Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
07:35 (GMT +7)

Kỷ cương phép nước nghiêm minh

NTN - Một trong 6 yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng chính phủ liêm chính, một chính phủ hiệu quả, nói không với tiêu cực và tham nhũng là tăng cường kỷ cương phép nước, chấn chỉnh tình trạng thực thi pháp luật không nghiêm, kỷ cương phép nước không nghiêm, đặc biệt trong khu vực hành chính công.

Thỉnh thoảng trên các phương tiện truyền thông đại chúng thường có những thông tin về ông lãnh đạo này, ông lãnh đạo kia ở “tận đẩu, tận đâu” từ chức để nhận trách nhiệm về những vụ việc sai phạm mà nhiều khi họ không trực tiếp gây ra. Trước những thông tin này, dư luận lại ước ao, giá mà nước mình cũng thế. Thật ra, chức vụ ai mà không ham. Không phải mấy ông động cái là từ chức là người không ham chức vụ, bởi không ham họ đã không làm. Họ từ chức để nhận trách nhiệm ngoài việc để giữ liêm sỉ, uy tín thì một điều hết sức quan trọng là nếu họ không từ chức thì rồi cũng bị cách chức, bởi luật pháp xứ họ nghiêm minh, “vô tình”. Vì vậy, từ chức vừa để nhận trách nhiệm, vừa để bảo toàn danh dự, liêm sỉ.

Thủ tướng cũng đã yêu cầu chấn chỉnh đạo đức công vụ, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp; đồng thời ra văn bản chấn chỉnh quy chế làm việc của Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu các cuộc họp phải cử cán bộ đủ thẩm quyền tham dự chứ không được cử người không có thẩm quyền đi thay; những người tham dự họp phải có ý kiến đóng góp tại cuộc họp để đi đến kết luận. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý, không đùn đẩy công việc lên Thủ tướng và giao cho Văn phòng Chính phủ chuyển trả lại các các vấn đề không thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ.

Những tuyên bố, những việc làm quyết liệt gần đây của Chính phủ đã và đang lấy lại niềm tin của nhân dân và ước vọng về một xã hội trật tự kỷ cương với luật pháp nghiêm minh.

Có phải kỷ cương phép nước không nghiêm chính là nguyên nhân gây ra tình trạng lãng phí, đầu tư dàn trải kém hiệu quả như thời gian vừa qua. Những tượng đài nghìn tỷ bỏ hoang, những dự án đầu tư dàn trải và kém hiệu quả… Ai là người xét duyệt và thông qua các dự án này. Liệu đây có phải là cơ chế xin cho. Kỷ cương phép nước không nghiêm nên nhiều trái tai, gai mắt xảy ra hàng ngày. Ngay giữa thủ đô Hà Nội mà một tòa nhà xây vượt mấy tầng, mặc dù bị phạt rất nhiều lần vẫn tiếp tục vi phạm tiếp. Ai đã đồng lõa và tiếp tay? Kỷ cương phép nước ở đâu khi mà đích thân Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vậy mà vẫn có những vụ việc bị làm lơ, cho qua, không báo cáo…

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, cứ mỗi khi kỷ cương phép nước nghiêm minh, xã hội tất thái bình, thịnh trị, nhân dân no ấm. Kỷ cương phép nước rối loạn, thưởng phạt không công minh, mua quan, bán tước… tất xã hội sẽ loạn và đất nước bại vong. Chúng ta đã từng có rất nhiều những câu chuyện về việc thực thi phép nước công minh của người xưa. Luật Gia Long dưới triều Nguyễn có điều khoản quy định ăn cắp của Nhà nước dù nhiều hay ít đều bị chém đầu. Vậy nên mới có chuyện dưới thời trị vì của vua Minh Mạng, một vị quan chỉ lấy trộm 01 lạng vàng trong kho của Nhà nước mà bị chém đầu. Khi xử án, các quan thấy ông quan này đã có nhiều công lao nên chỉ kết tội đi đày viễn xứ. Vụ việc tâu lên vua, nhà vua ra lệnh chém đầu giữa chợ Đông Ba để mọi người trông thấy mà sửa mình. Cũng thời Minh Mạng trị vì, có một vị quan ăn cắp của công một thùng nhựa thơm, vụ việc bị phát giác, nhà vua ra lệnh chặt tay vị quan này và xóa tên khỏi sổ làm quan nhưng cho “để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận và nhờ đó để làm cho mọi người đều biết tỉnh ngộ, răn chừa. Thế cũng là một cách trừng trị kẻ gian". Trong cuộc đời làm quan của mình, Lê Văn Duyệt đã xử nhiều quan lại tham nhũng. Đặc biệt, trong giai đoạn ngài làm Tổng trấn Thành Gia Định có Huỳnh Công Lý, Phó Tổng trấn cậy quyền thế là bố vợ vua Minh Mạng đã tham nhũng, tàn ác, ức hiếp nhân dân. Lê Văn Duyệt đã đưa ra xét xử tên quan hung ác này. Biết tin, vua Minh Mạng cho người vào Gia Định giải Huỳnh Công Lý về Huế với lý do để triều đình xét xử - thực ra là để tìm cách cứu ông ta. Lê Văn Duyệt đã bất tuân thượng lệnh, kháng chỉ, “tiền trảm, hậu tấu” ra lệnh chém đầu Huỳnh Công Lý rồi cho ướp muối đầu tội phạm gửi về kinh thành Huế. Năm 1950. Trần Dụ Châu, đại tá, Cục trưởng Cục quân nhu đã bị Hồ Chủ tịch bác đơn xin ân giảm án từ hình vì tội tham nhũng, nhận hối lộ…

Một Chính phủ nói không với tham nhũng tiêu cực, nói không với lãng phí! Một Chính phủ trong sạch và liêm chính như ước vọng của người dân cả nước là điều mà người dân đang hết sức mong chờ. Để xây dựng được một chính phủ trong sạch và liêm chính ngoài việc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân, trên dưới nghiêm minh, công khai minh bạch thì cũng rất cần vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những thành viên của hệ thống hành chính từ Trung ương đến địa phương cần phải thật gương mẫu, đúng mực trong công tác và cuộc sống.

Đất nước đã ngày càng hội nhập sâu hơn với quốc tế, dân trí của người dân bây giờ đã rất cao, vì lẽ ấy, xã hội không thể cứ kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Kỷ cương phép nước phải thật sự đi vào quỹ đạo để đảm bảo rằng thượng tôn Hiến pháp và pháp luật là tối thượng. Mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội phải đi vào kỷ cương để tránh kiểu mỗi bộ, ngành, một cách làm như đá chân nhau và cũng để tránh hiện tượng “trên bảo, dưới không nghe”.

Vũ Trung Kiên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy