Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
13:34 (GMT +7)

Ký sự Budapest (Kỳ II): Thăm thành Buda và một số nơi khác

VNTN - Thăm Budapest, ta không thể bỏ qua ba cây cầu: Cầu Xích, Cầu Tự do, Cầu Trắng. Ba cây cầu này có những kiến trúc hết sức độc đáo và rất khác nhau.

Phần trước đã nói đến Cầu Xích. Bây giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về lịch sử của cặp Cầu Trắng (Elizabet) và cầu François Josephe (sau này được đổi thành Cầu Tự do), nằm song song nhau. Cặp cầu này mang tên Hoàng đế Áo và Hoàng hậu, đều được khởi công xây dựng cùng năm 1894 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm đất nước Hung. Theo dự án của János Feketeházy. Cây cầu mang tên Hoàng đế Áo François Josephe dài 333,6m và rộng 20,1m. Trên đỉnh các cột được trang trí bức tượng đồng của loài chim Turul khổng lồ, hơi giống chim ưng, rất quan trọng trong thần thoại Hungari cổ đại. Đặc điểm dị biệt của cây cầu là được sơn màu xanh lục hoàn toàn. Kiến trúc kim loại nên đã khiến không ít người thoạt nhìn đã bị nhầm tưởng đây là công trình của nhà kiến trúc xây dựng Effeil, một người Pháp lừng danh đã thực hiện tháp Ép - phen của Paris và cây cầu Long Biên của Hà Nội Việt Nam.

Quảng trường Anh Hùng

Cầu Trắng rất duyên dáng với hàng ngàn dải cáp mảnh màu trắng. Trong chiến tranh đã bị quân Đức Quốc xã đặt mìn phá hủy trước khi rút đi vào ngày 18 tháng giêng năm 1945 và cây cầu hiện tại được tái kiến thiết vào năm 1964, nhưng hẹp hơn. Cầu cũ theo sơ đồ ban đầu của Pál Sávoly là bản thiết kế cầu treo dạng này đầu tiên ở trung Âu và không phải không có những điểm yếu. Khi được tái kiến thiết, cây cầu đã được nhà thiết kế Nhật Bản nổi tiếng Motoko Ishii đảm trách hệ thống chiếu sáng đặc biệt khiến cầu được tăng thêm nhiều phần mĩ miều vào buổi tối. Chuyện kể rằng chính phủ Nhật Bản thời ấy đã đóng góp tới 120 triệu forint, tương đương 450.000 Euro để ủng hộ số chi phí cho dự án này, còn Thành ủy Budapest mở ví chi trả 150 triệu Forint. Từ chục năm nay, nơi đây thường là điểm tập hợp các cuộc mít tinh biểu tình chính trị của dân chúng để phản đối chính phủ Hung mỗi khi có sự bất bình.

Từ bên Pest, băng qua cây Cầu Xích là ta có thể đến được khu Buda, hay còn nói là thành cổ Buda, bên Buda cũng là nơi hội tụ của nhiều trường Đại học danh tiếng của Hungari. Từ trên cầu ta đã có thể ngắm toàn cảnh. Tuyệt đẹp.

Khu thành cổ lừng lững hiên ngang gồm Dinh Tổng thống, Cung điện hoàng gia Hungari, Pháo đài thành quách và Nhà thờ. Nơi đây gồm một quần thể kiến trúc rộng lớn, ngự trên đồi cao tựa như một vọng lầu quay ra sông Danube. Cũng hệt như các thành phố cổ trên toàn thế giới, tại đây có những con đường nhỏ hẹp lát đá như ghi dấu thời gian, và tất cả mọi sửa chữa cơi nới những tòa nhà được chính quyền sở tại xem xét rất gắt gao. Những con phố nhỏ, những ngôi nhà cổ với những khuông cửa gỗ rộng là nhân chứng một thời oanh liệt của chốn này. Có nhiều con đường nhỏ hướng ra các địa điểm tham quan như: Thánh đường Mathias (tiếng Hung: Budavári Nagyboldogasszony - templom), Pháo đài cổ (Halászbástya) - nơi này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Từ đây, chúng ta có thể lia mắt ngắm nhìn toàn cảnh bên thành phố Pest, còn phía bên kia sẽ là các thung lũng và những thành phố khác...

Để lên được trên cao, nếu không muốn dùng hệ thống đường cáp treo hoặc xe buýt, chúng ta có thể nhẩn nha trên những con đường bậc thang dẫn lên đỉnh đồi. Đi bộ, ta có thể được ngắm Pháo đài cổ dưới nhiều góc cạnh, rất thú vị. Có cả những đường hầm ngầm xuyên núi. Ngoài ra hai bên đường có rất nhiều cây lớn và các loài thảo mộc, tôi hình dung vào mùa xuân hoa nở, nơi này sẽ rực rỡ sắc màu, kỳ hoa dị thảo! Chiêm ngưỡng thành phố, chúng ta không chỉ thấy những tòa nhà rất cổ, mà còn có nhiều các cửa hiệu, nằm khiêm tốn nhưng bên trong là những thứ mà hình như rất ít bị Toàn cầu hóa, bởi đa phần là những đồ thủ công, made by hand.

Nhà thờ Gốm Sứ thờ Thánh László

Nhà thờ Matthias với phần mái đa sắc rất hoàn mỹ, phần kiến trúc cũng vô cùng độc đáo, khiến tôi phần nào nhớ đến hình ảnh Thánh đường Đức bà Paris và một số Thánh đường lớn khác. Đây là một nhà thờ thuộc Công giáo La mã nằm ở thủ đô Hungari. Để có được nhà thờ tráng lệ như ngày nay, nơi đây đã qua nhiều thời kỳ xây dựng và tái tạo, mà nền tảng đầu tiên đi ngược lên thế kỷ XI. Theo sử sách thì nhà thờ Matthias được khởi công xây dựng theo phong cách kiến trúc Ro-man dù hiện nay không còn bất kỳ vật tích nào. Thánh đường hiện nay được xây dựng theo phong cách Gothique vốn thịnh hành vào nửa sau của thế kỉ thứ 14 và được tu sửa vào cuối thế kỷ XIX. Nhà thờ Matthias được coi là nhà thờ lớn thứ hai từ thời trung cổ của Buda.

Kế đến là Pháo đài cổ. Đây là một địa danh sở hữu vẻ đẹp tinh tế nhất trong tất cả các danh lam thắng cảnh của thành phố Budapest. Pháo đài cổ được kiến trúc sư nổi tiếng Frigyes xây dựng vào những năm 1905. Bảy tòa tháp màu trắng sáng lấp lánh là biểu tượng đại diện cho người thuộc bộ lạc Magyar lấn vào khu vực Carpathi xây dựng từ cuối thể kỷ thứ IX. Phía trước pháo đài là một bức tượng cưỡi ngựa trang trí rất công phu của Vua/Thánh Stefan được nhà điêu khắc Alajos Strobl thực hiện rất tỉ mỉ.

Rời Pháo đài nằm ở phía bắc quả đồi, chúng tôi đi xuống khu phía nam thăm Cung điện Hoàng gia. Đây cũng là một quần thể, nhân chứng của những hoạt động kiến trúc kéo dài trên dưới sáu trăm năm. Nhà bảo tàng lịch sử Budapest chiếm một phần trong quần thể này cũng như Thư viện Quốc gia Széchényi và Trung tâm lưu trữ tất cả những tư liệu về đất nước Hung, đây là Thư viện quan trọng nhất. Cũng tại đây sẽ thấy đài phun nước của vua Matthias (1443 - 1490), đây là một trong những đấng quân vương vĩ đại nhất trong lịch sử quân chủ Hungari. Ngài đăng quang năm 1458 khi mới 15 tuổi và nổi tiếng là một vua anh minh và đầy lòng nhân ái. Đã có rất nhiều giai thoại và truyền thuyết dân gian liên quan đến ngài. Chuyện kể rằng vua Matthias rất thích cải trang làm dân thường đi vi hành hoặc săn bắn. Một hôm, ngài cải trang đi săn cùng đoàn tùy tùng. Mệt mỏi sau một ngày cưỡi ngựa, nhà vua dừng nghỉ tại nhà của một người gác rừng và dùng bữa. Và ngài đã mê đắm ái nữ của người gác rừng này và ngược lại, người đẹp LLonka cũng say mê người thợ săn xa lạ kia! Chàng chỉ nói với nàng rằng mình ở thành Buda, nếu có dịp cô ghé thăm. Con tim trinh trắng dịu hiền lần đầu biết yêu đã thúc đẩy nàng đến Buda tìm chàng, nhưng thật bất hạnh, nàng đến nơi đúng vào dịp vua diễu hành cùng triều thần, trở về sau một chiến trận vinh quang. Nàng nhận ra chàng thợ săn hôm nào nhưng chàng thì không thể nhận ra nàng đứng lẫn trong đám thần dân. LLonka trở về nhà với một trái tim tan nát vì thất vọng, không thể tin vào một tình yêu ngang trái và nàng chết vì buồn tủi. Khi chàng quay lại tìm nàng để rước về cung điện hoàng gia thì đã quá muộn… Đài phun nước mà chúng ta được chứng kiến tại đây ngày nay đã ghi lại câu chuyện này.

Cũng bên phía thành Buda là đồi Gellért (Gellért-hegy). Nằm đối diện với Cầu Trắng, nơi đây nổi bật với những tường thành trì cổ và nhất là bức tượng Nữ thần Tự do, hai tay đỡ cành cọ mà hình như đứng ở bất kỳ khu vực nào trong thành phố Budapest thì đều có thể nhìn thấy. Quả đồi này mang tên một đức Giám mục, ngài Gellért người Venise, Italia. Vị tu sỹ này được đức vua Hungari đầu tiên, vua Stéfan, triệu tập đến để giúp Quân vương chuyển đổi một dân tộc mà thời ấy đa phần vẫn còn là vô thần sang Công giáo. Truyền thuyết kể rằng nhân một cuộc nổi dậy của người vô thần vào năm 1046, đức Giám mục đã bị quân địch bắt và nhốt vào một cái thùng, bên trong cắm đầy đinh nhọn và chiếc thùng bị đẩy từ trên đỉnh cao quả đồi xuống dòng Danube. Sau này, ngài đã được phong Thánh. Hiện nay, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng một bức tượng đồ sộ về ngài nổi bật trên sườn đồi, đối diện cây Cầu Trắng.

Qua một số những con đường ngoằn ngoèo, lên được đỉnh đồi, nơi tọa lạc của bức tượng Nữ thần Tự do (Szabadság - szobor). Đây là một tác phẩm của Zsigmond Strobl Kisfaludi có niên đại từ năm 1947, được dựng lên để ghi nhận sự giải phóng thành phố Budapest của những đoàn quân Xô - Viết. Thấp hơn, ở hai bên là hai bức tượng khác. Một bức “Chiến thắng Rồng”, biểu tượng cho cuộc chiến đấu chống sự hủy diệt, còn bức kia là phúng dụ của sự tiến bộ, được đại diện bằng một người đàn ông giơ cao ngọn đuốc. Từ ngọn đồi này, ta có thể ngắm bốn phía của toàn thành phố và những khúc sông quanh co của dòng Danube chảy qua Budapest.

Cũng tại đồi này, phía sau tượng Nữ thần Tự do còn có tòa thành cổ mà người Áo đã cho xây dựng tại nơi mang tính chiến lược rất quan trọng này sau khi diễn ra sự đàn áp cuộc chiến tranh giành độc lập của người Hung vào những năm 1848 - 1849. Trên các bức tường thành này còn lưu lại nhiều vết đạn lỗ chỗ mà từ xa, bằng mắt thường ta cũng có thể nhận ra, đó là vết tích của hai cuộc Đại chiến Thế giới diễn ra trong thế kỷ XX. Hiện nay, một phần nơi đây đã thành nhà bảo tàng, khách sạn và nhà hàng với những khoảng không gian rộng thoáng mênh mông.

Chúng tôi cũng ghé thăm một nơi khác nữa của thành phố, đó là Quảng trường Anh hùng (Hősök tere). Đây là một trong những địa điểm quan trọng của Budapest. Quảng trường nằm ở cuối đại lộ Andrássy, được UNESCO công nhận di sản thế giới từ năm 2002 với một cột trụ lớn nằm chính giữa và dãy cột hình bán nguyệt nằm hai bên. Công trình này được xây dựng để tôn vinh vai trò vỹ đại của các vị lãnh tụ Hungari ngay từ những ngày đầu lập nước. Những bức tượng đại diện cho Bảy thủ lĩnh Magyars và các nhà lãnh đạo quan trọng khác trong lịch sử quốc gia. Nằm trên dãy cột còn có những biểu tượng tượng trưng cho Chiến tranh, Hòa bình, Lao động, Phúc lợi, Kiến thức và sự Vinh quang. Nơi này đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử đương đại Hungari, là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị và văn hóa Hung. Các tác phẩm điêu khắc tại đây được nhà điêu khắc Zala György xứ Lendava (1858 - 1937), một trong những nhà điêu khắc hàng đầu của Hungari vào cuối thấy kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Quẩn thể quảng trường được khởi công xây dựng từ năm 1896 cho lễ Kỷ niệm 1000 năm chinh phục Hungari và thành lập Quốc gia Hung. Công trình này nằm trong một dự án xây dựng và phát triển tầm cỡ của Hungari thời kỳ đó, bao gồm việc mở rộng và cải tạo Đại lộ Andrássy và xây dựng tuyến tàu điện ngầm đầu tiên (M1) tại Budapest. Bên cạnh là Nhà bảo tàng Mỹ thuật Hung.

Theo sử sách ghi chép, nơi quảng trường này từng có phiến đá tưởng niệm những anh hùng (Hősök emlékköve), những người đã chết vì bảo vệ các đường biên giới Hung từ 1000 năm nay, nhưng thường xuyên bị nhầm tưởng là Mộ Liệt sỹ vô danh. Hungari không có Mộ Liệt sỹ vô danh như hầu hết các thành phố lớn cổ kính khác ở châu Âu. Phiến đá hình bia mộ được thực hiện năm 1929 nhưng đã bị phá hủy vào năm 1951, vì thông điệp của nó không được chế độ cộng sản Hung chấp nhận, và tượng đài hiện tại đã được xây dựng lại trên cùng vị trí vào năm 1956. Bên dưới không hề có chút xương cốt người chết nào mà chỉ có một cái giếng phun. Phía sau nấm mộ giả đó tôi còn thấy một tấm biển đồng nằm phẳng trên nền đất đánh dấu vị trí giếng phun. Hệ thống khoan nước của giếng này được Vilmos Zsigmondy, một kỹ sư Mỏ địa chất (1821 - 1888) hoàn thành vào năm 1878. Giếng này cung cấp nước khoáng cho bể bơi khổng lồ Széchenyi - một hệ thống gồm gần hai chục bể bơi, lớn thứ 2 Budapest, nằm ngay phía sau quảng trường và các bể tắm Dagály trong khu Népfürdép. Độ sâu của giếng đạt tới 971 mét và mỗi phút bơm được 831 lít nước nóng ở nhiệt độ 74 độ.

Trên con đường xung quanh quảng trường, tôi thấy vui mắt khi chứng kiến những loại xe bia, vận hành nhờ khách tự đạp xe. Nói là xe bia vì xe nào cũng được trang bị một thùng tô nô rất to. Một kiểu bàn bia hoặc quầy giải khát di động. Dịch vụ này thu hút rất đông giới trẻ và những khách tham quan dư dả thời gian!

Ngay gần quảng trường Anh Hùng là Công viên thành phố (Városliget). Đây là một trong các công viên công cộng đầu tiên trên thế giới mở cửa cho người dân. Một không gian mênh mông, không khí trong lành dễ chịu giữa lòng thành phố, với rất nhiều cây xanh, vườn thú. Còn có Városliget Pond - một sân trượt băng vào mùa đông, nhưng vào mùa hè lại là một khu hồ đầy nước với nhiều đài phun nước duyên dáng.

Hiệu Constant

(Còn nữa). 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 10 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước