Kí ức phượng…
VNTN - Ngôi trường tiểu học của tuổi thơ tôi trồng toàn phượng. Những “ông” phượng cổ thụ thân vặn vẹo, to đùng năm bảy người ôm, nhiều nơi xù xì hang hốc. Hốc dòm vào thăm thẳm, tối um. Ấy là giang sơn riêng của lũ thằn lằn, thạch sùng, rắn mối, tắc kè. Thấp thoáng vào vào ra ra; thò đầu nghiêng ngó, ngúc ngoắc; chép miệng, thè lưỡi đớp mồi đánh chách. Đôi khi còn nghe tiếng rượt đuổi, ẩu đả nhau choe chóe bên trong khiến lũ con nít luôn bị phân thân trong hai cảm giác trái ngược nhau: sợ sệt; nhưng lại… tò mò! Sợ cũng phải; bác bảo vệ luôn trừng mắt răn đe lũ học trò tí nhau mỗi khi thấy chúng lảng vảng gần các hốc cây: Cấm dòm! Cấm trèo! Bên trong rắn rít, ma cỏ không á…. Tưởng bác sợ lũ nhỏ té ngã nên “nâng quan điểm” để dọa; ai ngờ đến một buổi ra chơi, anh học trò lớp 5 bạo gan lén chui vào bọng cây đã phát hiện nguyên một… ổ rắn con! Chạy té mật xanh mật vàng, không đứa nào mặt còn hột máu. Rắn rít có thật, vậy thì ma cỏ chắc bác cũng không nói chơi. Càng đáng tin hơn khi trên cái hốc “ông” phượng lẫm liệt nhất sân trường, bác bảo vệ đem đóng tấm ván nằm ngang, biến thành cái ban thờ, rằm mồng một đều đều hương khói!
Hang hốc, thân cành “đáng sợ” vậy, nhưng những tán phượng ken dày, rợp xanh bóng mát cả sân trường, trái lại, hiền hòa, dễ thương vô hạn. Mùa đông phượng rụng lá nhưng hè thì không. Lửa hè càng đổ, tán phượng càng dày xanh, rợp xanh. Bóng mát tuổi thơ luôn có sức hấp dẫn đến mê người khi mỗi buổi học trưa ôm cặp sách nhễ nhại mồ hôi rời con đường đất lầm bụi nắng chang mà chạy bổ vô sân trường mát rượi, sạch bong. Và cũng dễ hiểu tại sao cứ đến giờ tan học, rời sân ra đường, bước chân đứa học trò nhỏ luôn có chút trù trừ…
Y Nguyên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...