Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
22:55 (GMT +7)
TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC

Khi trúng số độc đắc

Anton Pavlovich Chekhov (Nga)

Dịch giả: Đinh Đức Cần

Anton Pavlovich Chekhov, Văn hào Nga (29/1/1860 - 15/7/1904 ), được coi là tác gia mẫu mực của Chủ nghĩa hiện thực. Ông nổi tiếng ở cả hai thể loại với trên 400 truyện ngắn và nhiều vở kịch được độc giả, khán giả ngưỡng mộ. Năm 1887 ông mắc bệnh lao. Tuy ông là một bác sĩ nhưng với trình độ y học bấy giờ bệnh lao được coi là bệnh nan y không thể chữa khỏi. Sau khi cha ông qua đời ông mua đất ở Yalta xây một biệt thự rồi cùng mẹ và chị gái chuyển đến đó ở cho tới cuối đời. Đây là thời gian ông sáng tác sung mãn với những tác phẩm nổi tiếng.

Anton Pavlovich Chekhov

Ivan Dmitrich, một người đàn ông trung lưu sống cùng vợ và hai con. Với thu nhập 1.200 rúp mỗi năm, ông rất hài lòng với số tiền mình có. Hôm nay sau bữa ăn tối ông thanh thản ngồi đọc báo. “Em quên chưa xem báo ngày hôm nay…”, vợ ông nói khi đang dọn bàn ăn “… hãy nhìn xem họ có đăng các số trúng thưởng kỳ mở xổ số vừa rồi không?”. “Ừ! Hừm! Từ từ, anh đang đọc dở bài báo sẽ xem sau. Mà này! Số vé của em thế nào nhỉ?”, ông hỏi. “Sê ri 9.499 và số là 26”. “Anh nhớ rồi, hượm chút nữa nhé ”.

Tuy thu nhập gia đình Ivan Dmitrich cũng ổn, đủ sống, nhưng bản chất con người là tham lam không biết bao nhiêu cho đủ, họ luôn mơ ước được giàu có hơn mà không phải đổ ra công sức – vợ ông là một ví dụ điển hình. Cô ấy đặc biệt đam mê đánh xổ số để mong thay đổi cuộc đời. Còn với Ivan Dmitrich ông không tin lắm vào may mắn xổ số. Nhưng không phải vì vậy mà ông không mơ ước sự giàu có. Thường ông không ngó tới kết quả xổ số trên báo. Nhưng tối nay tờ báo ngay trước mặt, ông cũng không có việc gì để làm lại bị vợ nhắc nên ông bất đắc dĩ phải thực hiện. Ông rê rê ngón tay trỏ từ trên xuống dưới theo chiều dọc cột số. Mắt ông hoa lên khi nhìn thấy con số 9.499. Thật không thể tin nổi. Để trấn tĩnh ông đặt tờ báo lên đầu gối không dám nhìn vào con số. Một cơn ớn lạnh chạy dọc xương sống. Một lát sau ông mới mở miệng được: “Masha!”, ông nói với giọng khàn khàn, “Anh đã thấy con số 9.499”.

Vợ ông quay ngoắt lại nhìn vào khuôn mặt kinh ngạc và hoảng hốt của ông và nhận ra rằng ông không đùa. “Có đúng 9.499 không?”. Masha mặt cũng tái mét hỏi, vừa thả vội chiếc khăn trải bàn xuống. “ Ừ! Đúng rồi. Nó thực sự ở dòng này.” ông thông báo. “Giờ hãy tìm số của sê ri đó?”, vợ ông giục. “Số vé hả? Hãy đợi đã. Dù sao anh cũng đã tìm thấy số sê ri. Anh sẽ cố gắng tìm con số trúng thưởng. Nhưng hãy đợi đã”. Những con số không chịu đứng yên cứ nhảy múa làm ông hoa hết cả mắt.

Nhìn vợ, Ivan nở một nụ cười ngô nghê thỏa mãn giống như đứa trẻ được bố mẹ tặng một món quà sinh nhật hằng mong ước. Vợ ông cũng mỉm cười chờ đợi với sự hài lòng. Trong khi tìm số ông lẩm bẩm: “Sê ri thì đúng rồi. Mong sao xác suất sẽ rơi vào vé của chúng ta. Nhưng khoan đã anh nóng ruột muốn xem số độc đắc giải thưởng là bao nhiêu đã, hy vọng nó không làm thất vọng mong ước của chúng ta. Rồi ông la lớn: “Ối ối! Chu cha thiên địa ơi! Những 75.000 rúp. Đó không phải là tiền mà là sức mạnh, là vốn để đầu tư để sinh lời gấp nhiều lần, sẽ là sự giàu sang và quyền lực…”

***

Hai vợ chồng im lặng nhìn nhau mỉm cười. Khả năng chiến thắng làm họ hoang mang, bối rối. Giả sử trúng số độc đắc 75.000 rúp họ biết làm gì với nó? Chưa bao giờ họ mơ có số tiền khủng như vậy. Họ sẽ mua gì, đi những đâu, ăn tiêu thế nào đây? Lúc này trong đầu họ chỉ nghĩ đến con số 9.499 và 75.000 (mà không còn nghĩ về việc vé của mình có trúng không?), và trong trí tưởng tượng của họ hình dung ra bao điều xưa nay thường ao ước.

Ivan Dmitritch cầm tờ báo trên tay đi hết góc phòng này sang góc phòng kia cố lấy lại bình tĩnh sau cơn sốc giấc mơ ban đầu. Ông phấn chấn trở lại nói: “Nếu chúng ta thắng. Tại sao không? Đó mới thực sự là cuộc sống, là sự đột biến đổi đời. Chiếc vé là của em, nhưng nếu là của anh trước hết anh sẽ dành 25.000 đầu tư vào bất động sản. Chúng ta sẽ là chủ những trang trại với hàng ngàn người làm thuê, kẻ hầu người hạ, hằng năm sẽ sinh lời hàng ngàn rúp. Anh sẽ dùng 10.000 để nâng cấp nhà cửa, sắm các đồ dùng sinh hoạt, nội thất mới… đi du lịch… và trả nợ…. Còn lại 40.000 sẽ gửi vào ngân hàng nhàn nhã nhận lãi suất mỗi năm. Chúng ta sẽ đi đến một nơi nào đó như tỉnh Tu La hay vùng Oryol… Chúng ta sẽ có một kỳ nghỉ mát thú vị được phục vụ đầy đủ theo yêu cầu…”.

Ông tưởng tượng mình xuất hiện giữa đám đông những người giàu có, sang trọng, quý phái. Thấy được ăn đủ “sơn hào hải vị”, sau món súp mát lạnh ông sẽ nằm ngửa thư giãn trên bãi cát sát bên con suối phả hơi nước mát dịu vào làn da hoặc dưới bóng cây sum suê hoa trái trong vườn. Cậu bé và cô bé con ông sẽ mải mê dùng tay đào cát xây lâu đài cung điện hoặc tìm bắt những con bọ rùa trốn trong những đám cỏ. Khi nằm quá lâu ông uể oải đứng lên đi vào rừng tìm hái nấm hoặc xem những người nông dân đánh bắt cá trên sông. Khi mặt trời sắp lặn ông đi đến nhà tắm ngâm mình trong bồn xà phòng thơm dịu sủi bọt, từ từ lấy tay xoa xoa bộ ngực đầy lông lá của mình. Khi tắm xong đã được người phục vụ mang đến trà, kem sữa lạnh để nhâm nhi, thưởng thức... mà không phải lo nghĩ hôm nay, ngày mai, ngày kia… phải đến văn phòng làm việc. Ý nghĩ ngọt ngào sẽ ru ông vào giấc ngủ…

Ông giật mình khi nghe tiếng vợ: “Thật tuyệt khi chúng ta có nhiều bất động sản”. Ông liếc nhìn thấy cô ta cũng đang mơ mộng. Nhìn vào khuôn mặt phởn phơ ông biết cô đang mê muội bởi những ý nghĩ của mình. Ông tiếp tục hình dung mùa thu với những cơn mưa tối lạnh lẽo, và mùa hè ở St. Martin nóng nực ông phải vội vã đi đến khu vườn sát mé sông để hưởng khí hậu ẩm mát. Ông sẽ uống một ly Vodka lớn, ăn một loại nấm muối hoặc một quả dưa chuột giải khát rồi lại uống tiếp một ly nữa. Sau đó về biệt thự của mình nằm dài trên ghế sofa lật xem những trang tạp chí có minh họa các người đẹp và mơ màng trong giấc ngủ. Mùa hè ở Martin thường mưa suốt ngày đêm, trời đầy mây, thời tiết ảm đạm. Cây cối, những con chó, con ngựa, chim chóc… đều ướt sũng nước, ủ rũ, buồn tênh. Mọi người chạy vội về nhà nhìn qua cửa sổ bầu trời xám xịt, thê lương. Chờ được ngày nắng ráo để cùng nhau dạo bộ thật hiếm hoi.

Ivan dừng suy nghĩ nhìn vợ nói: “Có lẽ anh nên ra nước ngoài. Anh mơ ước điều đó từ lâu – em biết rồi đấy! Sẽ tuyệt vời thế nào khi cuối mùa thu ở miền Nam nước Pháp… đến Ý… đến Ấn Độ…”. “Chắc chắn em cũng sẽ ra nước ngoài” vợ ông nói “nhưng hãy nhìn số vé đi đã”.

“Hãy đợi chút nữa! Chúng ta còn nhiều thời gian không đi đâu mà vội”. Rồi ông tiếp tục dòng suy nghĩ: Nếu vợ ông cùng đi nước ngoài thì sao? Thế thì đúng là một thảm họa. Không có gì dễ chịu hơn khi đi du lịch một mình. Được tự do làm quen, giao lưu với những phụ nữ tân thời, trẻ trung, xinh đẹp, lịch lãm và tinh tế… sẽ cho mình những xúc cảm tuyệt vời chưa từng có trong đời. Trong khi đi với “con mẹ sề” lúc nào cũng chỉ lo mua hàng hóa trên tay luôn xách giỏ nọ túi kia, thở dài, luôn miệng phàn nàn chuyến đi làm đau đầu, rằng tiêu mất nhiều tiền. Đến các ga, trạm đỗ ông như một người hầu chạy đi chạy lại lấy nước sôi, bánh mì, bơ sữa… nhìn bà vợ cau có nhễ nhãi mồ hôi chẳng có cảm tình, đáng yêu chút nào. Lại còn vặn hỏi mình từng xu xem tiêu những gì? Sau khi sắm đồ xong khuân về khách sạn là đủ mệt lử. Làm gì có những phút mơ mộng, lãng mạn bên nhau dạo bộ dưới ánh trăng hay tới những nơi khiêu vũ, ca nhạc, giải trí. Cô ta sẽ cố thủ trong khách sạn coi như giam lỏng mình luôn. Cô ta sẽ không rời mình trong tầm mắt, quản lý mình mỗi bước đi… Thật tai hại!

***

Lần đầu tiên ông suy nghĩ khác về vợ. Ông thấy vợ mình quá già, thô thiển, quê mùa, đáng ghét - người thì lúc nào cũng tỏa ra thứ mồ hôi hôi rình sặc mùi thức ăn. Trong khi ông còn trẻ, khỏe mạnh, tươi tắn… hoàn toàn có thể kết hôn lần nữa. Tất nhiên tiền có được là do vé của cô ấy. Cô ấy có quyền quyết định và sẽ đi không cần ý kiến của mình. Mình sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cô ấy. Theo thói thường một khi phụ nữ lập tức sẽ khóa kỹ két bạc hoặc hòm khi nhận được tiền. Để phô trương với xã hội, họ sẽ tìm kiếm những anh chị em, cô dì chú bác, họ hàng hang hốc tự đời nào đến để bố thí cho mỗi người một chút lấy tiếng với thiên hạ - ông nghĩ.

Tất cả những người nghèo đói khốn khổ ấy sẽ ùn ùn bò tới như loài bò sát. Họ bắt đầu than vãn như những kẻ ăn xin, khóc cười, năn nỉ, nịnh bợ, nhờ vả với những nụ cười giả tạo. Nếu cho họ ít hoặc những thứ kém giá trị họ sẽ nằn nì để có được nhiều hơn. Nếu bị từ chối họ sẽ lu loa nói xấu, nguyền rủa với những lời độc địa thay cho lời chúc may mắn. Nhìn lại họ hàng nhà mình Ivan cũng thấy tương tự. Họ sẽ đòi hỏi sự công bằng không chịu thua kém họ hàng nhà vợ. Những khuôn mặt thân quen lúc này thật đáng ghét. Tất cả bọn họ là những kẻ luồn cúi, hèn hạ đáng khinh bỉ…

Nét mặt tí tởn của vợ bỗng gây cho ông lòng căm thù. Ông chỉ muốn đấm vào mặt mụ cho hả giận. Trong đầu ông chợt nảy ra những ý nghĩ đen tối, độc ác. Cô ta sẽ rất keo kiệt. Nếu có số tiền đó may chăng cô ta chỉ đưa cho mình 100 rúp là cùng. Còn lại sẽ khóa kỹ. Giờ đây ông gửi thông điệp đến vợ không phải nụ cười mà là sự căm ghét và hận thù. Cô ta chắc chắn đang tính toán cho giấc mơ, suy nghĩ về kế hoạch của riêng mình. Cô hiểu rất rõ ước mơ, suy nghĩ của chồng mình. Cô biết ai sẽ là người cố gắng tranh giành tiền bạc với cô. Còn gì sướng hơn khi được tiêu tiền của người khác? Đừng hòng! Cô sẽ không bao giờ để chuyện đó xảy ra. Chớ có thách thức với con sư tử cái này. Đôi mắt cô thể hiện tất cả những suy nghĩ đó.

Ivan Dmitrich hiểu cái nhìn của vợ. Lòng căm thù cựa quậy dâng lên dữ dội trong ngực ông. Ông dán mắt vào con số vé kiểm tra đi kiểm tra lại mấy lần. Rồi như trút đi bao nỗi giận dữ ông hét to số vé: “Sê ri 9.499 và 46 chứ không phải 26!”.

Sự hy vọng, thù hận của cả hai lập tức tan biến. Thay vào đó là sự tuyệt vọng. Họ cảm thấy căn phòng sao quá chật chội, quá tối tăm, quá thấp và quá nhỏ? Họ không hài lòng với bữa ăn quá nghèo nàn, thanh đạm, dạ dày nặng trĩu những đồ ăn thô khó tiêu. Buổi tối sao quá dài, chán ngắt và quá mệt mỏi, chán chường. Sàn nhà thì đầy vỏ trấu, bụi bặm, những mẩu giấy vụn chưa kịp quét.... Ông chỉ muốn đi ra khỏi nhà ngay lập tức.

“Mẹ kiếp! Trời đánh, thánh vật đánh chết tôi đi! Chết tiệt! Hãy lấy hết tâm trí, linh hồn tôi đi. Tôi sẽ tự treo cổ mình trên cây bạch dương gần nhà nhất”.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy