
Góc biếm họa số 5 (2025)

Việc giảm nghèo thông tin là một trong những yếu tố quan trọng giúp cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo. Tại huyện Phú Bình, nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo, bên cạnh việc hỗ trợ sinh kế và an sinh xã hội, huyện đã thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách. Điều này đã góp phần nâng cao nhận thức về các chương trình giảm nghèo đồng thời khơi dậy tinh thần vượt khó, vươn lên của người dân.
Tăng cường công tác truyền thông để lan tỏa chính sách
Trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện Phú Bình đã triển khai Tiểu dự án 2 về truyền thông giảm nghèo đa chiều, với tổng ngân sách 477 triệu đồng. Các hoạt động chính của dự án bao gồm in tờ gấp về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 để phát tới các hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo.
Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, đơn vị thường trực thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo đã in 20.000 tờ gấp và hơn 2.000 sổ tay về chế độ, chính sách giảm nghèo. Những ấn phẩm này được phát đến từng hộ dân và các thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, xã, góp phần đưa chính sách gần gũi và dễ hiểu hơn.
Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện 6 chương trình phát thanh, cung cấp thông tin về kỹ năng sản xuất, kinh doanh cũng như nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo trên địa bàn. Công tác khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong phong trào "Phú Bình chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" được thực hiện kịp thời, nhằm động viên và khích lệ phong trào thi đua. Ngoài ra, huyện còn tổ chức cuộc thi viết tìm hiểu về chương trình giảm nghèo bền vững, nhằm khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Việc triển khai các chiến dịch truyền thông với nội dung dễ hiểu và phương pháp đa dạng đã góp phần lan tỏa thông điệp giảm nghèo đến từng hộ dân thông qua các buổi tuyên truyền trực tiếp tại xã, xóm. Huyện cũng kết hợp sử dụng kênh thông tin đại chúng để phổ biến các chính sách, hướng dẫn tham gia mô hình sinh kế, và chia sẻ những câu chuyện thành công trong việc thoát nghèo, tạo động lực cho người dân vươn lên. Các hội nghị chuyên đề và lớp tập huấn cho cán bộ xã cũng được tổ chức, giúp nâng cao kỹ năng truyền đạt và tư vấn trực tiếp cho người dân về các chương trình hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Bình, nhấn mạnh: Việc truyền thông về giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo các chính sách của Nhà nước đến được với người dân. Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng ban tăng cường tổ chức hội thảo, lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực của cán bộ, giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm trong quá trình thoát nghèo. Quan trọng hơn cả, chúng tôi muốn khơi dậy ý chí phấn đấu, tinh thần tự lực, tự cường, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại ẩn bên trong mỗi người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi đề cao và nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo từng đồng vốn được đến tay đúng đối tượng nhất và phát huy hiệu quả tốt nhất.
Chị Tô Thị Mận, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Hải Minh, xã Tân Kim, cũng chia sẻ: Nhờ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, tôi đã học được cách truyền tải chính sách giảm nghèo hiệu quả hơn tới hội viên phụ nữ. Điều này giúp chị em hiểu rõ chính sách và tự tin tham gia các mô hình hỗ trợ sinh kế, cải thiện cuộc sống gia đình.
Bên cạnh đó, chương trình truyền thông về giảm nghèo không chỉ giúp người dân hiểu rõ hơn về các chính sách hỗ trợ mà còn đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Huyện Phú Bình đang tích cực triển khai kế hoạch xây dựng 2 xã và 10 xóm thông minh, trong đó chú trọng việc nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh cho người dân địa phương.
Phát triển hạ tầng viễn thông và thông tin để xóa "vùng lõm" thông tin
Một trong những khó khăn mà người dân ở các xã, xóm vùng sâu, vùng xa thường gặp phải trong việc tiếp cận thông tin là do hạn chế về hạ tầng viễn thông và Internet. Để khắc phục tình trạng này, với sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên, huyện Phú Bình đã triển khai nhiều biện pháp nhằm xóa "vùng lõm" sóng di động và mở rộng khả năng truy cập Internet băng rộng cho người dân.
Theo ông Vũ Phạm Ánh Dương, phụ trách Trung tâm Viễn thông huyện Phú Bình: Trong năm 2024, Viễn thông Thái Nguyên đã đầu tư thêm hệ thống mạng cáp quang cho 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ internet và truyền hình cho các hộ gia đình, chúng tôi luôn quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho mạng Vinaphone. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã trang bị thêm 8 trạm phát sóng BTS trên địa bàn toàn huyện, đảm bảo phủ sóng tới tất cả các điểm lõm trước đây chưa có sóng Vinaphone. Dự kiến từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ còn có thêm nhiều trạm phát sóng nữa để đảm bảo dịch vụ được cung cấp với chất lượng tốt nhất trên địa bàn toàn huyện.
Tính đến nay, Viễn thông Phú Bình còn đang hỗ trợ cho hơn 2.000 hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng sim viễn thông công ích. Với mỗi gói sim này, khách hàng sẽ được sử dụng 1.000 phút gọi nội mạng miễn phí, 50 phút gọi ngoại mạng miễn phí và 2GB Data/ngày. Ngoài ra, Viễn thông huyện Phú Bình cũng đang triển khai chương trình hỗ trợ dịch vụ viễn thông công ích cho các hộ nghèo, cận nghèo với mức hỗ trợ 60.000 đồng/tháng/thuê bao. Đây là một trong những biện pháp quan trọng giúp người dân nghèo được tiếp cận các dịch vụ thông tin cơ bản một cách dễ dàng và tiết kiệm chi phí.
Với sự đầu tư, hỗ trợ đó đã giúp cho việc tiếp cận thông tin của người dân, nhất là người nghèo và cận nghèo trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là người dân ở những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cá nhân tại vùng nông thôn sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet phục vụ công việc, học tập và phát triển kinh tế một cách hiệu quả.
Nhờ những nỗ lực trong việc đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, huyện Phú Bình đã thu hẹp đáng kể khoảng cách tiếp cận thông tin giữa các khu vực nông thôn và thành thị. Đây là yếu tố quan trọng giúp người dân có thêm kiến thức, thông tin để vươn lên thoát nghèo.
Nhưng có lẽ điều đáng mừng hơn cả là công tác truyền thông giảm nghèo đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân. Nhiều hộ nghèo đã chủ động tham gia vào các mô hình hỗ trợ sinh kế của Nhà nước để nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Điển hình như chị Vũ Thị Thu, xã Tân Kim, huyện Phú Bình đã thoát nghèo nhờ mô hình hỗ trợ sinh kế.
Chị Thu hiện ở với bố mẹ già, 2 con nhỏ và chồng chị sức khoẻ yếu. Được tuyên truyền, vận động, chị nhận thấy mô hình chăn nuôi gà là phù hợp với điều kiện và nguồn nhân lực của gia đình, được sự động viên của chi hội Phụ nữ xóm, chị đã mạnh dạn đăng ký tham gia Dự án Chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học. Cuối năm 2022, chị Thu tham gia dự án. Chị được hỗ trợ 400 con gà giống và 32 bao cám (tương ứng với 40% lượng thức ăn cho đàn gà).
Nhờ được tập huấn và tiếp cận với khoa học kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh cho gà qua nhiều kênh thông tin nên đàn gà nhà chị khi đó luôn khoẻ mạnh, nhanh lớn. Năm 2023, lứa gà được xuất chuồng, nguồn thu từ bán gà đã giúp gia đình chị được ra khỏi danh sách hộ nghèo. Nhưng thành công hơn cả là đến nay, sau khi dự án hỗ trợ đã kết thúc chị Thu vẫn duy trì được mô hình chăn vài nghìn con gà mỗi lứa mà không còn phải trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước.
Cùng tham gia Dự án với chị Thu, ở xóm Hải Minh còn có 2 hội viên phụ nữ thuộc diện hộ nghèo khác. Với hình thức hỗ trợ giống như chị Thu được nhận, đến nay 2 hộ còn lại cũng đã vươn lên đứng trong danh sách hộ cận nghèo.
Qua 2 năm thực hiện, toàn huyện Phú Bình đã giảm 905 hộ nghèo, từ 2.098 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,4% ở đầu năm 2022 xuống còn 1.193 hộ, với tỷ lệ 3,03% vào cuối năm 2023, vượt 182,3% kế hoạch đề ra. Trong đó, những kết quả đạt được từ công tác giảm nghèo thông tin tại huyện Phú Bình không chỉ là những con số tỷ lệ hộ nghèo giảm, mà cốt lõi còn là sự thay đổi trong tư duy, ý thức của người dân.
Có thể thấy, chính sách giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp đỡ người dân từng bước thoát khỏi khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Huyện Phú Bình phấn đấu sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm 0,65% trong năm 2024.
Để có thể đạt mục tiêu trong thời gian tới, Phú Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông và đầu tư hạ tầng viễn thông, tạo điều kiện để người dân nghèo được tiếp cận thông tin một cách hiệu quả nhất. Thực tế công tác giảm nghèo cho thấy, việc giảm nghèo không thể chỉ phụ thuộc vào các chương trình hỗ trợ kinh tế mà còn phụ thuộc vào việc nâng cao nhận thức và khơi dậy ý thức tự vươn lên của người dân. Khi mọi người dân đều có thể tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác, cùng với ý chí vươn lên thì chắc chắn Phú Bình sẽ có thể giảm nghèo một cách bền vững và toàn diện.
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...