Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
11:42 (GMT +7)

Kỳ tích chống giặc dốt

VNTN - Theo chân nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Ngọc Lâm, tôi đến thăm ông Cao Xuân Mai, 88 tuổi ở xóm Gò Chè, xã Huống Thượng, thành phố Thái Nguyên để nghe ông kể về những ngày tham gia “diệt giặc dốt” tại địa phương năm 1946 theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch.


 

1. Tháng 9/1945, với gần 2 triệu người chết đói, hơn 90% dân số mù chữ, trong khi dưới danh nghĩa “Đồng minh chống phát xít”, quân Anh và quân Pháp đã nổ súng gây hấn ở miền Nam, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch đang lăm le tiến vào miền Bắc… Tình thế đó khiến Chính phủ lâm thời còn non trẻ của ta buộc phải đương đầu với cả 3 thứ giặc: “Giặc đói”, “Giặc dốt” và “Giặc ngoại xâm”. Và chiến thắng “Giặc dốt” trong khi “Giặc đói” đang hoành hành và “Giặc ngoại xâm” đang đe dọa thì đó quả là một kỳ tích!

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Lương Ngọc Quyến (13/3/1960). Nguồn: Lịch sử Ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên (1945 - 2015).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Lương Ngọc Quyến (13/3/1960). Nguồn: Lịch sử Ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên (1945 - 2015).

Ngày 8/9/1945, nghĩa là chỉ 6 ngày sau khi giành được độc lập và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời đã ban hành 3 sắc lệnh về xóa nạn mù chữ: Sắc lệnh số 17 về việc thành lập Bình dân học vụ; Sắc lệnh số 19 về việc thiết lập trên toàn cõi Việt Nam những lớp bình dân học vụ buổi tối cho nông dân và thợ thuyền, quy định trong thời hạn 6 tháng làng nào, đô thị nào cũng phải có ít nhất 1 lớp học với số lượng ít nhất là 30 người; Sắc lệnh số 20 quy định từ nay việc học chữ Quốc ngữ là bắt buộc với mọi người và không mất tiền. Trong 1 năm, dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc và biết viết chữ Quốc ngữ (1).

Tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi chống nạn thất học. Người chỉ rõ: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí… Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ… Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ”(2).

Thời Pháp thuộc, ở Thái Nguyên, cũng như ở các tỉnh khác, để dễ bề cai trị, thực dân Pháp thực hiện chính sách “ngu dân”. Viên Công sứ Thái Nguyên Êsina (A. Echinard) viết trong tài liệu Lịch sử chính trị và quân sự tỉnh Thái Nguyên (Kho Lưu trữ, Văn phòng Tỉnh ủy): “Tháng 1/1901, toàn tỉnh có 30.022 nhân khẩu” và “ước tính dân số trong tỉnh bây giờ (8/1933, thời điểm viết - tác giả chú thích) là 50.000 dân”. Vậy nhưng, suốt một thời gian dài kể từ ngày đánh chiếm được tỉnh, thực dân Pháp đã không mở trường học. Sau này, do nhu cầu đào tạo tay sai, chúng phải mở một trường tiểu học ở tỉnh lị Thái Nguyên và trường tiểu học không toàn cấp ở một số huyện lị, tổng.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên Tập 1 (1936 - 1965), xuất bản năm 2003, dưới thời Pháp thuộc, cả huyện Phú Lương chỉ có 3 trường tiểu học không toàn cấp (ở Phủ Lý, Đu và Yên Ninh), với tổng số chưa đến 100 học sinh. Cả phủ Phú Bình chỉ có 2 trường tiểu học không toàn cấp (ở Hà Châu và Phương Độ). Ở các huyện: Phổ Yên, Định Hóa, Đồng Hỷ, mỗi huyện cũng chỉ có 1 trường tiểu học không toàn cấp, mỗi trường khoảng 100 học sinh. Năm học 1932 - 1933 được coi là đỉnh cao của nền giáo dục của thực dân Pháp ở Đông Dương nhưng số học sinh ở tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ đạt 1,8% so với dân số, riêng huyện Định Hóa thì tỉ lệ ấy còn chưa được 1%. Đa số học sinh vào học ở các trường này là con em tầng lớp quan lại, địa chủ và những nhà giàu có; còn tuyệt đại đa số con em nhân dân lao động không được đi học. Tỉ lệ mù chữ trong nhân dân tỉnh Thái Nguyên chiếm tới trên 95%, có dân tộc gần 100% số dân mù chữ, trình độ hiểu biết thấp kém.

Hưởng ứng lời kêu gọi chống “giặc dốt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ty Tiểu học vụ tỉnh Thái Nguyên và Ty Bình dân học vụ tỉnh đã được thành lập, đánh dấu sự ra đời ngành Giáo dục tỉnh.

Phong trào thanh toán nạn mù chữ do Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời trực tiếp tổ chức, chỉ đạo được phát động rộng khắp trong toàn tỉnh. Phong trào được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các địa phương, các ngành, các giới, các đoàn thể hưởng ứng nhiệt liệt. Cùng với việc thành lập Ban Bình dân học vụ, công tác chuẩn bị giáo viên, những đồ dùng dạy học tối thiểu cho các lớp “diệt dốt” cũng được xúc tiến rất khẩn trương. Các trường lớp được mở trong phong trào Truyền bá Quốc ngữ tiếp tục hoạt động.

Công tác tuyên truyền, cổ động cho khóa học, cho phong trào diệt “giặc dốt” diễn ra liên tục, với nhiều hình thức phong phú, sôi động khắp các phố trong thị xã, xuống các huyện lị, các làng xã. Các khẩu hiệu: “Đi học bình dân học vụ là yêu nước”, “Giặc dốt diệt, Việt Nam cường!”, “Chống nạn thất học cũng như chống giặc ngoại xâm”,… được viết trên tường nhà, nong, nia và bất cứ nơi nào có đông người qua lại. Tiếng loa tay mỗi sớm, mỗi chiều truyền vào từng nhà, từng ngõ xóm, kêu gọi đồng bào mau mau đến lớp học chữ. Nhiều hội viên Hội Truyền bá Quốc ngữ, học sinh đã học xong bậc Tiểu học, thanh niên, phụ nữ biết chữ, một số viên chức chế độ cũ,… đều sốt sắng ghi tên đăng kí tham gia dạy bình dân học vụ. Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cứu quốc, hội viên Đoàn Phụ nữ Cứu quốc, thành viên của Ban Việt Minh các địa phương hăng hái nhận nhiệm vụ tới các nhà giàu, chủ các đồn điền, chủ xưởng máy,… vận động họ cho mượn nhà, xưởng để mở lớp. Ở nhiều nơi, nhất là các vùng nông thôn, nhân dân xẻ gỗ làm bàn ghế, bảng đen mang ra đình làng để ngồi học. Một số nhà hảo tâm còn giúp tiền mua giấy, bút, phấn cho các lớp học (3).

2. Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đồng Hỷ đưa tôi đến thăm ông Cao Xuân Mai, 88 tuổi ở xóm Gò Chè, xã Huống Thượng, thành phố Thái Nguyên (trước tháng 11/2017 thuộc huyện Đồng Hỷ). Thật may mắn, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ xưa vẫn còn một “giáo viên” tham gia dạy bình dân học vụ mà vẫn mạnh khỏe, minh mẫn. Giọng ông vẫn sang sảng, hệt như không có dấu hiệu gì của tuổi tác. Ông kể lại rành rọt cái duyên được làm “thầy”, rồi chuyện vào bộ đội, nhờ có trình độ, biết tính toán nên được vào Xưởng Vô tuyến điện Đông Bắc thuộc Cục Thông tin, Bộ Tổng tham mưu, rồi được vào bộ đội cao xạ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, về tiếp quản Thủ đô, sau được cử đi học Báo vụ,… như thế nào.

Ông Cao Xuân Mai sinh năm 1933, vốn quê ở xã Giao Tín, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Ngày nhỏ, tầm độ 8 - 9 tuổi ông sống ở vùng mỏ Vàng Danh (nay thuộc Quảng Ninh) với người anh trai và được đi học ở đây. Ông cho biết, vào năm 1945, ông đã học hết lớp Dự bị (Préparatoire) theo chương trình giáo dục của Pháp thời bấy giờ (vẫn thường gọi là lớp 2 theo cách đếm lớp ở Việt Nam). Sau khi Nhật đảo chính Pháp (3/1945), ông theo anh về ở tại xóm Đảng, xã Huống Thượng (sau này xóm Đảng chia thành xóm Đảng và xóm Gò Chè, nhà ông giờ thuộc về xóm Gò Chè). Khi ấy, cả huyện Đồng Hỷ chỉ có một trường học, đó là Trường Tiểu học Pháp Việt bán cấp (trường này thành lập năm 1922 ở xóm Hóc, xã Huống Thượng và chỉ cách nhà ông độ một cây số). Cũng do nhà nằm gần trường học nên ông được tạo điều kiện học thêm lên lớp Sơ đẳng (Élémentaire) tức lớp 3.

Tác giả (bên trái), ông Nguyễn Ngọc Lâm (giữa) trò chuyện với ông Cao Xuân Mai

Ông Mai nhớ lại: Năm 1946, nghĩa là mới khoảng 13 tuổi, ông được chú Đặng Đình Kiện, Bí thư Chi đoàn, Tổ trưởng Bình dân học vụ xóm Đảng, xã Đồng Tiến(4) phân công tham gia dạy lớp Bình dân học vụ của xã. Chú Kiện nói: Theo chủ trương của Chính phủ và Hồ Chủ tịch, để xóa nạn mù chữ trong nhân dân, xã sẽ mở lớp Bình dân học vụ với tinh thần người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ. Đây là nhiệm vụ của cách mạng giao, cháu cố gắng hoàn thành.

Lớp học được đặt ngay tại nhà ông Phó Tơ (tên thật là Đặng Đình Khuê, anh trai của chú Đặng Đình Kiện), xóm Đảng. Trong lớp có bảng, phấn, 1 cái bàn to cho mọi người ngồi xung quanh. Lớp có khoảng 12 - 13 người và toàn ở độ tuổi thanh niên trở lên. Buổi tối thì có đèn dầu “hoa kỳ” để chiếu sáng. Dù mới ở độ tuổi thiếu niên, lại chưa bao giờ đứng trước đông người, nhưng nhớ lời dặn “đây là nhiệm vụ cách mạng”, nên ông Mai cũng không băn khoăn, e ngại, cứ hồn nhiên, nhiệt tình dạy cho mọi người cách đọc, viết, đánh vần, làm những phép tính đơn giản. Mọi người học rất say sưa, dù chỉ được học tranh thủ vào buổi trưa và buổi tối. Trong số học viên đó, có cả con gái ông chủ nhà Đặng Đình Khuê là cô Đặng Thị Tơ (bà Tơ sinh năm 1930, nay vẫn còn sống, lấy chồng ở xóm Thông, xã Huống Thượng). Ngày đó, dù ngay trên địa bàn xã có trường học (trường duy nhất của cả huyện), nhưng cũng chỉ con nhà giàu mới có điều kiện để đi học, và trường này cũng chỉ dạy con trai, nên phần lớn người dân vẫn bị mù chữ, nhất là phụ nữ. Theo cuốn sách Lịch sử Giáo dục Phổ thông của xã (do Hội Cựu Giáo chức xã Huống Thượng xuất bản năm 1996) cho biết: Trường Tiểu học Pháp Việt bán cấp huyện Đồng Hỷ đặt ở xã Huống Thượng chỉ có không quá 50 học sinh; tức là mỗi năm chỉ nhận đầu vào khoảng từ 15 đến dưới 20 học sinh.

Ông Mai nhớ lại: Ngày đó, ranh giới của huyện Đồng Hỷ kéo sang cả bên kia sông Cầu, mãi tận phố Cột Cờ ngày nay, nghĩa là tới chợ Thái bây giờ. Vậy nhưng không hề có cầu, mà người dân đi chợ hay sang thị xã, hoặc đơn giản là sang phần đất của xã ở bên kia sông (khu vực phường Túc Duyên ngày nay) chỉ có một cách duy nhất là qua đò Huống Thượng (bến đò cũng nằm gần với vị trí cầu treo Huống Thượng ngày nay). Khi phát động phong trào “Diệt giặc dốt”, xã chia đoạn dốc lên (xuống) đò thành 2 con đường chính, phụ song song. Con đường chính, khô ráo, sạch sẽ có dựng cổng hoa đàng hoàng, gọi là “cổng đẹp” dành cho ai biết đọc chữ, được cán bộ kiểm tra rồi mới cho qua. Ai không đánh vần được chữ thì phải đi sang đường phụ. Đường phụ cũng có cổng, nhưng được làm xấu và rải bùn với phân trâu, gọi là “cổng bẩn” dành người không biết chữ đi qua sau đó mới rửa chân rồi lên đò.

Sau 1 năm, lớp học “Bình dân” của “thầy” Mai đã hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả học sinh của lớp đều biết đọc, biết viết và tính toán đơn giản. Từ nay, mọi người sang thị xã sẽ không phải đi qua “cổng bẩn” để lên đò nữa!

Sau này, đến năm 1959 khi thành lập Hợp tác xã, do một số người ở địa phương không biết làm tính để cộng điểm, nên tôi lại tham gia dạy Bình dân một lần nữa” - ông Mai nhớ lại.

3. Thực hiện sự chỉ đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng, công cuộc chống giặc dốt, nhất là phong trào “Bình dân học vụ” đã thành công rực rỡ. Tại Thái Nguyên, tính đến đầu tháng 10/1947, trước khi thực dân Pháp mở cuộc tấn công lên Căn cứ địa Việt Bắc, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.220 lớp bình dân học vụ, với tổng số 1.038 giáo viên, giúp cho 21.045 người thoát nạn mù chữ. Đến tháng 6/1948 (thời điểm kết thúc năm học 1947 - 1948), chỉ xét riêng tiểu học, toàn tỉnh Thái Nguyên có 101 trường, trong đó có 19 trường cơ bản 4 lớp, 27 trường cơ bản 2 lớp, 55 trường hướng học, với tổng số 111 giáo viên và 5.776 học sinh (4.083 học sinh nam, 1.693 học sinh nữ)(5).

Ông Nguyễn Ngọc Lâm giới thiệu địa điểm đặt Trường Tiểu học Pháp Việt bán cấp huyện Đồng Hỷ tại xóm Hóc, xã Huống Thượng ngày nay.

Nối tiếp truyền thống 76 năm xây dựng và phát triển (1945 - 2021), ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Trung ương, địa phương về công tác giáo dục và đào tạo.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 684 cơ sở giáo dục (cấp học mầm non: 244 trường và phổ thông: 440 trường); 9 Trung tâm GDNN-GDTX; 1 Trung tâm GDTX cấp tỉnh; 1 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật cấp tỉnh. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành là: 21.040 (trong đó mầm non: 6.613; Tiểu học: 6.386; THCS: 5.382; THPT: 2.244; GDNN-GDTX: 415).

Tổng số nhóm/lớp trong toàn tỉnh là 10.562; tổng số học sinh các cấp học trong toàn tỉnh là 330.500 (trong đó: Cấp học Mầm non là 86.717; Tiểu học là 120.597; THCS là 76.420; THPT là 35.997 và GDNN-GDTX là 10.769). Tính riêng cấp trung học, toàn tỉnh có 193 trường THCS và 34 trường THPT.

Ngay trong “mùa Covid” 2020 - 2021, cùng với rất nhiều ngành phải vật lộn, ứng phó, ngành Giáo dục của tỉnh cũng đã có nhiều giải pháp để vượt qua, như điều chỉnh kế hoạch năm học, áp dụng công nghệ 4.0 để dạy/ học online v.v. toàn ngành đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học theo đúng khung kế hoạch.

Nhớ lại Mùa Thu Tháng Tám (1945) và phong trào chống “giặc dốt” từ ngày ấy để mỗi người càng thêm tự hào và phấn khởi. Tin chắc rằng, “giặc Covid” cũng sẽ bị chúng ta đẩy lùi như với “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm” năm xưa.

Trần Thép

--------

(1) Lịch sử Ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên (1945 - 2015), xuất bản năm 2020, tr.33.

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 4 (1945 - 1946). Xuất bản lần thứ hai, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 23, 24.

(3) Lịch sử Ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên... Sđd, tr.35.

(4) Tháng 2/1946, xã Huống Thượng sáp nhập với xã Huống Trung và Linh Nham thành xã Đồng Tiến. Tháng 10/1953, xã Đồng Tiến chia thành Đồng Tiến và Linh Sơn. Năm 1975, xã Đồng Tiến đổi tên thành xã Huống Thượng.

(5) Báo cáo đặc biệt về tình hình chính quyền trong tỉnh của Hội đồng Cứu quốc tỉnh Thái Nguyên. Kho Lưu trữ, Văn phòng Tỉnh ủy, tr.74, 75.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ơi con sông quê hương

Xem tin nổi bật 1 tháng trước