Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
12:44 (GMT +7)

Kiến trúc nhà sàn người Tày Việt Bắc

Ở Việt Nam người Tày cư trú chủ yếu là ở miền núi phía Bắc, với dân số khoảng 1,3 triệu người sống rải rác ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Văn hóa người Tày được tích tụ lâu đời, đặc sắc, mang bản sắc truyền thống địa phương của nền văn hóa Nam Á.

Đặc trưng văn hóa của người Tày được ghi nhận ở nhiều khía cạnh, trong đó có biểu hiện đặc trưng là văn hóa ở, gắn liền với hình ảnh ngôi nhà sàn độc đáo được ghi nhận, lan tỏa và phát triển xuyên suốt quá trình lịch sử với nhiều giá trị cần lưu giữ và phát huy. Văn hóa ở và nhà sàn dân tộc Tày có sự gắn kết hữu cơ. Trong giới hạn của bài sẽ không tiếp cận loại nhà đất, cũng là một loại nhà ở của dân tộc Tày.

Ngôi nhà sàn dân tộc Tày - Nùng Việt Bắc là nơi sinh hoạt gia đình, cao hơn nữa nó còn là nơi tái tạo sức khỏe cho con người, nuôi dưỡng, tích lũy phong tục tập quán, điểm sinh hoạt của cộng đồng dân cư trong khu vực cư trú.

Ngôi nhà được hình thành trong cả một quá trình. Để làm nhà, gia đình phải chuẩn bị nguyên vật liệu (nguồn vật liệu khai thác tại núi rừng thiên nhiên), lương thực, hậu cần, thực phẩm (bao gồm cả việc nuôi lợn), việc tích lũy kéo dài vài ba năm.

Khi đủ điều kiện, việc quan trọng là nhờ thầy xem sách chọn ngày tháng, nhờ người làm cột, kèo, gắp gianh lợp mái, lấy rui, tổ chức công việc hậu cần. Khi đủ điều kiện thì dựng nhà, với lễ lạt đầy đủ. Công trình hoàn thành thực hiện tục cúng nhà mới, xin âm dương. Cỗ vào nhà mới được tổ chức chu đáo với sự hiện diện của các chủ hộ trong bản, người thân thuộc và bạn bè.

Kiến trúc của nhà sàn dân tộc Tày - Nùng có những nét đặc trưng cơ bản, trước tiên nói về quy hoạch. Bản của người Tày thông thường có từ 20 - 50 nóc nhà, có nhiều nơi tập trung đông hơn, thậm chí có nơi đến 80 - 100 nóc nhà. Thông thường bố cục các nhà vòng theo một thung lũng, lưng quay về núi, mặt hướng ra cánh đồng, xa xa là con suối, có cọn nước, cối giã gạo… Quanh bản hoặc quanh nhà ở độc lập được bao bằng tre, mai, hóp (viền, khuyên) có giá trị bảo vệ an ninh, an toàn.

Quy hoạch điển hình nhà ở dân tộc Tày

Tùy theo vùng miền có những đặc điểm riêng bố cục kiến trúc về mặt bằng thang, bếp... nhà sàn dân tộc Tày về cơ bản tuân thủ: thông thường là tựa lưng vào núi, đồi, mặt quay ra cánh đồng; nhìn từ ngoài vào, cầu thang ở hồi (chái) bên phải, sàn phơi bên phải thông với sàn nước nhỏ ở dưới chái nhà. Tuy nhiên, mặt bằng nhiều nơi đảo lại để phù hợp với địa hình.

Thông thường nhà có một cửa và một cầu thang lên xuống, nếu có điều kiện thì chọn đặt cầu thang ở hướng Đông so với nhà, chân cầu thang thường kè một phiến đá bằng và đặt một máy nước để rửa chân. Cầu thang thường có 7 đến 9 bậc. Chiếu nghỉ nằm ở chái nhà là điểm kết nối (sảnh) vào nhà, ra sàn phơi. Đây là nơi để các ống đựng nước đi nương. Phía trên sát mái có sàn nhỏ (giá) để mũ, nón, dao liềm, giỏ... Nhiều nhà có sàn phụ ở phía trước để dụng cụ sản xuất.

Tầng trệt dưới nhà sàn là các cột chống đã tạo khoảng không gian có chiều cao phù hợp cho người sử dụng, xưa thường là nơi nhốt trâu, bò, lợn, gà, vịt, bố trí thành các khoang. Cuộc sống thay đổi, hiện nay không gian này thường để dụng cụ, nông cụ, xe máy, ô tô (nếu có)... thậm chí còn là nơi tiếp khách, không gian ăn uống (thường dùng cho khu có du lịch homestay). Sát chân cầu thang dưới chái là nơi để củi đun và một chiếu giã gạo chày tay. Không gian dưới sàn phơi cũng được khai thác sử dụng, thông thường là nuôi gia cầm.

Cấu trúc mặt bằng nhà sàn dân tộc Tày: Thường bếp ở trung tâm được khuôn lại bằng khung gỗ đổ đất, góc dưới chái thường cũng có một bếp lò đắp bằng đất nện để nấu cám lợn, trên bếp có 1 đến 3 sàn treo. Sàn một cách bếp khoảng 2m, để các đồ sử dụng hàng ngày như: đóm hút thuốc, đồ ăn sấy khô, muối... Tầng 2 để đồ dự trữ như: hạt giống, muối dự trữ... Tầng trên cùng để đồ đan lát, gỗ... Bếp là nơi sinh hoạt thường xuyên - nơi sinh hoạt chung của gia đình.

Phía trước dọc hiên có sàn cao hơn khoảng 20cm có cửa sổ rộng, bậc cửa là lan can với mái hiên thấp, là nơi tiếp khách, ăn uống, nơi sinh hoạt của nam giới. Dọc hành lang dưới là nơi để tủ, chạn bát, dụng cụ bếp nấu...

Kết thúc của chái đối xứng với thang lên là buồng ngủ con dâu, con gái, vách ngăn giữa gian ngủ là nơi tựa lưng của ban thờ tổ tiên hướng vào bếp.

Các không gian ở của người dân tộc Tày gắn liền với phong tục, các quy định như các khu vực sinh hoạt cho nam giới, trẻ em trong không gian ở, việc ứng xử khai thác không gian khi có việc cưới hỏi, ma chay, các tục kiêng kỵ: gõ cột, dụi hỉa, mắc màn... Tuy nhiên, những quy định và phong tục này cũng đã có sự biến động theo thời gian.

Đặc trưng kết cấu của nhà sàn dân tộc Tày. Nhà người dân tộc Tày thường có từ 3 đến 5 gian chính, có thể có 2 chái, thường số cột có từ 16 đến 42 cột (không kể cột ở 2 chái). Cột bằng gỗ tròn ϕ200 - ϕ400, sau này chuyển sang cột vuông, liên kết với nền bằng chôn chân cột, sau này là viên kè bằng đá. Theo chiều ngang số cột có các loại: 4 cột, 6 cột, loại hoàn chỉnh nhất có 7 cột, loại thông thường là 6 cột, với tổng cộng 36 cột.

Hệ thống cột được liên kết ngang và dọc bằng hệ thống xà mộng đục liên kết xà rộng để đóng cứng xà vào cột bằng nêm. Tương tự các đỉnh cột có ngoàm để liên kết kèo và xà vượt, trong nhiều trường hợp các cột giữa của gian giữa chỉ chằng ở sàn; lúc đó thanh quá gian gánh thêm các thanh chống đứng đỡ kèo.

Sàn nhà người dân tộc Tày - Nùng có nhiều loại: loại lát bằng ván, loại bằng nứa, cây mai đập dập, các vật liệu sàn này được lát bên trên các thanh xà nhỏ rải dọc gác bên trên xà xuyên (xà ngang). Khi sàn lát bằng gỗ thì lát toàn bộ ván theo chiều ngang; khi lát bằng vật liệu tre, nứa thì lòng nhà lát theo chiều ngang, hành lang hai bên và khu chạn bát rải theo chiều dọc, xà dọc sát kèo có gác thấp chứa lương thực.

Kết cấu mái lợp: Đòn tay cách nhau khoảng 50cm được gác lên kèo, trên đó là rui, rui thông thường sử dụng cây vầu loại đường kính gốc 4 đến 5cm, rải đều cách nhau khoảng 25cm, khi gác gốc ở dưới, ngọn trên nóc. Vật liệu lợp mái tùy vùng sử dụng các loại khác nhau: lợp bằng cỏ tranh, ngói âm dương, lá cọ. Tổ hợp mặt bằng quyết định kết cấu mái: loại 2 mái, nhưng thông thường là loại 2 mái, 2 chái.

Bao che của nhà sàn dân tộc Tày - Nùng Việt Bắc có thể là ván, nếu bằng phên nứa có 2 loại nong đôi hoặc nong mốt, phên hoặc ván được dùng cho cả việc ngăn phòng khu vực ngủ và khu vực sàn nước.

Giá trị đặc trưng với những đặc điểm: kết cấu đơn giản, bền chắc; vật liệu thân thiện môi trường, công năng phù hợp... đặc biệt việc nhà sàn dân tộc Tày với hình ảnh đậm sắc thái, hài hòa với thiên nhiên đã tạo nên sự trường tồn cùng với thời gian, với giá trị tạo nên không gian vật thể đi cùng giá trị văn hóa phi vật thể của người Tày Việt Bắc. Tác động của khách quan: việc ứng dụng vật liệu, công nghệ xây dựng đi cùng tiện nghi, nếp sinh hoạt sẽ nâng cao giá trị vốn có của kiến trúc nhà sàn người dân tộc Tày Việt Bắc và là điều chúng ta cần quan tâm nghiên cứu, chắt lọc và ứng xử.

KTS. Nguyễn Văn Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy