Thứ hai, ngày 23 tháng 09 năm 2024
18:18 (GMT +7)

Ký ức và chấn thương trong “Người tình” của Marguerite Duras

 

Marguerite Duras là nữ nhà văn lớn của nền văn học Pháp trong thế kỷ XX, bà được xem là một trong những người tiên phong của phong trào Nouveau Roman (tiểu thuyết mới). “Người tình” (L’Amant) - tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Duras với những nhân vật phức tạp và cách thể hiện táo bạo, không ngần ngại đi vào những vấn đề nằm sâu trong tâm thức con người để thể hiện thế giới hỗn loạn, mơ hồ về mặt đạo đức thời hậu chiến, được xem như một tác phẩm điển hình của dòng văn học chấn thương.

zzzzzzzzzzzzzzzzz
“Người tình” là một tiểu thuyết tự truyện của Marguerite Duras, do nhà xuất bản Les Éditions de Minuit ấn hành năm 1984. Tiểu thuyết này đã được dịch ra 43 thứ tiếng với khoảng 2,4 triệu bản in. Tác phẩm đoạt giải Goncourt năm 1984 và được chuyển thể thành bộ phim cùng tên năm 1992. (Nguồn: wikipedia)

Ký ức và chấn thương là một vấn đề nổi bật trong “Người tình”, tuy nhiên, các nghiên cứu về tác phẩm lâu nay vẫn thường tập trung vào vấn đề chủng tộc, tính dục và giới, cũng như xem xét tiềm năng của tự thuật trong tiểu thuyết này như một phương thức đối chiếu với tiểu sử tác giả mà ít chú ý đến mối quan hệ gia đình - xã hội, thực dân - thuộc địa và tự thuật (hành động “viết”) như là các căn nguyên, biểu hiện lẫn cách thức giải tỏa của chủ thể và chấn thương.

Bài viết này tiếp nối quan điểm của những người nghiên cứu vấn đề chấn thương trong “Người tình” của M. Duras trước đó, nhưng tập trung xem xét sự liên hệ giữa ký ức với chấn thương để đưa ra những lý giải về mối quan hệ của “tôi” với các chủ thể khác như các thành viên trong gia đình và ở cấp độ rộng hơn là mối quan hệ của nhân vật “tôi” với thuộc địa. Bên cạnh đó, bài viết cũng khai thác hành động “viết” của nhân vật như một cách thức thể hiện và đối mặt với chấn thương, qua đó phần nào làm rõ ảnh hưởng chấn thương lên căn tính nhân vật “tôi” cũng như sự định hình của chấn thương lên mối quan hệ giữa “tôi” với nhân vật người tình gốc Hoa của cô.

Chấn thương và tự thuật

Trước tiên cần phải làm rõ tiểu thuyết “Người tình” của Duras là một tiểu thuyết mang dáng dấp tự sự. Điểm nhìn trong tác phẩm được thay đổi liên tục, biến đổi từ ngôi kể thứ nhất sang điểm nhìn toàn tri. Một trong số những chi tiết thể hiện sự thay đổi ngôi kể là chi tiết cô gái lần đầu tiên gặp người đàn ông gốc Hoa trên chuyến phà sông Mê Kông, tuy rằng đã có những cố gắng thâm nhập vào suy nghĩ của nhân vật để tạo ra điểm nhìn từ bên ngoài nhưng những suy nghĩ ấy thực chất đã được phóng chiếu qua lăng kính chủ quan của nhân vật “tôi”, lúc này đã là một người phụ nữ lớn tuổi và đang kể lại câu chuyện diễn ra trong quá khứ.

“Tôi đã trả lời mẹ rằng điều tôi muốn hơn hết là viết” [3; 37]. Nhân vật “tôi” là một nhà văn. Trước câu chuyện trong “Người tình”, “tôi” cũng từng có nhiều sáng tác khác nhưng chỉ đến “Người tình”, câu chuyện về những năm tháng ở xứ sở thuộc địa mới được kể lại. Song, đó không phải câu chuyện được nhân vật “tôi” sáng tác tức thì, mà được kể lại từ hồi cố của một người phụ nữ lớn tuổi sau hàng chục năm. Những chấn thương tinh thần khiến “tôi” không thể cất lời ngay tại thời điểm những sự kiện được kể lại mới xảy ra. Nhân vật phải mất một thời gian rất dài mới có thể đối mặt được với quá khứ, vừa mong muốn đối mặt nhưng lại không thể đối đầu trực diện.

Nhìn chung, tự thuật trong “Người tình” được kết hợp giữa điểm nhìn bên trong lẫn điểm nhìn quan sát là một cách thức để nhân vật sống và đối mặt cùng những trải nghiệm trong quá khứ, đồng thời cũng là cách thức đối thoại và biện giải cho những sự kiện đã qua. Những ký ức về những năm tháng sống tại thuộc địa của nhân vật được hiện lên với những mảng sáng tối, trong đó không thể không nhắc đến những gánh nặng ký ức về gia đình và nguồn gốc xuất thân - yếu tố không chỉ đóng vai trò như là nguồn gốc của chấn thương mà còn định hình nên căn tính nhân vật.

Gia đình và xuất thân

Nhân vật “tôi” là con gái của một gia đình da trắng đến thuộc địa sinh sống. Cha cô mất sớm và để lại khoản nợ cho mẹ cô gánh vác khiến gia đình không thể nào sung túc được như những da đình da trắng khác trên mảnh đất thuộc địa. Đối với “tôi”, hình ảnh người mẹ nghiêm khắc, gánh vác kinh tế trong gia đình hiện lên như một hình ảnh thay thế của người cha. Tình cảm mẹ - con gái trong “Người tình” là thứ tình cảm bị chối bỏ, nhưng không cách nào thoát khỏi và buộc lòng phải tìm về.

Mối quan hệ giữa bà mẹ và cô con gái luôn có sự áp đặt từ phía người mẹ và sự chống đối từ phía con gái. Sự chống đối này về cơ bản không phải kiểu xung đột mà người mẹ và con gái có thể “thẳng thắn” đưa ra quan điểm hay một phản ứng “chống đối” rõ ràng. Ngoài mặt, người mẹ nói và cô con gái phải nghe theo. Nhưng mâu thuẫn không thể không diễn ra, nó chỉ không xuất hiện dưới hình thức là những tranh cãi gay gắt, mà nằm ở dưới những ý định ngầm ẩn của cô gái, thậm chí đôi lúc, sự phản kháng của con gái còn được chấp thuận “Chỉ còn con bé đang lớn lên ấy, có thể sẽ có lúc nó biết cách làm cho tiền chảy vào ngôi nhà này [...] bà mẹ cho phép con mình được đi ra ngoài trong bộ trang phục của một cô điếm nhóc con” [3; 40].

Những đè nén và khao khát được thay đổi, thoát ra khỏi gia đình luôn thường trực trong suy nghĩ của cô gái. Trong những ký ức được “tôi” kể lại, luôn có một thời khắc được nhấn mạnh nhiều lần là hình ảnh “sang sông”. Trong chuyến sang sông, cô gặp gỡ người tình gốc Hoa và quyết định sẽ làm tình với anh. Từ khoảnh khắc ấy, cô gái đã xác định rằng cô đang dần thoát khỏi gia đình của mình. Đó không phải quyết định xuất phát từ ý định đột ngột mà được chuẩn bị lâu dài và hằn sâu trong ký ức của thiếu nữ da trắng “Ngay từ lúc chui vào chiếc ô tô đen, cô biết điều đó, cô đã tách ra khỏi cái gia đình này lần đầu tiên và mãi mãi. Từ nay họ không cần biết về những gì sẽ xảy ra với cô nữa” [3; 56]. Hành động chống đối bằng cách qua lại với người đàn ông gốc Hoa được cô gái xem như một nghi thức chuyển đổi, đánh dấu rằng từ nay cô đã bước đi trên một con đường khác và thực hiện những dự định ấp ủ từ lâu.

Trái ngược với mong muốn thoát khỏi người anh cả và người mẹ của mình, nhân vật “tôi” dành nhiều tình cảm cũng như sự gắn bó, chia sẻ với người anh út. Người anh út và cô em gái, với những cơ thể được miêu tả là gầy gò, đứng trước người anh cả đầy quyền lực trong nhà luôn ở trạng thái căm thù nhưng cũng khuất phục và sợ hãi thứ uy quyền áp đặt lên mọi thành viên trong gia đình của anh ta. Cái chết của người anh út luôn được dự báo trước, trong dáng vẻ yếu đuối, trong sự đè nén dưới sự áp đặt của người anh cả và sự xóa mờ danh tính của bà mẹ khi nhắc về ba đứa con, người anh út và nhân vật “tôi” luôn là “hai đứa còn lại”.

Cái chết của anh út được nhắc lại nhiều lần, ngắt quãng. Đặt cái chết của người anh út song song với cái chết của đứa con và người cha của nhân vật “tôi” - những người đàn ông gần gũi nhất trong cuộc đời của nhân vật “tôi” là một sự tượng trưng cho sự thiếu vắng hình ảnh người cha và mong muốn được che chở trong những năm tháng thiếu thời của nhân vật. Nếu gia đình có người chống đỡ, cô gái sẽ không bị đẩy vào tình huống gia cảnh sa sút khiến cho cô luôn mặc cảm về sự khác biệt với những người da trắng khác cũng sinh sống ở thuộc địa.

Thông qua phân tích về bối cảnh gia đình cũng như những khả năng tồn tại của chấn thương và dấu ấn của nó đối với nhân vật, có thể thấy rằng những chấn thương từ gia đình là tiền đề quan trọng, bên cạnh các yếu tố như tình dục, chủng tộc và các diễn ngôn về thuộc địa để đánh giá mối quan hệ và sức ảnh hưởng của chấn thương đến mối quan hệ của nhân vật “tôi” với người tình của mình.

Chấn thương và căn tính

Chi tiết lần đầu tiên cô gái gặp gỡ người đàn ông Chợ Lớn nhiều lần được gợi nhắc với hình ảnh mang tính biểu tượng “sang sông”. Ngay từ cái nhìn và cuộc đối thoại đầu tiên, giữa cô gái và người đàn ông đã tồn tại những ám ảnh sâu sắc về chủng tộc. “Người đàn ông trang nhã bước ra khỏi xe Limousine, anh ta hút một điếu thuốc lá Anh.” Những hình dung đầu tiên của cô gái, không chỉ với tư cách một thiếu nữ mà với tư cách một người da trắng, là sự trang nhã và sang trọng. Hút một điếu thuốc lá Anh, người đàn ông có phong thái của một người đàn ông da trắng giàu có: “Tay anh run run. Có sự khác biệt về chủng tộc, anh không phải là người da trắng, anh cần phải vượt qua sự khác biệt này, vì thế mà anh run. [...] Thế là anh bớt sợ” [3; 53].

Với người đàn ông, sự khác biệt về chủng tộc làm anh sợ hãi. Trong cuộc trò chuyện đầu tiên, không đi vào trả lời trọng tâm của những câu hỏi tên tuổi, hai người ngầm hiểu rằng họ sẽ nói về vấn đề gia cảnh và xuất thân thay vì danh tính cá nhân. Đứng trước cô gái là một người da trắng bị bần cùng hóa thì người đàn ông thuộc tầng lớp giàu có, sở hữu một gia tài kếch xù và trở nên rụt rè hơn bao giờ hết vì anh là người Hoa, không thuộc tầng lớp người da trắng.

Những ám ảnh về chủng tộc và xuất thân còn góp phần định hình lên bản sắc nhân vật trong mối quan hệ với người đàn ông. Sự ám ảnh về chủng tộc cùng với những chấn thương từ gia đình là một nguyên do khiến cô gái dường như trưng dụng người tình của mình trong những cuộc làm tình để đạt mong muốn kiểm soát. Ở mối quan hệ với người đàn ông gốc Hoa, cô trở thành người có ưu thế hơn và nắm quyền kiểm soát trong quan hệ tình cảm.

Mối quan hệ giữa họ về bề mặt là tình và tiền, nhưng ẩn chứa cả những khao khát được hòa giải, được hòa nhập với thuộc địa, đi ngược lại những quy chuẩn của xã hội. Hình ảnh người đàn ông đứng trước gia đình của cô gái và thái độ của cô khi đứng trước gia đình là một chi tiết để nhận biết những ảnh hưởng của chấn thương đến nhân vật. “Có mặt anh cả tôi, anh thôi không còn là người tình của tôi nữa. Anh không ngưng tồn tại nhưng anh chả còn là gì hết đối với tôi” [3; 82 - 83], trước mặt người anh cả, người tình của cô gái không còn tồn tại một cách bình thường, anh trở thành một thứ thấp kém không thể chịu nổi.

Cô gái đứng trước gia đình của mình đã lựa chọn im lặng, chối từ mong muốn được nhìn đến, được tôn trọng để tiếp tục tồn tại là một con người. Nhưng khi trở lại còn hai người với nhau, người đàn ông trong mắt cô gái lại trở thành sự tồn tại đáng thèm muốn, được nhìn đến, được chấp nhận. Những người thân trong gia đình cô gái giờ đây trở thành tượng trưng cho diễn ngôn nhìn nhận về thuộc địa, buộc cô gái phải chối bỏ đi sự tồn tại của người tình. Nhân vật “tôi” cố gắng xóa bỏ những biểu tượng cấm đoán của xã hội, để trở về với không gian vắng lặng của người tình, nơi cô không phải chịu quy chuẩn xã hội.

Có thể thấy trong mối quan hệ với người tình, chấn thương lật ngược trở lại từ những vấn đề gia đình, nguồn gốc xuất thân, những ám ảnh về chủng tộc và đặc biệt là những diễn ngôn về xứ thuộc địa cũng như những thiết định về màu da của xã hội. Đó vừa là nguồn cội của chấn thương, vừa là cái để chấn thương được bộc lộ ra, không chỉ thông qua lời nói cụ thể mà còn ở hành động của nhân vật và diễn tiến câu chuyện.

***

Chấn thương và ký ức từ lâu đã trở thành những vấn đề quan trọng không chỉ trong đời sống xã hội mà còn sớm trở thành chất liệu quan trọng để khai thác sáng tạo văn chương. Chấn thương trong “Người tình” không chỉ bắt nguồn từ những tổn thương trong gia đình mà còn xuất phát từ ám ảnh chủng tộc và các thiết định của xã hội về xuất thân. Ký ức và hành động “viết” trong tác phẩm đóng vai trò như là phương thức đối mặt và giải quyết chấn thương. “Người tình” của Marguerite Duras chắc chắn vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải khai thác và diễn giải. Tuy nhiên, trong một bài viết ngắn, chúng tôi không thể bao quát một cách một cách sâu sắc và đi sâu hơn nữa vào vấn đề mà chỉ có thể đưa ra thêm một cách nhìn và lý giải bổ sung về vấn đề ký ức và chấn thương trong tiểu thuyết này.

-----------

Tài liệu tham khảo

1. Cathy Caruth, Unclaimed Experience: Trauma, Narrative, History, Baltimore & London: The John Hopkins University Press, 1996.

2. Cathy Caruth, Vết thương và giọng nói, Trần Ngọc Hiếu dịch, https://hieutn1979.wordpress.com/2012/12/08/cathy-caruth-vet-thuong-va-giong-noi/ truy cập 11h12 ngày 16 tháng 12 năm 2023.

3. Marguerite Duras, Người tình, NXB Hội nhà văn, 2010.

4. Leslie Garis, The Life and Loves of Marguerite Duras, The New York Times Magazine, Oct. 20, 1991 https://www.nytimes.com/1991/10/20/magazine/the-life-and-loves-of-marguerite-duras.html#:~:text=Duras%20is%20associated%20with%20the,chaotic%2C%20morally%20ambiguous%20postwar%20world truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2023.

5. Anna Gotlib, Chấn thương và chuyện kể, Trần Ngọc Hiếu dịch, https://hieutn1979.wordpress.com/2021/01/03/anna-gotlib-chan-thuong-va-chuyen-ke/ truy cập 11h12 ngày 16 tháng 12 năm 2023.

6. Nguyễn Thùy Linh, Cảnh quan thuộc địa và cải tạo cảnh quan: Nhân vật nữ và giải huyền thoại về miền đất hứa trong Đập ngăn Thái Bình Dương của Marguerite Duras, Cảnh quan Việt Nam trong văn học và điện ảnh: Những tiếp cận xuyên văn hóa, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2023.

7. Stephen Owen, David Damrosch, Karen Thornber, Lý thuyết và ứng dụng lý thuyết trong nghiên cứu văn học, NXB Khoa học Xã hội, 2016.

8. Tinh Vy Tran, Duc Lam Thao Nguyen, Trauma, sexuality, and identity in The Lover by Marguerite Duras and Burning Grass on The Field by Doan Minh Phuong, VMOST Journal of Social Sciences and Humanities, Volume 65 Number 2 August 2023.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy