Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
13:19 (GMT +7)

Kiều bào Việt Nam tại Pháp với Thế vận hội Mùa hè Paris 2024

Đôi dòng lịch sử của Paris với Thế vận hội

Ngày 25 tháng 11 năm 1892, tại trường Đại học Sorbonne Paris, ngài Pierre de Coubertin, một Nam tước người Pháp, đã tuyên bố ý định tái thiết lập Thế vận hội Olympic, trên cơ sở phù hợp với điều kiện của cuộc sống hiện đại ngày nay. Tại Paris, ngày 23 tháng 6 năm 1894, một Đại hội Quốc tế đã nhất trí bỏ phiếu thuận để thành lập một Ủy ban Olympic Quốc tế. Ý tưởng của ngài Nam tước là nếu việc Quốc tế hóa này thành công tại Pháp sẽ giúp dư luận trong giới tinh hoa chú ý hơn nữa đến vai trò của thể thao trong việc giáo dục thanh thiếu niên. Pháp đã đăng cai Thế vận hội tổng cộng 6 lần. Ba lần Mùa đông vào các năm 1924 (Chamonix), 1968 (Grenoble), 1992 (Albertville). Ba lần Mùa hè: 1900 (Paris), 1924 (Paris), 2024 (Paris).

Đoàn vận động viên Việt Nam tham gia Thế vận hội Mùa Hè Paris 2024 giao lưu với Kiều bào
Đoàn vận động viên Việt Nam tham gia Thế vận hội Mùa Hè Paris 2024 giao lưu với Kiều bào. Ảnh: Nguyễn Thu Hà

Thế vận hội Mùa Hè Paris đã khép lại, với những cảm xúc trái chiều. Nhiều nước mắt, lúc vỡ òa trong vinh quang nhưng cũng nhiều lúc trong thất vọng.  Hòa chung không khí tưng bừng của Thế vận hội, kiều bào Việt tại Pháp rất háo hức, pha chút tò mò, hồi hộp được tham dự mùa Lễ hội Thể thao lớn nhất hành tinh.  

Theo truyền thống, mùa hè Paris rất vắng, có đến 2/3 các gia đình thực hiện kỳ nghỉ dài ở những vùng quê khác, Paris chỉ đông lên ở các tụ điểm du lịch nhờ khách thập phương. Năm nay dân Paris còn đi nhiều hơn để tránh sự ồn ào và những bất cập trong sinh hoạt do Lễ hội đem lại, bởi trong gần hai tuần diễn ra Lễ hội, Paris đã tiếp thêm 15 triệu lượt khách du lịch và được tăng cường 45.000 cảnh sát, đến từ các tỉnh và những quốc gia khác. Với người dân sống trong nội đô Paris, trong thời gian lễ hội, đời sống và sinh hoạt khá bị xáo trộn. Đường cấm khắp nơi, mỗi ngã ba ngã tư đều có rất nhiều cảnh sát. Trên vỉa hè luôn đông nghịt khách. Từ trước đó hàng tháng, người dân ở cạnh các địa điểm diễn ra những trận thi đấu buộc phải đề nghị được cấp thẻ ra vào khu cư trú.

Kiều bào Việt Nam và màu cờ Tổ quốc

Khác với dân bản xứ, rất nhiều gia đình Kiều bào đã quyết định ở lại Paris, vừa để được hòa mình vào không khí Thế vận hội nhưng cũng mong được thấy, được xem và cổ vũ Đội tuyển Việt Nam.

Bà Nguyễn Kim Ánh, một kiều bào tại Pháp, thành viên của Hội “Tiếng Tơ Đồng”, một hội đoàn của Kiều bào Việt Nam tại Pháp, hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt, Hội của bà đã được Tòa Thị Chính thành phố Créteil, ngoại ô Paris, mời tham gia lễ Rước đuốc Thế vận hội đã rất xúc động chia sẻ: “Rất hân hạnh, vì có lẽ tôi chỉ được dự lần đầu tiên và cũng sẽ là lần duy nhất bởi mình là người Việt Nam ở Pháp, và Pháp là quốc gia chủ nhà, và mình lại được tham dự một ngày lễ thật vui. Dẫu sinh sống đã rất lâu bên Pháp nhưng mình chắc chắn vẫn là người Việt Nam, mình hòa đồng với người dân Pháp để đón tiếp ngọn đuốc của Thế vận hội. Tôi rất vui và rất hân hạnh trước sự kiện này”.

Hội “Tiếng Tơ Đồng” tham gia rước đuốc Thế vận hội  
Hội “Tiếng Tơ Đồng” tham gia rước đuốc Thế vận hội  

Chị Nguyễn Thị Việt Hà, Luật sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Luật sinh sống và làm việc tại vùng Paris cho biết: “Rất may mắn, tự hào và xúc động vì đã được tham dự vào buổi khai mạc này”. Chị đã đặt vé để đi xem cùng chồng một trận đấu bóng đá nữ. “Tôi chọn môn này bởi vì tôi cảm thấy bóng đá khá quen thuộc với tuổi thơ của tôi, bởi nó gắn liền với những trận bóng đá mà xưa ở nhà hay xem. Tôi thích xem bóng đá nữ bởi vì cảm thấy Tình đoàn kết Nữ giới. Tôi thích cổ vũ cho các chị em”, và “Thực sự là tôi rất háo hức, tôi mong và tôi tin rằng mình sẽ có những giây phút cảm thụ cảm nhận được hào khí trong sân vận động Olympic”.

Chị Nguyễn Thị Việt Hà tới cổ vũ cho trận bóng đã nữ
Chị Nguyễn Thị Việt Hà tới cổ vũ cho trận bóng đã nữ

Còn chị Nguyễn Thanh Mai, là giáo viên, lại có một nhận xét rất “sư phạm”: “Tôi thấy mùa hè năm nay với Thế vận hội Paris rất khác. Nhất là trong tàu điện ngầm, không khí rất vui. Tàu điện và tàu điện ngầm sạch sẽ thơm tho hơn và luôn đúng giờ. Các ga trung tâm Paris trước thường bốc mùi, còn bây giờ thì rất thơm. Và tôi cũng nhận thấy Paris có vẻ như êm đềm hơn, dẫu có rất nhiều khách du lịch, nhưng gọn gàng hơn, không xô bồ như mọi năm”.

Gia đình chị đã mua bốn vé để xem trận tứ kết bóng chuyền. Chị chia sẻ: “Vì các cháu nhà tôi rất thích bộ môn bóng chuyền nên cả gia đình đã quyết định đi xem. Và chúng tôi cũng muốn hòa mình vào không khí tươi vui của sân vận động để có nhiều cảm xúc, để cảm nhận được sâu sắc hơn tinh thần Thế vận hội. Nhà tôi năm nay cố tình ở lại Paris để được dự cái không khí rất đặc biệt hiếm có này. Nhất là trong khung cảnh Paris vừa thơ mộng, vừa náo nhiệt”.

Tác giả bài viết (trái) và chị Nguyễn Thanh Mai
Tác giả bài viết (trái) và chị Nguyễn Thanh Mai

Sẽ là thiếu sót nếu không nói về cảm xúc của Kiều bào mình khi được chứng kiến lá cờ Tổ quốc Việt Nam bay phấp phới trên sông Seine cùng với đội tuyển Việt Nam. Là một Kiều bào sống và làm việc lâu năm tại Pháp, người viết bài cũng có một cảm xúc khó tả vào giây phút ấy. Hồi hộp, xúc động, tim đập rộn ràng. Lễ diễu hành trong buổi khai mạc được xếp theo thứ tự ABC và Việt Nam đã được xếp gần như ở cuối, nhưng ai nấy đều kiên nhẫn chờ đợi.

Chị Hà nói: “không chỉ tôi mà còn cả gia đình, các con tôi và những thành viên từ Việt Nam sang, chúng tôi đã rất hồi hộp và cảm thấy tim mình rung lên. Cảm thấy như có một luồng xúc động, tràn khắp cơ thể khi thấy xuất hiện lá cờ Việt Nam và những vận động viên tham gia. Tôi cảm thấy niềm tự hào dân tộc chảy tràn trong mình và thấy thật hạnh phúc, hãnh diện vì được chứng kiến lá cờ Việt Nam bay phấp phới”. Còn chị Mai thì hào hứng thổ lộ: “Khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc phấp phới trên sông Seine thì nói thật tim tôi đập rất mạnh và nhanh, cảm thấy như nhìn thấy Tổ quốc mình, và thấy tự hào vì Việt Nam mình cũng có được một đội tuyển tham dự. Tôi thấy tự hào và thân thương khi nhìn thấy các vận động viên dưới trời mưa như vậy mà vẫn nở nụ cười tươi”.

Vào ngày 1 tháng 8, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, đoàn Vận động viên Việt Nam cũng đã có buổi giao lưu cùng một số bà con Kiều bào. Bà con rất vui được gặp những vận động viên tinh hoa của Đất Mẹ, những người mà bình thường chỉ có thể thấy trên tivi.

Đoàn vận động viên Việt Nam tham gia Thế vận hội chụp ảnh lưu niệm cùng với Kiều bào tại trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp
Đoàn vận động viên Việt Nam tham gia Thế vận hội chụp ảnh lưu niệm cùng với Kiều bào tại trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp. Ảnh: Nguyễn Thu Hà

Ông Đặng Hà Việt, Trưởng đoàn Vận động viên Olympic Việt Nam cho biết: Đến với Thế vận hội, mọi vận động viên đều ý thức được rằng đó sẽ một cuộc đấu khắc nghiệt, bởi đó là nơi quy tụ những người mạnh nhất, giỏi nhất trên toàn thế giới và đó là vinh dự lớn với mỗi thành viên đoàn thể thao Việt Nam. Ông nói “Trong công tác chuẩn bị, các vận động viên đã được chuẩn bị rất tốt”,“Tất cả vận động viên đến với Thế vận hội thì đều ở trong một trạng thái sung sức, khát khao để giành thắng lợi”. Ông Việt cũng chia sẻ rằng tham gia Thế vận hội, ngoài việc tập trung thi đấu, thì mỗi thành viên trong đoàn đều sẽ là một đại sứ văn hoá nhằm quảng bá những nét đẹp của người Việt Nam với bạn bè quốc tế, cho họ thấy rằng người Việt Nam thân thiện, nhiệt tình, hiếu khách, yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn với bạn bè khắp năm châu, đúng như tinh thần Thế vận hội. Vận động viên Phạm Thị Huệ - bộ môn Thuyền đơn nữ Rowing cho biết “Rất xúc động trước sự đón tiếp và cổ vũ của Kiều bào Việt Nam tại Paris”, và không phải lúc nào chị “cũng được sống trong bầu không khí như vậy”.

Đoàn Thể thao Việt Nam có 41 thành viên trong đó có 16 vận động viên, tranh giải ở 11 môn. Olympic Paris 2024 đã khép lại, dẫu Việt Nam không đạt huy chương nào, nhưng mỗi vận động viên đều đã rất cố gắng, tinh thần thi đấu cao nhất. Đây là Olympic thứ hai liên tiếp Việt Nam không có huy chương. Đây cũng là một điều đáng tiếc cho thể thao nước nhà.

Điều cần nói thêm ở Thế vận hội

Phải thừa nhận đây là một Thế vận hội đặc biệt kể từ trước đến nay, và lễ Khai/Bế mạc có lẽ cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhất! Lần đầu tiên một lễ khai mạc Olympic được diễn ra ngoài trời, trên sông, với đoạn đường dài 6 km và băng qua những điểm du lịch nổi tiếng của Paris. Đây là một sự đầu tư lớn với những màn trình diễn đầy sáng tạo, đẹp, mang phong thái văn hóa và nghệ thuật cao. Và có lẽ ta cần phải hiểu chút ít về văn hóa thì mới hiểu hết ý tưởng của nhà đạo diễn muốn trình bày qua những nội dung đó.

Văn hóa Việt hiện diện trên đường phố Thủ đô Paris trong những ngày Thế vận hội
Văn hóa Việt Nam hiện diện trên đường phố Thủ đô Paris trong những ngày Thế vận hội

Buổi khai mạc diễn ra trong tuần tự một chuỗi các màn trình diễn khác nhau và nằm trong một chuỗi các ý tưởng. Người viết bài đồng tình với chị Hà, chị Mai cũng như rất nhiều khán giả Pháp, tức chúng ta không thể chỉ nhìn một đoạn trong chuỗi tổng thể đó để đánh giá. Nếu chúng ta xem từ đầu đến cuối, ta dễ dàng thấy nội dung các màn trình diễn nói lên sự bao dung, bác ái, tình yêu, tình đoàn kết và trên hết đó là tư tưởng bình đẳng. Và “Bữa Tiệc Ly”, vốn là một trong những chủ đề được tranh cãi gay gắt, bởi có hình ảnh bị cho là thiếu tế nhị.

Chị Hà chia sẻ “màn này tái tạo lại một nhân vật Hy Lạp cổ, nên có hình ảnh, tôi xin lỗi, mà nhiều người cho là lố lăng. Nhưng những hình ảnh này, trên thực tế, thể hiện một dụng ý nói về văn hóa cổ xưa. Bên cạnh đó, thì được lồng ghép một chút văn hóa Pháp mà người Pháp hay thích nhắc đến những điển tích để châm chích nhưng sự châm chích đó có mang tính tích cực nhiều hơn. Đó là một nền văn hóa mà ta cần phải hiểu và nên có chút bao dung để có thể cảm nhận được tính nghệ thuật nhiều hơn là theo khía cách chỉ trích”.

Theo chị Mai thì lịch sử nghệ thuật luôn bắt đầu bằng những thay đổi đột phá. “Có những cái được chấp nhận, có những cái thì không. Và những đột phá đó thường chưa được chỉn chu ngay, chưa được tuyệt vời lắm, thế nhưng chúng đều là những đột phá, những sáng tạo quan trọng trong dòng nghệ thuật. Có thể có nhiều ý kiến trái chiều nhưng với riêng tôi, lễ khai mạc Thế vận hội Paris năm nay là thành công rất lớn về mặt nghệ thuật, bởi nó đúng là một sự sáng tạo lớn, một bước đột phá. Đồng thời những màn biểu diễn đó vừa đặc trưng lại vừa là sự tiếp nối”.

Vài con số trong Thế vận hội Paris 2024

 

19 ngày thi đấu

Vận động viên đến từ hơn 200 Ủy ban Olympic Quốc gia và Đội tuyển Olympic Người Tỵ nạn)

32 môn thể thao

329 lượt thi đấu

754 các đợt thi đấu và các nghi lễ trọng thể

350 giờ phát truyền hình với vài tỷ khán giả

9,7 triệu lượt khán giả xem trực tiếp các môn biểu diễn

35 địa điểm thi đấu

10.500 vận động viên

6.000 phóng viên được cấp thẻ tác nghiệp

45.000 tình nguyện viên

Hơn 600.000 suất ăn được phục vụ mỗi ngày tại các Làng Vận động viên

Để có thể thi đấu trong sông Seine, Tòa thị chính Paris và vùng phụ cận đã lắp đặt một hệ thống làm sạch nước. Chi phí ước tính khoảng 1,4 tỷ euro (1,5 tỷ USD).

Khoảng 30.000 cảnh sát được triển khai mỗi ngày trong thời gian diễn ra Thế vận hội, 45.000 cảnh sát được huy động trong lễ khai mạc.

Paris 13/8/2024

Hiệu Constant (bài và ảnh)

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục