Thứ ba, ngày 21 tháng 05 năm 2024
17:09 (GMT +7)

Kết tinh tài năng và đam mê sáng tạo

Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021 đã được trao cho 70 tác giả, nhóm tác giả, với 9 giải A, 18 giải B, 21 giải C, 22 giải Khuyến khích. Đây là Giải thưởng mang tính truyền thống được tỉnh tổ chức từ năm 1992. Qua đó đã tôn vinh hàng trăm tác phẩm, công trình của các thế hệ văn nghệ sĩ Thái Nguyên, trong đó có những tên tuổi lớn, có nhiều cống hiến và được tiếp tục vinh danh ở phạm vi Quốc gia. Đối với các nghệ sĩ, đoạt Giải thưởng VHNT là một niềm vinh dự lớn lao, là sự ghi nhận những đóng góp của người nghệ sĩ đối với nền VHNT tỉnh nhà. Trong số báo đặc biệt chào Xuân mới, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên trân trọng giới thiệu một số gương mặt trong số 70 văn nghệ sĩ xuất sắc ấy.

Họa sĩ Dương Văn Chung: Dấu mốc mới trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật

Tốt nghiệp Đại học ngành Sư phạm Mỹ thuật, và thạc sĩ ngành Mỹ thuật tạo hình - Hội họa - Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Dương Văn Chung hiện đang là Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc; Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Thái Nguyên. Anh đã xuất sắc giành Giải A, Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 – 2021 với nhóm tác phẩm “Đợi”, “Bác Hồ với Thái Nguyên”.

Giải thưởng lần này mang lại rất nhiều giá trị tích cực cho đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh trong những ngày cuối năm 2023. Chúng ta đều biết rằng môi trường để sáng tác đối với nghệ sĩ là vô cùng quan trọng. Và có lẽ trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ đều mong muốn có được môi trường tốt để có thể thúc đẩy, nâng bước, tạo dựng nền móng cho những sáng tác của mình. Để những sáng tác của mình được nâng tầm, được tỏa sáng và được đặt vào những vị trí xứng đáng.

Đối với tôi thì việc đạt được giải thưởng lần này là một điều đặc biệt, đánh dấu một cột mốc mới với bản thân trong sự nghiệp sáng tạo mỹ thuật, bởi vậy tôi vô cùng trân quý. Giải thưởng này cũng mang lại những động lực to lớn để tôi cố gắng hơn nữa trong những chặng đường tiếp theo, để tiếp tục được cống hiến, được hòa mình vào dòng chảy bất tận trong không gian nghệ thuật thi vị này.

Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Hà: Động lực để sáng tạo

Xuất sắc giành Giải A ở chuyên ngành Kiến trúc, KTS Nguyễn Trọng Hà, sinh năm 1983, hiện là Phó Giám đốc TNG LAND, Phó Chủ tịch Hội KTS Thái Nguyên, Phó Chủ nhiệm CLB KTS trẻ vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, Chủ nhiệm CLB KTS trẻ Thái Nguyên. Với tư cách là Chủ nhiệm, chủ trì, anh đã tham gia vào nhiều đề tài, báo cáo khoa học, luận án, đồ án, dự án, công trình; góp phần quan trọng trong việc định hướng phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh nhà.

Khi nhận được tin mình được trao Giải A hạng mục Kiến trúc, Giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021 với công trình Tòa nhà TNG village, tôi cảm thấy rất vui mừng và tự hào. Đây là một niềm vinh dự lớn đối với tôi và các đồng nghiệp. Tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và động viên từ phía Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có những chủ trương, chính sách dành riêng cho lĩnh vực Văn học nghệ thuật, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh các giá trị sáng tạo của văn nghệ sĩ Thái Nguyên.

Sự ghi nhận này sẽ là nguồn động viên lớn để tôi tiếp tục bước đi trên con đường nghệ thuật, không ngừng hoàn thiện bản thân, không ngừng sáng tạo. Giải thưởng này sẽ là động lực để tôi tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của kiến trúc tỉnh nhà.

Nghệ sĩ Nguyễn Công Phương: Vinh dự lớn, trách nhiệm nhiều

Sinh năm 1993, là một diễn viên, biên đạo múa đầy tiềm năng, Nguyễn Công Phương đã giành được nhiều Giấy khen, Bằng khen, Huy chương trong sự nghiệp biểu diễn của mình. Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ, song Nguyễn Công Phương đã vinh dự được giao trọng trách giữ vai trò biên đạo trong các chương trình nghệ thuật lớn trong và ngoài tỉnh, như: Kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Thái Nguyên, 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam được tổ chức tại Hải Phòng; Chương trình khát vọng hòa bình được tổ chức tại Quảng Trị.

Nguyễn Công Phương tham gia Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021 với chùm tác phẩm múa ở thể loại dân gian dân tộc: “Lời then”, “Sương sớm xứ chè”, “Hoa rừng sắc xuân” và đã xuất sắc giành Giải B.

/uploads/2024/1/ket-tinh-tai-nang-va-dam-me-sang-tao-3-382x324.jpg

Tôi rất vinh dự khi giành được Giải B này. Tôi ý thức được rằng, đây là một giải thưởng vô cùng cao quý đối với lứa tuổi còn rất trẻ như tôi. Từ đó, tôi luôn tự nhủ bản thân cần cố gắng, không ngừng học hỏi, noi gương các thế hệ đi trước nhiều hơn nữa để “mài rũa” bản thân. Là người yêu văn hoá dân gian, tôi luôn mong muốn tìm tòi những giá trị mang tính bản sắc của dân tộc, để từ đó phát huy được những thế mạnh của các dân tộc trên địa bản tỉnh Thái Nguyên nói riêng và khu vực miền núi phía Bắc nói chung.

Thông qua các tác phẩm, tôi mong  khán giả thấy được vẻ đẹp trong đời sống, phong tục tập quán, văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên vùng Việt Bắc nơi được mệnh danh là Thủ đô Kháng chiến - Thủ đô Gió ngàn.

Nhà thơ Nguyễn Nhật Huy: Phụng sự cuộc đời

Nguyễn Nhật Huy, sinh năm 1987, hiện đang là du học sinh ngành nghiên cứu văn hóa xã hội tại Đại học Giao thông Đài Loan. Tuy gắn bó với nghiệp giảng dạy và nghiên cứu, nhưng Nhật Huy lại đam mê sáng tác. Với Nhật Huy, sáng tác là nơi Huy “cảm thấy được sống nhất”, vì ở đó Huy có thể tự do sống trong các cung bậc cảm xúc của mình. Viết chính là một hành trình để Nhật Huy tự khám phá bản thân mình và cũng là một cách để Nhật Huy “phụng sự cuộc đời”.

Tôi là một trong những người con được mảnh đất Thái Nguyên bồi dưỡng và nuôi nấng trên con đường cầm bút từ những ngày đầu chập chững ở các trại sáng tác trẻ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Hành trình thoáng cái đã hơn 10 năm tôi sống cùng những con chữ. Có những khi tôi cảm thấy mệt mỏi và muốn dừng lại nhưng một nhân duyên nào đó đã níu tôi lại đến tận bây giờ. Và may mắn thay là tôi vẫn giữ được niềm tin của mình cho những điều tốt đẹp để tiếp tục viết như một sự đền đáp cho cuộc đời.

Năm vừa qua, tôi may mắn nhận được giải B cho tập thơ “Sân bay” của Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021. Đây thật sự là một niềm vui to lớn của người cầm bút như tôi. Đó cũng là một sự động viên to lớn không chỉ cho tôi mà còn cho những người cầm bút khác. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đặc biệt là Ban Tổ chức đã tâm huyết xây dựng nên một giải thưởng dành cho đội ngũ sáng tác, bởi trong những quay cuồng của đời sống hiện đại này, sự tôn vinh những giá trị nhân bản cần thiết hơn bao giờ hết. Tất nhiên, giải thưởng không phải tất cả đối với người viết nhưng tôi tin rằng nó là sự tiếp sức cho những người nghệ sĩ trên hành trình nhiều khi cô độc của họ.

Nhà báo Phạm Thu Trà: Tiếp thêm nguồn năng lượng sáng tạo nghệ thuật

Nhà báo Phạm Thu Trà (đứng giữa) cùng nhóm tác giả của Đài Phát thanh - Truyền hình đoạt Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2021. Ảnh: Đ.T
Nhà báo Phạm Thu Trà (đứng giữa) cùng nhóm tác giả của Đài Phát thanh - Truyền hình đoạt Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2021. Ảnh: Đ.T

Những ngày cuối năm 2023, thật bất ngờ và vinh dự cho chúng tôi, những phóng viên, biên tập viên của Đài PT - TH tỉnh Thái Nguyên khi được đón nhận một niềm vui lớn. Đó là giải A cho lĩnh vực Điện ảnh - Truyền hình tại Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2021.

Lần đầu tiên tham dự Giải, và cũng là lần đầu tiên, những tình cảm, tâm huyết của chúng tôi gửi gắm qua 3 bộ phim tài liệu: “Thái Nguyên - biết mấy tự hào!”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng nhân dân Thái Nguyên” và “Ba Người đàn bà câm” đã được Ban Tổ chức, Ban Giám khảo của một trong những Giải thưởng lớn và uy tín nhất của tỉnh ghi nhận, đánh giá. Mặc dù phim tài liệu luôn là một thể loại khó trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình. Bản thân chúng tôi những người làm báo địa phương cũng chưa thật nhiều kinh nghiệm để thực hiện những đề tài khó, cập nhật theo xu hướng thể hiện mới. Song “Thái Nguyên - biết mấy tự hào!”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng nhân dân Thái Nguyên” đã là những tình cảm trọn vẹn, thiêng liêng và tự hào của chúng tôi với Thái Nguyên. Còn “Ba Người đàn bà câm”, một góc nhìn nhân văn về cuộc sống, về những khát vọng và những điều tốt đẹp mà trong bộn bề, đôi lúc chúng ta tưởng chừng không còn có thể gặp, thì lại hiện hữu rất chân thực ở đâu đó trong xã hội.

Khó có thể nói hết cảm xúc của cả ekip. Chỉ biết rằng, vinh dự vừa là động lực, nhưng cũng là niềm tin, cổ vũ và tiếp thêm nguồn năng lượng cho chúng tôi - những người làm báo của Đài PT - TH tỉnh Thái Nguyên có thêm động lực cho sáng tạo nghệ thuật!

Nhạc sĩ Phạm Đình Chiến: “Món quà” vô giá với tôi

Nhạc sĩ Phạm Đình Chiến (1962) là cử nhân sáng tác Âm nhạc, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Hiện nay, ông đang là Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, Chi hội Trưởng Chi hội Âm nhạc Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên. Tính đến nay, ông đã sáng tác hơn 60 tác phẩm thanh nhạc viết về thiếu nhi, quê hương đất nước, Đất và Người Thái Nguyên… và gặt hái được nhiều giải thưởng tại các Cuộc thi sáng tác ở trung ương và địa phương.

Tại Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021, ông cùng với cộng sự Nguyễn Thế Truyền đã xuất sắc giành giải A với nhóm tác phẩm “Lời ru của Mẹ” và “Hoa tường vy bên lăng Bác”.

Dù thời gian qua, tôi cũng đã giành được một số giải thưởng về âm nhạc ở trung ương và khu vực nhưng khi được nhận Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên 2017 - 2021 đã mang lại cho tôi cảm xúc thật đặc biệt, bởi đây là sự ghi nhận sâu sắc của tỉnh nhà đối với bản thân tôi cũng như các tác giả khác. Buổi lễ trao giải sẽ là một kỉ niệm không thể quên. Thật ấn tượng khi mỗi tác giả tác phẩm được xướng tên đều mang những ánh mắt và nụ cười rạng rỡ hân hoan, đầy tự hào của những con người cống hiến cho văn học nghệ thuật quê hương mình. Làm nên thành quả đó là cả một quá trình lao động nghệ thuật đầy gian nan, tâm huyết.

Tôi vui vì được đóng góp một phần nhỏ bé để ca ngợi, quảng bá cho quê hương Thái Nguyên yêu dấu của mình. Đây quả thực là “món quà” vô giá với tôi, khích lệ tôi cùng các nghệ sĩ khác tiếp tục sáng tác, sáng tạo, đặc biệt là mảng đề tài về Thái Nguyên.

Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Nông Phúc Tước: Nỗ lực, có duyên và may mắn “thu về trái ngọt”

Nông Phúc Tước sinh năm 1948, dân tộc Tày. Ông là một trong những thành viên trong Ban Vận động sáng lập Hội VHNT tỉnh (1987). Ông đã đảm nhiệm vai trò Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội VHNT tỉnh) hơn 20 năm qua. Ông cũng là hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Ông chủ yếu nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật và đã có hơn 10 đầu sách về Văn nghệ dân gian chủ yếu về dân tộc Tày. Ông đã liên tiếp 4 lần đoạt giải tại các kỳ Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 5 năm.

Việc giành được giải thưởng vừa qua khiến tôi rất vui mừng và hạnh phúc. Công lao, cố gắng, nỗ lực âm thầm nhiều năm tháng đi điền dã, sưu tầm, chỉnh lý, biên soan, chú thích các điển tích, chữ cổ rồi dịch ý, dịch thơ cho đúng, cho sát ý mà vẫn giữ được chất dân gian, nhịp điệu thơ truyền thống của dân tộc… đã được các cấp Giám khảo ghi nhận.

Phần việc gian nan, vất vả nhất và cũng chiếm nhiều thời gian nhất là chuyển từ chữ Nôm Tày sang chữ Tày phiên âm quốc ngữ. Để đọc được chữ Nôm Tày chỉ có con đường tự học. Không có tài liệu và trường lớp nào dạy. Tự học từ các nghệ nhân cao niên. Khi đã có chút vốn liếng thì bắt đầu mày mò đọc. Gặp chữ khó lại lên đường đến gặp các cụ nghệ nhân để hỏi. Cụ nghệ nhân này bí lại đến gặp cụ nghệ nhân khác. Cũng có trường hợp đến nơi thì nghệ nhân đó đã ra đi về cõi tổ tiên.

Phần dịch thơ cũng gặp nhiều khó khăn. Nhịp điệu và hình ảnh thơ Tày không giống thơ tiếng Việt/ tiếng Kinh mà mình lại không phải là người làm thơ hoặc sành thơ tiếng Việt. Đôi khỉ chỉ một câu mà loay hoay vài ba ngày mới xong. Kể lể ra đây đôi chút công việc “bếp núc” của người làm về Văn học dân gian dân tộc thiểu số để thấy rằng công việc là không hề đơn giản.

Việc được trao tặng giải thưởng vừa là động lực, vừa là áp lực cho những công trình sáng tạo tiếp theo. Mình phải tự vượt qua chính mình là một thách thức lớn. Công thức: Nỗ lực kết hợp Duyên và May mắn thì sẽ có cơ hội đoạt được giải thưởng là điều cá nhân tôi luôn tâm niệm. Tuy nhiên, nỗ lực, cố gắng hết sức mình từng ngày vẫn là điều kiện tiên quyết.

Nhân dịp năm mới đầu xuân, có đôi lời bộc bạch. Kính chúc năm Giáp Thìn tất cả anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà bút lực như rồng vàng bay.

NSƯT Đỗ Minh Chuyên: Tiếp thêm “lửa” để anh em nghệ sĩ vượt khó, tiếp tục cống hiến

NSƯT Đỗ Minh Chuyên (1972), hiện đang là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Ông đã gắn bó với nghề diễn viên Chèo và “nghiệp” chèo hơn 30 năm nay và gặt hái được 01 Huy chương Vàng, 04 Huy chương Bạc tại các Hội diễn Sân khấu và Chèo toàn quốc.

Vở chèo “Huyền thoại Sông và Núi” do ông làm Chỉ đạo nghệ thuật đã xuất sắc giành Huy chương Bạc Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 và giải A Tại Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 – 2021.

Trong làng Chèo của Việt Nam chỉ còn khoảng 16 đơn vị, trong đó Chèo Thái Nguyên có thể nói là đang khó khăn nhất về mọi mặt nhất là về cơ sở vật chất và con người. Một số tỉnh bạn như Nhà hát Chèo Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc… đã sáp nhập với Đoàn Nghệ thuật nhưng Chèo cùng với Ca múa vẫn là 2 mảng chính. Còn Chèo Thái Nguyên hiện chỉ là một tổ thuộc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi vẫn dàn dựng vở diễn dài 2 tiếng “Huyền thoại Sông và Núi” và giành giải Bạc tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2019. Giải thưởng này sánh ngang với Nhà hát Chèo Việt Nam - người anh cả của Chèo Việt Nam. Đạt được điều đó là cả một sự nỗ lực âm thầm và quyết tâm của anh em nghệ sĩ.

Vở diễn không chỉ nói đến địa danh du lịch Hồ Núi Cốc mà còn giới thiệu về đất và người Thái Nguyên, về văn hóa đa sắc màu dân tộc của Thái Nguyên. Nó đã được một số Đài PT - TH trung ương và địa phương phát sóng, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh Thái Nguyên đến với nhân dân trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, Liên hoan Chèo chỉ là đánh giá chính về chuyên môn. Và, nhờ có Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021 thì thành tựu của anh em nghệ sĩ đã chính thức được tỉnh nhà ghi nhận. Nó như một “ngọn lửa” thúc giục anh em chúng tôi vượt khó để tiếp tục “đốt cháy hết mình” với đam mê nghệ thuật nói chung và Chèo nói riêng.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy