Khái niệm “tác giả như là nhà sản xuất” nhìn từ đời sống văn học hiện nay
VNTN - Khái niệm “tác giả như là nhà sản xuất” của chủ nghĩa Marx với nhiều thông điệp mang ý nghĩa sâu sắc, qua các giai đoạn lịch sử, luôn là cơ sở lý luận tin cậy để làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn của đời sống văn học các dân tộc trên thế giới. Đặt trong hoàn cảnh cụ thể của đời sống văn học Việt Nam đương đại, luận giải những phương diện khác nhau xung quanh khái niệm “tác giả như là nhà sản xuất”, bài viết muốn góp phần làm sáng tỏ hơn ý nghĩa những khái niệm nhà văn là một công nhân, nghệ thuật như là sản phẩm…
Nhà văn là một công nhân
Trong Lý thuyết giá trị thặng dư, Marx nhận định: “Một nhà văn là một công nhân không phải ở cái phạm vi anh ta sản xuất ra các tư tưởng, mà ở phạm vi anh ta làm giàu cho các nhà xuất bản, ở phạm vi anh ta đang làm việc để kiếm một đồng lương”1.
Nhận định trên cho thấy, trong xã hội công nghiệp, nghề viết văn được đặt bình đẳng với tất cả các nghề nghiệp khác với tư cách làm ra sản phẩm cho xã hội. Nhà văn cũng là một công nhân, có nghĩa là anh ta cũng phải bỏ công sức lao động để kiếm tiền nuôi bản thân mình và gia đình, thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu về vật chất. Xã hội càng phát triển, nhu cầu đọc càng trở nên cấp thiết, xuất hiện lớp người sống bằng nghề viết chứ không phải chỉ viết để “mua vui” trong những lúc nhàn rỗi hoặc nhất thời hứng thú. Với quan điểm coi nhà văn như một người lao động thực thụ, Marx chỉ rõ người cầm bút có mối liên hệ mật thiết với sự hình thành một thị trường sách, tác phẩm của họ in ra được hiểu như bất kỳ một sản phẩm có thể được mua bán nào - họ là những nhà văn chuyên nghiệp. Tác giả được coi như là nhà sản xuất và viết văn như một quá trình sản xuất mang tính đặc thù. Việc sản xuất văn hóa được đặt trong mối tương quan giữa các tác nhân đa dạng như nhà văn, nhà xuất bản, các cơ quan thể chế.v.v.. và hình thành chuỗi kết nối liên hoàn: nhà xuất bản - phát hành sách - tiếp nhận của người đọc. Như vậy, cho đến ngày nay, có thể khẳng định quan điểm Marxist coi nhà văn là một công nhân thể hiện cái nhìn khoa học, khách quan, tôn trọng và nâng cao vị thế của nhà văn trong xã hội. Và chỉ khi nào xã hội nhìn nhận viết văn cũng là một “nghề”, nhà văn cũng có vị thế xã hội nhất định (như nhà giáo, bác sĩ…) thì khi đó sản phẩm do nhà văn với tư cách là “công nhân” sản xuất mới thực sự trở thành “hàng hóa” có giá trị cạnh tranh trên thị trường bằng thương hiệu do chính tài năng, uy tín nghề nghiệp của nhà văn tạo nên.
Ở Việt Nam, nhà văn đã được coi “là một công nhân” chưa? Thực tế ở Việt Nam, từ những năm 30 của thế kỷ XX đã có những người cầm bút để kiếm tiền mưu sinh, nhưng số này rất ít và họ cũng không sống nổi bằng nghề viết văn, bởi như Tản Đà đã ngậm ngùi, chua chát: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Vào giữa những năm 60 của thế kỷ XX, học giả Nguyễn Văn Trung khi luận bàn về vị trí của nhà văn trong xã hội đã từng đặt vấn đề: “Nhà văn người là ai? Một cán bộ tuyên truyền, một kỹ sư tâm hồn, một chiến sĩ xã hội, một nhân chứng thời đại, hay chỉ là gã phù thủy, tên chỉ điểm mật vụ, thằng gàn, đứa chán đời, hay một thứ kỹ nữ, sáng tác để mua vui đôi chút?”2. Từ đó đến nay đã nửa thế kỷ trôi qua, thời đại lịch sử đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên trong đời sống văn học, dù muốn hay không chúng ta cũng phải thừa nhận ở ta đã và đang tồn tại một thực tế rất khó xác định rõ rệt vị trí của nhà văn, vì rất khó tìm câu trả lời cho câu hỏi: Viết văn, có phải là một nghề kiếm sống như dạy học, chữa bệnh, đi buôn, làm công chức? Câu hỏi “nhà văn là ai?” đi liền với câu hỏi “việc viết văn là gì?”.
Trong khi ở nhiều nước trên thế giới, nhà văn đã sống được bằng nghề viết, thì ở Việt Nam, số nhà văn “kiếm đồng lương” (từ dùng của Marx) bằng nghề cầm bút đích thực chiếm một con số khiêm tốn. Phần lớn nhà văn Việt Nam phải lấy nghề khác để nuôi “nghiệp” văn chương. Có rất nhiều nguyên do dẫn đến hiện trạng này, nhưng trước hết, có lẽ bắt đầu từ sự tồn tại rất sâu và rất lâu trong tâm thức cộng đồng quan niệm đơn giản cho rằng văn chương nghệ thuật không phải là một vấn đề xã hội quan trọng. Trước đây, trong xã hội nông nghiệp lạc hậu chỉ có những câu ca dao, tục ngữ, câu đố, hò vè, truyện cổ tích, tiếu lâm ra đời gắn liền với đời sống sinh hoạt làm ăn của người dân. Một vài bài thơ chữ Hán dành riêng cho một nhóm ít người “đẳng cấp” hơn cũng không liên hệ và ảnh hưởng gì tới đông đảo quần chúng. Hiện nay, với nhiều người thuộc các tầng lớp, nghề nghiệp khác nhau, thậm chí với một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ quản lý văn hóa văn nghệ các cấp, văn chương đối với họ cũng chỉ là một thứ “gia vị” để làm cho cuộc sống thêm vui vẻ, hoặc chỉ là “công cụ” để phục vụ mục đích tuyên truyền, giáo huấn về một vấn đề xã hội mang tính nhất thời nào đó, và vì vậy, họ cũng chẳng có khái niệm rõ ràng về hai chữ “nhà văn”. Nhìn vào thực trạng xã hội, có thể thấy nhà văn chân chính chưa được trọng thị, đối xử xứng đáng với những cống hiến thực tế của anh ta cho xã hội. Thậm chí, trong một số trường hợp, những thiên kiến nặng nề còn “chụp mũ” oan uổng, làm tổn thương sâu sắc đến cuộc sống của nhà văn… Trên lý thuyết, khi phát biểu đâu đó, người ta có thể đồng ý rằng nhà văn đảm nhiệm một vai trò gì đó rất quan trọng trong xã hội, nhưng đến lúc phải xác định dứt khoát vai trò đó là gì thì rất khó thống nhất. Như vậy, từ góc nhìn xã hội, khái niệm “nhà văn là một công nhân” chưa được thấu hiểu và tiếp nhận một cách tường tận, khoa học. Chính vì thế, nhà văn được gọi là “kỹ sư tâm hồn”, là “người gieo mầm tư tưởng”… Rất nhiều những mỹ từ “tôn vinh” sáo rỗng vang lên trong khi đa số nhà văn phải chật vật với chuyện “áo cơm ghì sát đất”! Có một thời (ngay cả hiện nay), việc viết văn để kiếm tiền bị coi là làm giảm đi giá trị “cao cả” thuộc “nhân cách” người nghệ sĩ, hoặc bị cho đó là ý tưởng “viển vông”. Văn chương chỉ đi cùng với những gì thuộc về giá trị tinh thần “cao siêu, thánh thiện” chứ không thể đi cùng những gì thuộc về vật chất “thực dụng, tầm thường”. Không ít người lựa chọn viết văn thường chỉ đơn giản muốn được gọi là “nhà văn”, và “nhà văn” chỉ là cái “danh” dùng để trang trí. Với dư luận quần chúng, độc giả, nhìn chung, trong tâm thức cộng đồng thì “nhà văn” là một khái niệm chung chung, mơ hồ.
Trong xã hội hiện nay, mặc dù chưa xác định rõ rệt dứt khoát vai trò của nhà văn, nhưng có thể khẳng định văn chương nghệ thuật là một vấn đề xã hội quan trọng. Khác với xã hội nông nghiệp trước đây, xã hội công nghiệp phát triển khiến người biết chữ, biết đọc và có “tầm đón nhận” tăng lên rất nhiều. Đất nước càng văn minh, dân trí càng cao, nhu cầu đọc càng mạnh. Theo đúng quy luật vận hành, văn học nghệ thuật phải trở thành một kỹ nghệ, một ngành thương mại, một lợi khí chính trị, một phương tiện giáo dục, tuyên truyền.
Tiến đến xây dựng một thị trường văn học phong phú để phát triển văn học trong một cơ chế vận hành chuyên nghiệp là một tất yếu trong quy luật phát triển văn học của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Điều đó đặt ra một hệ quả mang tính biện chứng: chừng nào việc viết văn chưa được coi là một nghề để “kiếm tiền lương” và tài năng của nhà văn chưa được xác nhận thứ bậc như người thợ lành nghề thì chừng đó sẽ còn rất khó khăn để có thể hướng đến xây dựng một nền văn học mà nghệ thuật được coi là sản phẩm.
Nghệ thuật như là sản phẩm
Sự thật, nghệ thuật là một hình thức của sản xuất xã hội - đó là nội dung định đề rút ra từ nghiên cứu thực tiễn của những nhà Marxist. Họ coi việc sáng tạo văn chương và xuất bản tác phẩm là một ngành công nghiệp, các nhà văn không chỉ là những người chuyển hóa những “cấu trúc tinh thần xuyên cá nhân”, mà còn là những công nhân để các nhà xuất bản thuê tạo ra hàng hóa. Tư tưởng tiến bộ trên cho đến ngày nay còn nguyên giá trị bởi nó vẫn tiếp tục mở cánh cửa tư duy khoa học cho chúng ta về một ngành công nghệ chưa bao giờ được coi là đủ kinh nghiệm: công nghệ xuất bản tác phẩm văn học như một loại sản phẩm hàng hóa.
Quan điểm của chủ nghĩa Marx xung quanh vấn đề nghệ thuật như là sản phẩm đem đến nhiều thông điệp hữu ích, trong đó có hai nội dung theo chúng tôi cần lưu ý: Thứ nhất, sản phẩm của nhà văn mang tính đặc thù, đó là tác phẩm (được xuất bản thành sách). Sách là sản phẩm hàng hóa bình đẳng như mọi thứ hàng hóa khác tức là được bán - mua trên thị trường để kiếm lợi nhuận; Thứ hai, khi đã trở thành sản phẩm hàng hóa sách cũng phải tuân thủ theo quy luật nghiệt ngã của thị trường, ở đây không có ưu tiên, không có sự hỗ trợ nào ngoài sự hiện hữu của chất lượng sản phẩm.
Hàng hóa là sản phẩm của lao động, nó có thể thỏa mãn những nhu cầu nhất định nào đó của con người thông qua trao đổi, mua bán. Một vật, khi đã là hàng hóa thì nhất thiết nó phải có giá trị sử dụng. Nhưng không phải bất cứ vật gì có giá trị sử dụng cũng đều là hàng hóa. Một vật muốn trở thành hàng hóa thì giá trị sử dụng của nó phải là vật được sản xuất ra để bán, để trao đổi, cũng có nghĩa là vật đó phải có giá trị trao đổi. Trong kinh tế hàng hóa, giá trị sử dụng là cái mang giá trị trao đổi. Muốn hiểu được giá trị hàng hóa, phải đi từ giá trị trao đổi. Như vậy, nếu coi sách là hàng hóa dùng để trao đổi bán - mua thì buộc sản phẩm do nhà văn hợp đồng với nhà xuất bản sản xuất ra phải mang giá trị và giá trị sử dụng. Để hàng hóa có giá trị sử dụng cao, người sản xuất phải luôn quan tâm đến nhu cầu của xã hội, làm cho sản phẩm của họ phù hợp với nhu cầu của xã hội, và đương nhiên giá trị sử dụng mang trên mình giá trị trao đổi. Giá trị sử dụng của cuốn sách luôn tỷ lệ thuận với giá trị trao đổi. Trong xã hội công nghiệp, chuyên môn hóa cao thì sản xuất hàng hóa càng giá trị, càng thỏa mãn nhu cầu cao và khắt khe của người tiêu dùng hiện đại.
Soi chiếu vào đời sống văn học Việt Nam hiện nay, dù chúng ta đã có một số tác phẩm văn học gọi là “sản phẩm hàng hóa” được bán trên thị trường, nhưng số lượng nhà văn Việt Nam có thể được nhà xuất bản “đặt hàng” để xuất bản tác phẩm, “làm giàu cho nhà xuất bản” và “kiếm tiền lương” là rất khiêm tốn. Chúng ta chưa có một đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp đúng nghĩa, tức là chưa có nhiều người viết văn sống được bằng nghề, chưa thiết lập được mối liên hệ mật thiết giữa nhà văn - nhà xuất bản - thị trường - bạn đọc như sự thiết lập một chuỗi logic tất yếu của bất kỳ một sản phẩm có thể được mua bán nào. Việc viết văn được coi như một quá trình sản xuất và sản phẩm nghệ thuật được coi như là sản phẩm hàng hóa chỉ khi việc sản xuất tác phẩm được chuyên môn hóa cao giữa các nhân tố hạt nhân như nhà văn, nhà xuất bản, các cơ quan thể chế.v.v.., cộng với tiếp nhận của người đọc. Chừng nào nhà văn còn viết theo cảm hứng nhất thời, in sách bằng tiền bao cấp, tài trợ của các tổ chức để “công bố tác phẩm” rồi mang sách tặng rồi vất vả thu lại số tiền không bao giờ được dự toán chính xác thì chừng đó chưa thể khẳng định là chúng ta đã có thị trường văn học và nhà văn là người sản xuất hàng hóa đích thực.
Một vấn đề nữa cần quan tâm khi bàn đến sản phẩm hàng hóa và thị trường văn học, đó là bạn đọc - người mua hàng. Chính bạn đọc với tư cách là người tiêu thụ sản phẩm có ảnh hưởng rất lớn và có mối quan hệ chặt chẽ với thị trường văn học. Nếu không chú ý đến việc nghiên cứu thị trường để sáng tác và xuất bản, đáp ứng nhu cầu công chúng tiếp nhận ở mọi tầng lớp, lứa tuổi thì sách được in ra (nhiều khi chỉ để thỏa mãn nguyện vọng cá nhân nhà văn mà không mang lại giá trị sử dụng cho bạn đọc) sẽ gây một sự lãng phí rất lớn cho xã hội.
Khi sách đã trở thành hàng hóa, nhà văn với tư cách là người sản xuất phải biết chấp nhận và vượt qua thử thách nghiệt ngã của cơ chế thị trường. Với tư cách là hàng hóa, đương nhiên sách cũng phải cạnh tranh bình đẳng trên thương trường như các loại hàng hóa khác về chất lượng, mẫu mã, hình thức, nội dung, quảng cáo… Nhà văn muốn chinh phục thị trường, thu về lợi nhuận thì chỉ còn cách duy nhất là phải sản xuất ra thứ hàng hóa chất lượng cao. Ở đây, tài năng của nhà văn và sự đầu tư nghiêm túc chất xám vào văn chương sẽ là điều kiện tiên quyết để có một sản phẩm thắng lợi trên thị trường. Bên cạnh đó, cũng phải chú trọng tới tất cả các khâu khác cho tới khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tìm kiếm bạn đọc, tìm kiếm nơi mua bản thảo, xuất bản, phát hành có hiệu quả,... là nhu cầu và cũng là yêu cầu tích cực đối với nhà văn chuyên nghiệp.
* * *
Từ việc luận giải một số phương diện trong khái niệm của Marx như nhà văn là một công nhân, nghệ thuật như là sản phẩm, có thể khẳng định: thị trường văn học là một sự tồn tại tất yếu mang tính quy luật trong tiến trình văn học của bất cứ quốc gia nào trong thời đại công nghiệp. Xây dựng một thị trường văn học đồng nghĩa với việc xây dựng một đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp, từ đó tạo thế cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển về chất lượng của một nền văn học.
Trải qua một thời kì dài được bao cấp mọi mặt trong nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, không hề tồn tại khái niệm văn học thị trường của xã hội tiêu thụ, trong thời đại hội nhập toàn cầu hiện nay, các nhà văn Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức để có thể trở thành “một công nhân”, “một nhà sản xuất hàng hóa” để “kiếm tiền lương” theo đúng nghĩa như học thuyết của chủ nghĩa Marx đã bàn đến. Chính vì vậy, để tồn tại và phát triển, người theo nghiệp viết văn phải đủ bản lĩnh và năng lực văn hóa cần thiết để nhận biết rõ vị trí của mình, dũng cảm, kiên trì, bứt thoát khỏi sự ràng buộc bởi quan niệm cũ, phát huy cá tính, ráo riết hơn trong những kiếm tìm sáng tạo nghệ thuật của mình. Nhà văn phải thừa nhận và chấp nhận vị trí, vai trò của mình như một nhà sản xuất và coi tác phẩm văn học như một loại hàng hóa, thấu hiểu quy luật thị trường, thích ứng với nó để tồn tại. Chỉ khi nào được như vậy, mỗi nhà văn Việt Nam mới thực sự được sống và viết với tài năng, tâm huyết, với đích thực con người của chính mình và có trách nhiệm cao với công chúng tiếp nhận.
Cao Thị Hồng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...