Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
09:15 (GMT +7)

Khi hoạt động giám sát ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả

Giám sát là một trong hai chức năng, quyền hạn quan trọng của các cơ quan dân cử. Năm 2022, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND.

Khi hoạt động giám sát ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả
Khu dân cư xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai được hỗ trợ đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của doanh nghiệp đã góp phần thay đổi diện mạo, cải thiện đời sống của hơn 30 hộ dân nơi đây. (Ảnh minh hoạ: Trần Thép)

Đáng chú ý, lần đầu tiên tái giám sát được quy định trở thành hoạt động giám sát thường xuyên. Đây cũng là căn cứ quan trọng để HĐND tỉnh Thái Nguyên ban hành nghị quyết về quy trình xử lý công việc nội bộ, với 7 quy trình bao trùm trên các mặt hoạt động, trong đó có hoạt động giám sát, qua đó đưa hoạt động giám sát của cơ quan dân cử ngày càng đi vào thực chất, từng bước đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn và đảm bảo cho hoạt động quản lý Nhà nước trên địa bàn thêm công khai, minh bạch và hiệu quả.

Niềm vui sau kiến nghị giám sát

Khốn khổ vì thường xuyên bị ngập lụt là tình cảnh của nhiều hộ dân cư trú dọc bờ sông Cầu, khu vực phường Tân Phú, thành phố Phổ Yên vài năm về trước. Từ cuối năm 2020, khi khu tái định cư tập trung vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở bờ sông và ngập úng ở khu vực này được xây dựng, bàn giao và đi vào sử dụng, với tổng mức đầu tư gần 38 tỷ đồng, quy mô diện tích hơn 3,3ha đã mang lại niềm vui lớn cho các hộ dân nơi đây. Đến nay, đã có hơn 30 hộ dân di chuyển đến nơi ở mới và từng bước ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau 3 năm di chuyển và xây nhà trên nơi ở mới, nhưng các hộ dân này đều chưa được cấp quyền sử dụng đất, chưa được hỗ trợ kinh phí di chuyển theo chính sách thụ hưởng. Thêm vào đó, dù hạ tầng cơ sở đã được đầu tư, nhưng thời điểm tháng 5/2023, khu tái định cư này vẫn chưa được lắp đặt hệ thống nước sạch.

Khảo sát thực tế tại cơ sở, trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với chính quyền và người dân nơi đây, Ban Dân tộc, HĐND tỉnh đã kiến nghị 3 nội dung liên quan đến những tồn tại, vướng mắc, bất cập tại Khu tái định cư tập trung Tân Phú với UBND tỉnh và các ngành chức năng. Sau 4 tháng kể từ khi Kết luận tại Hội nghị giám sát kết quả thực hiện việc bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư vùng thiên tai trên địa bàn tỉnh được ban hành, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức tái giám sát vấn đề này. Kết quả sau giám sát đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Bà Trần Thị Ngọc, Khu tái định cư tập trung vùng thiên tai phường Tân Phú, TP Phổ Yên phấn khởi nói: “Sau hơn 1 tháng kể từ khi được gặp và có ý kiến phản ánh với đại biểu HĐND tỉnh, dân cư khu vực này đã được lắp đặt và sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh. Gia đình nhà tôi và nhiều hộ dân khác cũng đã được cấp bìa đỏ để có thêm sinh kế phát triển kinh tế gia đình”.

Ông Lê Ngọc Kha, Chủ tịch UBND phường Tân Phú, TP Phổ Yên cho biết: “Địa phương đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện các kiến nghị tại buổi khảo sát. Đến nay, các nhu cầu thiết yếu cho bà con nhân dân đã được đáp ứng đầy đủ. Về nước sạch, chúng tôi đã đề nghị với Xí nghiệp nước sạch Sông Công, Công ty CP nước sạch Thái Nguyên tiến hành đấu nối và lắp đặt đồng hồ công tơ cho bà con sử dụng. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đã cơ bản hoàn thành. Hiện, do vướng mắc từ trung ương, nên địa phương đang chờ hướng dẫn để thực hiện kịp thời việc hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ cho các hộ dân di chuyển ra nơi ở mới”.

Thêm một ví dụ khác về hiệu quả từ hoạt động giám sát của HĐND tỉnh và các cơ quan của HĐND tỉnh. Năm 2022, qua khảo sát, giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh cho thấy nhiều vướng mắc và tồn tại trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sắp xếp các nhà văn hóa dôi dư sau sáp nhập xóm, tổ dân phố. Trên cơ sở kiến nghị của cơ quan dân cử, sau hơn một năm thực hiện, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Nhà Văn hóa được nhiều địa phương quan tâm thực hiện; một số cách làm hay trong sắp xếp các nhà văn hóa dôi dư đã được áp dụng.

Kết quả tái giám sát mới đây của thường trực HĐND tỉnh cho thấy, huyện Đồng Hỷ đã có 100/142 nhà văn hóa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt tỷ lệ 70,42%; huyện Đại Từ có 209/396 nhà văn hóa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt tỷ lệ 52,7%. Riêng huyện Đại Từ đã linh hoạt vận dụng và thực hiện đấu giá tài sản để bán đối với 6 Nhà văn hóa dôi dư. Đáng chú ý, thực hiện kiến nghị sau giám sát, tại kỳ họp thứ mười hai vừa qua, UBND tỉnh đã trình và được HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 03 ngày 10/5/2023 quy định chính sách hỗ trợ đầu tư nhà văn hóa – khu thể thao xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025. Đây là căn cứ quan trọng để áp dụng cơ chế hỗ trợ; đồng thời là cơ sở khuyến khích thực hiện xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, từng bước hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Ông Đàm Thế Nhàn, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đồng Hỷ thông tin: “Sau khi có kết luận giám sát và thực hiện Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh, huyện Đồng Hỷ đã cấp mới được 16 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà văn hóa; đã tổ chức xây mới được 8 nhà văn hóa, vượt 200% so với kế hoạch đề ra của năm 2023”.

Cũng theo kết quả khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh, 100% kiến nghị, kết luận của cơ quan dân cử đã được UBND tỉnh tiếp thu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và giải quyết theo quy định. Trong đó, 85% kiến nghị, kết luận đã giải quyết xong và đưa vào nhiệm vụ chỉ đạo thường xuyên. 15% kiến nghị, kết luận đang trong quá trình giải quyết. Liên quan đến 16 kiến nghị đối với các cơ quan Tư pháp, đã có 14/16 kiến nghị bằng 87,5% đã giải quyết xong; 2/16 kiến nghị đang được giải quyết theo quy định.

Nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan dân cử

Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2023, lần đầu tiên, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên tổ chức giám sát chuyên đề và phiên giải trình về kết quả thực hiện kiến nghị tại nghị quyết giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh và kết luận, kiến nghị giám sát của thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND tỉnh.

Từ kết quả khảo sát thực tế tại 6 huyện, thành phố và 5 cơ quan, đơn vị của tỉnh, ý kiến đề xuất của Đoàn giám sát và các đại biểu HĐND tỉnh, thường trực HĐND tỉnh quyết định lựa chọn một số ý kiến yêu cầu giải trình tại phiên họp; tập trung vào 3 nhóm nội dung, gồm: Lĩnh vực quản lý đất đai, Lĩnh vực văn hóa – xã hội và Lĩnh vực thực hiện các chính sách dân tộc.

Theo đó, trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, xây dựng, đã có gần 15 lượt phát biểu, tranh luận của các Ban, Tổ và đại biểu HĐND tỉnh, với gần 40 nội dung đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan liên quan giải trình làm rõ. Ghi nhận chung, các Ban của HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu câu hỏi đề nghị giải trình, trao đổi, thảo luận làm rõ theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng ngành, lĩnh vực phụ trách; đồng thời phản ánh đúng với thực tế trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan và nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân. Lãnh đạo UBND tỉnh, các đồng chí thành viên UBND tỉnh, giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực, nghiêm túc và cầu thị, tiếp thu đầy đủ ý kiến xác đáng của các vị đại biểu HĐND tỉnh, giải trình làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm cá nhân, cũng như của ngành, lĩnh vực phụ trách.

Khi hoạt động giám sát ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả
Đoàn công tác của Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh khảo sát tại xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ

Đơn cử như ý kiến của đại biểu Ân Văn Thanh, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh và cơ quan chuyên môn giải trình làm rõ nguyên nhân chậm nộp và xác định giải pháp, biện pháp xử lý cụ thể đối với 4 chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định, với số tiền 51,1 tỷ đồng. Giải trình nội dung này, cùng với việc “chỉ mặt, đặt tên” 4 chủ đầu tư dự án, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đặng Văn Huy đã đề xuất “UBND tỉnh giao cơ quan thuế tăng cường đôn đốc, công khai thông tin, thực hiện cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các quy định pháp luật liên quan. Trong trường hợp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng không chấp hành, thì cơ quan thuế có văn bản kiến nghị UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định”.

Liên quan đến những vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ di chuyển ra nơi ở mới đối với các hộ dân vùng thiên tai, như tại Khu tái định cư Tân Phú đã đề cập ở trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Văn Sỹ giải trình: “Dự án Xây dựng khu tái định cư tập trung vùng thiên tai, có nguy cơ sạt lở bờ sông và ngập úng phường Tân Phú là dự án thực hiện trong giai đoạn sau theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay, quyết định này đã hết thời gian thực hiện, ngân sách trung ương không bố trí bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương (nguồn vốn sự nghiệp kinh tế) thực hiện hỗ trợ di chuyển ra nơi ở mới cho hộ dân. Bởi vậy, sau khi xin ý kiến Cục Kinh tế hợp tác, Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành một Nghị quyết hỗ trợ đặc thù. Hiện ngoài các hộ dân tại Khu tái định cư Tân Phú, còn 5 hộ dân là hộ nghèo nhưng chưa di chuyển khỏi vùng có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai tới Khu tái định cư Tam Va. Nên sau khi các địa phương tổng số liệu cụ thể, Sở sẽ tập trung tham mưu giải quyết nội dung này”.

Phát biểu tại phiên làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Xuân Trường đã thống nhất các nội dung, đặc biệt là những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra. Đồng chí nhấn mạnh, giám sát kết quả thực hiện một số kiến nghị tại nghị quyết giám sát chuyên đề và kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND tỉnh và các cơ quan của HĐND tỉnh không chỉ nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động này của cơ quan dân cử, mà còn là cơ sở để xác định rõ hơn trách nhiệm các ngành, các cấp của tỉnh trong thực hiện các kiến nghị liên quan. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đề ra các giải pháp, xác định lộ trình khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, tồn tại nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát”.

Có thể khẳng định, thời gian qua công tác giám sát của Hội đồng nhân dân và các cơ quan của HĐND đạt nhiều kết quả, hiệu quả; chất lượng các cuộc giám sát ngày càng được nâng lên, điều đó đã thể hiện được vai trò quan trọng của HĐND trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, góp phần tích cực cùng hệ thống chính trị của tỉnh thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành quy định mới từ trung ương, cùng sự chủ động, linh hoạt trong cụ thể hóa ở cơ sở chắc chắn sẽ góp phần để hoạt động giám sát của cơ quan dân cử ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả, đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri và Nhân dân.

“Để khắc phục được những hạn chế, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện các kiến nghị, kết luận của HĐND tỉnh và các cơ quan của HĐND tỉnh, việc tổ chức các phiên giải trình – giám sát không chỉ đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của luật, mà đây sẽ là hoạt động giám sát thường xuyên trong những năm tiếp theo của Thường trực HĐND tỉnh; qua đó từng bước đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn, đảm bảo cho hoạt động quản lý Nhà nước ngày càng được công khai, minh bạch và hiệu quả”.

(Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh)

Trần Trang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 3 giờ trước