Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
05:26 (GMT +7)

Khởi đầu trong vòng đời của người Dao Tiền

VNTN- Người Dao Tiền (Dao Tiểu Bản, Dao Đeo Tiền) tự gọi mình là “Kềm miền” (nghĩa là người rừng). Trong mối quan hệ với ngành Đại Bản “Tồm mạ miền” (nghĩa là con bà cả), người Dao Tiền tự xưng là “Mạ phái miền” (nghĩa là con bà hai). Mặc dù có những điểm khác nhau nhưng người Dao Tiền ở Việt Nam cũng có chung các phong tục tập quán, đặc điểm văn hóa cơ bản tương đồng với các ngành Dao khác, đặc biệt là có chung các nghi lễ trong vòng đời của một con người.

                                    dao-tien-1691381776.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: qdnd.vn 

Điểm mốc đầu tiên trong vòng đời của người Dao Tiền là việc mang thai, sinh nở ra một đứa trẻ. Người Dao Tiền theo quan niệm nam quyền, mọi việc trong nhà đều do người đàn ông quyết định. Phụ nữ thường làm mọi việc theo sự sắp đặt của người đàn ông trụ cột. Dù vậy nhưng người Dao Tiền vốn rất quý trọng phụ nữ và trẻ em. Khi người phụ nữ mang thai, họ sẽ được cha mẹ chồng và người thân thường xuyên nhắc nhở, chăm sóc. Để đứa trẻ trong bụng khỏe mạnh, người mẹ phải luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp, luôn mơ đến hình ảnh đứa trẻ bụ bẫm, đẹp đẽ.

Ngày trước, dù mọi thứ rất khó khăn, thiếu thốn, kinh tế tự cung tự cấp nhưng các gia đình đều có ý thức dành những thức ăn ngon cho người phụ nữ mang thai. Đồng thời luôn nhắc nhở những thứ phải kiêng kỵ như: Không được ăn quả chuối dính đôi, không ngồi lên chổi, không bước qua rãnh nước... Người Dao Tiền cho rằng, khi đã mang thai mà ăn quả chuối đôi có thể sẽ sinh đôi. Nếu sinh đôi sẽ vất vả cho mẹ và những đứa trẻ sinh ra sẽ không được khỏe mạnh. Nếu ngồi lên chổi thì sẽ khó sinh, bước qua rãnh nước có thể động thai... Còn rất nhiều điều phải kiêng kỵ khi đứa trẻ được sinh ra.

Đến ngày sinh, gia đình thường mời bà mụ hoặc chính mẹ chồng của thai phụ sẽ làm người hộ sinh. Người ta đun sôi nồi nước to để nguội rồi đổ vào chậu để sẵn. Các vật dụng như thanh tre cắt rốn, sợi chỉ buộc dây rốn cho trẻ đều được đem luộc kỹ để sát trùng. Khi đỡ được đứa trẻ ra, bà mụ sẽ nâng đầu bé lên rồi cho bé vào chậu nước tắm rửa sạch sẽ, sau đó mới quấn tã gọn gàng. Làm vệ sinh cho người mẹ xong thì đặt bé vào lòng mẹ. Từ lúc đó, người được ra vào buồng ngủ của mẹ và bé chỉ có bà nội hoặc các chị em gái. Đàn ông không được bước vào buồng. Người ta đặt một cành lá xanh trước cửa nhà báo có người sinh con, không cho phép người lạ đi vào trong bẩy ngày đầu.

Cơm canh cho người mới sinh do người chồng hoặc mẹ chồng đảm nhiệm. Tất cả đồ dùng như nồi, chảo, dao, thớt đến bát đĩa, đũa, thìa phải dùng riêng, không nấu chung với cả nhà vì sợ có những thứ độc hại. Riêng mỡ lợn phải là mỡ mới rán, không ăn đồ cũ. Người ở cữ chỉ được ăn cơm trắng với phần ức, lườn gà nấu canh gừng nghệ và canh rau ngót. Nước uống được đun từ các loại lá thuốc bổ dưỡng, có tác dụng thải độc, rất tốt cho người mới sinh con. Khi nấu chín, người nấu sẽ nếm thử trước cả cơm canh, thấy an toàn mới đem cho người mẹ ăn. Khi xới cơm, phải hớt chỗ miệng nồi ra, chỉ xới phần giữa nồi, không được dính cơm cháy. Ăn uống như vậy mới đảm bảo người mẹ khỏe mạnh và có đủ sữa cho con. Người mẹ có thể ra khỏi phòng để ăn cơm nhưng ghế ngồi phải được đệm bằng quần áo để đánh dấu, không ai được phép ngồi vào chiếc ghế đó. Hàng ngày, nhờ sự giúp đỡ của người thân, người mẹ sẽ trực tiếp lau rửa hoặc tắm cho em bé.

Sau một ngày, người ta sẽ mổ gà làm lễ cúng báo tổ tiên việc đã có thêm một người con, cháu của gia đình và dòng tộc. Ba mươi ba ngày là đầy tháng con. Gia đình sẽ làm lễ đặt tên dương cho đứa trẻ (tên gọi hàng ngày) và ghi họ tên, ngày tháng năm sinh vào sổ sinh (tiếng Dao Tiền gọi là “Nìn seng sâu”). Nếu có điều kiện, gia đình sẽ mổ một con lợn nhỏ để cúng tổ tiên và mời bà con xóm giềng đến ăn mừng. Đến bốn mươi ngày thì mới đầy tháng mẹ. Lúc này người mẹ mới được tự do đi lại, ăn cơm chung và làm các công việc trong nhà. Tất cả các kiêng kỵ, nghi lễ như trên đều thể hiện sự nâng niu, chăm chút tới việc sinh nở của người phụ nữ Dao Tiền, đó là tình cảm đặc biệt trân trọng đối với sự ra đời của một đứa trẻ - một con người - một tương lai của gia đình và cộng đồng với niềm tin yêu vô bờ bến.

Tuy nhiên, do người Dao Tiền theo quan niệm nam quyền nên người chồng rất ít khi giúp vợ giặt giũ lúc sinh nở. Nếu mẹ chồng già yếu hoặc vì lý do nào đó không thể giúp thì người mới sinh vẫn phải tự tìm đến khe suối để giặt giũ. Như vậy, sự giữ gìn kiêng kỵ cũng chưa phải là trọn vẹn. Nếu người mới sinh không có sức khỏe, gặp phải gió độc hay nhiễm nước lạnh sẽ dễ sinh bệnh tật đau yếu.

Điểm khởi đầu trong vòng đời của người Dao Tiền với những quan niệm, những kiêng kỵ và nghi lễ khi người phụ nữ sinh con là một tập quán rất tốt, mang nhiều ý nghĩa thiện lành. Đó là những nét đẹp trong văn hóa ứng xử giữa người với người, đặc biệt là sự quý trọng đối với phụ nữ và trẻ em. Qua đó cho thấy người Dao Tiền quan niệm việc sinh ra một con người là sự kiện trọng đại, đánh dấu điểm mốc đầu tiên đặc biệt quan trọng trong một đời người. Người ta tin rằng: Điểm bắt đầu cuộc đời được tốt đẹp, suôn sẻ thì ắt cả cuộc đời sẽ viên mãn. Đó cũng là giá trị nhân văn của một tập quán tốt đẹp trong cộng đồng người Dao Tiền cần được gìn giữ. Theo đó, những tập quán chưa tốt cũng cần phải loại bỏ cho phù hợp.

Bàn Thị Ba

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy