Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
07:09 (GMT +7)

Lại chuyện trao quà cho học sinh

VNTN - Năm nào tôi cũng được hỗ trợ công đoàn gói quà tặng vào dịp Tết Nguyên đán cho các em học sinh nghèo, vượt khó học tốt và cũng chứng kiến không ít những trường hợp học sinh ngậm ngùi xuống nhận quà sau buổi tặng trong giờ chào cờ, trước sự không hài lòng của một số giáo viên.

Nhận quà và chụp ảnh là hình thức phổ biến để lưu lại mỗi hoạt động của nhà trường nhằm báo cáo thành tích là không hề sai. Tuy nhiên, việc đứng trước toàn trường và cái mác nghèo, khó khăn gắn trên mình các em học sinh khối 8, khối 9, trong độ tuổi mới lớn là một điều vô cùng khó khăn bởi sự nhạy cảm, sự tủi hờn trong tâm hồn các em đang lớn lên từng ngày theo sự phát triển của vóc dáng.

Các em xuống văn phòng nhận quà, tôi luôn vui vẻ động viên. Tuy nhiên, một số giáo viên giữ lại quà và cảnh cáo sẽ không phát cho nếu không lên bục nhận. Các em tâm sự:

- Chúng em ngại lắm cô ạ. Vẫn biết hoàn cảnh của mình là thế. Không phải là chúng em kiêu căng, sĩ diện đâu ạ. Nhưng, cái cảm giác thiệt thòi khiến chúng em không tự tin khi đứng trước toàn trường. Ở trong đám đông, chúng em cũng thấy mình lạc lõng.

Lớn lên từ nghèo khó, tôi luôn thấu hiểu cảm xúc của các em khi ấy. Ngay từ khi đi học chuyên nghiệp, chúng tôi đã được nhận quà hay học bổng không bằng hình thức trao trên bục mà xuống phòng gặp cô văn thư để nhận. Theo tôi, đó là một cách trao tặng tế nhị và thật đẹp. Cầm những món quà như thế trong tay, cũng đâu sung sướng gì. Ai mà không muốn mình sinh ra từ một gia đình sung túc, đầy đủ.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Tâm sự với các đồng nghiệp khác, một số bạn ủng hộ việc cho các em tự đến nhận quà sau buổi học, một số thì cho rằng: “Hoàn cảnh của mình thế nào thì chấp nhận thế, sao phải ngại. Nhà thì đã chẳng có, mà cứ oai vớ oai vẩn”.

Tôi có hỏi qua ý kiến một vài đồng chí Hiệu trưởng thì đa phần nhận được phản hồi như sau: “Trao quà là một nét đẹp, nhưng cách trao vô cùng quan trọng. Học sinh khó khăn khác với những học sinh bình thường. Các em phải vất vả hơn trong cuộc sống, phải nỗ lực vượt qua hoàn cảnh để theo kịp được các bạn có điều kiện. Tuổi mới lớn khi phải đối diện với thực tế hoàn cảnh gia đình mình là trong suy nghĩ đã biết buồn nhiều. Hình thức trao trên bục, là một nghĩa cử đẹp nhưng nhiều khi vô tình đã gieo vào tâm hồn các em thêm sự mặc cảm. Và, chúng ta đâu phải chỉ có một phương án để giải quyết chuyện này. ”

Nhiều trường đã chọn hình thức để các em tới văn phòng nhận quà. Sự bao bọc của một tập thể đâu phải lúc nào cũng cần phô trương. Tôi không hề muốn mình phát quà là đang phát cho các em thêm sự rụt rè từ một mặc cảm. Tôi luôn day dứt và không muốn thấy hình ảnh các em học trò thơ ngây nhìn cuộc sống xung quanh ở tuổi mình bằng cái nhìn cúi đầu.

Có những việc làm mà chúng ta trao đi một cách lặng lẽ thì ấm áp càng nhiều. Hành trang mà các em mang đi từ một ngôi trường sẽ luôn đẹp khi là sự biết ơn, sự trân trọng tình cảm, là niềm xúc động hằn sâu trong tâm hồn trong trẻo của các em. Việc làm này của người lớn đâu quá khó khi phải lặng lẽ?.

Yến Nhung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy