Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
14:45 (GMT +7)

Ký sự Budapest

VNTN - Đất nước Hungari từ thuở lập nước hơn 1000 năm nay, từ thời tăm tối Trung cổ đến lúc rạng rỡ của kỷ Ánh Sáng, đã trải qua những thăng trầm hệt như bao quốc gia khác. Những lúc cực thịnh, những kỳ suy tàn phải chịu cảnh nô lệ thuộc địa nhưng dân tộc này luôn giữ được khí phách anh hùng. Mới đây nhất, trong các cuộc Đại chiến ở thế kỷ XX, Hungary có lẽ là một trong những quốc gia chịu tổn thất lớn nhất, rồi đến sự tan rã của khối Xô Viết và các nước Cộng sản Đông Âu cũng khiến nước này phải chịu nhiều thiệt thòi. Hungary đã gia nhập khối Liên minh châu Âu. Năm 2017 mới đây, trong cuộc xung đột thế giới giữa các quốc gia Hồi giáo, Hungary lại một lần nữa được bàn luận trên chính trường quốc tế khi chính phủ Hung quyết định lập hàng rào bảo vệ lãnh thổ, không chấp nhận người tỵ nạn đến từ các quốc gia đang có chính biến. Nhưng đó là chuyện thời nay, xin hãy tạm gác lại bàn sau! Chúng ta hãy cùng theo khám phá chút lịch sử ngàn năm của đất nước vốn có nền văn hóa nghệ thuật nổi tiếng toàn cầu này.

Kỳ I:

Thăm thành phố Pest

Đã nghe và đọc khá nhiều về thành phố Budapest, thủ đô đất nước Hungary, vốn được ca tụng với nhiều mỹ danh như: tiểu Paris, Paris Đông Âu, Thành phố Ánh sáng của Đông Âu,… tôi thầm nuôi hi vọng sẽ có dịp ghé thăm. Và cơ may đã đến. Từ Paris sang Budapest chỉ mất chừng hơn hai giờ bay. Chúng tôi đã hạ cánh sân bay vào buổi hoàng hôn, vầng dương đỏ rực phía xa xa! Về đến thành phố thì khắp nơi đã bắt đầu lên đèn, điện sáng lung linh. Tuyệt vời! Tôi gặp lại những tòa nhà với kiến trúc thân quen của Paris! Ánh sáng từ đôi bờ sông Danube hắt bóng xuống dòng nước lấp lánh, rất nhiều những con tàu trắng du lịch bơi thong thả trên sông, đâu đó vẳng lên tiếng nhạc… Tất cả tạo nên một cảnh thần tiên như đang xem một buổi trình diễn tại nhà hát Moulin Rouge tại Paris…

Dạo sông Danube Budapest

Điểm độc đáo của Budapest là sự kết hợp của hai thành phố hoàn toàn tương phản nhau là Buda và Pest, nằm ở hai bờ sông Danube thơ mộng, được nối với nhau bằng rất nhiều cây cầu và mỗi cây cầu mang một vẻ đẹp riêng, trong các cây cầu đó, nổi bật nhất là cầu Xích mang vẻ đẹp tuyệt vời với 4 con sư tử đá lớn ngồi hai bên đầu cầu, Cầu Trắng hay còn được gọi là Cầu Elizabet, một nữ hoàng thời đế chế Áo - Hung. Thành phố Buda bên bờ trái được xây dựng trên một ngọn đồi với nhiều tòa lâu đài tuyệt đẹp, cổ kính. Bờ phải là thành phố Pest với những tòa nhà hiện đại hơn.

Sáng hôm sau mới thực sự đi thăm thành phố. Cảm nhận ban đầu về Budapest, đó là sự thâm trầm qua những nét cổ kính mang phong cách Đông Âu mà thuở xưa khi tôi xem những bộ phim Liên Xô và nhất là qua những câu chuyện cổ tích được đọc về các tòa lâu đài, các ngôi nhà với mái vòm nhọn, những tòa nhà trong băng tuyết và tiếng chuông nhà thờ văng vẳng ngân vang. Và có lẽ chính sự xen lẫn giữa những tòa nhà hiện đại với những dinh thự lộng lẫy tráng lệ cổ kính, những con tàu điện toa vàng cần mẫn chạy gây cảm giác hoài niệm, là điểm đặc biệt quyến rũ và thu hút khách thập phương của Budapest.

Tôi và con trai cầm máy ảnh và tản bộ. Thấp thoáng một ngôi nhà thờ ẩn sau vườn cây. Đó là Nhà thờ Thánh László. Điều đặc biệt khiến tôi quan tâm, đó là mọi thứ trong nhà thờ hầu như đều được trang trí bằng gốm sứ rất tinh xảo, các sự kiện tôn giáo từ ngàn xưa được tái tạo tuyệt vời dưới bàn tay khéo léo của các nghệ sỹ. Những bức tranh tường cũng thật là tuyệt vời. Mới sáng sớm nên nhà thờ rất vắng, do không hiểu những lời giải thích chỉ được viết bằng tiếng Hung nên chỉ đành ngắm những hình ảnh và hiện vật…

Cầu Xích

Có lẽ ít có nơi nào trên thế giới còn giữ được hệ thống tàu điện khá cổ xưa như ở Budapest. Những con tàu vàng ba toa chạy chầm chậm, cần mẫn len lỏi trên các khu phố. Có một lộ trình chạy dọc bờ sông Danube, khách lữ hành thỏa thuê ngắm cảnh sông nước và những tòa nhà, và thú vị nhất là khi tàu chạy qua trước Nhà Quốc hội Hungari. Tại đây, mẹ con tôi đã xuống để ngắm toàn bộ khung cảnh của một trong những tòa nhà lập pháp cổ kính nhất châu Âu, cùng với một quần thể kiến trúc nổi tiếng đẹp nhất thế giới, bởi cạnh đó còn có Nhà bảo tàng Dân tộc học và nhiều công trình tráng lệ khác. Được xây dựng mô phỏng theo nguyên bản Nhà Quốc hội Luân Đôn trong khoảng thời gian từ 1884 đến 1902 theo phong cách Gothic với 88 bức tượng trang trí, mặt tiền Nhà Quốc Hội soi bóng xuống dòng Danube, nhưng lối vào chính lại nằm ở Quảng trường bên cạnh, với những bức tượng oai phong, biểu tượng của sự anh hùng, tri thức và lòng nhân ái của dân tộc Hung. Nơi đây luôn có lính gác, và may mắn làm sao, lúc chúng tôi xuống tàu đúng vào lúc đổi phiên gác, những người lính nghiêm trang với cặp kính đen bồng súng trao đổi vị trí. Thật ấn tượng.

Budapest có rất nhiều tượng đài, khắp nơi, từ những nơi thoáng đãng trang trọng đến những góc khuất trong một góc vườn…

Vẫn tiếp tục chuyến thăm bên bờ tả Pest, đi bộ dọc theo những con phố, ta sẽ đến Quảng trường Tự do thoáng đãng nằm giữa những tòa nhà đồ sộ và khá cổ, cạnh đó còn có một tượng đài khác nhỏ hơn, dành tưởng niệm những nạn nhân người dân Do Thái bị đày đi các trại tập trung của Đức Quốc Xã hoặc chết trong cuộc tàn sát này. Tại đây, ta được chứng kiến nhiều kỷ vật mà người thân của các nạn nhân hoặc ai đó đã đem đến trưng bày. Đó là những bức thư, những tấm ảnh, hay còn cả những chiếc áo, chiếc giày hoặc va li rách… các đồ vật ấy là những bằng chứng tố cáo tội ác man rợ của đế chế Đức Quốc xã. Nơi đây luôn có khách lữ hành đến từ khắp nơi trên thế giới, lặng ngắm nhưng kỷ vật còn sót lại... Cũng theo dòng sự kiện này, khi đi dạo bên bờ sông Danube, ta còn thấy những chiếc giày được đúc bằng sắt, gắn vào thành bê tông ven sông. Chuyện kể rằng vào một mùa đông trong thời gian diễn ra Đại chiến Thế giới thứ II, Đức Quốc Xã cho chở hàng xe tải người Do Thái đến cầu, rồi bất ngờ mở thùng xe và nghiêng thùng, đổ ào những con người bất hạnh xuống dòng sông lạnh đang chảy siết... Nhân loại sẽ không bao giờ quên những tội ác thấu tận trời cao ấy!

Tiếp tục con đường chúng ta sẽ đến Thánh đường lớn của thành phố Pest mang tên Szent István Bazilika!

Đã thăm nhiều nhà thờ và thánh đường tại Pháp, thăm tòa thánh Vatican tại Roma nhưng nơi đây khiến tôi ngây ngất trước những bức tranh tường tuyệt vời trang trí trên khắp mái vòm nhà thờ. Đến nơi, đúng buổi lễ nên nhà thờ rất đông con chiên, khách lữ hành đi nhè nhẹ và thì thầm rất khẽ. Nhà thờ đông ứ người, nhưng ta không hề nghe thấy tiếng ồn, mà chỉ vọng lên tiếng hát thánh ca và lời Cha làm lễ. Người ta nói rằng sẽ gặp may khi ta bất ngờ đến thăm Nhà thờ mà lại rơi đúng vào buổi cầu nguyện có cha xứ làm lễ, tôi không phải là con chiên Công giáo nhưng hi vọng mình sẽ là người may mắn…

Theo thiết kế ban đầu, Thánh đường Szent István sẽ được xây dựng theo phong cách Tân - Cổ điển, chốn thiêng này sẽ trở nên điển hình nhờ kiến trúc đa dạng phong phú và tầm vóc đồ sộ của mình. Được khởi công xây dựng năm 1851, sau nhiều biến cố do kiến trúc sư trưởng qua đời và sự sụp đổ của mái vòm vào năm 1868, ban lãnh đạo đã quyết định thiết kế lại mái vòm theo phong cách Tân - Phục Hưng. Và Thánh đường được chính thức khánh thành vào năm 1938, với sự có mặt của Hoàng đế François-Joseph đệ I, nhân dịp 900 năm ngày mất của István (Thánh Stefan). Cùng với Nhà Quốc hội, đây là tòa nhà cao nhất của thành phố Budapest với độ cao 96 mét, và là chốn thiêng lớn thứ 2 của đất nước sau Thánh đường Esztergom, có sức chứa đến 8500 người.

Bên trong nhà thờ được trang trí bằng những bức tranh ghép hình, tranh tường và những bức tượng chạm trổ của những nghệ sỹ Hung danh tiếng như Mór Than, Bertalan Székely, Gyula Benczúr, Károly Lotz…

Một trong những phòng nguyện nơi đây đang lưu giữ một thánh tích quan trọng nhất của Hungari: Sainte Dextre. Thánh tích này được cho là cánh tay phải của đức Vua István/Stefan, Đấng quân vương đầu tiên sáng lập quốc gia Hungari. Ngài qua đời vào ngày 15 tháng Tám năm 1038 và đã được phong Thánh István, ngày 15 tháng Tám năm 1083. Ngay từ khi ấy, bàn tay phải thanh liêm được tìm thấy của ngài đã được dân tộc Hung sùng bái. Số phận của Thánh tích này cũng rất ba đào: người ta đã giữ bàn tay ấy tại Bihar (Transylvanie) ở Raguse, sau đó chuyển đến Vienne và được đưa về Buda vào năm 1771. Thánh tích lại được đem sang Tây Âu vào năm 1944 và chỉ trả lại cho Hungari vào ngày 19 tháng Tám năm 1945.

Dàn Orgue trong Thánh đường cũng xứng đáng để ta ghi nhận. Được xây dựng và thiết kế rất công phu. Dàn này được József Angster (1834 - 1918) - thành viên sáng lập Hội đàn Orgue Cavaillé - Coll Paris, sáng tạo cùng với người thợ đàn Orgue của ông. József Angster đã nghiên cứu trong suốt ba năm và thiết kế dàn đàn dựa theo những quy tắc cơ bản. Đàn gồm 450 thành phần, được sản xuất năm 1905, với ba cuốn sách hướng dẫn sử dụng và 65 thanh ghi âm với các đường khí nén. Nhà/hộp đàn được József Kauser thiết kế và thực hiện. Vào năm 1932, Angster mở rộng lên 4 cuốn sách hướng dẫn và 76 thanh ghi âm, với một máy kéo điện khí nén. Vào năm 1938, nhà máy đàn Organe Rieger sản xuất một bàn chơi đàn mới, chuyển những động cơ gió thành một hệ thống hiệu chỉnh và tăng bộ thanh ghi âm lên 79. Sự phục chế toàn bộ hệ thống dàn orgue đã bắt đầu từ năm 1993 với sự tham gia của các thợ đàn Orgue Váradi és Fia ở Budapest.

Buổi lễ và thăm viếng kết thúc, quay lại bờ sông Danube, đi dạo trên con đường dành cho khách bộ hành bên bờ Pest. Chiều cuối hè không khí dịu mát, khách bộ hành tấp nập. Những sân quán cà phê rất đông khách. Chúng ta sẽ gặp tại đây rất nhiều ban nhạc nhỏ. Chỗ chơi trong quán cà phê, nhóm khác lại ngồi chơi thoải mái trên vỉa hè. Những bản nhạc réo rắt trầm bổng như níu chân khách lãng du. Nếu gặp may, ta còn gặp những thiếu phụ hoặc các bà cụ già diện những trang phục truyền thống Hung quốc đa sắc rất bắt mắt.

Nhà thờ Thánh Stefan

Khi hoàng hôn buông xuống, toàn thành phố đôi bờ sông Danube, cả những cây cầu đều bắt màu sáng vàng nhạt, lấp lóa, đây là lúc bắt tàu đi dạo trên sông. So với một chuyến dạo thuyền Mouche trên sông Seine, giá thành bao gồm cả ăn uống và ban nhạc phục vụ trong chuyến đi này khá rẻ. Đêm buông và tàu rời bến. Cảnh vật trở nên lung linh huyền ảo khác thường với muôn vạn ánh đèn đa sắc màu tỏa ra từ những tượng đài, các dinh thự lộng lẫy và những cây cầu đồ sộ, những công trình nguy nga, tráng lệ hai bên bờ. Đẹp nhất có lẽ lúc tàu chạy qua trước cửa Nhà Quốc hội, mà nhìn từ xa, tòa nhà lộng lẫy như bồng bềnh bên mép nước, hắt bóng xuống dòng sông đang gợn sóng mênh mang! Cũng như sông Seine ở Paris, đôi chỗ trong lòng Danube ở Budapest có nổi lên những hòn đảo xum xuê, tiếp tục chia dòng sông thành hai nửa. Sau chừng hai giờ, tàu bỏ rơi thành phố tráng lệ để đến nơi mà đôi bờ đã có nhiều cây mọc chằng chịt, bỗng thấy giống như sông Hương và nhớ Huế quay quắt, cũng làn nước sóng sánh sáng và đôi bờ le lói những tia sáng phát ra từ những ngôi nhà nhỏ ven sông…

Khi quay về, ta chứng kiến những cây cầu bắc qua sông, được chiếu sáng bằng những hệ thống tuyệt mỹ. Kỳ vỹ nhất là Cầu Xích (tiếng Hung Széchenyi lánchíd), Cầu Tự Do (Szabadság híd. Cầu Xích là cây cầu treo đầu tiên và cũng là cây cầu đẹp nhất được xây dựng nối liền giữa hai bên thành phố Buda và Pest. Hai bên đầu cầu ta có thể nhận ra ngay qua hình ảnh của hai chú sư tử oai phong dũng mãnh, với ý nghĩa để bảo vệ cây cầu và hai bên thành phố. Ban ngày, dạo bộ qua cây cầu này ta có thể thỏa thuê ngắm nhìn vẻ đẹp tráng lệ hai bên của Budapest. Bắt đầu được Adam Clark, ngưới xứ Ê-cốt là Tổng Giám sát công trình xây dựng từ năm 1839 theo dự án của Bá tước István Széchenyi, dài 360 mét và có hai trụ đỡ, đây là một kỳ tích kỹ thuật của thời kỳ đó và các kỹ sư dân sự đã theo dõi tiến trình xây dựng này rất sát sao. Đây là cây cầu thường trực đầu tiên của đoạn sông Danube chảy qua Hungari và là biểu tượng của Budapest. Các chuỗi xích sắt nung và các bộ phận gang đúc được sản xuất tại Anh và được chuyển đến Budapest theo đường thủy. Cây cầu được khánh thành vào ngày 20 tháng 11 năm 1849. Ai qua đây cũng phải trả lệ phí. Có giai thoại kể rằng nhà tạc tượng János Marschalkó, người thực hiện những con sư tử đá đặt ở hai đầu cầu đã nhảy xuống sông tự vẫn bởi ông đã quên không làm lưỡi cho sư tử. Nhưng trên thực tế, chúng vẫn có lưỡi chỉ có điều rất khó phát hiện vì lưỡi nằm sâu bên trong.

Lên khỏi tàu thì trời đã vào đêm, dân Budapest ít thích dạo đêm hơn dân Paris nên các con đường đã trở nên khá vắng vẻ. Cảnh đêm yên tĩnh mộng mơ lại là chủ đề cho một câu chuyện khác…

Hiệu Constant

Paris 12/2018

(Còn tiếp)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước