Khúc huyền thoại Sông Lam quê Bác
Mỗi dịp về thăm quê Bác, ai cũng nghĩ đến vùng đất địa linh nhân kiệt, nghĩ đến vùng quê sinh ra người “Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới”. Trong đó có Sông Lam với những sự kỳ lạ và thiêng liêng.
Ngược về nguồn cội
Sông Lam là một trong ba con sông lớn của nước ta. Miền Bắc là Sông Hồng, miền Nam là Sông Cửu Long và miền Trung là Sông Lam. Sông Lam bắt nguồn từ núi Puloi ở Thượng Lào. Từ khe suối đổ xuống với độ cao 2.060m, có chiều dài là 520km, diện tích lưu vực là 27.200km2, từ sông Hoàng Mai đến tận sông Rác (Hà Tĩnh ) với 86 phụ lưu.
Sông Lam chảy trên đất Nghệ An dài 390 km, qua các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, qua quê Bác, xuôi 16km gặp sông La (Hà Tĩnh) rồi đổ ra biển Cửa Hội.
Sông Lam đã từng có tên là Sông Cả, Thanh Long Giang hay Sông Rum (Rum tiếng Hán là màu xanh).
Bao giờ Ngàn Hống hết cây
Sông Rum hết nước đó với đây mới hết tình.
Cũng theo tập quán từ lâu đời, sông qua đâu thì gọi tên theo địa phương ấy: Sông Con, Sông Hiếu, Sông Cấm, Sông Bùng, Sông La hay Rào Cả, Rào Hiệu Mỵ, Rào Chắt Nhâm ...
Vậy thì từ bao giờ con sông này có tên là Sông Lam (Lam Giang)?
Truyền thuyết để lại, thuở xa xưa có nạn hồng thủy nhấn chìm đất trời trong biển nước mênh mông. Thượng Đế sai một con rồng xanh (Thanh Long) xuống hạ giới cứu muôn loài. Rồng Xanh húc đầu vào núi non, khe suối ngăn hồng thủy. Rồng đi đến đâu dòng sông hiện ra đến đó cuốn theo nước ra biển. Dòng sông đó là Thanh Long Giang.
Cho đến trước thời Hậu Lê, xung quanh chân Rú Thành là trung tâm hành chính, thương mại của Châu Hoan vẫn được gọi là Long Thành. Nằm cạnh sông Thanh Long Giang là Rú Thành, trên đó có một tòa thành tên là Thanh Long. Khi quân Minh sang xâm lược nước ta, chiếm và xây dựng thành cao hào sâu gọi là Thành Rum hay Lam Thành. Sau khi Lê Lợi từ thành Lục Niên trên núi Thiên Nhẫn tiến quân qua sông vây hãm và tiêu diệt Trương Phụ, chiếm Lam Thành, khôi phục lại độc lập dân tộc thì chính thức gọi tên sông là Sông Lam.
Từ đó Sông Lam nổi danh trong sử sách. Dưới triều Nguyễn, Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) Sông Lam được chạm hình vào một trong Cửu đỉnh (Tuyên đỉnh) - những địa danh tiếng tăm và đẹp nhất của nước ta.
Sông Lam - con sông lịch sử
Sông Lam từ ngàn xưa là con sông văn hóa, con sông lịch sử của đất nước. Chảy vào đất Nam Đàn cách Kim Liên quê Bác chừng 2km là Núi Hùng Sơn - Rú Đụn. Dưới chân núi là vệ Vạn An, đó là thành cũ và cũng là kinh đô của Mai Hắc Đế (tên thật là Mai Thúc Loan, trị vì: 713 – 722).
Thế kỷ thứ VIII, nhà Đường cai trị nước ta với vô vàn chính sách khắc nghiệt và tàn ác. Theo các tài liệu, vào khoảng năm 713, Mai Thúc Loan chiêu tập nghĩa sỹ, phất cờ khởi nghĩa. Ông phát hịch kể tội giặc Đường và kêu gọi người dân đứng lên đánh đuổi ngoại xâm. Khu vực núi Đại Huệ (nay có lăng mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ) cũng thuộc phạm vi hoạt động của nghĩa quân.
Với tài năng quân sự và ngoại giao đặc biệt, ông đã chiêu tập quân của 32 châu, liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Xảo Oa, Ja Va để đánh giặc. Đoàn quân kéo về Sa Nam (Nam Đàn), dựa vào địa thế Thiên Nhẫn và Sông Lam, lấy Rú Đụn làm cơ sở và căn cứ, xây thành Vạn An chống lại quân đô hộ nhà Đường.
Mai Thúc Loan chiêu mộ quân đội ngày càng đông. Rú Đụn là trung tâm xây dựng thành quách, kho đụn chứa lương thực và vũ khí của nghĩa quân. Phòng tuyến bảo vệ thành Vạn An kéo dài từ Đan Nhai (Cửa Hội) dọc bờ sông Lam lên chân Rú Đụn.
Nhờ tài tổ chức và lãnh đạo của Mai Thúc Loan, với sự hợp tác, đoàn kết với các nước láng giềng Cham Pa và Lâm Ấp nghĩa quân Mai Thúc Loan đã có một vùng rộng lớn, đủ sức chống lại quân nhà Đường. Nghĩa quân đánh chiếm Châu Hoan, Châu Diễn, Châu Ái rồi kéo quân ra đánh chiếm thành thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Đất nước được giải phóng khỏi ách thống trị cùa nhà Đường. Nhân dân tôn Mai Thúc Loan lên làm vua, Mai Thúc Loan da ngăm ngăm đen nên nhân dân gọi ông là Vua Đen – Mai Hắc Đế. Ông lấy thành Vạn An, vùng Nam Đàn làm Thủ đô. Như vậy đất nước ta với lịch sử lâu dài đã có Thủ đô đầu tiên là Vạn An, nằm dưới chân Rú Đụn ngay bờ sông Lam.
Trước mặt kinh đô Vạn An là núi Ngọc Tượng, có khe Bò Đái với câu sấm:
Đụn sơn phân giái (giới),
Bò Đái thất thanh,
Thủy đáo Lam Thành,
Nam Đàn sinh thánh.
Đầu thế kỷ XX nhiều người nói Thánh là Cụ Phan Bội Châu. Ông Trần Lê Hữu (Bác Hồ gọi là cậu), giúp việc cho Cụ Phan ở Huế khi Cụ bị Pháp bắt an trí tại đây (1925) đã hỏi Cụ Phan: “Nam Đàn sinh thánh, Thánh có phải là bác không?”. Cụ Phan Bội Châu trả lời: “Không phải tôi, mà Thánh là ông Nguyễn Ái Quốc”.
Theo dòng Sông Lam là quê hương của 4 nhân kiệt của nước ta: Mai Hắc Đế, Quang Trung, Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh và 4 Danh nhân văn hóa được thế giới công nhận: Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Hồ Xuân Hương, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Trông sang phía Nam của Sông Lam là Núi Thiên Nhẫn.
Núi Thiên Nhẫn nằm vắt qua ba huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Hương Sơn sát bờ Sông Lam... Thiên Nhẫn có các ngọn cao thấp trùng điệp, có dáng đàn ngựa 999 con phi nước đại nên núi có tên là Rú Nghìn và tiếng Nôm dân ta vẫn gọi là Rú Động Ngựa với đỉnh cao nhất là Tam Thai.
Từ đây Khe Hương ngoằn ngoèo đổ xuống Rú Đồn có Đò Vạn Rú. Dưới chân Tam Thai có Núi Quải Bái ( Rú Treo Cờ) vẫn còn đền thờ các danh nhân Trần Khánh Dư và Tống Tất Thắng. Kế đó là Thành Lục Niên với cuộc kháng chiến anh dũng chống quân Minh xâm lược của Lê Lợi.
Bên bờ Sông Lam, dưới chân Núi Thiên Nhẫn là hai Vương triều Hậu Trần (1407 - 1414) của Giản Định Đế (Trần Ngỗi) và Trần Trùng Quang (Trần Quý Khoáng). Khi Thăng Long bị giặc Minh chiếm, triều đình nhà Trần đã rút về đây tổ chức kháng chiến với nhiều chiến công và gương hy sinh vì dân vì nước của những người anh hùng đã đi vào lịch sử như Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị...
Núi Thiên Nhẫn trên bờ hữu ngạn sông Lam cũng là “Đất đứng chân” của nghĩa quân Lam Sơn sau thời gian bị quân Minh truy đuổi gắt gao: “Khi Khôi huyện quân không một đội”. Lê Lợi đã vào Nghệ An, dựa vào nhân dân Nghệ An xây dựng lại quân đội lớn mạnh. Từ “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” nghĩa quân Lam Sơn xuôi dòng Sông Lam chiếm Núi Thiên Nhẫn, xây nên Thành Lục Niên. Thành Lục Niên được xây trên ngọn núi có tên là Động Chủ hay Hoàng Tâm. Từ cổng thành có thác nước Bộc Bố (Giải lụa) đổ xuống Hồ Thành. Nghĩa quân Lam Sơn đã đóng ở đây 6 năm trời. Từ Thành Lục Niên nhiều lần nghĩa quân vượt Sông Lam vây hãm rồi đánh Thành Rum (trên Rú Thành) đối diện bờ Bắc, bắt Trương Phụ quỳ gối đầu hàng.
Ở ngay dưới Thành Lục Niên là trại Bùi Phong của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 – 1804), một quân sư tài giỏi và cương trực của Vua Quang Trung. Nguyễn Thiếp học giỏi, sớm nổi tiếng. Chúa Trịnh Sâm nhiều lần tìm đến mời ông làm quan nhưng ông chối từ. Ông về đây ở ẩn và dạy học.
Khi Nguyễn Huệ khởi nghĩa tiêu diệt chúa Nguyễn, từ Quy Nhơn mấy lần ông kéo quân ra Bắc chống lại triều đình Lê – Trịnh thối nát. Ông đã 3 lần cho người tìm đến mời Nguyễn Thiếp ra giúp nước nhưng không được ông đồng ý. Lần thứ 4, khi Lê Chiêu Thống hèn nhát sang cầu viện nhà Thanh đem 29 vạn quân sang xâm lược nước ta, Nguyễn Huệ lên ngôi vua. Vua Quang Trung ngay lập tức kéo quân ra Bắc đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. Đến Nghệ An đức vua gặp Nguyễn Thiếp hỏi ý kiến và sách lược về cuộc hành quân trong hoàn cảnh đặc biệt tế nhị lúc này. Nguyễn Thiếp trả lời: “...Số quân của Hoàng đế kéo từ miền trong ra chưa đủ để chống đối với quân giặc. Mà trở lại chiêu mộ thêm binh lính thì thời gian không cho phép. Vậy Hoàng đế phải tuyển mộ ngay quân lính ở đất Thanh Nghệ, vì nơi đây là đất thượng võ xưa nay, anh hùng nhiều, mà hào kiệt cũng nhiều”.
Vua Quang Trung đã nghe theo lời khuyên của Nguyễn Thiếp. Chỉ trong vòng nửa tháng, Ngài đã tuyển thêm được hơn 5 vạn quân ở dọc sông Lam, kịp thời bổ sung thành 10 vạn, kéo quân ra Thăng Long trước Tết. Khi Quang Trung hỏi chiến thuật đánh quân Thanh, Nguyễn Thiếp trình bày: “... Nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được”. Vua Quang Trung đã theo lời của Nguyễn Thiếp mà tốc chiến, tốc thắng, làm nên kỳ tích, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược trong vòng 10 ngày. Ngày 5 tháng Giêng năm 1789, vua Quang Trung áo bào nhuốm khói súng đã vào Hoàng thành Thăng Long với cành hoa đào rực rỡ mùa xuân.
Năm 1789, Quang Trung giao cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp cùng với Trấn thủ Nguyễn Văn Thận đến vùng Yên Trường, bên bờ Sông Lam (thành phố Vinh) thị sát, chọn vùng đất giữa Rú Quyết và Rú Con Mèo (Kỳ lân) để xây dựng Thủ đô nên gọi là Phượng Hoàng Trung Đô.
Nguyễn Thiếp vẫn ở ẩn tại trại Bùi Phong dạy học, giúp đỡ vua Quang Trung xây dựng vương triều mới. Công lao lớn nhất của Nguyễn Thiếp là thực hiện chủ trương của vua Quang Trung đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước ta.
Hai bên bờ Sông Lam, theo dòng lịch sử là Phan Đình Phùng, Trần Phú, Nguyễn Tiềm (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên), Bùi Hải Thiệu... Bên bờ Bắc là Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Lê Quốc Vọng (Lê Thiết Hùng), Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Tích...
Sông Lam nổi tiếng là đất khoa bảng
Từ thời Trần, khoa bảng của nước Đại Việt đã được tổ chức ở miền xa xôi này. Năm 1256, triều Trần Thái Tông, ở Hoành Sơn ( Xã Khánh Sơn) đã có Trương Xán thi đỗ Trạng nguyên (Trạng Trại) (1). Gần 8 thế kỷ khoa bảng, trong số 186 vị đậu đại khoa cả nước (từ Tiến sỹ trở lên) thì Sông Lam (Nam Đàn) chiếm 26 vị, 99 vị đỗ Trung khoa và 100 vị đỗ tiểu khoa. “Trong số 183 khoa thi Tiến sỹ từ triều Lý đến triều Nguyễn (1075 - 1919) thì 75 khoa có người Nghệ An trúng bảng… Nhiều nhất là khoa Canh Tuất (1910) có đến 7 đại khoa (2 Tiến sỹ và 5 Phó bảng)”(2).
Sông Lam còn có những trường học nổi tiếng khắp nước, ngoài trường Bùi Phong của Nguyễn Thiếp là trường Nam Sơn của Thám Hoa Nguyễn Đức Đạt (1824 – 1887). Ngôi trường ở trên Rú Đồn có nhiều môn sinh khắp cả vùng Nghệ Tĩnh đến học, trong đó có Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Sinh Sắc... Ở đây nhiều gia đình có nhiều người đỗ đạt cao như Thám hoa Nguyễn Đức Đạt (Khánh Sơn), Thám hoa Nguyễn Văn Giao (Trung Cần), Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh, Hoàng Giáp Nguyễn Nghiễm (Nghi Xuân)... Đây cũng là quê của:
Nam Đàn tứ hổ là đây,
Song, San, Lương, Quý một bầy bốn anh.
“Bốn con hổ” ấy là Phan Văn San (tức Phan Bội Châu), Nguyễn Quý Song, Trần Duy Lương, Vương Thúc Quý, “một bầy bốn anh” học giỏi nổi tiếng.
Lê Thị Hạnh Liên
-----------
(1) Quang Đạm, Nguyễn Bá Mão, Bước đầu tìm hiểu Lịch sử huyện Nam Đàn, Nxb. Hội nhà Văn 2020, tr. 184; Lê Đình Cúc, Vùng quê Chín Nam – Địa văn hóa, Nxb. KHXH. 2019, tr. 249 và tr. 266.
Có tài liệu cho rằng Trương Xán là người Quảng Bình (bởi Quảng Bình có Hoành Sơn). Thực tế thời nhà Trần, Nghệ Tĩnh đã là miền viễn biên. Tổng tài Cao Xuân Dục và GS. Hoàng Xuân Hãn cũng cho rằng Trương Xán là người Hoành Sơn (Nam Đàn).
(2) Đào Tam Tỉnh ( 2005), Khoa bảng Nghệ An (1075 - 1919), Nxb. Nghệ An, tr. 134.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...