Làm báo “đặc thù”
VNTN - Làm tạp chí văn nghệ (thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh), nhiều lúc tôi nghĩ cũng thấy hay hay. Viết văn, làm thơ, phê bình giới thiệu, làm biên tập viên, kiêm phóng viên, kiêm thư ký tòa soạn, kiêm cả lãnh đạo duyệt bài… tuốt tuồn tuột, chơi hết.
Trong Ban biên tập (Ban chuyên làm nhiệm vụ xuất bản tạp chí ra hàng tháng của Hội) tôi chả bao giờ được thủy chung một việc. Đầu tháng ra kế hoạch bài vở cụ thể từng chuyên mục, làm công văn kèm theo gửi đi các Hội, Chi hội cơ sở. Giữa tháng sắp đến ngày làm maket mà mới nhận được: hai bài sưu tầm văn hóa, vui cười và năm phong bì dày cộp - thơ, diễn ca. Lo lắng, đốc thúc từng biên tập viên. Mấy hôm hỏi lại… “vẫn chưa có thêm bài nào chú ạ”. “Phải đặt bài đích danh hội viên đi chứ, mở rộng quan hệ tác giả ngoài tỉnh, ngồi chờ thì có mà vỡ trận”. “Cháu gọi điện mấy lần, chú T bảo bận lắm, bận lắm, dạo này liên tục đại hội; anh H bảo xin khất, đang đi công tác hết tháng mới về; bác B bảo đang gặt mùa chưa xong”… Số nào cũng điệp khúc thế, biết trước thế, nhưng vẫn phải “nghi lễ” “trân trọng” kêu gọi, cho tạp chí “phong phú, đa dạng” và đặc biệt để “kín cạnh”, ngừa những “đài phát thanh tiếng nói hội viên”.
Vậy là còn chục ngày đuổi sau lưng, đành bơi ra mà lấp cho đầy. Văn - gọi mấy cây bút bạn bè các tỉnh, thậm chí vào blog mấy chiến hữu, ngám ngám thấy bài phù hợp là “cop” về. Phê bình - giới thiệu, chuyên mục này đã để “lương khô” đi trước mấy bài, ok có ngay. Thơ thì sẵn hàng nhưng đa số con nhà sinh đẻ vô kế hoạch, nên còi cọc nhợt nhạt; khó dùng mà vẫn phải cố gạn đục khơi trong, đục ít cho là trong để mỗi số lấy đôi ba bài hội viên cho khỏi mang tiếng “sính ngoại”; còn lại, xin khéo dăm bài của các nhà thơ thứ thiệt (những nhà thơ này thường rất ít gửi). Phần quan trọng, để có tiếng nói sức nặng phải là những bài báo, ký phản ánh bàn luận những vấn đề kinh tế xã hội trong tỉnh. Mảng này thật hiếm. Hiếm là do các nhà văn nhà thơ hội viên ta thường chỉ quen sáng tác, đột xuất lâu lâu mới có bài báo ngắn; do kết hợp chuyến công tác, du lịch, thăm thú họ hàng ngẫu hứng ra. Hiếm cũng do khó, viết báo kiểu văn nghệ không thể phóng xe xuống cơ sở xin cái báo cáo, hỏi han dăm câu mấy người; về nhà loạch xoạch bàn phím đôi ba tiếng là có bài. Bài báo văn nghệ cũng là báo nhưng tính thông tấn chìm trong chi tiết, câu chuyện. Câu chữ mềm, bay lên từ những nhân vật - nói năng, suy nghĩ những điều rất thường gần với câu chuyện hàng ngày; chất văn chất báo hòa quyện thế sẽ dễ đọc, chia sẻ, lan truyền.
Biết chắc là mảng báo chí không có bài nên tôi thu xếp hai ngày đi xã vùng sâu, diện 135. Ở nhà chưa nghĩ ra chủ đề, đến nơi, tôi vào một nhà bé tẹo bên đường, định bụng vừa nghỉ vừa hỏi han nắm tình hình. Chủ nhà là một cô gái tầm 20 tuổi, rất xinh, một đứa bé oặt oẹo trên tay. …Anh ơi, ly hôn có đắt không? Án phí ít tiền thôi mà, sao em hỏi vậy? Rồi cô gái kể chuyện mình… Trong xã, nhiều đứa lấy chồng thợ xây thợ cầu. Đường xong cầu thông, chồng đi nơi khác bỏ lại bao nhiêu tuổi xuân lỡ dở. Tôi ngậm ngùi chỉ biết an ủi động viên những câu chung chung sáo rỗng. “Vọng phu ở xã 135”, một bài viết đã lóe lên trong đầu tôi.
Vậy là số ấy, vì chữa cháy tôi có bài ký được đồng nghiệp, bạn đọc thích thú. Tuy cũng có vài đồng chí lãnh đạo bảo, bài hay nhưng buồn quá, nhưng nói chung là hiệu ứng tốt. Tôi hiểu, mấu chốt thành công là sự phát hiện chia sẻ giữa người với người, điều dễ thấy ở cây bút viết văn đi viết báo.
Làm báo, tạp chí văn nghệ là vậy; không được chuyên, luôn phải kiêm. Thôi thì cơ quan đặc thù nó thế, mình được lắm thứ rèn luyện, thành “con dao pha”. Tôi vẫn thường tự động viên mình, đồng nghiệp thế
Nhà báo Du An (Tạp chí Văn nghệ Điện Biên)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...