Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
20:47 (GMT +7)

Khúc tráng ca

Truyện ngắn. Nguyễn Trần Bé

VNTN - Trước khi trở lại Thái Nguyên, Lập nói với các bạn cùng nhóm “phượt” bằng xe máy lên với “Lễ hội Hoa Tam giác mạch” trên Cao nguyên đá Đồng Văn:

- Các cậu ơi! Về đến thị trấn Yên Minh chúng mình dừng lại chút nhá!

Trưởng nhóm hỏi Lập:

- Dừng lại làm gì? Chúng ta đã thống nhất là không đi việc riêng cơ mà.

Lập gãi đầu:

- Việc này riêng cũng phải, mà chung cũng phải.

- Nghĩa là sao? Cậu nói rõ ra xem nào! - Trưởng nhóm có vẻ sốt ruột.

- Tớ muốn dừng lại ở nghĩa trang thanh niên xung phong để thắp hương cho các liệt sĩ, trong đó có một người cùng quê Đại Từ với tớ. Ông ấy hy sinh khi tham gia mở con đường Hạnh Phúc từ đầu những năm sáu mươi của thế kỷ trước.

Cả nhóm tròn xoe mắt. Trưởng nhóm sửng sốt hỏi:

- Thật á? Sao cậu biết?

- Năm hai nghìn không trăm mười lăm có một ông là Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Hà Giang dẫn theo một anh nhà báo sang Thái Nguyên tìm gặp các cựu thanh niên xung phong để lấy tư liệu viết cuốn sách “Những ký ức về con đường Hạnh Phúc”, nhân kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành con đường này. Tình cờ tớ được nghe ông ấy kể về liệt sĩ Đào Ngọc, đồng hương cùng xã với tớ. Cảm động lắm các cậu ạ.

Nhóm bạn nhao nhao:

- Chuyện như nào? Cậu kể đi!

                        *

 Đang cùng vợ làm cỏ sắn trên nương, Đào Ngọc nghe thấy tiếng gọi của bác Trịnh, nhân viên bưu tá xã:

- Ngọc ơi! Cháu có thư đấy!

Đào Ngọc tất tả chạy xuống, hí hửng hỏi bác Trịnh đang đứng dưới vệ đường cùng chiếc xe đạp cà tàng:

- Thư của bố cháu, phải không bác?

Bác Trịnh lắc đầu:

- Không phải thư, mà là công văn của Huyện đoàn Đại Từ! Bác thấy có dấu “hỏa tốc” nên phải tìm cháu để đưa ngay.

Nghe bác Trịnh nói thế, gương mặt Đào Ngọc thoáng nét buồn. Đã mấy năm nay anh và gia đình luôn ngóng thư của cha, nhưng càng ngóng thì lại càng bặt vô âm tín. Vì thế cứ mỗi lần thấy bác Trịnh gọi đưa thư là một lần Đào Ngọc thấp thỏm. Hôm nay lại thêm một lần mừng hụt. Đào Ngọc thấy nhớ cha đến quặn lòng. Anh còn nhớ như in, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cha anh từ chiến trường được về qua nhà nửa tháng rồi lại đi tiếp. Ngày ấy cha mặc áo trấn thủ, đội mũ nan tre, chân đi dép cao su, gương mặt sạm đen vì sương gió nơi trận mạc. Ngọc nhớ mãi lời cha nói với mẹ trước khi đi: “Tôi là bộ đội phải chấp hành quân lệnh. Mình ở nhà gắng chăm sóc các con, đợi tôi về!”. Cha còn dặn Ngọc: “Con lớn rồi, phải biết giúp đỡ mẹ thay cha!”. Thế mà đã năm năm rồi cha có về đâu! Cách đây một năm, Ngọc nhận được thư cha gửi riêng cho anh. Trong thư cha chỉ nói ngắn gọn là được cử đi làm nhiệm vụ đặc biệt ở rất xa, và dặn Ngọc đừng nói cho mẹ biết, khi nào có điều kiện thì cha sẽ viết thư về. Chính vì thế càng ngày anh càng mong ngóng thư cha hơn bao giờ hết.

Chữ “Hỏa tốc” đóng trên bì thư khiến Đào Ngọc không thể lừng khừng. Anh tạm gác những hồi ức về người cha thân yêu của mình, vội bóc công văn ra đọc. Huyện đoàn triệu tập anh lên huyện họp gấp để triển khai công việc đột xuất. Đào Ngọc chỉ kịp gọi với lên nương sắn nói với vợ vài câu rồi về luôn.

Huyện đoàn mở hội nghị triển khai “Phong trào đoàn viên thanh niên Việt Bắc xung phong đi mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc” theo lời kêu gọi của Khu ủy và Khu đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam Khu tự trị Việt Bắc.

Hội nghị diễn ra rất sôi nổi. Bí thư đoàn thanh niên các xã trong huyện đều đăng ký xung phong tham gia ngay tại hội nghị. Đào Ngọc là một trong số những bí thư đoàn xã đăng ký đi đầu tiên.

Đêm ấy Đào Ngọc không sao ngủ được. Hình ảnh đứa con trai hơn một tuổi mới lẫm chẫm biết đi cùng dáng vóc gầy gò của Hạnh, vợ anh, cứ như sợi dây vô hình níu kéo anh. Đào Ngọc nghĩ, nếu mình đi thanh niên xung phong lên mở đường Hà Giang - Đồng Văn thì ở nhà liệu Hạnh có lo toan được gia đình trên đôi vai gầy guộc này không? Lại nữa, từ ngày cha đi làm nhiệm vụ đặc biệt, mẹ anh suy sụp trông thấy. Mới ở tuổi gần năm mươi mà mẹ đã già khọm như người sáu, bẩy chục tuổi. Mình đi rồi ai sẽ lo cho mẹ đây? Nhà mình chỉ có hai anh em, người em gái đã đi làm dâu ở xã khác, nếu mình đi vắng thì còn đâu chỗ dựa cho mẹ và vợ con! Nhưng mình là đoàn viên thanh niên, lại là bí thư đoàn xã, nếu mình không xung phong để làm gương thì còn ai nghe theo mình nữa đây?

Thấy chồng trằn trọc không ngủ, Hạnh hỏi nhỏ:

- Anh có chuyện gì phải nghĩ ngợi à?

Đào Ngọc xoay người ôm chặt lấy vợ. Anh thấy xót xa khi bàn tay mình va phải những dẻ xương sườn của Hạnh. Hồi mới cưới, Hạnh đâu gầy guộc như thế này. Sự nõn nường, căng mọng của Hạnh cứ biến dần đi từ khi về làm vợ anh. Biết bao công việc nhọc nhằn của gia đình đều do Hạnh gánh vác. Anh làm cán bộ Đoàn đi suốt ngày, chẳng mấy khi giúp được vợ công việc đồng áng, ruộng nương. Hạnh làm quần quật từ sáng tinh mơ đến tối nhọ mặt người mà vẫn không đủ cơm ăn, áo mặc cho cả nhà. Tình cảnh khó khăn chung, cả nước đều như vậy, biết kêu ai bây giờ? Đào Ngọc gọi thầm trong tâm tưởng: “Hạnh ơi! Hãy thông cảm cho anh, em nhé!”. Cố ghìm lòng, Đào Ngọc nói với vợ:

- Có một việc anh nghĩ mãi mà chưa biết nói với em thế nào!

- Việc gì anh cứ nói đi! Em sẵn sàng chia sẻ cùng anh!

Đào Ngọc ôm vợ chặt hơn. Lúc lâu sau anh mới cất nổi lời:

- Mấy hôm nữa anh đi thanh niên xung phong lên Hà Giang mở đường em ạ.

- Anh đi độ bao lâu thì về?

- Chưa biết được. Có thể là vài năm gì đó.

- Vài năm cơ á? Thế thì lâu nhỉ! Thằng cu Phúc nhà mình còn bé quá!

- Chính vì vậy mà anh đang băn khoăn. Anh đi vắng thì em lại càng vất vả hơn. Nhưng anh là...

Hạnh ôm chặt lấy chồng, úp mặt vào mái tóc cháy nắng của anh, rồi cất lời:

- Anh không lo đâu. Ở nhà em đã có mẹ, có chị em đoàn thể, có hợp tác xã, anh còn lo gì chứ. Đến bao giờ anh đi?

- Hình như là vài hôm nữa.

- Có nhiều người cùng xã đi với anh không?

- Khoảng năm, sáu người em ạ.

- Vậy thì cũng vui. Có người cùng xã thì sẽ giúp đỡ được nhau, anh nhỉ!

- Ừ.

Đào Ngọc chỉ nói được thế. Nói nữa có lẽ anh sẽ khóc.

                                *

Trước khi bước vào khai phá đoạn đường đèo khó khăn nhất là đỉnh Mã Pì Lèng, Ban Chỉ huy công trường có sáng kiến thành lập Đội cơ dũng, gồm những người khỏe mạnh, dũng cảm, có tính kiên trì, không sợ độ cao, có kinh nghiệm đục đá ở những đoạn đường đèo trước đó. Đội cơ dũng có nhiệm vụ treo mình trên các vách núi dựng đứng, đục đá tạo thành những chỗ đặt chân cho các tay thợ đứng đục lỗ choòng để nhồi thuốc mìn phá đá. Đào Ngọc là một trong những người xung phong đầu tiên vào Đội cơ dũng.

Buổi tối hôm ấy, Đào Ngọc được gọi lên gặp Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy công trường. Sau cái bắt tay, Chỉ huy trưởng nói ngay:

- Cậu đúng giờ đấy. Uống nước đi, rồi ta trao đổi công việc!

Đào Ngọc thấy hơi lo lo. Anh nghĩ thầm, không biết mình có sơ xuất gì mà lại bị Chỉ huy trưởng gọi lên Công trường bộ thế này?

- Hôm nay tôi gọi đồng chí lên để thông báo mấy nội dung...

Lời vị Chỉ huy trưởng Công trường cắt đứt dòng suy nghĩ của Đào Ngọc, khiến anh thoáng giật mình. Anh nhìn vị chỉ huy, nói ấp úng:

- Dạ, có điều gì đồng chí cứ chỉ bảo ạ!

Vị Chỉ huy trưởng cười ha hả. Đoạn ông bảo:

- Thế này Ngọc ạ. Ban Chỉ huy công trường vừa họp bàn và đi đến quyết định sẽ thưởng cho một số anh em trong Đội cơ dũng có thành tích xuất sắc thời gian qua được nghỉ phép về thăm gia đình. Cậu là người được xét chọn đợt đầu tiên. Chắc nhớ vợ con lắm, phải không? Xa mẹ con nó những ba năm rồi còn gì!

Niềm vui quá bất ngờ khiến Đào Ngọc ấp úng không nói nên lời. Miệng anh cứ khục khoặc như người mắc hóc. Chỉ huy trưởng lại cười ha hả. Cười xong, giọng ông bỗng trở nên nghiêm trang:

- Đồng chí Ngọc này. Đồng chí có biết Đội cơ dũng là gì không?

- Dạ, là đội đi tiên phong ạ.

- Đúng. Là đội tiên phong. Nhưng không chỉ có thế đâu. Đó là đội cảm tử đấy. Những người trong Đội cơ dũng là những chiến sĩ cảm tử, vì công việc treo mình trên vách núi đục đá rất nguy hiểm, có thể hi sinh cả tính mạng!

- Vâng. Điều đó thì em biết thủ trưởng ạ.

- Tốt. Đồng chí xác định được như vậy là rất tốt. Ngày mai đồng chí được nghỉ phép về quê thăm gia đình mười lăm ngày. Sáng mai đồng chí lên tài vụ ứng tiền rồi đi cho sớm. Ban chỉ huy công trường đã liên hệ mượn được ngựa của dân.

- Ngựa á? Em có biết cưỡi đâu!

- Sẽ có người hướng dẫn. Nếu không cưỡi được thì ngựa sẽ chở đồ.

- Em có mỗi chiếc ba lô nhẹ tâng. Thôi, để em cuốc bộ cho nhanh!

                                *

Thấy người đàn ông lạ khoác ba lô vào nhà mình, thằng Phúc tròn xoe mắt nhìn. Lát sau nó chạy ra cổng gọi toáng:

- Mẹ ơi! Có người lạ vào nhà mình. Con ngăn không được. Mẹ về đi!

Đào Ngọc nhận ra thằng bé là con mình. Anh gọi:

- Phúc à. Bố đây mà. Bố Ngọc của con đây!

Thằng Phúc vẫn nhìn bố bằng đôi mắt ngơ ngác. Nó cứ lùi dần, lùi dần.

Nhìn đứa con trai bốn tuổi không nhận ra bố, Đào Ngọc ứa nước mắt. Anh cố bặm môi để nước mắt không trào ra.

Nghe tiếng con gọi, Hạnh tất tả chạy về. Nhận ra chồng, chị đứng lặng mấy giây, rồi lao như tên bắn về phía chồng. Chị ôm chầm lấy anh nghẹn ngào. Đôi bờ vai gầy rung lên. Hai cánh tay khẳng khiu của chị lướt khắp người anh. Giọng chị tắc nghẹn:

- Anh gầy quá! Vất vả lắm, phải không anh?

- Ừ. Vất vả, nhưng chỉ bằng một nửa em ở nhà thôi. Em cũng gầy quá đấy!

Chỉ thằng Phúc đang đứng như hóa đá nhìn bố mẹ, Hạnh bảo:

- Con mình đấy. Anh thấy nó lớn không? Hồi anh đi con mới hơn một tuổi. Phúc ơi! Lại với bố đi con!

Đào Ngọc bế thốc con lên. Cả ba người ôm chặt lấy nhau như chẳng muốn rời. Gương mặt họ đầm đìa nước mắt.

                                *

Hạnh ngồi trong nhà tắm, được quây bằng mấy cái lá cọ, thậm thụi khóc. Chị khóc thương cho chồng và cho chính mình. Sao lại thế chứ? Sao mình lại “đến tháng” đúng vào ngày anh về phép thế này? Trời ơi, phải làm sao đây?

Bữa cơm tối có thịt gà nấu canh gừng rất ngon mà Hạnh thấy đắng ngắt. Biết chồng thích món canh gà nấu gừng, chiều nay Hạnh thịt con mái tơ béo ngậy, nấu bằng cả tấm lòng mình. Nhìn chồng ăn ngon miệng, chị ứa nước mắt. Thằng Phúc vừa gặm cái đùi gà vừa nói với bà nội:

- Hôm nay có bố Ngọc về mẹ mới thịt gà. Ăn ngon quá bà nhỉ! Giá ngày nào bố cháu cũng về thì tốt.

Đào Ngọc buông đũa thở dài. Lát sau, anh bảo vợ:

- Mẹ già rồi, con còn bé, em thì làm lụng vất vả, thỉnh thoảng mổ con gà mà ăn cho lại sức em ạ. Đừng có chắt bóp quá!

Bà nội gắp cho thằng Phúc cái đùi gà ở bát mình:

- Răng bà đau không ăn được. Cháu ăn đi!

Thằng Phúc lắc đầu:

- Cái đùi này để dành đến mai bà ạ.

- Cha bố mày, chỉ vẽ chuyện. Thèm thì cứ ăn đi. Mai mẹ mổ con khác. Ăn xong xỉa răng cho sạch kẻo bị sâu. Tối nay ngủ với bà!

Đêm đầu tiên sau ba năm xa vợ khiến Đào Ngọc háo hức. Anh hào hển ôm lấy Hạnh, tay vội vã bật cúc áo vợ, lần vào ngực, rồi lần xuống bụng, lần xuống dưới... Hạnh khẽ khàng nắm lấy tay chồng, giọng xót xa:

-Không được đâu anh!

-Sao thế em?

-Em... Em... Em đang... đóng vải xô!

Ngọc thẫn thờ buông tay. Anh im lặng thở dài. Đôi mắt nhìn lên đình màn lờ mờ trong ánh đèn dầu. Bỗng dưng anh thấy thương vợ đến thắt lòng. Và anh lặng lẽ khóc. Tiếng con thạch sùng trên vách “chặc chặc chặc” như thể vào hùa với nỗi buồn mênh mang của anh.

Hạnh hỏi chồng trong tiếng thút thít:

- Anh còn ở nhà lâu không?

- Còn ba ngày nữa em ạ. Tiếng là được về phép mười lăm ngày, nhưng nguyên đi về đã mất mười hai ngày rồi. Từ công trường về thị xã Hà Giang chẳng có xe ô tô, anh phải cuốc bộ. Đón xe từ Hà Giang về Thái Nguyên, rồi về đến nhà mình cũng phải chờ đợi mất mấy ngày.

- Thế ở lùi lại thêm một hai ngày nữa có được không anh?

- Không được đâu em ạ. Công trường sắp bước vào giai đoạn cao điểm, anh không thể sai hẹn được!

Hạnh vùi đầu vào ngực chồng, giấu tiếng nấc nghẹn.

                             *

  Chị Toan, Chi hội trưởng phụ nữ hợp tác xã, đứng ở bờ ruộng nói với Hạnh:

- Chồng về tao tưởng mày phải vui hơn hớn chứ. Sao mặt mũi lại ủ rũ như rau héo thế kia?

Tiếng chị Toan làm Hạnh giật mình. Bỏ nắm mạ đang cấy xuống mặt ruộng, Hạnh bước vào bờ, nơi chị Toan đang đứng:

- Em vui làm sao được hả chị!

- Sao? Có chuyện gì à?

- Vâng. Đằng đẵng ba năm xa nhau, khi chồng về thì em lại “dính”!

- Trời ạ! Mày khổ đến thế là cùng. Đúng là chả có cái gì oái oăm hơn nữa! Thế đến bao giờ thì Ngọc nó đi?

- Ba hôm nữa chị ạ.

- Thế chả nhẽ đợt này nó về, vợ chồng mày đành ngủ “chay” à?

- Thì đành thế chứ biết làm sao hả chị?

Nghĩ ngợi một lát, gương mặt chị Toan tươi tỉnh hẳn lên:

- À, tao có cách rồi!

Hạnh vội vã hỏi:

- Cách gì hả chị?

- Tao đi gặp bà Thẹo. Cái bà lang băm này có nhiều trò lạ lắm. Tao tin là bà ấy sẽ có cách. Thôi, mày cấy đi, để tao đi tìm bà ấy.

Uống thuốc được hai hôm thì Hạnh “sạch” thật. Đêm ấy chị sung sướng nói với chồng:

- Mai anh đi, đêm nay em sẽ có quà.

Nghe vợ nói đến quà, Đào Ngọc chợt nhớ ra. Anh nói với Hạnh:

- Mai lúc tiễn anh ra thị trấn đón xe, em nhớ nhắc anh mua thuốc nhá!

- Thuốc gì hả anh?

- Thuốc kí ninh chống sốt rét, dầu cao và bông băng.

- Thế mà em lại tưởng anh mua thuốc lào.

- À, ừ, cả thuốc lào nữa. Trên ấy cái gì cũng thiếu! Anh mua mấy thứ ấy lên để làm quà cho anh em. Thế còn quà của em là gì?

Hạnh lẳng lặng kéo chồng nằm xuống. Vòng tay ôm vợ, Đào Ngọc ngỡ ngàng thấy vợ hoàn toàn khỏa thân. Hạnh hổn hển bảo chồng:

- Em “sạch” rồi. Uống thuốc bà lang Thẹo, “sạch” trước hai ngày.

- Thật sao em? - Ngọc phấn khích cao độ.

- Thật chứ.

Ngọc chồm lên người Hạnh. Họ quấn lấy nhau như một đôi tân hôn.

Sau trận mây mưa, Ngọc hỏi vợ:

- Sao bà Thẹo biết chuyện mà lấy thuốc giúp em?

- Chị Toan nhờ bà ấy lấy giúp.

- Trời đất. Chuyện này mà em đi kể với người ngoài sao?

- Thì chị ấy thấy em buồn, chị ấy hỏi, em nói thật. Chị ấy thương, đi tìm bà lang Thẹo. Mà chuyện này đâu có xấu hả anh?

- Không xấu nhưng anh cứ thấy ngài ngại.

- Ôi, người anh hùng của em! Trước nguy nan không ngại mà lại ngại chuyện không đâu. Anh có mệt không?

Đào Ngọc không nói gì. Anh lại cuống cuồng chồm lên người Hạnh như thể hổ đói vồ mồi.

                                                 *

Mấy hôm đầu treo mình trên vách đá lửng lơ giữa lưng trời, anh em trong Đội cơ dũng không ai dám nhìn xuống dưới. Cái hẻm vực sông Nho Quế khi ấy hệt như cái cửa xuống âm phủ. Nó cứ hun hút, thăm thẳm, đầy ma lực, chẳng khác gì miệng quỷ thần lúc nào cũng chực kéo người xuống đó, khiến anh em trong đội bị phân tâm không thể làm được việc. Trước tình cảnh ấy, Đào Ngọc nói với anh em:

- Chúng mình là chiến sĩ Đội cơ dũng chả lẽ chùn bước sao? Anh em ơi! Hãy nhìn lên phía trên đầu mình. Ở đấy có trời xanh, mây trắng!

Câu nói văn hoa ấy của Đào Ngọc đã lấy lại được tinh thần cho mọi người. Từ ngày hôm sau, công việc có phần thuận hơn.

Vừa làm, anh em trong Đội cơ dũng vừa trêu chọc Ngọc:

- Chà! Tay Ngọc này mới về phép lên, được chút hơi vợ có khác. Hắn đục đá suốt ngày mà không thấy mệt. Chắc đợt về phép vừa rồi lại cấy được một thằng cu nữa trong bụng vợ. Mai ngày làm xong công trường trở về nó lại không nhận bố cho mà xem. Ha ha ha...

Tiếng cười của các đội viên Đội cơ dũng vang khắp vách đá, tan vào không trung, vọng xuống vực sâu, tạo nên thứ âm thanh vừa thần bí vừa thôi thúc lòng người. Tiếng cười làm vơi đi sự vất vả nhọc nhằn, quên đi sự nguy hiểm luôn chực chờ phía trước. Tiếng cười hòa lẫn với tiếng đục đá hòa thành những chuỗi âm thanh bi tráng giữa lưng chừng trời.

Sau mười một tháng treo mình đục đá trên đỉnh Mã Pì Lèng, Đội cơ dũng của Đào Ngọc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở lối đặt chân cho các thợ đục choòng nổ mìn phá đá, tạo điều kiện cho lực lượng chủ lực khai thông đỉnh đèo khó khăn nhất của tuyến đường.

Sáng tháng ba năm một chín sáu lăm.

Mây trắng giăng kín trên đỉnh Mã Pì Lèng. Bầu trời xám xịt mầu chì. Những đợt gió lạnh từ phương Bắc tràn về kéo theo cái rét tái tê. Gương mặt các thanh niên xung phong mở đường nhợt nhạt bởi cái lạnh ghê người. Tiếng vị Chỉ huy trưởng công trường vang lên:

- Các anh em thanh niên xung phong! Càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan. Anh em ta hãy cố gắng lên! Đỉnh Mã Pì Lèng, nơi khó khăn nhất, đã được khai thông. Chúng ta hãy cùng tiến lên mặt đường dọn đá!

Tiếng của vị Chỉ huy trưởng như hồi còi thúc giục, như ngọn lửa sưởi ấm lòng người, khiến tâm hồn Đào Ngọc cảm thấy lâng lâng. Hình ảnh Hạnh và những đứa con tươi cười đón anh trong vòng tay thương nhớ hiện lên trước mắt. Anh sung sướng cầm chiếc xẻng quăn tít mũi, bước nhanh lên mặt đường. Cái rét buốt hình như tan biến trước khí thế lao động hăng say của các thanh niên xung phong. Mọi người đang miệt mài xúc đá, bỗng có ai đó hét lên:

- Đá lăn đấy, anh em ơi! Hãy cẩn thận!

Đào Ngọc ngẩng lên nhìn. Một hòn đá lớn từ phía trên cao đang chồm chồm như một cơn lốc lao xuống phía dưới đường mòn. Anh giật mình nhận ra hai bố con người Mông đang đi qua đó. Họ nhảy cuống cuồng tránh hòn đá đang rơi. Đứa bé nép được vào vách đá, nhưng người đàn ông thì bị trượt ngã xuống phía vực, đôi tay đang chới với bám vào các mô đá một cách tuyệt vọng. Đào Ngọc vội vứt xẻng, lao như bay xuống chỗ người đàn ông nọ, túm được tay ông ta. Đúng lúc Đào Ngọc kéo được người đàn ông Mông lên mặt đường thì cũng là lúc anh mất đà, lao xuống vực sâu!.

Ngôi mộ đá của Đào Ngọc đặt gần nơi anh ngã xuống. Trong lễ truy điệu, vị Chỉ huy trưởng công trường nghẹn ngào nói: “Ngọc ơi! Sự hi sinh của em hôm nay là để cho mai ngày Cao nguyên đá sinh sôi! Nằm lại đây với đồng bào, em nhé!”.

Những lời nói thốt lên từ trái tim vị Chỉ huy trưởng công trường giống như tiếng kíp mìn kích vào khối thuốc nổ liên hoàn, bùng lên thành tiếng nức nở, xót xa của tất cả mọi người. Tiếng khóc thương người thanh niên xung phong trẻ tuổi đã xả thân vì dân, nén chặt trong lồng ngực mỗi người chợt vỡ ra thành chuỗi, thấm vào từng thớ đá, bay lên trời cao, lan xuống vực sâu, chạy dọc khắp công trường, tạo nên khúc tráng ca bi hùng trên Cao nguyên đá.

                                                *

Buổi trưa ấy, nghĩa trang liệt sĩ thanh niên xung phong làm con đường Hạnh Phúc có khách viếng thăm là những chàng trai, cô gái trẻ từ đất chè Thái Nguyên. Họ kính cẩn thắp hương, cúi đầu trước anh linh những người cùng tuổi với họ đã ở lại mãi mãi với những nương tam giác mạch nhuộm tím hồng, những vạt cải óng vàng rập rờn giữa trùng trùng đá dựng.

Lắng nghe tiếng gió vi vu thổi qua triền núi, Lập nghĩ biết đâu đó trên chòm sa mộc xanh thẫm cao vút kia, linh hồn liệt sĩ Đào Ngọc đang mỉm cười với nhóm đồng hương trẻ của anh. Lập mỉm cười giơ tay lên, vẫy vẫy.

_____

(*) Nhân vật Đào Ngọc trong truyện ngắn này được viết dựa theo nguyên mẫu là liệt sĩ Đào Ngọc Phẩm, quê Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, thanh niên xung phong tham gia mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc (Tức Quốc lộ 4C, được người dân nơi đây gọi là đường Hạnh Phúc) từ năm 1959 - 1965.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đi về miền thương

Văn xuôi 4 giờ trước

Vị chát trung du

Văn xuôi 1 tuần trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước