Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
03:34 (GMT +7)

Kỷ niệm 70 năm toàn quốc kháng chiến 19/12/1946- 19/12/2016: Hiểu thêm về thủ đô kháng chiến Thái Nguyên qua một tư liệu lịch sử độc đáo

VNTN - Cụ Phạm Tất Quynh, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Thái phụ trách mảng lịch sử Đảng có khoe với tôi (lúc ấy là Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên) một kỷ vật. Cuốn ấy khổ to hơn tờ giấy A4 một chút, có bìa cứng dán vải ở gáy, các tờ bên trong là loại giấy giang bình thường.

 

Đây là cuốn sổ ghi cảm tưởng đặt tại Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Thái Nguyên trong những năm 1947 - 1949. Tất cả có ngót 100 người ghi vào đó khi qua đây để về với ATK tuyệt mật Định Hóa, Sơn Dương, Chợ Đồn. Vì cho đây là kỷ vật vô cùng quý hiếm nên tôi đã đặt tên cho cuốn sách là: “Thái Nguyên qua một tư liệu lịch sử độc đáo” và chụp ảnh lại, thỉnh thoảng mang ra đọc.

Chúng ta đều đã biết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi đọc lời kêu gọi toàn quốc vào tối 19/12/1946 thì rút về ATK theo con đường phía Tây rồi Tây Bắc. Có nghĩa là qua đất Hà Đông, Sơn Tây, Phú Thọ, Tuyên Quang rồi về Định Hóa Thái Nguyên. Bây giờ đường lớn, phương tiện giao thông hiện đại, cuộc hành quân như vậy thì đơn giản nhưng thời ấy, vừa đi, vừa tổ chức kháng chiến, vừa đánh lạc hướng kẻ địch cho nên đến ngày 20/5/1947 Bác Hồ mới đến được lán Khau Tý thuộc xã Điềm Mặc huyện Định Hóa và dừng lại tổ chức chỉ đạo kháng chiến… Nơi ấy là một ngọn đồi cây cối um tùm, tĩnh mịch, dưới chân là dòng suối trong vắt, nước lững lờ trôi chảy xanh trong. Vào một đêm trăng sáng, lo vận nước Bác viết nên bài Cảnh khuya, trong đó có mấy câu:

“ Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ Người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà ”…

Rời thủ đô kháng chiến theo một hướng

khác là bộ đội, công nhân, cán bộ các cơ quan, nhân sỹ báo chí Việt Nam. Con đường ấy là qua cầu Long Biên, bến đò Chèm rồi lên Trung Giã, Sóc Sơn, qua đèo Nhe, men theo sườn Đông Tam Đảo mà lên núi Hồng rồi Đèo Khế, Tân Trào hoặc đi thẳng lên Quán Vuông, Chợ Chu rồi tỏa đi Chợ Đồn, Bản Thi, Chiêm Hóa….

Con đường kháng chiến vất vả mà vui.

Câu chuyện của kháng chiến suốt 3.000 ngày thật là đồ sộ. Ở đây tôi chỉ xin giới thiệu đôi nét về cuốn kỷ vật đã nói ở trên.

Qua đây và ngủ lại một đêm, đồng chí Trường Chinh viết: “Ủy ban kháng chiến hành chính thị xã có nhiệm vụ rất nặng nề. Làm sao cho nó xứng đáng với vai trò một đội du kích canh gác cửa ngõ Việt Bắc và là một nhân viên tiếp tế cho cả ngược và xuôi. Tôi tin rằng anh em xứng đáng với nhiệm vụ ấy (7/5/1948)”.

Chúng ta biết rằng, kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập cho đến ngày toàn quốc phải đứng dậy kháng chiến mới vỏn vẹn năm trời. Mọi việc đều chưa có thời gian để hình thành. Thế nhưng nhiều tầng lớp nhân dân trong đó có trí thức đã bỏ lại cuộc sống nơi phồn hoa, chấp nhận gian khổ nơi núi rừng. Cuối năm 1946, thị xã Thái Nguyên đã tiêu thổ kháng chiến, với bộn bề thiếu thốn và ngổn ngang đổ nát, vậy mà khi đi công tác qua, cảm nhận được sự hy sinh mất mát, nhiều người vẫn để lại những lưu bút:

“Người nghệ sỹ trên đường phụng sự Tổ quốc, bằng những âm thanh nghèo nàn, gặp ở đây một người bạn rất đáng quý - một nhân viên của Chính phủ kháng chiến đang rất bận rộn công việc mà vẫn nặng lòng yêu mến nghệ thuật, đã cho tôi nhiều dịp được phô chút tài mọn, sau đó lòng hăng hái hơn lên, ấm áp hơn lên.”

(Thái Nguyên mùa thu 1947 - nhạc sỹ Phạm Duy )

… Còn nhạc sỹ, kịch sỹ Văn Chung thì viết:

“Thái Nguyên hoang tàn vắng ngắt nhưng ngầm chứa một mãnh lực của những chàng trai đang tập luận để giết giặc…”

Ngày 23/4/1948, Bí thư thành bộ Việt Minh Hà Nội Lê Quang Đạo trên đường lên chiến khu Việt Bắc nghỉ lại Thái Nguyên đã viết:

“Hôm nay qua đất Thái là một dịp để được thấy tinh thần kháng chiến của nhân dân trên đống gạch hoang tàn…”

Năm 1947- 1948, giặc Pháp càn quét trung tâm đầu não của kháng chiến nhưng chủ yếu theo hướng từ Tây sang Đông. Lấy sông Lô làm đường thủy, hướng Phú Thọ đánh sang. Phía Đông bao gồm Bắc Giang, nam Thái Nguyên an toàn. Duy chỉ có cuộc nhảy dù đột kích Bắc Kạn và Võ Nhai của Thái Nguyên ngày 15/9/1947 ít nhiều làm cho ta tổn thất. Còn lại, phía ấy các đoàn người vẫn ngày đêm nườm nượp qua lại. Khu làm việc của Ủy ban kháng chiến Thái Nguyên mặc dù xen trong đống đổ nát của tiêu thổ kháng chiến nhưng vẫn ân cần đón và đưa cán bộ. Cũng dịp này, hàng loạt các địa danh của các nẻo đường kháng chiến được đặt tên mới. Quán Cà phê Liên (thị xã Thái Nguyên), Cây đa đôi (Đại Từ), Quán Vuông (Định Hóa  Quán Ông già (Đèo Nhe), vv…

Trong tập lưu bút này có một bài thơ mang tên Lửa Hồ của thi sỹ Hoàng Cầm đề tháng 5/1948. Bài Lửa Hồ được tác giả vẽ và viết tay, dài 178 câu. Bài thơ này hình như chưa được nhắc tới trong văn đàn Việt Nam mấy chục năm qua. Âm hưởng chủ đạo bài thơ là ca ngợi con người, nhân cách Hồ Chủ Tịch, phác họa việc tìm hình hài đất nước và ý chí quyết tâm giành độc lập.

“…Có người đánh cá trên bờ biển

Chợt thấy bình minh lửa một trời

Có bác phó rèn vung nhát búa

Sèo sèo gang sắt, cạn mồ hôi

Nguồn lửa soi dần các ngõ sâu

Miền Nam, Xứ Bắc dịu lòng đau

Nụ cười nở giữa hai dòng lệ

Ánh sáng bừng tươi mảnh áo nâu…”

Gắn bó với Việt Bắc, Thái Nguyên từ những năm 1940, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại nhiều mốc lịch sử đáng nhớ. Đó là ngày 22/12/1944 tại Tam Kim  Nguyên Bình (Cao Bằng), ông đã thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; 15/5/1945 ông tổ chức lễ thành lập Việt Nam Giải phóng quân tại (xã Định Biên, huyện Định Hóa); 20/8/1945 thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Thái Nguyên; 28/5/1948, ông được phong hàm Đại tướng tại Huyện Định Hóa (Thái Nguyên), vv… Tại quyển lưu bút viết ngày 19/6/1948, Đại tướng đã viết:

“Từ khu giải phóng Việt Bắc đến thủ đô Hà Nội, từ ngày khởi chiến đến đại thắng Việt Bắc, Thái Nguyên đã có một địa vị quan trọng. Từ Việt Bắc đại thắng đến toàn quốc đại thắng Thái Nguyên nhất định sẽ có một địa vị quan trọng, dân chúng Thái Nguyên gắng lên!”

Võ Nguyên Giáp

Đọc hơn 50 lưu bút của báu vật, ai cũng sẽ hình dung phần nào về Việt Bắc - Thái Nguyên. Về ATK kháng chiến, giúp cho thế hệ chúng ta hiểu hơn về những năm tháng oai hùng ấy. Tài liệu quan trọng này đang được ông Phạm Tất Quynh, hiện cư trú tại Phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên lưu giữ.

 

Nhà báo Phan Hữu Minh 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy