
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Khói, nó sẽ chẳng có liên quan gì nếu bạn từng lớn lên ở chốn phồn hoa, đô thị. Và cũng chẳng có chút thú vị gì nếu bạn là một đứa trẻ thôn quê đã quên mất mùi khói bếp.
Ngày xưa, ở thôn quê, nhà nào cũng dùng bếp củi hay bếp than chứ không có những chiếc bếp ga hay bếp điện như thời nay. Để tôi tả thêm đôi chút về cái bếp của nội. Nó được đặt trong cái lều bé, được chia thành hai gian nhỏ, một gian được nội nuôi gà, gian còn lại là nơi nấu ăn kiêm nhà kho.
(Tranh mang tính minh họa, do tác giả cung cấp)
Phần nền chỗ đất, chỗ đá vôi. Nhà cũng được xây bằng đá vôi, kiểu và hình thức của người dân quê tôi. Gian bếp của nội chất đầy củi nhặt được ở đê kè hay cành cây khô ở xưởng đóng thuyền, một số mua của những người bán rong, hoặc nội được bạn bè, hàng xóm cho. Sau đó, củi được chặt ra thành những mảng nhỏ và chất gọn gàng ở xó bếp.
Mờ sáng, khi sự yên tĩnh vẫn còn ngự trị, nội tôi đã nhóm lửa cho bếp hồng, khói bắt đầu len lỏi khắp ngả, đó là khói của thanh củi khô đang cháy, của ấm nước chè tỏa hương thơm phức, khói của nồi cám heo đặc kẹo cho đàn lợn đang tuổi vỗ béo... Màn đêm dần thắp sang bởi sự đánh thức của làn khói kia, gà cũng lên giọng gọi chào ông mặt trời. Làn khói ơi! Xin đừng làm cay đôi mắt nội tôi ngày ấy và của tôi như bây giờ.
Có thể chính gian bếp nhỏ đó đã cho tôi ngửi hết mọi thứ dân dã: mùi cơm chín, mùi của nồi cám heo, mùi món cá kho, mùi mỡ heo... Có nhiều người, trong đó có cả tôi đã từng đứng trước làn khói bếp nghi ngút và tự phong cho mình làm ông bụt có phép màu như trong truyện cổ tích trước sự thán phục của vài thằng bạn. Cũng từ nơi đó, khuôn mặt chúng tôi lấm lem đầy nhọ nồi, trông không khác gì Bao Công xử án. Mỗi lần tắm cho tôi, thể nào mẹ cũng phát cho vài cái bên mông.
Đứng ở một nơi xa, vô tình thấy làn khói phương xa trôi dạt, tôi biết sẽ có người vui, kẻ buồn. Vui vì những đứa con tha thương háo hức cho bữa cơm đoàn tụ trong dịp lễ tết. Còn buồn vì không thể về nhà để xem người thân có khỏe mạnh không? Có vội vàng trong những ngày giáp tết?
Bếp lửa thôn quê là biểu tượng cho sự ấm no, hạnh phúc. Khi rời xa quê nhà, tôi vẫn luôn vô thức nhớ về nó. Ở thành phố phồn hoa, bếp ga, nồi cơm điện, bếp từ... đã thay thế bếp củi mất rồi. Tôi thầm nghĩ bếp lửa như nhắc chúng ta về những phong tục, tập quán, là cội nguồn, là truyền thống.
Mỗi khi tết đến xuân về, mọi người luôn háo hức chờ đợi đêm giao thừa - khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, và lửa trại được đốt lên để thể hiện sự may mắn, niềm vui trong năm mới, đồng thời cũng là sự quyến luyến, tiễn biệt năm cũ sắp qua đi.
Dù cuộc sống hiện tại đã làm phai mờ những hình ảnh khói bếp xưa nhưng chúng ta đôi lúc sẽ nghĩ về những ngày thơ bé đầy thiếu thốn đã qua. Tôi thèm lắm một lần trở về với túp lều, cái bếp củi cũ, tha hồ hít căng làn khói ngày ấy, bên nội trông nồi nước chè mỗi sáng sớm, lấm lem quần áo, mặt mũi của nhọ nồi. Đứng ở góc trời xa xứ, tôi lặng nhìn ngắm làn khói lam chiều nhè nhẹ bay qua khung trời tuổi thơ, để yêu thêm sự bình dị, mộc mạc một thời mà biết đâu tìm lại?
Đào Lan Anh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...