Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:48 (GMT +7)

Làm giàu từ những vườn cây ăn quả

Nhiều năm trở lại đây, nông nghiệp huyện Đại Từ đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ. Một phần quan trọng trong sự thay đổi ấy đến từ những nỗ lực không ngừng của người dân ở thị trấn Quân Chu. Họ đã tận dụng tiềm năng đất đai và khí hậu để biến những thách thức thành cơ hội, tạo nên những vườn cây ăn quả mang lại nguồn thu nhập cao. Qua đó, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Làm giàu từ những vườn cây ăn quả
Giống bưởi Phúc Trạch được trồng tại Quân Chu

Tôi đến thăm chị Hồng, ở tổ dân phố Chiểm, thị trấn Quân Chu. Chị Hồng chưa về, tôi nhẩn nha đi thăm vườn bưởi trĩu trịt quả của gia đình chị. Cơ man nào là quả! Vừa ngắm tôi vừa tự hỏi, bằng cách tài tình nào mà chị có thể khiến những cành bưởi kia sai quả đến vậy. Cây nọ chạm tán cây kia. Đi trong vườn, chỉ cần không chú ý một chút thôi là đầu sẽ va phải quả.

Chị Hồng tên đầy đủ là Bàn Thị Hồng, người dân tộc Dao. Hiện chị còn là Bí thư Chi bộ. Vừa lo toan việc nhà vừa gánh vác việc xã hội nên chị cứ như con thoi, luôn chân luôn tay cả ngày không hết việc.

Chả là, tôi có hẹn sáng nay đến gặp chị, nhưng do có việc phát sinh đột xuất, chị phải tham gia giám sát việc chôn lại vài cây cột điện trên địa bàn tổ dân phố. Thành thử tôi có thời gian nhẩn nha đi thăm vườn chờ chị.

Làm giàu từ những vườn cây ăn quả
Chị Bàn Thị Hồng và anh Đặng Đức Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn trao đổi về kỹ thuật chăm sóc chuối Tiêu Hồng

Tôi thong dong trong vườn bưởi chừng 30 phút thì chị Hồng về tới nhà. Gương mặt chị đỏ gay vì nắng. Mồ hôi ướt lưng áo, nhưng ẩn sau nụ cười và tác phong nhanh nhẹn của chị là một nguồn năng lượng tích cực có khả năng “lây” tức thì cho người đối diện. Chị kể cho tôi nghe về chuyện trồng cây ăn quả của gia đình mình.

Vợ chồng chị bắt đầu trồng bưởi từ năm 2010. Đó cũng là thời điểm chị mới lập gia đình và ra ở riêng. Khi đó, khu đất quanh nhà chỉ toàn là cây keo. Không cam chịu cảnh nghèo khó, vợ chồng chị đã quyết tâm thay thế toàn bộ diện tích keo bằng 400 gốc bưởi Diễn, tạo nên một diện mạo mới cho khu vườn.

Tôi hỏi chị vườn bưởi có diện tích rộng bao nhiêu vì tôi đi mỏi chân rồi chưa hết. Chị bảo: Cũng không nhiều lắm, chỉ độ hơn 2 ha thôi.

Ngoài ra vợ chồng chị còn trồng thêm 3 ha chuối Tiêu Hồng. Chừng ấy vườn bãi nhưng do chồng còn bận công tác, con còn nhỏ đang ở tuổi đến trường nên hầu hết việc nhà, chăm sóc bườn bãi đều do một mình chị gánh vác.

Bao nhiêu tâm huyết chị dồn vào việc chăm sóc vườn bưởi, nhưng rồi thị trường dần bão hoà, bưởi Diễn liên tục rớt giá, không tiêu thụ được. Đứng trước khó khăn đó, vợ chồng chị Hồng đưa ra một quyết định táo bạo. Chặt bỏ toàn bộ mấy trăm cây bưởi đang có, chỉ giữ lại gốc để tiến hành ghép mắt.

Dù chị không nói thì tôi cũng hiểu quyết định đó khó khăn đến thế nào, bởi với cây bưởi, việc trồng và chăm sóc cho đến ngày được thu hoạch không phải là chuyện có thể làm trong “một sớm một chiều”.

Cưa bỏ các tán cây xong, vợ chồng chị Hồng đi mua giống bưởi Phúc Trạch về ghép lên gốc, thân của cây bưởi Diễn trong sự ngỡ ngàng của bà con chòm xóm. Thậm chí nhiều người còn cho rằng đó là việc làm “dại dột”. Chị Hồng còn nhớ đó là vào thời điểm năm 2020.

Cây không phụ công người, hơn một năm sau, những mắt ghép đã phát triển và bói quả. Bưởi sai trĩu cành cho năng suất cao hơn, bán được giá cao hơn hai đến 3 lần so với giống bưởi cũ.

Mỗi cây bưởi Phúc Trạch phát triển trên thân cây bưởi Diễn bình quân cho từ 50 - 60 quả, có cây cho tới gần 100 quả mỗi vụ. Sở dĩ bưởi Phúc Trạch được thị trường đón nhận hơn vì không chỉ có mẫu mã đẹp mà còn cho chất lượng ngon vượt trội, hoàn toàn không he ở hậu vị. Chỉ tính riêng thu nhập từ bưởi, mỗi năm sau khi trừ hết chi phí, vợ chồng chị Hồng để ra được khoảng 100 triệu đồng.

Làm giàu từ những vườn cây ăn quả
Để nâng cao chất lượng cho quả bưởi, chị Hồng ngâm cá và nhiều nguyên liệu tự nhiên khác để bón cho cây

Thế nhưng, đây vẫn chưa phải nguồn thu nhập lớn nhất của gia đình chị Hồng. Tìm hiểu nhu cầu của thị trường, từ 5 năm trước, vợ chồng chị đã trồng thêm khoảng 3ha chuối Tiêu Hồng. Thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, chuối trồng ở Quân Chu phát triển khoẻ, cho mẫu mã đẹp, đậm vị. Những buồng chuối nải to, xếp thành tầng dài được thương lái săn đón.

Với giá bán bình quân 5 nghìn đồng/1kg, cả vườn chuối rộng lớn của chị luôn được đặt hàng trước, chỉ đợi quả già là có người đến tận nơi thu hoạch. Chuối cũng là loại quả không thể thiếu trong nhà của hầu hết các gia đình mỗi dịp Tết đến nên chị Hồng luôn dành một diện tích nhất định để trồng chuối bán Tết. Chuối đưa ra thị trường dịp giáp Tết Nguyên đán luôn được giá. Có năm chị Hồng bán được 270 - 280 nghìn đồng/1 buồng.

Làm giàu từ những vườn cây ăn quả
Vườn chuối Tiêu Hồng của chị Bàn Thị Hồng đang vào giai đoạn đẻ nhánh

Chỉ tính riêng chuối, dù bán ở mức giá trung bình cũng đem về cho gia đình chị Hồng từ 300 - 350 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Năm nào chuối Tết được giá thì số tiền lãi từ việc bán chuối của gia đình chị đạt khoảng 400 triệu đồng.

Chia tay chị Hồng, tôi tiếp tục đến thăm vườn của vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tùng, chị Nguyễn Thị Phượng ở tổ dân phố Tân Lập. Do sự “thất thế” của bưởi Diễn  trước thị trường, vợ chồng anh Tùng cũng lựa chọn ghép mắt giống bưởi Ruby trên thân những cây bưởi Diễn.

Làm giàu từ những vườn cây ăn quả
Nhờ biết ứng dụng kỹ thuật vào chăm sóc vườn bưởi, anh Nguyễn Thanh Tùng  tiết kiệm được nhiều thời gian so với trước

Ruby là giống bưởi anh Tùng nhờ người mua và mang về từ Thái Lan. Thử nghiệm giống bưởi mới, vợ chồng anh vừa hy vọng nhưng cũng đầy thấp thỏm. Năm 2023 vừa qua, lứa bưởi Ruby đầu tiên được thu hoạch trong niềm vui vỡ oà của hai vợ chồng. Bưởi Ruby không những ăn ngon, vỏ mỏng mà còn cho thu hoạch sớm hơn các giống bưởi khác từ 2 - 3 tuần nên bán được giá (dao động từ 20 - 30 nghìn đồng/1kg).

Ngoài bưởi Ruby, trong vườn của vợ chồng anh Tùng, chị Phượng còn có hơn 100 gốc bưởi Tam Hoàng., giúp vợ chồng anh chị có sản phẩm thu rải vụ, mang về nguồn thu đều đặn.

Nguồn thu quan trọng khác của gia đình anh Tùng còn đến từ 3 sào ổi, 6 năm tuổi. Chỉ với 3 sào ổi này đã mang về số tiền lãi trên dưới 30 triệu đồng mỗi năm cho gia đình anh.

Anh Tùng dẫn tôi ra thăm vườn, cây nào cây ấy xanh rì, quả lúc lỉu. Hái một quả ổi căng mọng đưa cho tôi, anh Tùng giới thiệu: Đây là giống ổi Lê Đài Loan, nó ra quả quanh năm, nhưng có thời điểm mình phải vặt bỏ bớt quả để dưỡng cây. Cắn miếng ổi, bên trong lớp vỏ xanh là lớp thịt quả dày màu trắng, có vị ngọt đậm, giòn và thơm dịu.

Tôi nhìn trong vườn, những chiếc van xoay đều đặn phun nước ra làm ướt mặt đất một cách từ từ. Anh Tùng chia sẻ: Trước đây, tôi tưới cây bằng máy bơm. Máy chạy vè vè cả ngày vẫn không tưới xong hơn 1ha cây trong bãi. Sau tôi tìm hiểu và đầu tư 50 triệu đồng để làm hệ thống tưới tự động, vừa tiết kiệm nước vừa giúp giải phóng sức lao động, mình có thời gian làm việc khác.

Trồng cây ăn quả đã giúp gia đình chị Hồng, anh Tùng và nhiều gia đình khác ở Quân chu có đời sống ấm no, khấm khá hơn. Thế nhưng, những vất vả mà người trồng cây như họ phải đối mặt cũng không hề ít. Anh Đặng Đức Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Quân Chu cho biết, để có được nguồn thu ổn định như hiện nay, nhiều hộ cũng phải trải qua không ít gian nan.

Làm giàu từ những vườn cây ăn quả
Những quả bưởi Ruby đã bắt đầu cho thu hoạch

Những thất bại không chỉ đến từ việc thiếu kiến thức, kinh nghiệm mà còn phần lớn đến từ sự biến động của thị trường và sự bất ổn định của thời tiết. Việc phải phá bỏ hàng loạt vườn nhãn chục năm tuổi do liên tục mất mùa trong những năm qua là một ví dụ. Tuy nhiên, với sự cần cù, cố gắng và khát vọng vươn lên mạnh mẽ cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, cuộc sống của người nông dân ở Quân Chu ngày càng có bước tiến rõ rệt.

Các giống cây trồng và vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt và giá trị kinh tế cao cùng những kỹ thuật canh tác và chăm sóc tiên tiến, cũng như các nguồn lực hỗ trợ như tập huấn khoa học kỹ thuật, cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tham quan các mô hình hiệu quả,… liên tục được các cấp hội và chính quyền địa phương đưa đến cho người dân. Đến nay, thị trấn đã có gần 300 ha cây ăn quả. 

Những mô hình thành công từ chị Bàn Thị Hồng và gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng tại thị trấn Quân Chu không chỉ là những minh chứng sống động cho sự chuyển mình mạnh mẽ của nông nghiệp huyện Đại Từ, mà còn phản ánh nỗ lực bền bỉ trong công cuộc giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu của người dân địa phương.

Việc chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang các giống cây ăn quả có giá trị cao đã tạo ra một nguồn thu nhập ổn định và đáng kể cho các hộ gia đình, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, đưa Quân Chu từ một vùng đất khó trở thành điểm sáng của sự phát triển bền vững.

Bình Yên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục