Khoảng trời bình yên
VNTN - Thủy con hay Thủy mẹ đấy? Chiếc võng đung đưa dừng lại, cố chậm rãi bước vào, đôi mắt nheo nheo để nhìn cho rõ. Vừa bỏ chiếc mũ và cởi lớp khẩu trang, tôi nhe răng cười: “Dạ! Thủy con ạ!” thì cố cũng cười theo. Tiếng cười của cố không hiền hậu như trong chuyện cổ tích mà sảng khoái đến lạ thường! Theo thói quen, tôi dìu cố vào ngồi trước hiên và bắt đầu công việc ưa thích: nhổ lông dặm ở mi mắt cho cố. Cố ngồi tựa vào cánh cửa cho vững. Tôi ngồi bệt trên sàn. Hai cái bóng cách nhau hơn nửa thế kỉ mà tựa như hai người bạn trẻ vừa “chăm sóc sắc đẹp” vừa hàn huyên. Trời đang nắng gắt bỗng đổ cơn mưa xối xả. Sấm chớp. Sương trắng. Nhạt nhòa. Đôi bàn tay chới với khua khoắng vô vọng giữa không trung. Giật mình tỉnh giấc, tay tôi vẫn đang nắm chặt lấy đôi bàn tay gầy gò, xương xương ấy; vẫn thấy khuôn mặt đầy vết chân chim và vẫn ôm trọn được dáng vóc bằng xương bằng thịt của người.
Cha tôi mồ côi khi vừa tròn hai tuổi. Bà nội tôi còn quá trẻ nên vài năm sau cũng cất bước theo chồng. Từ đó, cha ở với ông nội, cũng chính là cố của tôi. Kí ức tuổi thơ bên cố là những buổi trưa trốn cha mẹ đi chơi cùng tụi nhỏ trong xóm. Nhà cố nằm giữa đồng ruộng xanh rì, đằng sau là dòng sông Kôn và trước mặt là tháp Thủ Thiện cổ kính. Thuở bé, khung cảnh nên thơ ấy không hề hấp dẫn tôi bằng những trái chim chim, dú dẻ trong vườn nhà. Tiếng hò reo vui mừng khi hái được chùm quả chín mọng nhưng đôi lúc cũng xen lẫn cả những tiếng khóc ré vì tranh giành. Chúng làm vỡ không gian yên ắng thường nhật. Và chính lúc ấy, cố tôi xuất hiện. Tụi trẻ chạy thật nhanh. Thế nhưng, chúng không ùa vào lòng cố để xin phép màu như truyện kể, mà vội vã tẩu thoát đến nỗi không kịp xỏ dép. Tôi đứng như chôn chân xuống đất, rồi lo sợ vẩn vơ. Tiếng chân trần giẫm lên đất nghe lạo xạo, làn da sạm nắng của cố như càng đỏ hơn giữa nắng gắt. Bất giác, cố cúi xuống nhìn thật kĩ: “Thủy con đấy à!”, rồi lấy vội chiếc nón trên đầu mình đội cho tôi. Tôi lẽo đẽo bước theo cố vào nhà, chỉ nghe loáng thoáng cố mắng cái tội đi chơi trưa. Quay đầu nhìn tụi nhỏ đang hậm hực, lấp ló đằng xa, chiếc nón rộng vành không che được hàm răng sún đang ngoắc ra cười đến tận mang tai đầy trêu chọc của tôi. Kể từ giây phút bắt đầu nhận thức được yêu thương ấy, tôi cảm nhận rõ tôi là “cháu gái đích tôn” của cố!
Cố tôi khó tính. Tôi biết điều đó qua những giọt nước mắt của bà nội mỗi lần xuống thăm cha; hay thậm chí là những lần giận dỗi của chính cha tôi về sự “khó khăn” của cố. Sự khác biệt về thế hệ đôi lúc sẽ dẫn đến những lối suy nghĩ khác nhau. Thế nhưng, họ vẫn yêu thương nhau theo cách của riêng mình. Khi tôi đến chơi, cố vẫn hỏi về mọi người với vẻ “không quan tâm” nhưng đôi tai đã lãng cố căng lên để thu thập thông tin, khiến tôi phải phì cười nhắc lại câu trả lời nhiều lần. Cha và bà nội thì vẫn chăm chút cố hằng ngày, mặc dù tính khí tuổi già nhiều khi như làn mây đỏng đảnh. Tôi chợt nhận ra, những người đã có tuổi ít khi thể hiện yêu thương bằng lời nói, nhưng hành động lại sâu đậm vô cùng!
Còn tôi, tôi lại yêu thương cố theo cách khác. Những món sở trường của tôi như bánh quế, socola, kẹo cay, thạch rau câu bỗng trở thành món cố yêu thích. Tôi biết vậy, vì thấy cố cất rất cẩn thận, mỗi lần ăn thì tằn tiện lắm và khách quý tới thăm nhà thì ông mới mời. Có lúc, cố không dám ăn nhiều, để lâu ngày tới lên mốc. Mẹ sợ cố bị đau bụng nên lén mang vứt đi. Cố biết được lại mắng “Thủy mẹ hoang phí quá, chưa giàu mà đã bày xài sang. Vứt làm gì, gạt phần mốc vẫn ăn được. Mà đó là của Thủy con biếu ông đấy”. Nhìn dáng vẻ tiếc nuối của cố mà thấy thương vô cùng, cố tiếc của thì ít nhưng có lẽ xót tình cảm của cháu thì nhiều. Lúc đó, tôi đã thầm ước cố sống thật khỏe mạnh, để sau này đi làm có tiền, tôi sẽ mua biếu cố thật nhiều thứ…
Rồi ngày ấy cũng đến, cầm trên tay tháng lương đầu tiên, tôi nghĩ ngay đến cố. Đặt những đồng tiền phẳng phiu vào tay người, tôi thấy ấm áp lạ thường. Cố không nhận, bảo tôi giữ lấy mà tiêu xài. Khi nghe tôi nằn nì quá, người rút một tờ duy nhất rồi bảo: “Cố sẽ giữ tấm lòng thơm thảo của con. Cảm ơn cháu gái!”. Tôi vòng tay ôm cổ cố. Cố cười giòn tan. Nắng vàng nhẹ lướt trên mặt ao, đóa sen trắng rung rinh trước gió.
Được lớn lên giữa sự bao bọc từ tấm bé, đối với tôi, gia đình là tình yêu duy nhất, cho đến khi gặp được anh. Không hiểu cố nghe tin tức từ đâu mà điều tra kĩ lắm. Cố còn bảo, dẫn anh về ra mắt. Có lẽ vì lo cho cháu gái nên cố mới cẩn thận đến thế. Đến ngày hôn lễ, cố bảo không thể đi họ được vì lớn tuổi, già yếu rồi nhưng vẫn cẩn thận đánh dấu trên tờ lịch rồi ngồi tính toán gì đó có vẻ quan trọng lắm. Trước cưới một tuần, cố bảo mẹ nhắn tôi xuống. Nhìn thấy tôi, cố ra hiệu ngồi trên chiếc phản. Cố vào trong nhà và lục lọi gì đó tôi không rõ, chắc là cố nhờ tôi đi mua đồ dùng như thường ngày. Nhưng không, cố cẩn thận đặt vào tay tôi một xấp tiền: “Cố không có nhiều, cho con ít tiền, con muốn mua gì thì mua, thích gì mua đấy”. Tôi như chết lặng nhìn những tờ tiền đủ loại từ 10 nghìn tới 50 nghìn đã cũ kĩ được cố vuốt cho phẳng phiu nhưng vẫn bị nhàu nát, hoen vàng bởi dấu tay vết nhựa, vết dầu mỡ và cả vết khói đen. Đôi mắt của cố nhìn tôi lấp lánh, còn đôi mắt của tôi đã nhòe đi trong làn nước mắt. Tôi biết cố đã dành dụm từng đồng: nào là tiền bán chuối, bán mít và bán những thứ lặt vặt trong vườn. Cố đã gần trăm tuổi, đi lại cũng khó khăn thì làm sao mà kiếm ra tiền. Tôi đã không biếu cố được nhiều thì thôi, đằng này… Đôi bàn tay cố phút chốc khỏe mạnh lạ lùng, nắm lấy đôi bàn tay run rẩy của tôi đặt xấp tiền lọt thỏm vào trong: “Nhận cho cố vui, cố không có nhiều, nhận đi cháu gái! ”. Tôi nhất quyết không lấy nhưng nhìn ánh mắt ngập tràn yêu thương của cố thì nhẹ nhàng rút ra một tờ: “Con nhận của cố rồi! Con cảm ơn cố!”. Cố giận dỗi và bảo sẽ từ mặt tôi nếu không nhận hết. Không còn cách nào khác, tôi hứa sẽ dùng chúng may một bộ áo dài thật đẹp như ước muốn của cố. Ngày cưới tôi, cố không tham dự vì cảm sốt. Và tôi cũng quên khấy đi lời hứa của mình.
Tôi về làm dâu cách nhà không xa nhưng thời gian dành cho cố không còn nhiều như trước. Không phải tôi không thương cố mà do cuộc sống quá bộn bề đã vô tình biến ta trở thành kẻ vô tâm. Còn cố vẫn vậy, vẫn gọi cái tên mà ngày xưa cố đặt cho tôi một cách trìu mến: “Thủy con”; vẫn lo lắng cho đứa cháu gái vốn dĩ chỉ biết ăn học nay lại làm dâu nhà người; vẫn âm thầm hỏi han về công việc của tôi từ cha mẹ và em trai. Thỉnh thoảng, tôi có ghé thăm cố, khi thì mang thức ăn xuống; khi thì mua những thứ cố cần. Nhìn cảnh cố sống một mình giữa căn nhà nhỏ làm tôi xót lắm. Nhưng biết làm thế nào khi cố nhất quyết không chịu về sống với cha mẹ tôi và cũng không muốn ở với ai, với lí do muốn ở một mình cho thoải mái và gần gũi với thiên nhiên. Tôi biết, cố sợ phiền, sợ khổ con cháu mà thôi!
Mới đó mà tôi đã theo chồng hơn một năm. Cố tôi cũng yếu đi theo thời gian. Cố chỉ đi được một quãng ngắn rồi phải ngồi thở dốc vài phút để lấy hơi. Cố không còn có thể bế tôi như ngày xưa mà thay vào đó là tôi phải dìu cố lên những bậc dốc cao. Đôi bàn chân và bàn tay ông bỗng chốc khẳng khiu và rất dễ trầy xước. Nhưng, cố vẫn vác cuốc cần mẫn làm việc trong vườn. Người trồng những luống rau xanh và cây ăn quả. Khi mọi người khuyên răn thì cố nhất quyết không nghe với lí do “ông trồng cho con cho cháu sau này hưởng thôi!”. Mà dạo ấy, không hiểu sao cố lại hay nói về cái chết. Cố bắt đầu mua những thứ dành cho cái ngày gần đất xa trời ấy: cái áo tang màu vàng với đầy chữ cổ; bộ đồ trắng tinh và thậm chí là viết cả bài văn tế. Cố còn dặn tôi nhớ phải lạy trả lễ cho cố trong ngày tang lễ. Lúc đầu, tôi chỉ cười và nói át đi, vì nghĩ rằng cố lo xa, nhưng về sau lại đâm sợ về cái ngày mà cố đang chuẩn bị rất chu đáo ấy. Nhưng, thời gian cuối năm học và đợt thi chuyển cấp của học sinh đã khiến tôi rơi vào vòng xoáy của công việc mặc dù tôi cũng đã vạch ra kế hoạch sau khi kết thúc. Tôi sẽ may một chiếc áo dài thật đẹp bằng tiền cố đã cho; sẽ chở cố đi sang An Thái bốc thuốc; sẽ chở cố đi khám đôi mắt hay bị lông dặm làm cho khó chịu. Tôi sẽ, tôi sẽ… Nhưng, cái sẽ ấy không bao giờ có thể thực hiện.
Ngày cuối cùng dạy học sinh thi chuyển cấp, tôi nhận được tin cố mất một cách đột ngột. Đôi bàn chân không thể đứng vững, tôi muốn vùng chạy thật nhanh về với cố nhưng phải ở lại để hoàn thành tiết cuối của mình. Tôi đã đi vào nhà vệ sinh để khóc và cầu mong điều ấy không phải là sự thật. Bước vào lớp, cũng những khuôn mặt ấy, không gian ấy nhưng thật sự tất cả đều khiến tôi cảm thấy ngột ngạt khó thở. Tôi đã kìm nén rất nhiều, kìm nén để không phải khóc, kìm nén để không làm ảnh hưởng đến tiết học. Nhưng, nước mắt ứa ra, tiếng nói không tròn vành, mỗi câu đọc lên đều bị hụt hơi; đôi bàn tay run rẩy lật từng trang sách một cách khó nhọc. Có những lúc, tôi phải dừng lại và hít một hơi thật dài mới tiếp tục được bài giảng vì trái tim dường như không chứa được nổi nỗi đau. Thế giới trong tôi sụp đổ…
Giờ đây, tay tôi vẫn đang nắm chặt lấy đôi bàn tay gầy gò, xương xương ấy; vẫn thấy khuôn mặt đầy vết chân chim và vẫn ôm trọn được dáng vóc bằng xương bằng thịt của người. Nhưng, lạnh, cô đơn và đau đớn lắm! Cố ơi! ai sẽ gọi “Thủy con đấy à!”, Ai sẽ cười giòn tan mỗi khi thấy con về và ai sẽ tự hào kể về việc chính mình đặt tên cho con? Gía như con biết cách sắp xếp cuộc sống tốt hơn, giá như con dành thời gian bên cố nhiều hơn; giá như con thực hiện những dự định của mình sớm hơn… Thế nhưng, cuộc đời không tồn tại từ “Giá như” và thời gian cũng không chờ đợi con người! Yêu thương không trao đi đúng lúc thì về sau hối hận cũng muộn màng. Nước mắt tuôn rơi. Khoảng trời bình yên vỡ vụn. Khoảng trời bình yên đã khuyết. Khoảng trời bình yên có đứa trẻ mồ côi tình thương. Khoảng trời bình yên của ngày xưa ấy, con tìm lại ở đâu bây giờ?
Đào Thị Thanh Thủy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...