Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
13:26 (GMT +7)

Ký ức về chiến tranh: nguồn cảm hứng lớn cho những người làm sân khấu

Những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ hy sinh và hào hùng, oanh liệt của dân tộc, luôn là niềm cảm hứng mãnh liệt, thiêng liêng trong quá trình hoạt động nghệ thuật của các thế hệ văn nghệ sỹ - chiến sỹ.

Trải qua 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã đánh thắng hai đế quốc xâm lược hùng mạnh nhất là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày 30/4/1975, chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh đại thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, đưa Việt Nam trở thành một dân tộc anh hùng được bạn bè năm châu nể phục.

Cảnh trong vở kịch ngắn “Phiên tòa trong mơ” do nghệ sĩ - chiến sĩ, đạo diễn NSƯT Nguyễn Văn Bộ dàn dựng; các nghệ sĩ, diễn viên CLB nghệ sĩ kịch nói Thái Nguyên thể hiện.  Ảnh: QK
Cảnh trong vở kịch ngắn “Phiên tòa trong mơ” do nghệ sĩ - chiến sĩ, đạo diễn NSƯT Nguyễn Văn Bộ dàn dựng; các nghệ sĩ, diễn viên CLB nghệ sĩ kịch nói Thái Nguyên thể hiện. Ảnh: QK

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh oanh liệt của dân tộc, thế hệ chúng tôi những người chiến sỹ, những người lính làm nghệ thuật đã được tham gia và chứng kiến thời khắc của lịch sử đó. Ngày giải phóng, ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” vang lên truyền cảm hứng thiêng liêng, thúc giục những người lính làm nghệ thuật chúng tôi sáng tác và biểu diễn. Trước đó, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những bài thơ, bài hát, như: “Tiểu đội xe không kính”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Cô gái vót chông”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”…; những tác phẩm múa “Đất nước”, “Người mẹ cầm súng”, “Tây Nguyên bất khuất”…; những tác phẩm kịch nói: “Nổi gió”, “Đại đội trưởng của tôi”, “Mười cô gái ngã ba Đồng Lộc”… luôn là niềm cảm hứng mãnh liệt của các nghệ sĩ mặc áo lính chúng tôi đã sáng tác và biểu diễn phục vụ các chiến sĩ bộ đội. Đặc biệt, sự ra đời của những tác phẩm đó là niềm cảm hứng tươi mới cho những người chiến sĩ làm công tác nghệ thuật. Khi nghe, khi xem chúng ta như thấy tái hiện lại cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ, hào hùng mà oanh liệt của dân tộc; sự đóng góp quan trọng của những người lính làm nghệ thuật trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Là nghệ sĩ - chiến sĩ, nghệ sĩ Trần Yên Bình, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu, luôn nhiệt tình, tâm huyết trong các hoạt động phong trào. Trong ảnh: Nghệ sĩ Trần Yên Bình cùng vợ  - nghệ sĩ Trần Lệ Thanh trong một chương trình do CLB  Cải Lương Thái Nguyên tổ chức. Ảnh: QK
Là nghệ sĩ - chiến sỹ, nghệ sỹ Trần Yên Bình, Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu luôn nhiệt tình, tâm huyết trong các hoạt động phong trào. Trong ảnh: Nghệ sỹ Trần Yên Bình cùng vợ  - nghệ sỹ Trần Lệ Thanh trong một chương trình do CLB  Cải lương Thái Nguyên tổ chức. Ảnh: QK

Hòa bình lập lại, đất nước Việt Nam đang phát triển đổi mới sánh vai cùng cường quốc năm châu như Bác Hồ đã từng mong muốn. Vị thế của đất nước chưa bao giờ to lớn và huy hoàng như ngày hôm nay, nhân dân ta đã được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Trở về với đời thường, những người lính bước ra từ chiến tranh vẫn giữ được hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, những ký ức năm tháng gian khổ khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như vẫn hiện diện trước mắt, tiếp tục là nguồn cảm hứng cho đội ngũ làm sân khấu chúng tôi sáng tác xây dựng nên những hình tượng người lính giữa đời thường.

Hiện tại và quá khứ đan xem, người lính với cuộc sống đầy khó khăn vất vả trước một thời khắc của cơ chế thị trường, một nền kinh tế bao cấp chật vật, hình ảnh người lính: “Đầu đường đại uý bơm xe, cuối tường thiếu tá bán chè đỗ đen”… nhưng họ vẫn mang trong mình những phẩm chất của người lính Cụ Hồ - khi Tổ quốc bị xâm lăng họ lại sẵn sàng lên đường chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng, giữa đời thường họ luôn vượt qua những điều khắc nghiệt của số phận…  Và chúng tôi đã mang niềm cảm hứng này vào từng vở diễn, vai diễn tác phẩm múa, ca khúc để phục vụ nhân dân trong cả nước nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói riêng, để khán giả hôm nay nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến đầy gian khổ hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt của dân tộc; về sự hy sinh xương máu của lớp cha ông đi trước và tự hào hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam ta.

Ở Thái Nguyên, chuyên ngành sân khấu hiện nay vẫn có hàng chục người làm nghệ thuật từng mặc áo lính. Đội ngũ này đã thể hiện rất sinh động những vai diễn, những vở diễn, những ca khúc, những tác phẩm múa mang hình ảnh người lính anh hùng, mang dấu ấn và hơi thở của thời đại Hồ Chí Minh. Thỏa mãn và đáp ứng niềm mong mỏi, tình yêu của khán giả dành cho sân khấu, bên cạnh đó những tác phẩm nóng hổi về đời sống đương đại phản ánh thực trạng xã hội như: chống tiêu cực, chống tham ô tham nhũng, cũng được các nghệ sĩ mặc áo lính chú ý khai thác.

Đất nước ta đang bước vào thời đại 4.0, những những ký ức năm tháng cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc vẫn là nguồn cảm hứng lớn cho những người làm sân khấu Thái Nguyên tiếp tục sáng tác. Và chắc chắn những việc làm đó sẽ góp phần không nhỏ xây dựng một nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguyễn Văn Tiến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy