Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
10:43 (GMT +7)

Khám phá, trải nghiệm những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc

VNTN- Sau 2 ngày học tập, trao đổi trên lớp cùng các nhà văn nổi tiếng của trung ương và của tỉnh, ngày 15/8 các trại viên của Trại sáng tác văn học trẻ năm 2023 do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức đã có chuyến đi thực tế tại Hà Nội với hai điểm đến là Đền Gióng và Việt Phủ Thành Chương (Sóc Sơn, Hà Nội).

Cội nguồn lịch sử - cội nguồn văn chương

Điểm đến đầu tiên của Đoàn là Đền Gióng, toạ lạc tại núi Sóc, xã Vệ Linh, Sóc Sơn, là một quần thể di tích lịch sử cấp Quốc gia gồm: đền Trình, chùa Non Nước, đền Thượng, đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, hòn đá Chồng, nhà bia và tượng đài Thánh Gióng.

Đoàn tham quan quần thể di tích lịch sử Đền Gióng
Đoàn tham quan quần thể di tích lịch sử Đền Gióng

Theo chân hướng dẫn viên, Đoàn đi vào đền Trình (hay còn gọi là đền Hạ), là nơi đặt tượng thờ sơn thần. Bức tượng này được đúc hoàn toàn từ đồng, nặng 7 tấn với phong thái vô cùng uy nghi. Bên ngoài đền còn có gốc đa cổ thụ cùng hồ nước cực kỳ xanh trong. Đi qua đền Trình là đến chùa Đại Bi, ngôi chùa cổ với những bức hoành phi, câu đối xưa được sơn son thếp vàng cùng lối kiến trúc cổ kính nhuốm màu rêu phong. Đối diện chùa Đại Bi là đền Mẫu, nơi đặt tượng thờ mẹ Thánh Gióng. Giếng nước bên ngoài đền cũng được gọi là giếng Mẫu.

Đoàn dâng hương tại chùa Đại Bi
Đoàn dâng hương tại Đền Gióng

Từ đền Mẫu đi lên trên thêm một chút là đến đền Thượng - ngôi đền cuối cùng trong quần thể 4 ngôi đền, chùa dưới chân núi Vệ Linh, là nơi thờ Đức Thánh Gióng – một trong bốn vị thánh bất tử của dân tộc Việt Nam. Trong đền có nhà Đại bái và Hậu cung. Nhà Đại Bái được trang trí bằng những câu đối, lọng, đôi hạc… đều là những nét đặc trưng của lối kiến trúc chùa cổ Việt Nam, còn Hậu cung thì đặt một bức tượng thờ Thánh Gióng được làm từ gỗ trầm hương.

Các Trại viên chăm chú nghe hướng dẫn viên thuyết trình
Các Trại viên chăm chú nghe hướng dẫn viên thuyết trình

Điểm nổi bật nhất của khu di tích là bức tượng Thánh Gióng trên đỉnh núi Đá Chồng, được làm hoàn toàn từ đồng nguyên chất, cao 11,07m, nặng 85 tấn. Bức tượng này được khánh thành vào năm 2010, là một trong những công trình xây dựng nhằm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Từ tượng đài Thánh Gióng đi xuống, Đoàn rẽ vào thăm ngôi chùa Non Nước ở độ cao 110m, là nơi đặt bức tượng Phật Tổ Như Lai bằng đồng cao hơn 8m, nặng 30 tấn.

Bên tượng đài Thánh Gióng
Bên tượng đài Thánh Gióng

Thông qua lời thuyết minh truyền cảm của hướng dẫn viên, truyền thuyết Thánh Gióng cùng những sự tích lịch sử tại quần thể di tích đã được tái hiện một cách sống động. Các Trại viên chăm chú lắng nghe, lâu lại nhìn nhau gật đầu.

Đắm mình vào không gian linh thiêng, hào hùng nơi đây, em Nguyễn Việt Hằng (học sinh lớp 12A2, trường THPT Bình Yên) xúc động chia sẻ: Em đã nghe và đọc nhiều Đức Thánh Gióng nhưng ngày hôm nay, khi được đứng tại không gian này, ngắm nhìn hiện vật, nghe đầy đủ và trọn vẹn sự tích, em mới cảm nhận được vì sao Thánh Gióng lại là biểu tượng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Đồng thời, em cũng phần nào cảm nhận được niềm khao khát độc lập tự do cũng như là sự dũng cảm chiến đấu chống quân xâm lược đầu tiên của tiền nhân.

Tiếp nhận nguồn cảm hứng lớn lao từ sợi dây văn hoá

Điểm đến thứ 2 của Đoàn nằm cách Đền Gióng khoảng 7km. Được xem là “bảo tàng” kiến trúc mang đậm dấu ấn hoài cổ, nơi hội tụ di sản văn hoá của Hà Nội, Việt Phủ Thành Chương kể câu chuyện lịch sử văn hoá Việt Nam thông qua kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật truyền thống và các di vật dân gian. Không gian cổ tích dân gian của Việt Phủ với những cây si cây đa, cầu đá, ao đá, sân đình, miếu mạo, các phòng trưng bày với những bộ sưu tập gốm, tượng, đồ cổ và những bức tranh sơn mài của hoạ sĩ Thành Chương khiến các trại viên vô cùng thích thú.

Các Trại viên chia thành nhiều tốp, háo hức khám phá những công trình kiến trúc tại Việt Phủ Thành Chương. (Ảnh: Doãn Long)
Các Trại viên chia thành nhiều tốp, háo hức khám phá những công trình kiến trúc tại Việt Phủ Thành Chương. (Ảnh: Doãn Long)

Mỗi một góc nhỏ trong Việt Phủ đều mang trong mình những giá trị văn hoá. Các Trại viên chia thành từng tốp nhỏ, lần lượt thăm thú, trải nghiệm, không bỏ sót bất cứ ngóc ngách nào.

Em Chu Hà Linh (học sinh lớp 10A5, trường THPT Sông Công) hồ hởi: “Em thật sự ấn tượng với Việt phủ Thành Chương vì nơi đây khoác lên mình một nét kiến trúc rất xưa và cổ kính. Trong chặng đường tham quan những công trình kiến trúc em đã thật sự đắm chìm vào không gian văn hoá của đồng bào. Bên cạnh đó em đã phát hiện ra rất nhiều điều thú vị mới mẻ mà trước đây em chưa từng biết đến. Nhờ vậy mà vốn hiểu biết của em được mở rộng đáng kể và cảm hứng sáng tạo trong em đang tuôn trào mạnh mẽ”.

Không gian xanh mát, cổ kính, huyền bí, đậm đà bản sắc văn hoá tại Việt Phủ (Ảnh: Doãn Long)
Không gian xanh mát, cổ kính, huyền bí, đậm đà bản sắc văn hoá tại Việt Phủ (Ảnh: Doãn Long)

Sau khi đi hết một vòng, em Trần Hương Giang (học sinh lớp 11A5, Trường THPT Lương Phú) chọn cho mình một chiếc ghế cổ, nhẹ nhàng ngồi xuống và nhắm mắt lại. Khi được được hỏi đang làm gì thế, Giang mỉm cười: “Em đang bắt đầu những cuộc trò chuyện với cổ xưa. Bằng cách này em sẽ hiểu và yêu hơn những gì liên quan đến văn hoá, lịch sử, từ đó tiếp nhận được nguồn sinh lực, cảm hứng lớn lao, bí ẩn từ đời sống tinh thần, văn hoá của ngàn năm tích tụ lại”.

Bên cạnh những trải nghiệm tuyệt vời về văn hoá, lịch sử , các Trại viên còn được “gặp” nhà văn Kim Lân – một bậc thầy về truyện ngắn với tác phẩm “Làng” đã quá quen thuộc với bao thế hệ học trò theo một cách rất đặc biệt, tại một không gian tưởng niệm được thiết kế vô cùng đặc sắc.

Tạm biệt không gian cổ kính, xanh mát, yên tĩnh, huyền bí và thơ mộng tại Việt Phủ Thành Chương, kết thúc chuyến hành trình học tập và trải nghiệm thực tế đầy háo hức với rất nhiều điều đã thu lượm được, các Trại viên mãn nguyện bước lên xe trở về nhà. Những ý tưởng nhen nhóm được thổ lộ, những dự định kế hoạch được chia sẻ một cách sôi nổi, những ý kiến “đòi giao bài tập” xen lẫn tiếng cười làm con đường về dường như ngắn lại. Bầu không khí hừng hực quyết tâm cùng với ánh mắt lấp lánh niềm tin của các Trại viên đã thắp lên cho chúng ta những hy vọng thật đẹp về những tác phẩm chất lượng sẽ được cho ra mắt trong một tương lai gần.

Bài: Hồ Điệp. Ảnh: Anh Tú, Doãn Long.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy