Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
18:53 (GMT +7)

Kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội 10/10/1954: Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô

VNTN - 50 học sinh Trường trung học Lương Ngọc Quyến đang học lớp cuối cấp đã vinh dự được tham gia Đội Thanh niên xung phong công tác tiếp quản Thủ đô. Đến nay ai cũng đã ở độ tuổi trên 80, nhưng trong ký ức của mình, họ không bao giờ quên những ngày tháng rất đỗi tự hào đó…

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc. Thực hiện Chỉ thị của Đảng về kế hoạch tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên lao động đã thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) làm công tác tiếp quản Thủ đô, gồm các đoàn viên Thanh niên Lao động, đang học lớp cuối cấp của các trường Trung học kháng chiến. Toàn Đội có hơn 300 anh chị em do anh Vương Bích Vượng, ủy viên Thường vụ Đoàn Thanh niên Cứu Quốc Việt Nam làm đội trưởng. Trường trung học Lương Ngọc Quyến có 50 học sinh (năm học 1953 - 1954) có đơn xung phong tình nguyện đã vinh dự được Trung ương Đoàn lựa chọn và tiếp nhận vào Đội.

Ảnh minh họa

Sáng 28/8/1954, Đội học sinh của trường Lương Ngọc Quyến lên đường tới địa điểm tập trung. Theo cụ Đỗ Am năm nay đã 84 tuổi hiện ở thôn Phù Lôi xã Thuận Thành, thị xã Phổ Yên cho biết, lúc đó cụ là học sinh lớp 9A, trước lúc lên đường, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hoàn đã thay mặt nhà trường dặn dò:

"Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô là một trong số các đơn vị đầu tiên về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Chúng ta là những người chiến thắng trở về thủ đô yêu dấu. Chúng ta vào đây làm công tác cách mạng, phải thể hiện rõ đạo đức của con người cách mạng. Từ đó nhân dân Hà Nội càng tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ. Mỗi người chúng ta phải cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang đó".

Chiều hôm đó, nhóm học sinh Lương Ngọc Quyến đã tập kết ở đình làng Sòng, thuộc xã An Khánh, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, đây cũng là địa điểm thành lập Đội TNXP công tác tiếp quản Thủ đô.

Nhớ lại ngày đầu tiên đó, cụ Đỗ Am kể lại:

Đời học sinh kháng chiến của mình hồi đó thiếu thốn nhiều bề, hàng tuần phải đi bộ 30 km từ Tân Cương tới Thuận Thành, Phổ Yên, để về nhà vác gạo, muối, tương lên trường ăn tằn tiện mấy ngày, có lúc thiếu gạo phải ăn sắn thay cơm. Chiều hôm đó mọi người bước vào lán nhà ăn và rất bất ngờ vì đã thấy bầy sẵn rau canh đựng ở ống máng, thức ăn có rau và lạc rang đặt theo mâm 5 người một. Đây là bữa cơm tập thể đầu tiên của mình và tập ăn với kiểu 2 đầu đũa, làm cho ai nấy đều cảm thấy bỡ ngỡ, xúc động. Tối đó thật vui vì có chương trình văn nghệ lại có văn công biểu diễn, cả hội trường cùng hát vang …

Thời gian để học tập và chuẩn bị cho công tác tiếp quản tới gần hai tháng. Hàng ngày các đội viên được học tập chính trị, thời sự, nội qui Đội; học tập để thực hiện thật tốt 8 chính sách và 10 điều kỷ luật trước khi vào tiếp quản Thủ đô.

Thời gian "tiến về Thủ đô" tới gần. Toàn Đội được chia làm hai cánh quân. Cánh thứ nhất, sáng 19/9/1954 đi theo đường số 3 qua Phố Hương, Đa Phúc, Yên Lãng, ngày 22/9 đi thuyền vượt sông Hồng đến đất Đan Phượng. Sau 6 ngày đi bộ trên 100 km đã dến nơi tập kết ở làng Đà, để rồi lại tiếp tục di về thị xã Hà Đông nhập với cánh thứ hai theo đường số 10 - qua Phú Thọ, Sơn Tây về đến Hà Đông.

Cụ Lê Thị Kim Nhung nay đã 82 tuổi, hồi đó theo cánh thứ hai, kể lại: Tất cả đều đi bộ, ai nấy ba lô trên vai. Ngày đi đêm nghỉ, hành quân vài ngày cũng tới thị xã Hà Đông. Đến dưới một gốc cây đa to, mọi người nghỉ lại và được nhận mỗi người một bộ quần áo kiểu bộ đội, giầy mũ, thắt lưng, chỉ thiếu sao trên mũ, riêng nữ còn được phát thêm bộ váy ka ki, một áo khoác vàng và chiếc áo sơ mi trắng cổ cánh sen, vai bồng. Mọi người đều hào hứng và hãnh diện. Ngày 9/10, từ Hà Đông đã có mấy chiếc xe ôtô Môlôtôva đưa Đội vào tập kết ở trong Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện 108) Hà Nội.

Các cụ Nguyễn Giáp, Nông Chí Kiên, Đào Thế Ngữ, Bùi Trọng Quang và cụ Nguyễn Thị Trà đều cho biết: đêm đó người nào việc nấy, tất cả đều tất bật, náo nức chuẩn bị, anh em ở các đội đều căng mắt cắt dán khẩu hiệu để kịp sớm mai tỏa về các khu phố, mọi người đều hồi hộp chờ đón ngày 10/10, chẳng ai ngủ được. Ngay từ mờ sáng hôm đó, chúng tôi được phân công tham gia nhóm đi kiểm tra việc chuẩn bị cổng chào ở các khu phố. Anh chị em vô cùng sung sướng trước những con phố sạch sẽ, rực rỡ cờ hoa, phố nào cũng ngầm trình bày vẻ độc dáo so với phố khác. Phố Hàng Đào cổng chào bằng lụa rực rỡ sắc mầu, các dải băng bay phần phật; phố Hàng Nón, cổng chào kết bằng nón các loại; phố Hàng Quạt toàn trang trí bằng quạt và cờ đuôi nheo; phố Hàng Thiếc thật độc đáo, cổng chào là những thùng thiếc vuông vức xếp lại rồi sơn các mầu, trên nóc là một bông hoa hồng bằng lá thiếc lấp lánh dưới ánh mặt trời; phố Hàng Gai có lẽ do có ngõ Tô Lịch chuyên tiện đồ thờ nên trên cổng chào bầy cả tán, lọng, đồ thờ…

Sáng ngày 10/10, các phân đội TNXP tỏa về các khu phố để dán khẩu hiệu, phát truyền đơn, hướng dẫn nhân dân, gọi loa mời thanh niên ra đón các cánh quân từ 5 cửa ô tiến vào Hà Nội... Dòng người ùa ra kín 2 bên đường, dọc phố xá, quanh hồ Hoàn Kiếm. Hàng vạn người dân Thủ dô, già có, trẻ có đủ các tầng lớp ăn mặc chỉnh tề, tay cầm cờ hoa, giương cao ảnh Bác Hồ, nét mặt rạng rỡ, hớn hở tươi cười, tiếng hát, tiếng hò, tiếng đàn, tiếng trống, tiếng reo mừng, bừng bừng không khí của ngày hội lớn. Cả Hà Nội là một rừng cờ hoa và khẩu hiệu, sung sướng vẫy chào đoàn quân chiến thắng trở về.

Cụ Dương Thúy Chi nguyên là học sinh 8B, người làng Thông, xã Huống Thượng đã kể lại: - "Có một cụ già ở phố Nguyễn Du cứ cầm mãi tay tôi, mắt rưng rưng nói Chính phủ về làm người già như tôi trẻ lại chị ạ…".

Sau ngày đón Đại quân ta vào Giải phóng thủ đô, các phân đội lại tỏa về các khu phố để xây dựng phong trào: khi thì phổ biến chính sách của Đảng Chính phủ; khi thì xóa khẩu hiệu cũ, kẻ khẩu hiệu mới; khi vận động phong trào học sinh sinh viên hăng hái tham gia các hoạt động xã hội như vệ sinh đường phố, tham gia múa hát thể dục thể thao; Từ 1-7/11/1954 lại được phân công đi các khu phố vận động nhân dân đổi tiền Đông Dương lấy tiền Cụ Hồ.

Để làm được điều đó các đội viên TNXP đã ngày đêm lăn lội với phong trào đường phố, động viên giúp đỡ từng hoàn cảnh, đồng thời bản thân các anh chị em cũng gương mẫu trong sinh hoạt như làm vệ sinh, quét đường, thông cống…

Ngày 23/11, Đội TNXP công tác tiếp quản Thủ đô đã kết thúc sứ mạng lịch sử của mình, toàn Đội đã họp để tổng kết công tác sau 40 ngày hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ.

Chỉ hơn một tháng làm nhiệm vụ tại Thủ đô Hà Nội, nhưng trong ký ức của lớp thanh niên ngày ấy, không bao giờ quên những ngày tháng rất đỗi tự hào đó. Bài ca Tiến về Hà Nội "Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về" lại vang lên trong đầu, hình ảnh của ngày 10/10 năm ấy lại hiện lên chói ngời mỗi dịp thu sang.

 

Trịnh Trúc Lâm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy