Lắng nghe nguyện vọng của cử tri, đưa chính sách vào cuộc sống
VNTN- Kỳ họp thứ sáu Quốc hội Khóa XV đã bế mạc và kết quả Kỳ họp đang được các vị đại biểu báo cáo cử tri tại các cuộc tiếp xúc trên cả nước. Đây cũng là dịp các vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, nhất là về những vấn đề cấp bách nảy sinh trong thực tiễn đòi hỏi phải có quyết sách kịp thời, phù hợp, như yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội.
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 7 luật, 9 nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), lần 2 đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), lần đầu đối với 8 dự án luật khác. Lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, cũng là công việc đã được Quốc hội hoàn thành, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan – theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội.
Quốc hội cũng tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cũng được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; vừa chú trọng giải quyết các khó khăn, tháo gỡ các vướng mắc trước mắt, vừa phải bám sát các mục tiêu, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế, trên cơ sở thúc đẩy các đột phát chiến lược. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh, gắn với nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội, sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.
Gỡ khó cho nhà ở, kinh doanh bất động sản
Đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cùng với Luật Đất đai sửa đổi (theo dự kiến được thông qua cùng một Kỳ họp) được nhìn nhận là cơ hội vàng để tháo gỡ các nút thắt trong các lĩnh vực rất quan trọng với sự hồi phục kinh tế.
Với Luật Nhà ở (sửa đổi), một số điểm mới đáng chú ý là quy định yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; cải cách một số thủ tục về đầu tư dự án nhà ở, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Luật sửa đổi cũng bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; quy định cụ thể các chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân, tạo thuận lợi cho người dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của người dân về nhà ở.
Theo đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có lời giải cho tính pháp lý của chung cư mini, vấn đề rất nóng sau vụ cháy chung cư mini thảm khốc ở Khương Đình (Hà Nội).
Điều 57 của Luật quy định, cá nhân có quyền sử dụng đất ở theo quy định tại Luật này xây dựng nhà ở có từ 2 tầng trở lên mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để bán, để cho thuê mua, để kết hợp bán, cho thuê mua, cho thuê căn hộ; nhà ở có từ 2 tầng trở lên và có quy mô từ 20 căn hộ trở lên để cho thuê thì phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Việc đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Căn hộ thuộc quy định trên được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai, được bán, cho thuê mua, cho thuê theo quy định của Luật này, pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Luật kinh doanh bất động sản được sửa đổi đã góp phần khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật; hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm thị trường bất động sản phát triển ổn định, minh bạch, lành mạnh, bền vững, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Luật mới ban hành có 10 chương 83 điều, trong đó bổ sung các quy định về: Kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản; chuyển nhượng dự án bất động sản; hợp đồng kinh doanh bất động sản; xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; điều tiết thị trường bất động sản…
Luật Đất đai (sửa đổi) cần thêm thời gian hoàn thiện
Nếu có một “dấu lặng” ở Kỳ họp này, đó, chính là việc Luật Đất đai sửa đổi đã không thể thông qua vào ngày 29/11 như lịch trình đã được Quốc hội quyết định, dù đây là đạo luật đã lỡ hẹn nhiều lần mới được trình Quốc hội và đã được thảo luận qua ba kỳ họp của Quốc hội (thông lệ các dự án luật khác theo quy trình hai kỳ họp).
“Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành”, Chủ tịch Quốc hội thông tin trong phát biểu bế mạc Kỳ họp.
Ngoài ra, dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng không thể thông qua tại Kỳ họp này, theo nghị trình đã được Quốc hội quyết định.
152 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn
Sau 22,5 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 29/11/2023), Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao. Đã có 1.103 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ; 1.099 lượt đăng ký, 601 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 121 lượt tranh luận tại 29 phiên thảo luận tại hội trường; 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 152 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, việc chưa thông qua hai dự án luật nói trên thể hiện sự cẩn trọng, trách nhiệm vì trong quá trình thảo luận cần xem xét kỹ lưỡng nhất là đánh giá tác động chính sách. Làm sao để luật ban hành đáp ứng yêu cầu cuộc sống, không xung đột, chồng chéo – ông Cường nhấn mạnh.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, hiện nay đang báo cáo cấp có thẩm quyền để Quốc hội có kỳ họp bất thường vào đầu năm 2024. Hai dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) rất có thể được xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường đó.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra cả hai dự án luật) Phạm Thị Hồng Yến cho biết, đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, sau Kỳ họp thứ sáu, vẫn còn một số nội dung lớn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, thực hiện rà soát toàn thể dự thảo luật, dự thảo văn bản hướng dẫn.
Cụ thể các nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, thiết kế các phương án tối ưu được bà Yến thông tin, bao gồm: Thực hiện nhà ở thương mại, dự án hỗ hợp nhà ở kinh doanh thương mại dịch vụ; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận quyền sử dụng thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội mà không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; vấn đề quản lý khai thác quỹ đất; các trường hợp áp dụng phương pháp định giá đất cũng như sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp kinh tế; trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản.
Từ 1/7/2024 căn cước công dân đổi thành căn cước
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, Luật Căn cước đã bổ sung quy định về: cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu; tích hợp số thông tin vào thẻ căn cước; bổ sung quy định về căn cước điện tử... Bên cạnh việc thu thập vân tay, Luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người. Luật quy định thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm: Thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...