Ký sự Budapest (Kỳ III) Thăm thành phố cổ Visegrád và Cộng đồng Việt tại Hungari
VNTN - Thăm thành phố cổ Szentendre và Visegrád
Rời sự ồn ào náo nhiệt của Budapest để tiếp tục chuyến viếng thăm Hunggari, lộ trình đưa chúng tôi đến Szentendre, một thành phố cổ kính nổi tiếng với các nhà bảo tàng, các phòng tranh và những nghệ sỹ.
Gối mình bên bờ sông Danube, nhờ vị trí địa lý thuận tiện và vẻ quyến rũ của mình, thành phố này đã nhanh chóng thu hút khách du lịch. Đi dạo ở đây, tôi có cảm giác như thời gian ngừng trôi với sự hiện diện những tượng đài, nhà thờ, những con hẻm nhỏ lát đá hộc vắng người qua lại. Những ngôi nhà thấp cổ kính, những khuông cửa rất nhỏ, mang dáng vẻ hoài niệm thâm trầm khiến tôi nhớ đến thành phố Hội An hoặc Làng cổ Đường Lâm của Việt Nam, với những hình ảnh còn lưu giữ được từ những năm tháng xưa kia. Ngay cả trên con phố chính rất đông khách, nhưng không có sự náo nhiệt. Có rất nhiều những cửa hiệu bán đồ lưu niệm Made by hand rất tinh xảo và đặc biệt.
Cảnh tái tạo lại cuộc gặp gỡ Hoàng gia năm 1335 tại Visegrad
Theo lịch sử thành phố, nơi đây không ngừng là địa chỉ dừng chân của dân nhập cư, và điều đó còn ẩn hiện qua văn hóa xứ này. Ta có thể dễ dàng tìm thấy hình ảnh nào đó của xứ Ban-căng, Hi Lạp, Đức… Do vậy, nền kiến trúc của thành phố này mang phong cách Ba-rốc, cũng như các nhà thờ, thánh đường hay chốn thiêng của rất nhiều Tôn giáo khác nhau.
Sự ham muốn khám phá đưa chúng tôi đến thăm thành phố cổ Visegrád, cách Busapest chừng 60 Kilomet. Thành phố hiện ra với những bức tường thành cổ kính rêu phong mà nhiều chỗ đã bị thời gian bào mòn. Những bức tường dày đến cả mét. Theo sử sách, có thể coi nơi đây là trại quân đội của đồi Sibrik hệt như tổ tiên La Mã (Pone Navata) của thành phố Visegrád. Nơi đây được người Slaves xây dựng và sinh sống nhưng dân cư thưa thớt, sau đó họ bỏ đi. Ít lâu sau được các lực lượng quân sự Geza chiếm đóng vào những năm 970. Vào năm 1009, văn bản đầu tiên đã nêu đây là một thủ phủ được vua Stefan thành lập. Hệ thống pháo đài và thành trì đã được vua Hungari Béla IV (1206 - 1270) và hoàng hậu Marie xây dựng kiên cố sau lần bị quân Mông Cổ xâm chiếm trong giai đoạn 1250 - 1260. Sau đó, vào năm 1323, vua Charles Robert de Hungari đã dời đô đến Visegrád, và xây dựng tại đây một cung điện hoàng gia. Chính tại cung điện này vào năm 1335 đã diễn ra một sự kiện vô tiền khoáng hậu, đó là vua Hungari đã mời được vua Ba Lan, và vua Bohêm cùng ngồi vào bàn để ký một Hợp tác Liên minh. Hiện giờ, tại đây, nhờ Ủy ban thành phố đã tái tạo lại nguyên trạng những hình ảnh đã diễn ra ngày đó bằng những bức tượng thu nhỏ, lúc lại lớn như người thật mà chúng ta ít nhiều hình dung được quang cảnh gặp gỡ của các Hoàng gia khi xưa. Với những hình nhân tái tạo cảnh sinh hoạt cung đình, các điệu khiêu vũ của Vua và Hoàng hậu trong nền nhạc dìu dặt, khung cảnh thật ấn tượng. Trong thế kỷ sau đó, vua Matthias Corvin đã mở rộng cung điện, thêm vào những cảnh trí của thời Phục Hưng Italia. Năm 1483, một đại sứ của tòa thánh Vatican khi quay về Roma đã nói về Visegrád và gọi nơi đó là Thiên đàng dưới Hạ giới. Nơi đây được sử dụng là nơi ở của hoàng gia tại vùng nông thôn cho đến tận cuộc chinh phạt xâm chiếm lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1544. Sau hàng chuỗi các cuộc chiến tranh liên miên từ thế kỷ XVI, XVII và sự chiếm đóng của Thổ Nhĩ Kỳ, lâu đài Visegrád bị hoang tàn đổ nát. Và chỉ vào giữa thế kỷ XIX, nơi đây và vùng lân cận lại mới bắt đầu thu hút được sự chú ý. Người ta muốn biến nơi đây thành một tụ điểm du lịch, một nơi nghỉ mát.
Năm 1991, sau khi chế độ Xô Viết sụp đổ, các nguyên thủ quốc gia của Tiệp Khắc, Ba Lan và Hungari đã nhóm họp và đã chọn địa điểm lịch sử của cuộc họp mặt vào năm 1335 xưa kia để ký một Hiệp ước hợp tác. Ba quốc gia này, trở thành bốn sau khi Tiệp Khắc bị tách thành hai quốc gia là Slovaquie và Cộng hòa Séc, lập thành Nhóm Visegrád hay còn gọi là V4, một liên minh kinh tế đánh dấu những cố gắng du nhập của họ trước khi gia nhập vào Liên minh châu Âu.
Đến thăm thành phố Visegrád hôm nay, ngoài những hình ảnh được tái tạo trong lâu đài cổ, chúng ta còn được chứng kiến những giếng nước cổ, đã được đậy lại và có hàng rào sắt bao quanh, những thành quách đổ nát, những vinh quang một thời giờ chỉ còn lại những vết tích. Có lẽ đang được tu tạo nên xung quanh ngổn ngang những nguyên vật liệu xây dựng. Nhìn cảnh tượng ấy, tim tôi nhoi nhói khi nghĩ đến những lần ghé thăm thành Nội ở Huế và các lăng tẩm của các vua đời Nguyễn…
Chắc không phải vô tình mà các bậc đế vương đã chọn nơi đây làm cung điện. Tương truyền rằng khúc sông Danube chảy dưới chân đồi kia, khi qua đây đã tạo thành khúc rẽ đẹp nhất trong suốt hành trình của nó. Từ trên cao, ta nhìn thấy khúc sông mềm mại lượn hình vòng cung rồi mới lại tiếp tục chạy theo đường thẳng ở phía xa xa. Thường xuyên có những chuyến tàu khổng lồ màu trắng chở khách du lịch đường thủy, mà nhìn từ xa, chúng nhỏ bé như những cánh bướm chập chờn trên làn nước xanh thẳm. Đôi bờ là các thành phố làng mạc trù phú, thấp thoáng những tòa lâu đài khác.
Cộng đồng người Việt ở Hungari
Trong lúc đi dạo với Nguyễn Thị Thu Thủy, một kiều bào Việt hiện đang sinh sống tại Singapore, gần Thánh đường Stéfan, mắt tôi chợt va phải một cái tên thân quen: Quán Nón. Đó là một quán bán những món thuần Việt như phở, bún chả, bún nem... Sự trang trí của chủ nhà hàng khiến tôi xúc động. Trên tường được viết những câu thơ về công ơn cha mẹ sinh thành bằng tiếng Việt. Và hệt như cái tên của nó, những chiếc nón lá trắng của Việt Nam giăng giăng khắp nơi. Tôi đói, nhưng hôm đó tôi đã ăn bằng mắt nhiều hơn và có lẽ những dòng cảm xúc khiến tôi mau no bụng!
Không đông và lâu đời như cộng đồng người Việt tại Pháp, Hungari có khoảng hơn 5000 người Việt và đa phần đến từ những năm 80 của thế kỷ trước, chủ yếu sinh sống và làm việc tại Budapest. So với các cộng đồng Việt ở Đông Âu khác như Séc, Ba Lan, Nga, Đức… thì người Việt ở Hung ít hơn nhiều. Nhìn chung là thuần phác, đoàn kết, ít tham gia vào các hoạt động lớn của nước sở tại, nhất là chính trường. Cuộc sống của họ thanh bình, có lẽ cũng nhờ an ninh tốt.
Người Việt tại Hung phần đông là kinh doanh trong các trung tâm thương mại hoặc có những siêu thị nhỏ riêng biệt trong các thành phố. Cộng đồng cũng có đủ các hội đoàn như Hội Trí thức gồm hơn 50 thành viên có trình độ tiến sỹ trở lên, có 4 giáo sư và 8 phó tiến sỹ. Ngoài ra còn có Hiệp hội người Việt, Hội Phụ nữ Việt, Hội Cựu chiến binh Việt, Hội Người cao tuổi Việt...
Thành phố cổ Szentendre
Bù lại, các phong trào thể thao như bóng bàn, quần vợt và golf… của người Việt thì phát triển khá mạnh. Các cháu Việt Nam rất thành công trong các kỳ thi tuyển tài năng âm nhạc ca hát. Tại Budapest có trường chuyên Radnóti nổi tiếng, ở đó có tới gần sáu chục học sinh Việt Nam. Cũng có chừng vài trăm sinh viên Việt Nam du học tại các trường Đại học ở thành phố Debrecen. Được biết có người Việt đã trở thành tỉ phú nhờ sản xuất món bún trắng.
Tôi chưa có dịp được tham gia vào bất kỳ sinh hoạt nào của Cộng đồng Việt tại đây, nhưng đã được một số bạn bè đón tiếp rất nồng nhiệt. Nhà thơ - dịch giả Giáp Văn Chung, quê ở Bắc Giang; bác sỹ Nguyễn Lam Thủy quê ở Nghệ An, mà tôi đã có dịp làm quen trong một số lần được mời về dự các Hội nghị Quốc tế do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, hoặc Giáo sư Toán học nổi tiếng Bùi Minh Phong mà tôi đã hân hạnh được làm quen trong đợt được về thăm Trường Sa.v.v..
Có thể nói dịch giả Giáp Văn Chung và phu nhân là những người cực kỳ hiếu khách, chúng tôi đã được anh chị ấy đón tiếp. Theo bạn bè cho biết, nhà anh chị hệt như một trạm trung chuyển của các đoàn khách đến từ Việt Nam hay các quốc gia khác đến thăm Đông Âu… Trong lần viễn du này, thật tiếc, tôi đã không gặp được Giáo sư Bùi Minh Phong, do anh về Hà Nội dự một Hội thảo Khoa học.
Tại thành phố Budapest này, tôi đã có cuộc tái ngộ với một người bạn cùng học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), bạn tên Nguyễn Hồng Nhung, quê ở thành phố Vinh. Chúng tôi cùng vào trường và cùng ở ký túc xá Mễ Trì từ năm 1989. Ra trường, chúng tôi bặt tin nhau. Tình cờ tôi được biết bạn đang sinh sống tại Budapest. Tôi đã gọi điện và bạn đã đến. Gần ba chục năm mới gặp lại, không nói thì các bạn cũng hình dung sự mừng tủi của chúng tôi. Thân viễn xứ, gặp một người Việt là xúc động rồi, huống chi lại là bạn học cũ! Về bề ngoài, bạn hình như vẫn thế, nhưng tâm thức và trí tuệ đã trưởng thành hơn rất nhiều. Cuộc sống thành công khi tha hương khiến con người ta có trái tim rộng mở và thấu hiểu hơn nhiều. Tôi gặp lại bạn Nhung tại một thành phố không phải là Tổ quốc mình, nhưng thiết nghĩ hệt như Paris đối với tôi, thì Budapest đối với bạn cũng như với cộng đồng người Việt tại đó cũng đã trở nên thân quen và yêu thương đến nhường nào!
Sẽ còn nhiều nơi để thăm và chuyện để kể về chuyến viễn du tại đất nước Hungari xinh đẹp và thành phố mộng mơ Budapest, nhưng đó sẽ là chủ đề cho những dịp khác. Tôi sẽ còn quay trở lại để tiếp tục khám phá đất nước rất phong phú về lịch sử cũng như văn hóa nghệ thuật này!.
Hiệu Constant
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...