
Góc biếm họa số 5 (2025)

VNTN- Sáng 28/3, HĐND tỉnh đã tổ chức Kỳ họp thứ 27 (Kỳ họp chuyên đề) nhằm xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh.
Bàn thảo kỹ lưỡng để nghị quyết đi vào cuộc sống
Tại kỳ họp chuyên đề này, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận và thông qua 7 Nghị quyết liên quan đến 3 nhóm vấn đề nhằm kịp thời thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo đúng chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, đảm bảo phấn đấu tăng trưởng trong năm 2025 đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn nhấn mạnh: Đây là những nội dung quan trọng, có tác động lớn đến sự phát triển của tỉnh, đã được các cơ quan tham mưu chuẩn bị một cách nghiêm túc, trách nhiệm.
Việc xem xét, thông qua các nghị quyết lần này không chỉ có ý nghĩa về mặt chính sách mà còn thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Chính vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng để đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, đảm bảo các nghị quyết được thông qua có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn.
Tại Kỳ họp, các đại biểu đã nghe các tờ trình về danh mục các dự án thu hồi đất; điều chỉnh, bổ sung danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đồng thời, Kỳ họp cũng thảo luận về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch đầu tư công năm 2025, bổ sung danh mục dự án đầu tư công thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Không chỉ dừng lại ở các vấn đề về đất đai và đầu tư công, các đại biểu còn cho ý kiến về nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ sản xuất, bảo vệ đất trồng lúa; kiện toàn tổ chức bộ máy; quyết định mức vốn điều lệ của Quỹ Phát triển đất tỉnh theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đồng thuận cao, 7 nghị quyết được thông qua với 100% đại biểu tán thành
Trên cơ sở báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, chủ tọa Kỳ họp đã lựa chọn 5 nội dung được nhiều đại biểu quan tâm để đề nghị UBND tỉnh báo cáo, giải trình trực tiếp.
Trong đó, đáng chú ý là nội dung về kiện toàn tổ chức bộ máy và mức vốn điều lệ của Quỹ Phát triển đất tỉnh. Theo báo cáo của Giám đốc Sở Tài chính, từ khi thành lập đến nay, Quỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc ứng vốn cho các tổ chức, đơn vị, địa phương thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo lập và phát triển quỹ đất. Đặc biệt, số vốn điều lệ của Quỹ đã tăng từ 300 tỷ đồng lên hơn 1.008 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ nguồn thu tiền sử dụng đất.
Với con số tăng trưởng ấn tượng này, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn hiệu quả đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu. Kể từ khi thành lập đến nay, Quỹ phát triển đất đã thực hiện nhiệm vụ ứng vốn cho các tổ chức, đơn vị, địa phương để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo lập phát triển quỹ đất, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Chủ tọa Kỳ họp nhấn mạnh: Việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy là cần thiết. UBND tỉnh cần rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có chức năng tương đồng để thực hiện sắp xếp, sáp nhập theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, 3 nội dung liên quan đến quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ sản xuất, bảo vệ đất trồng lúa cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm. Báo cáo của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phân tích cụ thể căn cứ xác định tỷ lệ sử dụng kinh phí hỗ trợ cho người trồng lúa, đảm bảo tối thiểu 30% được hỗ trợ trực tiếp cho người dân, 70% còn lại được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động khác.
Không chỉ tập trung vào các con số, báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề thực tiễn liên quan đến công tác cải tạo đất trồng lúa, bảo vệ nguồn giống và duy trì sản xuất bền vững trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị hóa.
Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025 là đưa Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế - công nghiệp hiện đại của vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ. Trong lộ trình này, việc cân đối giữa phát triển công nghiệp, đô thị với bảo vệ sản xuất nông nghiệp bền vững là thách thức không nhỏ.
Nhìn nhận từ thực tế, việc thông qua các Nghị quyết lần này không chỉ mang tính thủ tục hành chính, mà còn thể hiện trách nhiệm của chính quyền tỉnh trong việc tạo ra những cơ chế phù hợp, cân bằng giữa các mục tiêu phát triển. Chủ tọa Kỳ họp đã đề nghị UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm bảo đảm duy trì sản xuất nông nghiệp trên các vùng đất còn lại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.
Với sự đồng thuận cao của các đại biểu, 7 dự thảo Nghị quyết đã được thông qua với sự tán thành của 100% đại biểu có mặt.
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...