Thứ năm, ngày 05 tháng 12 năm 2024
09:42 (GMT +7)

Kỳ… rượu

VNTN - Tôi gắn bó với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh 10 năm thì chuyển đi. Xa Hội đã gần 20 năm, vậy mà nhiều chuyện nghĩ lại vẫn bật cười một mình.

Hội được tỉnh bố trí cho ở nửa tầng 1 của khu nhà ba tầng đã cũ. Cả Hội có chục người thì có 3 người ở tập thể, nghĩa là phòng làm việc đồng thời là chỗ ở. Thỉnh thoảng, sắp đến giờ ăn trưa, chú Lê Thế Thành (Phó Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Bắc Thái) sang chỗ làm việc của tôi (cùng một biên tập viên khác) bảo:

- Bọn mày ăn cơm không, chú nấu?

Đa phần chúng tôi từ chối, nhưng có lần chúng tôi nhận lời. Vào bữa ăn, chú lấy ra mấy cái bát, mấy đôi đũa, bày ra bàn 1 bát nước mắm, duy nhất chỉ có cái nồi cơm điện. Khi chú mở vung nồi cơm ra thì, chao ôi, tất cả mâm thức ăn nằm ở đó. Dưới cùng là cơm, một cái ngăn trên cơm là thịt, một cái ngăn trên thịt là rau. Bê nguyên các khay đặt ra là được mâm cơm ngon lành. Chúng tôi nhìn “cái nồi đa năng” của chú Thành mà thích thú vô cùng.

Do xởi lởi, hay chuyện, sẵn rượu nên phòng chú Thành là “tụ điểm” đàm đạo của cộng tác viên. Bên chén rượu nhiều cuộc đọc thơ, bình văn “bất thình lình” mở ra. Chú Hữu Tiệp, Hồ Xuân Sĩ, anh Hiền Mạc Chất, Võ Sa Hà, Huy Duân, Nguyễn Anh Đào, chị Vân Trung, Minh Thắng... thường lui tới.

Dạo ấy, công việc của Hội ít, mỗi tháng có một số báo, mỗi năm có vài trại sáng tác nên anh em chú cháu chúng tôi đến cơ quan “cao đàm khoát luận” là chính. Thu nhập thì trông vào nhõn đồng lương nhưng cuộc tụ tập nào chén rượu cũng cụng nhau lạch cạch.

Một lần vui thơ, vui rượu, chú Hà Đức Toàn (Chủ tịch Hội) say chuếnh choáng. Chú bảo: Họp cơ quan. Thế là chú kiểm điểm người này người kia làm việc này việc nọ đến đâu, hỏi đi hỏi lại, nghe trả lời xong rồi lại hỏi đúng câu ấy. Mấy chị em tôi bấm nhau che miệng cười. Chú Lê Thế Thành lắc đầu lia lịa chê chú Toàn:

- Chết chết, ông này say quá mất rồi. Tôi ấy à, tôi uống thế uống nữa cũng chả say.

Cuộc họp kết thúc, chú Thành loạng choạng đi ra, chân chú xỏ mỗi một bên dép mà chú không hề biết, vẫn đi…bình thường.

Lại một lần về huyện Phú Lương công tác. Sau khi làm việc xong, chủ nhà mời cơm rượu, như thường lệ chú Thành uống hết mình. Lúc dắt xe máy ra tôi thấy chú chao tay lái mà sợ hết hồn. Nhưng chú hất hàm bảo:

- Yên tâm đi, cứ tin tưởng vào tay lái của chú, tao không say đâu.

Tôi đành nhắm mắt leo lên sau xe. Dạo ấy khoảng cách mấy chục cây số sao mà xa thế, nếu không theo xe chú thì chỉ còn cách đi bộ về, trong khi tôi lại chẳng biết đi xe máy.

Thế là lên đường. Chú lao xe vun vút, cái mũ cói trên đầu tôi giữ tay thật chặt mà cứ bay bổng lên. Mấy lần xe xém đầu ô tô, xém mũi xe người đi đường, tôi kêu ầm lên, chú cứ cười khà khà: - Yên tâm đi, chú không say đâu.

Nhìn tóc chú bồng lên bay lật phật về phía sau (hồi ấy chưa đội mũ bảo hiểm như bây giờ), khuôn mặt gầy gò nghênh nghênh trong nắng, tôi bật ra danh hiệu “anh hùng xa lộ” gán cho chú.

May quá, xe đỗ lại trước cửa Hội Văn nghệ, tôi thở ra nhẹ nhõm xuống xe. Chú Thành buông xe đổ đánh rầm, loạng quạng vào phòng nằm vật ra giường ngủ ngay tắp lự. Hóa ra chú chẳng hề “tỉnh” như chú nói.

Văn nghệ sĩ hồi đó thường có những chuyến đi “trong mơ” như thế và chuyện của chú Thành quả là kỳ… rượu đến giờ nghĩ lại tôi vẫn còn run.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ký ức về một truyện ngắn

Giai thoại văn nghệ 2 tuần trước

"Đội bóng" đặc biệt

Giai thoại văn nghệ 7 tháng trước

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Xem tin nổi bật 1 năm trước

Một trận bóng đáng nhớ

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước

Chuyện vui về ô tô của Hội

Giai thoại văn nghệ 1 năm trước