiều xóm có diện tích trồng lớn như Đèo Khế, La Nưa, La Dẫy, Ao Rôm 1, Ao Rôm 2. Xã đã xây dựng được hai làng nghề trồng chè là Làng Cháy và Tiền Phong, thành lập 2 hợp tác xã chuyên doanh về chè.

Một trong những điểm sáng về sản xuất, chế biến và kinh doanh chè của xã Phú Đô, huyện Phú Lương là làng nghề Saemaul Phú Nam 1. Nòng cốt của làng là hợp tác xã và được tài trợ trong khuôn khổ Dự án Làng thí điểm nông thôn mới Saemaul Phú Nam 1. Trong 5 năm Phú Nam 1 được đầu tư 14 tỷ đồng phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất của làng nghề, trong đó có khu chế biến chè tập trung, khu nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm trà. Làng nghề có 60 hộ gia đình thì tất cả đều trồng chè với diện tích đang kinh doanh là 47ha. Mô hình sản xuất chè theo phương thức hộ gia đình, hợp tác xã hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân bón, quảng bá thương hiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và quản lý toàn bộ mẫu mã bao bì, tem truy xuất nguồn gốc đã đáp ứng kì vọng làm giàu của bà con.

Khác với các quan niệm cũ khi nhìn nhận về làng nghề truyền thống, một làng (xóm) không hẳn chỉ có một nghề. Làng nghề miến Việt Cường là một ví dụ. Tại đây 50 hộ trên tổng số 200 hộ dân làm miến tự nguyện liên kết thành lập làng nghề và ban quản lý. Bên cạnh làng nghề, Hợp tác xã Miến Việt Cường với cơ sở vật chất khá hiện đại không chỉ tạo công ăn việc làm cho bà con, mà còn góp phần nâng tầm thương hiệu, đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.

“Cửa sổ” làng quê và khát vọng làm giàu

Có thể ví diện tích đất đai nơi bà con nông dân sinh sống như cửa sổ của làng. Muốn làng quê giàu đẹp, đồng đất ấy phải sản sinh ra các loại hàng hóa có giá trị. Làng xóm không chỉ đơn thuần là nơi người dân phối hợp làm nghề, mà còn là cơ sở quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nhiều địa phương trong tỉnh đã năng động sáng tạo, tiếp cận các doanh nghiệp, các nhà đầu tư theo phương thức 4 nhà, gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng diện tích cây trồng, hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, hỗ trợ người dân chế biến sâu, cải tiến mẫu mã, bao bì, dán tem truy xuất nguồn gốc; đa dạng hóa các sản phẩm.

Việc xây dựng thành công các làng nghề mới là một thành tựu quan trọng trong phát triển nông thôn. Hiện hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường giao thông, kênh mương thủy lợi trong các làng xã đã được đầu tư tương đối hoàn thiện. Ngoài cây chè, các loại cây trồng, vật nuôi khác như: bưởi, na, ổi, cam, gà đồi, cơ bản đã định hình và cơ hội sản suất quy mô lớn trong các năm tới là rất lớn. Các làng có đầy đủ điều kiện về không gian sinh tồn, điều kiện sống, diện tích đất đai và khả năng làm nghề của bà con thì việc thành lập các làng nghề là hoàn toàn phù hợp. Một khi hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, nhu cầu hình thành làng nghề chắc chắn sẽ đến như một lẽ tự nhiên.

Không hẳn có làng nghề, bài toán về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã được giải quyết, bởi làng nghề không có tư cách pháp nhân, chủ tài khoản và chức năng kí hợp đồng. Vì vậy, các “hợp tác xã làng” hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nông sản là vô cùng cần thiết. Trong những năm gần đây, nhiều hợp tác xã đã từng bước khẳng định được vị thế như Hợp tác xã Chè Khe Cốc, Hợp tác xã Chè La Bằng, Hợp tác xã Na La Hiên, Hợp tác xã Miến Việt Cường…

Thực tiễn cho thấy nhiều làng quê hiện nay rất đa dạng phong phú về ngành nghề. Mỗi làng nghề có tính đặc thù riêng, việc tiếp cận khách hàng và tham gia chuỗi giá trị gia tăng có nét khác biệt, nên việc tổ chức các hợp tác xã một cách khiên cưỡng sẽ khó đem lại hiệu quả.

Tùy điều kiện đặc thù để làng nghề linh hoạt tổ chức thực hiện mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, song đều có đặc điểm chung là tự chủ, tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Các làng nghề Bún bánh Gò Chè, Tương nếp Úc Kỳ, Đồ gỗ Xuân Phương, Bánh chưng Bờ Đậu là một ví dụ. Các thành viên trong làng nghề có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Họ có thể cùng thống nhất giá cả cho từng loại sản phẩm để tránh bị ép giá. Lúc cần nhân lực họ có thể tương trợ. Tại các làng nghề trồng chè còn có các nhóm đổi công luân phiên làm cho các hộ, điều mà nếu không có, bà con phải tự thuê nhân công ngoài với giá không hề rẻ, nhiều khi không có để thuê theo vụ việc. Mặt khác các việc liên quan đến làng nghề, các hộ dân cũng dễ trao đổi và quyết định. Đơn cử như làng nghề muốn chuyển sang trồng giống chè khác, mọi người cũng không mất quá nhiều thời gian để tìm sự đồng thuận.

Gia đình bà Đới Thị Thủy (làng nghề Bún bánh Gò Chè) đầu tư máy móc sản xuất tạo việc làm cho một số bà con trong làng

Không chỉ đơn thuần làm nông nghiệp, một số hộ dân mạnh dạn đầu tư mở cơ sở gia công cơ khí chế tạo, chế biến nông sản, hoặc xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thậm chí liên doanh, liên kết mở xưởng sản xuất công nghiệp ngay trong làng để thu hút lao động tại chỗ. Các tổ, nhóm hợp tác trồng cây ăn quả tại xã Minh Đức, Phúc Thuận (Phổ Yên) hoạt động như mô hình làng nghề cũng cho thấy những tín hiệu tích cực. Phát triển các tổ, nhóm này thành hợp tác xã như Hợp tác xã Bưởi Văn Hán khi hội tụ đủ mọi điều kiện cũng là hướng đi cần được tính đến.

Mô hình “hợp tác xã thu nhỏ quy mô hộ gia đình” trong các làng nghề tuy hình thành chưa lâu, song đã thu được những kết quả tích cực. Một số hộ gia đình tự liên kết, huy động vốn mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất thay thế lao động thủ công truyền thống và tổ chức lực lượng tiêu thụ sản phẩm (Làng nghề Bún bánh Gò Chè là một thí dụ điển hình). Cách làm này chẳng những phát huy được tình làng nghĩa xóm về mọi mặt, mà còn nâng cao hơn về chất lượng, tạo uy tín cho thương hiệu sản phẩm để phát triển bền vững.

Trên bình diện xã hội, có thể mô hình làng nghề cần được nhân rộng, nhưng không nhất thiết thành lập theo phong trào hoặc mang tính áp đặt. Tuy nhiên, cũng không nên nhìn nhận trên cơ sở các số liệu cơ học. Chưa thành lập nhiều làng nghề, không có nghĩa là việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương còn hạn chế. Trong một làng, mỗi hộ gia đình đều có những khả năng khác nhau, việc cho phép từng hộ dân phát huy thế mạnh phát triển kinh tế cũng là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.

Các làng nghề luôn được quan tâm tạo điều kiện phát triển, song trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, các làng nghề vẫn mong muốn Nhà nước và các cơ quan chức năng tiếp tục có các chính sách khuyến nông với sự ưu đãi nhất định, hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn đầu tư về giống, vốn, kĩ thuật và các điều kiện cần thiết để hiện đại hóa một số khâu trong quá trình sản xuất, giảm bớt sức lao động thủ công. Đồng thời tăng cường kiểm soát quy hoạch sản xuất nông sản theo đúng mục đích, tạo nên các vùng chuyên canh lớn.

Việc tổ chức tham quan, du lịch trải nghiệm tại các làng nghề vẫn chủ yếu mang tính tự phát, chưa có quy hoạch và sự đầu tư tạo điểm nhấn với những cách làm hợp lí nên mục đích kết hợp quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Cần lựa chọn một số làng nghề phù hợp hỗ trợ nâng cấp đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, điểm đón tiếp, trưng bày sản phẩm làm đầu mối của điểm du lịch. Tạo điều kiện mời gọi các tổ chức cá nhân xây dựng cơ sở lưu trú cộng đồng (homestay), nhà hàng ẩm thực kết hợp giới thiệu, bán sản phẩm lưu niệm.

Bất luận còn có những ý kiến khác nhau về xây dựng làng nghề, điều không thể phủ nhận là đời sống của bà con nông dân trong các làng nghề không ngừng được cải thiện. Những người trẻ cũng chuyên tâm hơn với nghề của làng, ít rời bỏ đi công ty hoặc xuất khẩu lao động.

Xã hội luôn tồn tại phát triển trong vận động, giai đoạn hiện nay cũng là thời điểm cần thiết để nhìn lại, đánh giá tổng thể về nhiều mặt, rút ra những bài học kinh nghiệm trong xây dựng làng nghề và có các biện pháp hữu ích tạo điều kiện cho làng nghề hoạt động thực sự hiệu quả.

Mặt khác, cũng nên cân nhắc xây dựng thí điểm một số làng nghề theo mô hình “làng đa ngành nghề thủ công truyền thống”, nhất là trong các làng, bản người dân tộc thiểu số, trên cơ sở bảo tồn và phát huy vốn quý của từng dân tộc đang dần bị mai một như: dệt vải, mây tre đan, sản xuất vật dụng từ tre trúc, làm nón Tày, thổ cẩm, trồng dược liệu, thảo quả,… kết hợp tổ chức tham quan du lịch, tạo sinh kế cho người dân bằng chính vốn nghề của họ.

Một hộ dân tại làng nghề Thái Hưng xã Văn Hán (Đồng Hỷ) thiết kế đồi chè hình vân tay làm địa điểm cho du khách tham quan trải nghiệm sản xuất

Phát triển các hợp tác xã hoạt động trong làng nghề là hết sức cần thiết, song các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường rà soát, kiểm tra, kịp thời có giải pháp chấn chỉnh những công ty, doanh nghiệp gắn mác hợp tác xã để tận dụng chính sách ưu đãi và lợi dụng sức lao động của bà con nông dân.

Hy vọng với những thành công hôm nay, làng quê Thái Nguyên sẽ có thêm nhiều nhân tố mới và góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Ký. Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước