Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
16:47 (GMT +7)

Khủng hoảng nguồn nhân lực – sân khấu đang già hóa

Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, năm 2022, số diễn viên trong độ tuổi 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, từ 25 - 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%. Đặc biệt, ở những lĩnh vực đặc thù như Tuồng thì gần như không có diễn viên trẻ.

Cũng từ thực tiễn đáng báo động đó, tại Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023 vừa được tổ chức đầu tháng 5/2023, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Tạ Quang Đông đã đặt ra yêu cầu: “Cần tích cực nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sĩ, diễn viên tài năng trẻ của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà”.

Khi người trẻ không mặn mà với sân khấu truyền thống

Quyết định tổ chức Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 đã cân nhắc thậm chí nâng lên đặt xuống nhiều lần vì qua công tác thăm dò cho thấy rất ít diễn viên trẻ hào hứng tham gia. Tuy nhiên, Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn quyết định tổ chức cuộc thi và coi đây là sự kiện quan trọng, một mặt phát hiện những tài năng mới để kịp thời bồi dưỡng, đào tạo; mặt khác là dịp các nhà hát, đoàn nghệ thuật đánh giá lại lực lượng diễn viên, trên cơ sở đó xây dựng những vở diễn có chất lượng cao trong thời gian tới. Và một điều nữa, Cục Nghệ thuật cũng kỳ vọng, thông qua Cuộc thi, cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, nhìn nhận sức sống của sân khấu truyền thống trong nhân dân, kịp thời có những giải pháp tích cực để bảo tồn, gìn giữ và tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của nền nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc.

Tiết mục tham gia Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo, Tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2023

Diễn ra trong khoảng thời gian không dài với số lượng diễn viên và các đoàn tham dự khiêm tốn (73 diễn viên chèo thuộc 14 đơn vị nghệ thuật và 42 diễn viên tuồng, dân ca kịch thuộc 9 đơn vị nghệ thuật trên cả nước), cuộc thi được đánh giá là đã đạt được những mục tiêu đặt ra. Đó là có huy chương dành cho cá nhân, đoàn nghệ thuật, và cũng có những gương mặt diễn viên trẻ đoạt giải. Chỉ có điều số này còn quá khiêm tốn, khiến cho nỗi lo về đội ngũ kế cận càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Theo thống kê của Cục Nghệ thuật biểu diễn, năm 2022, số diễn viên trong độ tuổi 20 - 25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỷ lệ 5,6%, từ 25 - 30 tuổi cũng chỉ chiếm 42,3%. Đặc biệt ở Nhà hát Tuồng Việt Nam, phần lớn diễn viên đều đã ngoài 40, 50 tuổi. Trong khi đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam có khoảng hơn 30 diễn viên được coi là trẻ thì lượng đào kép chỉ chiếm khoảng 20%. Lý giải cho sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có chế độ đãi ngộ, sự khắt khe trong đào tạo chuyên ngành đòi hỏi sự đam mê, dấn thân hết mình cho nghệ thuật rất lớn. Chính vì vậy, việc tuyển được một diễn viên trẻ đối với các nhà hát, đơn vị nghệ thuật trong thời điểm hiện tại là vô cùng khó. Ghi nhận bên lề của Cuộc thi, các diễn viên trẻ cho biết, mức lương mà họ được hưởng tại nhà hát, đoàn nghệ thuật chỉ dao động từ 3- 4 triệu đồng/ tháng khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Để gắn bó với nghề và hết mình vì sự đam mê, họ buộc phải tham gia các show diễn nghệ thuật để tăng thêm thu nhập.

Nói về việc thu hút người trẻ, giữ chân họ ở lại gắn bó với nghệ thuật truyền thống NSUT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ: Để giải quyết được bài toán nguồn lực diễn viên kịch hát dân tộc phải nhìn ở nhiều góc độ. Trong đó vấn đề cần quan tâm và nổi cộm nhất chính là thiếu vắng những thủ lĩnh dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Thực tế cho thấy, phía sau sự thành công của các đoàn nghệ thuật có sự quan tâm của địa phương cũng như sự quyết đoán của những thủ lĩnh đoàn.

Cùng chung quan điểm với Giám đốc Trần Ngọc Tuấn, nhiều nghệ sĩ, diễn viên đã không ngần ngại bày tỏ sự trăn trở về chính sách đãi ngộ với diễn viên làm nghề. Đối với lĩnh vực nghệ thuật có lẽ không ai là không biết quy luật bất thành văn “thầy già, con hát trẻ”. Nhưng thầy đã già mà con hát trẻ vẫn bặt vô âm tín. Một phần do “biên chế” giới hạn, phần nữa do người “thủ lĩnh” đoàn thiếu bản lĩnh không dám thử sức với xu hướng xã hội hóa sân khấu, để lấy nghệ thuật nuôi nghệ thuật. Sự teo tóp của các đoàn nghệ thuật vì vậy càng trở nên trầm trọng hơn nếu như không muốn nói là èo uột, thiếu sức sống. NSND Hàn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, trung bình mỗi đoàn chỉ còn 20 nghệ sĩ biểu diễn và nhạc công, số nhân lực ít ỏi như vậy khó có thể đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Còn tại Nhà hát Chèo Bắc Giang, đơn vị có 2 NSƯT và 4 diễn viên trẻ tham gia Cuộc thi tài năng trẻ, các diễn viên cho biết, hiện đơn vị còn thiếu tới 7 suất biên chế nhưng lại không có ứng cử viên để tuyển dụng.

Thiếu hụt nguồn nhân lực kế cận không chỉ xảy ra ở lĩnh vực sân khấu, mà ở nhiều chuyên ngành đặc thù khác của lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Chính vì vậy năm 2021, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đào tạo đặc thù, chuyên sâu trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Theo đó, công văn yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẩn trương tổng kết, đánh giá việc đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; làm rõ những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan đề xuất với Chính phủ, sớm ban hành nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn. Tính đến thời điểm hiện tại, còn quá sớm để có được con số chính thức về việc triển khai ý kiến chỉ đạo nói trên.

Lấp khoảng trống nguồn nhân lực

Khẩn trương mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật biểu diễn cho các diễn viên nhằm bảo tồn các giá trị cổ của sân khấu kịch truyền thống; xây dựng đề án, đặt hàng các vở diễn cho các nhà hát, đoàn nghệ thuật truyền thống trong cả nước; tiếp tục hoàn thiện các quy chế cuộc thi, phương thức tổ chức để các cuộc thi được tổ chức ngày một tốt hơn, tìm ra được nhiều hơn nữa những tài năng cho nghệ thuật truyền thống nước nhà. Đó là giải pháp tình thế được cho là cần thiết để kịp thời bù đắp khoảng trống tại các nhà hát, đơn vị nghệ thuật truyền thống. Nhưng bài toán về cơ chế, về chính sách đãi ngộ để nghệ sĩ có thể đi đường dài với nghề vẫn còn là ẩn số. Chưa kể nhiều năm Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội luôn bị động trong công tác tuyển sinh các chuyên ngành nghệ thuật đặc thù. Một phần do không có thí sinh, phần nữa do có những thay đổi trong Luật Giáo dục đào tạo quy định, chuyển toàn bộ hệ đào tạo trung cấp, cao đẳng nghệ thuật sang các trường nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kéo theo sự thiếu hụt nhân lực đối với các ngành nghệ thuật càng trở nên trầm trọng. Mặc dù Chính phủ đã kịp thời ban hành văn bản đặc thù, cho phép các trường đại học đào tạo nghệ thuật được phép đào tạo nghề đặc thù cho nghệ thuật truyền thống nhưng kết quả vẫn còn quá khiêm tốn, nếu như không muốn nói là tại nhiều chuyên ngành tình trạng thiếu giảng viên và người học đang ngày một nhiều hơn.

Thiếu kịch bản, phải Việt hóa tác phẩm kinh điển của thế giới để thu hút khán giả là hướng hiện tại nhiều đoàn nghệ thuật và các nhà hát hay làm. Cảnh trong vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi “Bầy chim thiên nga” do Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng. Ảnh: Quang Khải

Không chỉ không có sinh viên theo học, nhiều khoa đào tạo biên kịch, đạo diễn, người viết lý luận phê bình nghệ thuật cũng thiếu vắng học viên. Ghi nhận tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật, trong suốt 15 năm qua không có một thí sinh nào đăng ký thi vào học chuyên ngành Lý luận, Phê bình sân khấu, điện ảnh và múa. Điều này càng khiến cho lĩnh vực quan trọng này gần như bị bỏ trống, thỉnh thoảng mới có bài viết của những người làm lý luận tay ngang. Chính vì vậy, sản phẩm của họ thường chỉ như “Cưỡi ngựa xem hoa”, không sâu và không làm nổi bật được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống. Đây cũng chính là lý do, nhiều đoàn kịch, các nhà hát phải ăn đong kịch bản hoặc thường xuyên Việt hóa tác phẩm kinh điển của thế giới và làm mới những kịch cũ.

Trích đoạn tuồng "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo" do diễn viên Thanh Phương (Nhà hát Tuồng Việt Nam) đóng vai Nguyệt Cô giành giải Nhất Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2023

Sự thiếu trước, hụt sau về đội ngũ những người làm nghệ thuật truyền thống vô hình chung đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho những loại hình nghệ thuật trá hình len lỏi vào đời sống nghệ thuật. Những kịch bản rẻ tiền, mua vui chiếm sóng nhiều hơn trên các diễn đàn xã hội đã và đang tạo ra tâm lý hưởng thụ thứ nghệ thuật “mì ăn liền” lấn lướt nghệ thuật truyền thống. Kết quả, nhiều đêm diễn vắng khán giả, nhiều đoàn kịch hiện chỉ đang tồn tại trên danh nghĩa.

Quay trở lại với cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Chèo, Tuồng và dân ca kịch toàn quốc để thấy những nỗ lực của nhà quản lý và tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống không chỉ của những người trong nghề mà còn của công chúng Xứ Thanh - mảnh đất diễn ra cuộc thi với những đêm diễn chật kín khán giả. Đó chính là nguồn năng lượng tích cực cho nghệ thuật truyền thống. Đồng thời với những kinh nghiệm hoạt động của mình, các đoàn nghệ thuật đã trao truyền và nhận rõ những hướng đi mới cho loại hình vốn kén khán giả này - đó chính là xã hội hóa sân khấu, mạnh dạn đầu tư về con người một cách toàn diện. Bên cạnh đó là sự thay đổi chính sách lương, ngạch bậc… để nguồn nhân lực sân khấu có thể sống được bằng lương và ngày càng có thêm người trẻ gắn bó với sân khấu.

Quỳnh Hoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy