Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
15:56 (GMT +7)

Lại nói về chuyện khen chê

Khi đánh giá về người khác, người ta thường bày tỏ qua thái độ khen hoặc chê (nói vắn tắt là khen chê). “Khen” là sự tán đồng, là cho rằng cái đó tốt, đẹp, giỏi, hữu ích… nghĩa là đánh giá theo chiều tích cực. Ngược lại với khen, “chê” là hành vi bày tỏ thái độ không ưa thích, không vừa ý, đánh giá thấp, theo chiều hướng tiêu cực vì cho là kém, là xấu, không đạt yêu cầu.

Hình chỉ mang tính minh họa
Hình chỉ mang tính minh họa

Khen chê là một việc bình thường trong cuộc sống, nhưng khen chê sao cho đúng cũng không phải dễ. Cổ nhân thường nói: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, với hàm ý nhắc người ta phải hết sức thận trọng trong phát ngôn.

Ở thời đại bùng nổ thông tin, tình trạng loạn ngôn (bạ đâu nói đấy), lộng ngôn (đay nghiến, phỉ báng, một tấc đến trời), ngoa ngôn (quá quắt, thị phi), xảo ngôn (bịa đặt, giả dối)… diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trên mạng xã hội và các nền tảng truyền thông trên internet.

Trên xa lộ thông tin thời đại 4.0, mọi âm thanh, hình ảnh, lời nói đều có thể ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến những người tiếp nhận thông tin, bất kể đó là chuyện gì. Ở đây, chỉ xin bàn đến một phạm vi hẹp, đó là chuyện “khen” và “chê”.

Trước hết nói về khen.

Không riêng gì Việt Nam, mà tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, khi thực hiện việc quản lý xã hội về lĩnh vực báo chí, tuyên truyền, người ta thường hướng độc giả đến những thông tin tích cực. Nghĩa là trên báo chí và truyền thông, sẽ chủ yếu đưa những thông tin tích cực (khen). Những thông tin tiêu cực (chê) luôn chiếm tỷ trọng nhỏ hơn rất nhiều. Đây là phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, giúp cho mỗi người sống trong môi trường ấy cảm thấy an yên, hồ hởi, tránh bi lụy, suy nghĩ tiêu cực, thêm mến yêu cuộc sống.

Nhưng “khen” cũng phải đúng thì việc khen đó mới thực sự có ý nghĩa và tác động lan tỏa. Khen không đúng đối tượng, không đúng mức độ thì nhiều khi còn phản cảm, tạo hiệu ứng ngược. Trên thực tế, chuyện “khen văng mạng” này đã không ít lần xảy ra. Những “tấm gương”, “điển hình” được báo chí tung hô ngay khi họ đang “có vấn đề”, và sau đó kết cục là “sập tiệm”, “vào lò”, để lại những bài báo sống sượng. Gần đây, nhiều “cư dân mạng” phản ứng mạnh với những câu chuyện kể về lãnh tụ của một vị giáo sư đáng kính. Nội dung câu chuyện rất cuốn hút người nghe, với mục đích ca người lãnh tụ. Nhưng những câu chuyện ấy, theo một số người hiểu biết về lịch sử, lại được cho là “bịa ra”, bởi chưa từng được sử sách, nhân chứng ghi nhận. Rõ ràng, việc “khen” mà không đúng, không thuyết phục thì có khi lại còn phản tác dụng.

“Khen” đã như vậy, việc “chê” còn khó hơn.

Trên diễn đàn báo chí thời gian qua đã từng gặp vấn nạn “đánh hội đồng”, nghĩa là “đánh” cho doanh nghiệp “không còn đường sống” chỉ vì một vài sai sót. Nghiêm trọng hơn, xuất hiện cả những “nhà báo kền kền”, mặc dù không thuộc địa bàn phụ trách, không thuộc lĩnh vực liên quan, nhưng cũng nhân đó “nhảy vào” kiếm chác. Họ mượn lý do “phản ánh”, “chống tiêu cực”, nhưng viết theo kiểu soi mói, “có bé xé ra to”; sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ gây sốc; móc máy, đay đỉa làm cho người vi phạm bị mất mặt, doanh nghiệp mất uy tín… Đáng nói là họ làm như vậy không hề vô tư. Thường thì họ gạ gẫm, dền dứ (đăng một phần, nói lấp lửng) thậm chí trực tiếp trao đổi, đe dọa để đối tượng phải chi tiền, khi không đạt được mục đích mới quay sang “đánh”. Xét cho cùng, đó là hành vi tống tiền, là vi phạm pháp luật, song rất tinh vi, không dễ gì xử lí. Mấy năm gần đây, nhờ sự tích cực vào cuộc của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam… thì vấn nạn này mới cơ bản được ngăn chặn.

Nhưng việc ngăn chặn này mới chủ yếu thực hiện trên báo chí. Trong khi, như đã nói, ngày nay còn nhiều nền tảng thông tin khác đang vận hành trên internet, nhất là các trang mạng xã hội, thì việc kiểm duyệt là không hề dễ. Các đối tượng sử dụng nhiều “chiêu” rất tinh vi: cạnh khóe, rung dứ, dùng từ lóng kiểu “ngôn ngữ mạng”…; hoặc thông qua các diễn đàn, hội nhóm; mượn phát ngôn của người nổi tiếng, người dẫn dắt dư luận để suy diễn… khiến việc phát hiện và xử lý là vô cùng khó khăn.

Nguy hại hơn, những kẻ thù địch, chống phá đã lợi dụng vào việc này để thóa mạ, chửi bới, kích động, làm cho không ít người bị ngộ nhận, a dua, hùa theo. Câu chuyện phê phán bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” trên Facebook vừa qua là một ví dụ. Bài thơ của tác giả Tô Hà in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 (2018), được một nhóm Facebook có gần 60 nghìn thành viên đăng tải, phê phán. Cho dù sau khi đăng tải đã có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu giáo dục có uy tín lên tiếng bảo vệ, thậm chí báo chí đã phải vào cuộc, làm rõ, nhưng bài viết đã gây tác động xã hội không nhỏ. Hơn 300 nghìn lượt theo dõi với rất nhiều bình luận chửi rủa nhà thơ, mạt sát người biên soạn, căm phẫn Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Những “sự cố truyền thông” kiểu như vậy rất dễ bị các thế lực thù địch bám vào, lợi dụng, thổi phồng, kích động, dẫn dắt dư luận… với mục đích chống phá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Khi ấy, câu chuyện không còn thuần túy là việc khen chê, bày tỏ quan điểm của một cá nhân nữa.

Rõ ràng, khen chê đánh giá thế nào là quyền của mỗi người, nhưng khi phát ngôn trên diễn đàn, báo chí, mạng xã hội,… cần phải hết sức thận trọng, chứ không thể hồ đồ, “văng mạng”. Đó mới thể hiện là người có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Ngẫm lại, câu thành ngữ mà người xưa từng đúc kết “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” là vô cùng thâm thúy, đến nay vẫn chưa hề lạc hậu.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục