Lắng nghe phản biện trước khi ban hành chủ trương, chính sách
VNTN - Đảng lãnh đạo nhưng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối. Nhà nước quản lý là quản lý bằng pháp luật. Xét cho đến cùng, việc lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không nằm ngoài việc ban hành và thực thi các chủ trương, chính sách. “Thước đo” lòng dân với Đảng và Nhà nước chính là ở việc các chủ trương, chính sách có đáp ứng được lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân hay không.
Ở Việt Nam, hầu như các chính sách đều do các cơ quan chuyên môn soạn thảo. Các cơ quan chủ trì soạn thảo nhiều khi vì lí do nào đó đã lồng vào những nội dung có lợi cho ngành mình. Có lẽ vì vậy mà trong những năm qua, dư luận đã nhiều lúc “dậy sóng” với nhiều loại văn bản nực cười. Có những văn bản còn trong dự thảo, có những văn bản đã được đem ra thực thi đã bộc lộ những sai sót ngớ ngẩn. Có lẽ không khó để chỉ ra hàng loạt những quy định kiểu “trời ơi” này - cả những văn bản còn trong dự thảo - như cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng và người hoạt động cách mạng trước năm 1945 đi thi đại học 2 điểm, nữ có vòng ngực dưới 75cm và chiều cao dưới 1,45m không được lái xe máy; qui định nhà báo quay phim chụp ảnh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phải xin phép, cấm bán thịt sau 8 giờ giết mổ, in tên cha mẹ trên chứng minh nhân dân, đánh vợ bị phạt tiền, phạt nông dân sử dụng phân bón giả, cấm bán bia cho phụ nữ cho con bú v.v…
Xin thử phản biện lần lượt những chính sách trên.
Có người nói vui rằng 13 tuổi mà đi làm cách mạng thì đến ngày quy định cộng điểm ưu tiên cũng đã gần 70 tuổi còn thi với cử cái nỗi gì. Sao không cộng vài cân gạo mà lại cộng 2 điểm. Rất may, Bộ Giáo dục đã lắng nghe và bãi bỏ. Nếu quy định về lái xe được thực hiện, theo một đánh giá, ít nhất có 3 triệu phụ nữ không được lái xe máy. Thịt sau 8 giờ giết mổ cấm bán, tốt thôi, sẽ bán thịt sau 80 giờ hoặc đông lạnh mấy chục năm từ Trung Quốc tuồn sang mà báo chí đã lên tiếng. Vả lại, các cơ quan có trách nhiệm có lấy mẫu đi kiểm nghiệm thì chưa quá 8 tiếng rồi nó cũng quá 8 tiếng. Nhà báo phải xin phép cảnh sát giao thông mới được chụp hình, quay phim thì còn chống tiêu cực cái nỗi gì. Đi làm việc mà “lạy ông tôi ở bụi này”. Các cụ xưa chẳng đã từng nói “Không chồng mà chửa mới ngoan/ Có chồng mà chửa thế gian thường tình”. Người phụ nữ không có chồng là cách sống riêng của họ cần phải được tôn trọng. Thế nhưng họ vẫn có nhu cầu thiêng liêng, đó là thiên chức làm mẹ. Nếu quy định này mà thực hiện, đứa bé sẽ mặc cảm thế nào khi cột ghi tên cha bỏ trống… Mấy ông đánh vợ đa phần nhậu nhẹt bê tha, không có việc làm. Đánh vợ bị phạt, “ok” thôi, đánh vợ xong sẽ đòi vợ tiền để đi nộp phạt. Nếu vợ không đưa? Không đưa… đánh tiếp. Đội mũ bảo hiểm “dỏm” phạt được không? Sao không phạt. Không có cái gì đã “vừa ngon, vừa bổ lại vừa rẻ” cả. Làm sao có thể có cái nón (mũ) bảo hiểm 30 ngàn đồng bày bán la liệt bên đường lại là đồ tốt. Biết “dỏm” vẫn mua, vẫn đội vì để “lách” công an giao thông. Thế nhưng, thử hỏi có người nông dân nào muốn mua phân giả về bón cho ruộng nhà mình? Không bán bia cho phụ nữ đang cho con bú. Nếu phụ nữ đi mua bia sẽ kiểm tra cái gì để biết họ có cho con bú hay không cho con bú…
Hầu như tất cả các văn bản này đã bị dư luận “ném đá” và rất may các cơ quan có trách nhiệm đã “khai tử” nó. Thế nhưng, ai dám chắc nó không còn và sẽ không còn những văn bản kiểu dạng này.
Điều 6, Luật Ban hành Văn bản qui phạm pháp luật năm 2015 qui định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản qui phạm pháp luật và dự thảo văn bản qui phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản qui phạm pháp luật, dự thảo văn bản qui phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản qui phạm pháp luật. Luật cũng qui định ý kiến tham gia về đề nghị xây dựng văn bản qui phạm pháp luật, dự thảo văn bản qui phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lí dự thảo văn bản. Mặc dù đã có những qui định cơ bản đầy đủ như trên, nhưng hiệu quả hầu như rất hạn chế. Đa phần người dân lo làm ăn chứ ít khi quan tâm đến việc cho ý kiến vào các dự thảo chủ trương, đường lối trừ khi chủ trương, đường lối đó liên quan mật thiết đến bản thân họ. Ngược lại, có những người nếu có quan tâm cũng chưa chắc đã am hiểu những vấn đề thuộc về lĩnh vực chuyên môn để mà góp ý.
Vì vậy, trong xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách cần đặc biệt chú trọng đến tư vấn, phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật, bởi đây là tổ chức tập hợp được đông đảo các trí thức, nhà khoa học ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Muốn lắng nghe phản biện, các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước cần chủ động “đặt hàng” để các trí thức phản biện, góp ý kiến. Cần tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực liên quan đến chủ trương, chính sách sẽ ban hành. Mở rộng dân chủ, minh bạch thông tin, trao đổi, đối thoại công khai, thẳng thắn để lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện của các nhà khoa học, của trí thức cho những dự thảo về các chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước dự kiến ban hành. Nhất thiết, tất cả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước cần phải được công bố rộng rãi, công khai, minh bạch để các nhà khoa học, giới trí thức và người dân đóng góp, phản biện. Cha ông xưa đã đúc kết “sự thật, mất lòng”, vì vậy cả người phản biện và người “nghe” phản biện cũng cần trao đổi chân thành, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, đặc biệt tránh áp đặt, qui chụp.
Ông Trần Bạch Đằng trong bài viết khi Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh qua đời với tựa đề “Tiễn Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh” đã nhắc lại chi tiết: mỗi khi tham mưu cho các lãnh đạo của Việt Nam về các đề xuất đổi mới về kinh tế và ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, nguyên Quyền Thủ tướng của Việt Nam Cộng hòa - sau ở lại cộng tác với chính quyền cách mạng - luôn xin ý kiến “phản biện” của ông Trần Bạch Đằng. Ông Trần Bạch Đằng cho biết một người từng tốt nghiệp đại học danh giá và giảng viên một trường hàng đầu của nước Mỹ, một người đã từng là Thống đốc ngân hàng, Bộ trưởng Tài chính, Phó Thủ tướng và quyền Thủ tướng của một chính phủ như Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh mà vẫn gửi xin ông ý kiến để đánh giá những tác động về chính trị, xã hội khi thực hiện những chủ trương, chính sách này, điều đó chứng tỏ một sự cẩn trọng và biết lắng nghe.
Phản biện là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, trước một đề án, một dự án có tác động và ảnh hưởng tới đông đảo người dân. Vì vậy, nhất thiết trước khi ban hành các chủ trương, chính sách, trước khi tiến hành các dự án cần phải công khai, minh bạch để các nhà khoa học và người dân phản biện.
Vũ Trung Kiên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...